Chữa tràn dịch khớp gối bằng ngải cứu và những điều cần biết

Chữa tràn dịch khớp gối bằng ngải cứu là bài thuốc dân gian được áp dụng phổ biến ở Việt Nam. Bệnh nhân có thể kết hợp ngải cứu cùng những nguyên liệu khác giúp giảm tình trạng đau nhức khớp gối hiệu quả và an toàn. Tuy nhiên, trước khi sử dụng người bệnh cần tìm hiểu kỹ để tránh gây tác dụng phụ không mong muốn.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Tổng quát về cây ngải cứu

Ngải cứu là một loại cây thân cỏ, mọc khá nhiều ở Việt Nam. Cây sống khá lâu năm, đặc trưng bởi những rãnh chạy dọc thân cây. Lá của cây ngải cứu thường mọc quanh thân hoặc cành. Đây là một trong nhiều loại thảo mộc được tin dùng trong điều trị bệnh, đặc biệt là các bệnh về khớp

Ngải cứu là một trong những cây thuốc thiên nhiên được nhiều người bệnh tin dùng trong điều trị các tình trạng khớp.
Ngải cứu là một trong những cây thuốc thiên nhiên được nhiều người bệnh tin dùng trong điều trị các tình trạng khớp.

Ngoài khả năng làm thuốc, ngải cứu còn được sử dụng như một loại rau trong các bữa cơm hàng ngày. Khi nấu chín, ngải cứu có vị đắng và hơi khó ăn. Đôi lúc, trứng sẽ được kết hợp với ngải cứu để giảm đi độ đắng.

Theo y học dân gian, ngải cứu có tính ấm,cay và đắng, khi dùng vào kinh tỳ, can, thận. Lá ngải cứu có tác dụng rất tốt trong việc cầm máu, an thai, giải cảm, giảm đau nhức hoặc cảm cúm. Vì thế, nhiều người bệnh đã truyền tai nhau rằng có thể chữa tràn dịch khớp gối bằng cây ngải cứu.  

2. Những yếu tố ảnh hưởng thời gian hồi phục tràn dịch khớp gối

Trước khi tìm hiểu về chữa tràn dịch khớp gối bằng ngải cứu, người bệnh nên biết về bệnh này. Tràn dịch khớp gối sẽ có thời gian hồi phục tổn thương khác nhau tùy theo mỗi người. Vì thế, việc điều trị bệnh cũng khác nhau ở mỗi bệnh nhân.  

Việc điều trị tràn dịch khớp gối sẽ có thời gian khác nhau, tùy vào tình trạng sức khoẻ của người bệnh.
Việc điều trị tràn dịch khớp gối sẽ có thời gian khác nhau, tùy vào tình trạng sức khoẻ của người bệnh.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tràn dịch khớp gối. Có thể kể đến như chấn thương, rách sụn chêm hay hoạt động quá mức. Ngoài ra, việc xác định chính xác thời gian chữa trị có thể dựa vào một số yếu tố khác. Các yếu tố có thể kể đến bao gồm:

  • Tần suất: Việc các cơn đau khớp xảy ra thường xuyên hay không cũng là một yếu tố quan trọng. Các cơn đau sẽ xác định được mức độ tổn thương của khớp gối, tình trạng bệnh lý hay mức độ tràn dịch.
  • Cơ địa hay tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Điều này sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến thời gian điều trị.  
  • Phương pháp điều trị: Việc sử dụng phương pháp điều trị như thế nào cũng đóng một vai trò quan trọng trong thời gian khỏi bệnh.  

Vì lẽ đó, bệnh nhân hãy tập trung vào quá trình điều trị theo hướng dẫn cụ thể của bác sĩ. Hãy xem việc chữa tràn dịch khớp gối bằng cây ngải cứu là một biện pháp bổ sung để tăng tính hiệu quả cho tình trạng bệnh của mình.

3. Các bài thuốc chữa tràn dịch khớp gối bằng ngải cứu

Ngải cứu là một loại thảo mộc được sử dụng nhiều nhất để chữa tràn dịch khớp gối. Với các hoạt chất tốt, giúp trị hàn, cầm máu, giảm sưng và giảm đau khớp. Vì thế, việc chữa tràn dịch khớp gối bằng loại cây này thực sự mang lại tác dụng cho người bệnh. Khi điều trị, các hoạt chất trong ngải cứu sẽ làm giảm các triệu chứng của bệnh tràn dịch khớp gối.

Dưới đây là một số cách chữa tràn dịch khớp gối bằng cây ngải cứu mà người bệnh có thể tham khảo.

3.1 Ngải cứu và muối

Muối có tính sát khuẩn cao, từ đó làm tăng hiệu quả kháng viêm khi kết hợp cùng ngải cứu. Cách điều trị này được nhiều người bệnh áp dụng và ghi nhận sự hiệu quả tốt. Người bệnh có thể chuẩn bị bài thuốc này như sau:

  • Chuẩn bị một nắm lá ngải cứu tươi, rửa sạch và ngâm nước muối trong 15 phút. Sau đó, rửa sạch lá ngải cứu và để ráo nước.
  • Rang muối hạt cho tới khi nóng lên, sau đó cho ngải cứu vào rang chung.
  • Tắt bếp khi người bệnh ngửi được mùi thơm của lá ngải cứu bốc lên.
  • Cho hỗn hợp vừa rang vào một túi vải khô. Tuy nhiên, hãy để nguội bớt một chút trước khi dùng.
  • Dùng túi này chườm lên đầu gối hoặc khu vực bị đau. Bệnh nhân nên chườm liên tục cho đến khi hỗn hợp này nguội hoàn toàn.

Bệnh nhân có thể dùng cách này từ 2 đến 3 lần mỗi ngày, cho tới khi thấy được hiệu quả.

3.2 Sắc thuốc bằng ngải cứu

Ngoài việc hỗ trợ và điều trị tình trạng khớp, sử dụng ngải cứu thường xuyên cũng tăng cường sức đề kháng cho người bệnh. Khi sử dụng nước thuốc sắc bằng lá ngải cứu, người bệnh có thể thấy được hiệu quả sau 1 đến 2 tháng. Cách làm như sau:

Chuẩn bị một nắm lá tươi hoặc khoảng 10gam lá khô, rửa sạch và để ráo.

Nấu lá ngải cứu cùng với nửa lít nước sạch. Khi nước sôi, hạ lửa nhỏ và tiếp tục nấu trong khoảng 20 đến 30 phút. Lúc này, nước thuốc còn khoảng 1 chén thì tắt bếp.

Chia đều nước thuốc ra ba phần bằng nhau để uống trong ngày.

3.3 Ngải cứu và gừng

Gừng cũng là một vị thuốc dân gian được nhiều người bệnh tin dùng. Vì thế, bệnh nhân có thể kết hợp hai vị thuốc này với nhau trong quá trình điều trị. Cách làm như sau:

  • Cạo sạch vỏ củ gừng, sau đó giã nhuyễn cùng với lá ngải cứu.
  • Đem hỗn hợp này đi sao/rang trên chảo, cho tới khi đạt nhiệt độ thích hợp.
  • Cho hỗn hợp này vào túi vải và chườm lên vùng khớp gối bị tràn dịch.
  • Phương pháp này giúp giảm đau, giảm viêm và qua đó, hạn chế viêm nhiễm khớp gối.

4. Những lưu ý cần biết khi dùng ngải cứu chữa tràn dịch khớp gối

Nhìn chung, việc chữa tràn dịch khớp gối bằng ngải cứu sẽ an toàn và lành tính. Tuy nhiên, nếu sử dụng sai cách thì vẫn có những hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, người bệnh cần lưu ý một số điểm như sau:

  • Nên thăm khám và hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện.
  • Nếu tình trạng bệnh trở nên nặng hơn, hãy đến cơ sở y tế ngay lập tức.
  • Chế độ ăn hàng ngày nên bổ sung một vài loại thực phẩm chống viêm như rau xanh, trái cây.
  • Không nên vận động quá mạnh, mang vác đồ đạc để hạn chế ảnh hưởng đến khớp. 
Chữa tràn dịch khớp gối bằng ngải cứu chỉ nên áp dụng trong các trường hợp bệnh nhẹ, nếu xuất hiện triệu chứng nghiêm trọng nên đến bác sĩ để thăm khám.
Chữa tràn dịch khớp gối bằng ngải cứu chỉ nên áp dụng trong các trường hợp bệnh nhẹ, nếu xuất hiện triệu chứng nghiêm trọng nên đến bác sĩ để thăm khám.

Bệnh tràn dịch khớp gối, dù là nhẹ hay nặng cũng cần được thăm khám và điều trị thích hợp. Người bệnh hãy tiến hành chữa tràn dịch khớp gối bằng cây ngải cứu sau khi đã hỏi ý kiến bác sĩ và xem xét tình hình. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe