Chữa thoát vị đĩa đệm bằng sóng cao tần là phương pháp đang ngày càng được bệnh nhân lựa chọn điều trị. Phương pháp này sử dụng sóng cao tần để giảm đau và cải thiện chức năng của đĩa đệm mà không cần phẫu thuật mở. Vì thế, hãy cùng tìm hiểu các thông tin về phương pháp này cũng như lợi ích và những điều cần biết ngay trong bài viết dưới đây.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS.BSNT Phan Bá Quỳnh - Bác sĩ ngoại chấn thương chỉnh hình, chuyên khoa Phẫu thuật cột sống - Phẫu thuật khớp và Y học thể thao thuộc Trung tâm chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
1. Tổng quan về phương pháp sóng cao tần
Thoát vị đĩa đệm đang trở thành một căn bệnh phổ biếnvà việc điều trị gặp nhiều khó khăn. Tình trạng thoát vị đĩa đệm ảnh hưởng khá nhiều đến đời sống của bệnh nhân, vì thế, các phương pháp điều trị bệnh đã liên tục được phát minh và cải tiến.
Trong số đó, phương pháp chữa bệnh bằng sóng cao tần là một phương pháp khá mới mẻ.
Các bác sĩ sẽ sử dụng sóng cao tần, có tần số từ 20Mhz đến 1200Mhz để điều trị. Sóng này tác động mạnh vào khu vực đĩa đệm và bên trong đĩa đệm, giúp phần nhân nhầy trở về vị trí ban đầu và phục hồi chức năng của đĩa đệm. Không những thế, đĩa đệm cũng được cải thiện khả năng phục hồi, từ đó tăng tiết dịch nhầy bôi trơn.
Phương pháp điều trị bằng sóng cao tần còn được gọi là sóng radio hoặc sóng RF. Dù khác nhau về tên gọi nhưng cách thực hiện đều tương tự nhau. Tất cả đều là phương pháp sử dụng sóng có tần số từ 20Mhz đến 1200Mhz để điều trị. Vì thế, người bệnh không cần quá lo lắng về điều này.
2. Ai nên thực hiện phương pháp này?
Chữa thoát vị đĩa đệm bằng sóng cao tần không phù hợp với mọi bệnh nhân. So với các phương pháp khác, sóng cao tần có nhiều ưu điểm như hiệu quả nhanh, không xâm lấn và thời gian trị liệu ngắn, giúp bệnh nhân phục hồi nhanh chóng.
Theo các chuyên gia, những đối tượng sau sẽ thích hợp để điều trị bằng phương pháp này:
- Bệnh nhân chưa bị rách bao xơ đĩa đệm, dù đã bị thoát vị đĩa đệm.
- Người mắc thoát vị đĩa đệm không quá một nửa chiều dài đường kính cột sống.
- Bệnh nhân mắc thoát vị ở thắt lưng hoặc cổ và các phương pháp điều trị khác không hiệu quả.
- Người bệnh không mắc các bệnh lý cột sống khác, chỉ bị thoát vị đĩa đệm.
Nếu phân vân liệu mình có thích hợp để điều trị bằng cách này không, hãy hỏi ý kiến bác sĩ. Bác sĩ sẽ tiến hành một số xét nghiệm và tư vấn kỹ càng hơn. Một số bệnh nhân đặc biệt có thể được điều trị bằng sóng cao tần theo chỉ định của bác sĩ.
3. Ưu và nhược điểm của phương pháp sóng cao tần
Khi nhắc đến ưu điểm, đây chính là phương pháp được khuyên dùng nhất bởi các bác sĩ. Với rất nhiều điểm nổi trội, phương pháp này đang chiếm được sự tin tưởng của các chuyên gia.
Ưu điểm của phương pháp này có thể kể đến như sau:
- Không để lại vết thương, qua đó hạn chế tối đa xâm lấn.
- Không tổn thương đến đĩa đệm, bảo toàn được hình dạng ban đầu.
- Ít biến chứng sau khi điều trị.
- Không mất quá nhiều thời gian trong mỗi lần điều trị, trung bình chỉ khoảng 20 phút.
- Bệnh nhân không cần ở lại bệnh viện để theo dõi và có thể về ngay trong ngày.
- Phục hồi nhanh, ít yêu cầu nghỉ dưỡng. Vì thế, sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân được đảm bảo.
Tuy nhiên, cũng cần phải nhắc tới một số nhược điểm của phương pháp này:
- Chỉ áp dụng được cho một nhóm bệnh nhân nhất định.
- Chỉ hiệu quả khi bệnh ở giai đoạn đầu và được phát hiện sớm.
- Chi phí đắt đỏ khi so sánh với các liệu pháp khác.
- Có rất ít cơ sở y tế đủ máy móc, chuyên môn để điều trị bằng cách này.
4. Quy trình chữa thoát vị đĩa đệm bằng sóng cao tần
Nắm rõ quy trình đầy đủ của phương pháp điều trị sẽ giúp tâm lí bệnh nhân ở trạng thái tốt, hỗ trợ quá trình điều trị nhanh chóng hơn.
4.1 Thăm khám và xác định phương án
Đầu tiên, bệnh nhân sẽ được khám lâm sàng hoặc cận lâm sàng. Việc này đảm bảo bác sĩ xác định đúng bệnh lý, tình trạng bệnh, sức khoẻ bệnh nhân hiện tại.
Khi thăm khám, bệnh nhân sẽ được yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm. Các xét nghiệm bao gồm chụp X-quang, chụp CT, chụp MRI hay đo điện cơ.
4.2 Tư vấn điều trị
Khi bệnh nhân đã xét nghiệm và thăm khám, các bác sĩ sẽ tiến hành tư vấn để đưa ra quá trình điều trị thích hợp, tránh biến chứng. Các bác sĩ cũng có thể yêu cầu bệnh nhân không tiêu thụ chất kích thích, bia rượu hoặc hút thuốc.
4.3 Tiến hành điều trị
Trong quá trình điều trị, các bác sĩ sẽ tiến hành các bước sau:
- Sát trùng vùng da cần điều trị bằng sóng cao tần.
- Gây tê vùng cần điều trị để hạn chế đau đớn.
- Đưa kim vào vị trí đã được xác định từ trước
- Dẫn truyền sóng cao tần đến khu vực này, nhiệt độ của kim có thể nằm trong khoảng 40-70 độ C.
- Sóng cao tần kết hợp với nhiệt sẽ lan truyền đến đĩa đệm, điều chỉnh lại vị trí nhân nhầy.
- Kết thúc điều trị, các bác sĩ sẽ rút kim và theo dõi sức khoẻ của người bệnh.
4.4 Chăm sóc bệnh nhân
Thông thường, bệnh nhân có thể tự chăm sóc sau khi điều trị tại nhà. Người bệnh cần nghỉ dưỡng, hạn chế cử động mạnh hay khuân vác vật nặng trong khoảng 2 tuần. Các bác sĩ cũng sẽ yêu cầu bệnh nhân thực hiện vật lý trị liệu để đẩy nhanh quá trình phục hồi.
Vừa rồi là những chia sẻ về cách chữa thoát vị đĩa đệm bằng sóng cao tần. Hi vọng rằng, người bệnh có thể có được những thông tin hữu ích về phương pháp này. Ngay cả khi đã điều trị thoát vị đĩa đệm hoàn tất, người bệnh vẫn nên đi khám định kỳ để giảm thiểu khả năng tái phát bệnh và xử lý kịp thời các biến chứng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.