Chữa đau xương khớp bằng lá ngải cứu là phương pháp hiệu quả, vì lá ngải cứu từ lâu đã được biết đến như một vị thuốc quý trong y học cổ truyền. Hiện nay, có rất nhiều cách dùng ngải cứu để chữa đau xương khớp như sắc thuốc uống, rang nóng, kết hợp với các nguyên liệu khác hoặc phổ biến nhất là chườm nóng.
Nội dung video được tư vấn chuyên môn bởi BS Nguyễn Thùy Trang, Trung tâm Y học cổ truyền Vinmec - Sao Phương Đông
1. Lá ngải cứu là gì?
Lá ngải cứu, tên khoa học là Artemisia vulgaris L., thuộc họ Cúc (Asteraceae), là loại cây thân cỏ sống lâu năm với đặc điểm thân có rãnh dọc. Lá ngải cứu mọc so le, không cuống, hai mặt lá có màu sắc khác biệt: mặt trên nhẵn màu lục sẫm, mặt dưới trắng tro và phủ nhiều lông nhỏ.
Cây ngải cứu là loài cây dễ kiếm, mọc hoang, đồng thời có thể trồng tại nhà như một loại thuốc giảm đau xương khớp hiệu quả từ thiên nhiên. Vì vậy, nếu có điều kiện, mọi người nên tự trồng một vài khóm cây ngải cứu xung quanh nhà vì cây rất dễ trồng, có thể mọc trong bóng râm, chỉ cần giâm cành.
Theo y học cổ truyền, lá ngải cứu có vị cay, đắng, tính ấm, vào kinh tỳ, can, thận. Tác dụng là ôn bào cung, an thai, cầm máu, trừ hàn, giảm đau…
2. Chườm nóng chữa đau xương khớp bằng lá ngải cứu
2.1 Chườm ngải cứu cùng muối và gừng
Chườm ngải cứu có tác dụng gì cũng là vấn đề nhiều người quan tâm. Thông thường, ngải cứu sẽ được sao nóng cùng muối và gừng để tăng thêm hiệu quả điều trị sau khi chườm. Ngải cứu với các hoạt chất như Flavonoid, Coumarin… có tác dụng giảm đau nhức vùng khớp bị viêm hiệu quả.
Bên cạnh đó, muối hỗ trợ sát khuẩn, giảm viêm và giữ nhiệt giúp chườm lâu hơn. Gừng có tác dụng thông mạch, chống viêm và giảm đau, rất phù hợp để điều trị các cơn đau do viêm khớp. Nếu có rượu trắng, phun thêm khoảng 5ml để tăng cường hiệu quả hoạt huyết thông kinh của rượu.
Chuẩn bị:
- Lá ngải cứu: Nhặt lá vàng, lá úa nhưng có thể giữ cả cuống và lá già vì đây là phần chứa nhiều tinh chất.
Cách chườm nóng:
- Rửa sạch lá và để ráo nước.
- Cho lá ngải cứu, muối và gừng đập dập vào chảo, sao nóng trên lửa to khoảng 10 phút cho đến khi hỗn hợp nóng và mềm.
- Đảo thêm vài lần rồi rải lá ra khăn bông, cuộn tròn lại, chườm vào vùng khớp bị đau.
- Nếu bệnh nhân bị đau thắt lưng, cổ vai gáy: Đặt khăn ngải cứu đã chườm nóng dưới vùng cần trị liệu và nằm lên.
- Nếu bệnh nhân bị đau khớp gối, cổ tay: Quấn khăn ngải cứu quanh vùng khớp bị đau.
- Nếu bệnh nhân bị đau khớp háng: Nằm nghiêng và đặt khăn ngải cứu lên khung xương chậu.
Lưu ý: Chỉ sử dụng mỗi túi chườm 1 lần vì tinh dầu ngải cứu đã giải phóng hết, bay hơi đi nên hiệu lực giảm.
Bài thuốc chữa đau xương khớp bằng lá ngải cứu này lành tính, an toàn, phù hợp để sử dụng lâu dài cho người bị đau do trời lạnh hoặc thay đổi thời tiết. Tuy nhiên, không chườm ngải cứu cho các trường hợp: vết thương hở, da trầy xước, lở loét mụn nhọt, tổn thương ngứa rát da, vùng da bị giãn tĩnh mạch, người đang sốt, khớp sưng nóng đỏ đau, hoặc người đang bị mất cảm giác (để tránh gây bỏng da).
2.2 Kết hợp giấm và ngải cứu
Bài thuốc này sử dụng 100g lá ngải cứu và giấm gạo để giảm đau xương khớp hiệu quả.
Cách thực hiện:
- Rửa sạch lá ngải cứu, giã nát.
- Trộn lá ngải cứu với giấm, đảm bảo hỗn hợp không quá ướt.
- Làm nóng hỗn hợp, cho vào túi vải.
- Chườm lên vùng khớp bị đau trong 15 phút.
Kiên trì thực hiện phương pháp này từ 2-3 lần mỗi ngày sẽ mang lại hiệu quả giảm đau xương khớp nhanh chóng.
2.3 Chữa đau xương khớp bằng lá ngải cứu rang muối
Chữa đau xương khớp bằng lá ngải cứu rang muối mang lại hiệu quả sát khuẩn, kháng viêm, giảm đau nhức hiệu quả, thường được sử dụng cho bệnh nhân viêm khớp, thoái hóa xương khớp và phong thấp.
Cách thực hiện như sau:
- Cần chuẩn bị lá ngải cứu và muối hạt với lượng vừa đủ cho vùng khớp bị đau.
- Rửa sạch lá ngải cứu và để ráo nước hoàn toàn.
- Rang lá ngải cứu cùng với muối hạt cho đến khi hỗn hợp nóng lên.
- Đổ hỗn hợp vừa rang vào một khăn mềm hoặc túi vải, sau đó chườm nóng lên vùng khớp bị viêm.
Người bệnh có thể dùng bài thuốc này nhiều lần trong ngày để giảm đau nhức xương khớp.
3. Các cách chữa đau xương khớp bằng lá ngải cứu khác
Chữa đau xương khớp bằng lá ngải cứu là cách làm dân gian, được lưu truyền từ bao đời nay. Hiện nay, có rất nhiều cách dùng ngải cứu để chữa đau xương khớp như sắc thuốc uống, kết hợp với các nguyên liệu khác... Bài viết này sẽ giới thiệu thêm một số cách đơn giản để mọi người có thể áp dụng tại nhà.
3.1 Thuốc sắc từ ngải cứu
Nguyên liệu:
- Một bó ngải cứu tươi hoặc khô.
Cách thực hiện:
- Rửa sạch lá ngải cứu tươi.
- Cho lá ngải cứu vào ấm nước cùng 0,5 lít nước sạch và đun sôi trong 20 phút.
- Đổ nước thuốc ra cốc, chia thành 3 phần bằng nhau và uống 3 lần mỗi ngày.
Hiệu quả của phương thuốc này đòi hỏi sự kiên trì. Sử dụng thuốc đều đặn mỗi ngày sẽ giúp cải thiện rõ rệt tình trạng đau nhức xương khớp.
3.2 Ngải cứu và mật ong
Chữa đau xương khớp bằng lá ngải cứu và mật ong mang đến hiệu quả tuyệt vời trong việc cải thiện tình trạng bệnh. Đây không chỉ là phương pháp hỗ trợ điều trị hiệu quả mà còn có thể sử dụng lâu dài để bồi bổ dưỡng chất và nâng cao sức khỏe xương khớp.
Cách thực hiện như sau:
- Rửa sạch lá ngải cứu dưới vòi nước sạch.
- Xay nhuyễn lá ngải cứu và lọc lấy nước cốt.
- Thêm 2 thìa mật ong vào phần nước cốt và khuấy đều.
- Uống hỗn hợp này hai lần mỗi ngày, vào buổi sáng và buổi chiều.
3.3 Các món ăn từ ngải cứu
Chế biến ngải cứu thành các món ăn giúp chữa đau xương khớp là một phương pháp hiệu quả. Dưới đây là cách làm một món ăn phổ biến từ lá ngải cứu:
3.3.1 Canh ngải cứu lá lốt
Nguyên liệu:
- Một nắm lá ngải cứu
- Một nắm lá lốt
- 100g thịt nạc băm nhuyễn
- Một củ gừng
Chuẩn bị:
- Ướp thịt với gia vị.
- Rửa sạch lá ngải cứu và lá lốt, sau đó cắt thành khúc nhỏ khoảng 1cm.
- Thái gừng thành lát mỏng.
Chế biến:
- Đun nóng một ít dầu ăn, xào thịt trong khoảng 1-2 phút.
- Đổ nước vào nồi, đun sôi. Cho lá ngải cứu, lá lốt và gừng vào nồi, nấu chín.
- Nêm nếm cho vừa ăn.
3.3.2 Trứng rán ngải cứu
Nguyên liệu:
- Một nắm lá ngải cứu nhỏ
- 2 quả trứng gà
Cách làm:
- Rửa sạch lá ngải cứu, sau đó cắt thành từng khúc nhỏ khoảng 1cm.
- Đập trứng vào tô, thêm gia vị và khuấy đều.
- Cho lá ngải cứu vào tô trứng, đánh đều hỗn hợp.
- Đun nóng chảo, sau đó đổ hỗn hợp vào và rán chín.
Bổ sung những món ăn này vào thực đơn hàng ngày sẽ giúp bệnh nhân cải thiện tình trạng đau xương khớp một cách hiệu quả.
4. Những lưu ý khi chữa đau xương khớp bằng lá ngải cứu
Mặc dù chữa đau xương khớp bằng lá ngải cứu là phương pháp hiệu quả, nhưng để đạt hiệu quả tốt nhất, bệnh nhân cần lưu ý một số điểm sau:
- Lá ngải cứu chỉ có công dụng hỗ trợ điều trị đau xương khớp ở mức độ nhẹ và vừa. Nếu tình trạng bệnh đã chuyển nặng, người bệnh cần lập tức đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.
- Hiệu quả của ngải cứu phụ thuộc vào cơ địa của từng người. Do đó, một số bệnh nhân có thể không nhận được kết quả như mong muốn.
- Chườm ngải cứu phối hợp với các nguyên liệu khác giảm đau khớp tuy hiệu quả nhưng dễ gây bỏng da nếu nhiệt độ quá cao. Do vậy, cần cẩn trọng, chỉ chườm khi hỗn hợp nguội đến mức an toàn cho da.
- Việc sử dụng bài thuốc từ ngải cứu quá liều lượng cho phép có thể dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng như rối loạn tiêu hóa, tổn thương gan, co giật, ngộ độc và các tác dụng phụ nguy hiểm khác. Do vậy, khi gặp bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, bệnh nhân cần lập tức ngưng sử dụng ngải cứu và đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.
- Bệnh nhân nên kết hợp sử dụng ngải cứu với các phương pháp điều trị khác, bao gồm cả thuốc tây y.
Việc sử dụng lá ngải cứu chỉ mang tính hỗ trợ giảm triệu chứng đau nhức xương khớp, không điều trị dứt điểm. Bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương pháp điều trị phù hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.