Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Trịnh Lê Hồng Minh - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park. Bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh.
Chụp cộng hưởng từ khớp gối là một phương pháp tối ưu trong việc chẩn đoán và đánh giá toàn diện các thành phần cấu tạo của đầu gối. Vậy chụp cộng hưởng từ dây chằng đầu gối được chỉ định cho những đối tượng nào?.
1. Chụp cộng hưởng từ (MRI) khớp gối là gì?
Chụp cộng hưởng từ ( hay còn gọi là chụp MRI) khớp gối sử dụng từ trường mạnh, sóng vô tuyến và máy tính để tạo ra hình ảnh chi tiết của các cấu trúc trong khớp gối như sụn, xương, gân, dây chằng, cơ, mạch máu.
Thông thường chụp cộng hưởng từ (MRI) khớp gối được sử dụng để chẩn đoán hoặc đánh giá tình trạng đau, phù nề hoặc chảy máu trong và quanh khớp. MRI khớp gối có thể giúp xác định xem bạn có cần phẫu thuật hay không?
2. Chỉ định chụp cộng hưởng từ khớp gối dành cho ai?
Phương pháp chụp cộng hưởng từ khớp gối đa số được áp dụng phổ biến cho những đối tượng viêm khớp dạng thấp, ít vận động, vận động đột ngột nên đau khớp, người cao tuổi, người bị loãng xương, vận động viên thể thao, trẻ sơ sinh bị bất thường về khớp.
Cụ thể chỉ định chụp cộng hưởng từ khớp gối dành cho:
- Các trường hợp bất thường hoặc tổn thương sụn, dây chằng.
- Đầu gối có những dấu hiệu bất thường như: Yếu, khó vận động, đau, sưng...
- Bị viêm nhiễm hoặc thoái hóa như: Thoái hóa khớp, viêm tủy xương, viêm khớp;
- Hoạt động mạnh gây chấn thương đầu gối như: Rách hoặc tổn thương dây chằng, rách gân...;
- Có phát hiện gãy xương nhưng chụp CT, X-quang hoặc thực hiện phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác không thấy;
- Tràn dịch khớp gối;
- Khớp gối khó hoặc hạn chế vận động;
3. MRI dây chằng đầu gối có ưu điểm gì so với các phương pháp khác
Chụp cộng hưởng từ khớp gối là một phương pháp tối ưu trong việc chẩn đoán và đánh giá toàn diện các thành phần cấu tạo của khớp gối như: Xương, cơ, khớp, dây chằng, bao dịch hoạt..., phát hiện các điểm bất thường trong cấu trúc mô, cơ mà các kĩ thuật khác như chụp CT, X-Quang hay siêu âm không thực hiện được.
Ưu điểm vượt trội của chụp cộng hưởng khớp gối là kỹ thuật chẩn đoán không xâm lấn, không chứa ion bức xạ và không gây ra tác dụng phụ. Máy chụp cộng hưởng từ hiện đại ngày nay khắc phục được hầu hết các nhược điểm của các dòng máy trước đây như phát ra tiếng ồn lớn, thời gian thực hiện lâu và mang lại cảm giác thoải mái nhất cho người bệnh.
Thời gian chụp MRI khớp gối khá nhanh, thường dao động khoảng 10 – 15 phút, kết quả có trong vòng 45 phút.
4. Khi thực hiện chụp cộng hưởng dây chằng đầu gối cần lưu ý những gì?
Đến thời điểm hiện tại chưa ghi nhận bất kỳ tác dụng phụ nào. Tuy nhiên, trước khi thực hiện chụp cộng hưởng dây chằng đầu gối cần nói với bác sĩ tiền sử bệnh , đặc biệt lưu ý với các trường hợp sau:
- Bệnh nhân đã từng phẫu thuật cấy ghép kim loại như: cấy van tim nhân tạo, đặt stent mạch vành, kẹp mạch vành...
- Bệnh nhân sợ các nơi chật hẹp, đóng kín, hội chứng sợ lồng kính (Claustrophobia)
- Chứa dị vật kim loại trong cơ thể như: mảnh đạn, nẹp vít trong phẫu thuật xương, răng giả, niềng răng, chỏm xương nhân tạo...
- Sử dụng các thiết bị hỗ trợ: Máy tạo nhịp tim, máy khử rung tim, máy trợ thính, thiết bị bơm thuốc tự động dưới da (với bệnh nhân điều trị đái tháo đường)...
- Bệnh nhân tâm thần, người có kích thước quá cỡ, trẻ nhỏ nghịch ngợm, không hợp tác.
- Người bệnh lao động trực tiếp trong môi trường khai thác và sản xuất kim loại.
5. Bệnh nhân cần chuẩn bị những gì khi chụp MRI
Trước khi chụp cộng hưởng từ khớp gối:
- Bệnh nhân nên mang theo hồ sơ bệnh án cũ, giấy tờ tùy thân, kết quả xét nghiệm gần nhất... để bác sĩ xem xét và tư vấn thực hiện.
- Phụ nữ mang thai dưới 12 tuần tuổi cần cân nhắc kỹ lưỡng và có sự chỉ định của Bác sĩ chuyên khoa khi thực hiện chụp cộng hưởng từ dây chằng đầu gối.
- Không mang các vật dụng chứa kim loại như: kẹp cà vạt, chìa khóa, đầu bút bi, tiền kim loại, thắt lưng, trang sức, đồng hồ... vì có thể gây ảnh hưởng đến cơ thể người bệnh và làm sai lệch kết quả.
- Các thiết bị điện từ như: thẻ tín dụng, thẻ rút tiền tự động (thẻ ATM), thẻ nhớ, chìa khóa từ, điện thoại di động có thể bị mất dữ liệu khi tiến hành chụp cộng hưởng từ.
- Với bệnh nhân đã thực hiện phẫu thuật cấy ghép thiết bị hỗ trợ tim mạch, máy tạo nhịp, máy trợ thính, kẹp mạch máu, các nẹp vít xương, răng giả, chỏm xương nhân tạo... cần nói rõ các thông tin cho bác sĩ để được tư vấn.
- Người bệnh tâm thần, trẻ nhỏ, người mắc hội chứng sợ lồng kính có thể được chỉ định dùng thuốc an thần hoặc gây mê theo chỉ định của bác sĩ trước khi thực hiện.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.