Hỏi
Chào bác sĩ,
Em bị ung thư ruột ngang cuối năm 2019. Em đã phẫu thuật cắt bỏ đoạn bị ung thư, nhưng sau khi chụp CT bác sĩ bảo em bị di căn. Hiện tại, em đang làm việc bên Nhật nên điều trị bên này. Cứ 3 tuần em đi truyền và nhận thuốc uống 2 tuần nghỉ một tuần. Quá trình điều trị cũng hơn một năm rồi. Trong thời gian này, em có chụp CT và MRI vài lần nhưng ko phát hiện những chấm đen di căn nữa. Chỉ có điều khi kiểm tra máu thì chỉ số CEA lúc đầu điều trị từ 235 sang 4,9 xuống 4.7. Do chụp CT không thấy gì nên bác sĩ giảm liều lượng thuốc thì chỉ số lại tăng lên là 5,1 > 5,5 > 5,8 > 8,1 và đến tháng trước là 83.2 thì bác sĩ cho truyền liều cao là 3 tiếng thì nó giảm xuống 73.1. Vậy bác sĩ cho em hỏi chỉ số CEA tăng khi điều trị ung thư ruột có sao không? Sang tháng 3 em lại chụp PET CT. Bác sĩ có thể cho em lời khuyên nào trong trường hợp này không? Em xin chân thành cảm ơn.
Khách hàng ẩn danh
Trả lời
Được giải đáp bởi Bác sĩ Tô Kim Sang - Trung tâm Ung bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Central Park.
Chào bạn,
Với câu hỏi “Chỉ số CEA tăng khi điều trị ung thư ruột có sao không?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:
CEA là một dấu ấn sinh học ung thư trong máu. Nồng độ của nó có thể tăng lên khi bệnh nhân mắc ung thư, đặc biệt là ung thư tế bào biểu mô của hệ tiêu hóa, hô hấp, niệu - dục....
Trong bệnh lý ung thư, vai trò quan trọng nhất của nồng độ CEA là theo dõi đáp ứng điều trị và tái phát, như đang được áp dụng trong trường hợp của bạn. Trong khi điều trị, nếu nồng độ CEA có xu hướng giảm tức gợi ý bệnh có đáp ứng với thuốc; ngược lại, nếu nồng độ CEA có xu hướng tăng tức có thể gợi ý bệnh không đáp ứng với thuốc. Tuy nhiên cần nhấn mạnh rằng, việc đo nồng độ CEA trong máu chỉ có giá trị gợi ý, thông tin chưa đủ mạnh để dùng khẳng định bệnh tiến triển và làm thay đổi kế hoạch điều trị, bởi vì bên cạnh ung thư, có nhiều nguyên nhân khác (như bệnh gan, đường ruột, suy thận, hút thuốc lá...) có thể gây ảnh hưởng đến nồng độ CEA. Để xác định bệnh tiến triển, cần thiết phải dựa vào các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như CT, MRI. Tuy vậy, nhược điểm là chỉ khi khối u hình thành đủ lớn mới nhận thấy trên các hình ảnh này nên các khối u kích thước quá nhỏ vẫn có thể bị bỏ sót.
Trường hợp của bạn, khi CEA tăng trên 10ng/ ml (gợi ý nhiều đến do nguyên nhân bệnh ác tính) nhưng chụp CT, MRI không ghi nhận bất kỳ hình ảnh khối u, chỉ định chụp PET được khuyến cáo. Sự khác biệt giữa CT, MRI và PET là nguyên lý hoạt động. Các tế bào ung thư thường có mức độ chuyển hóa cao hơn các tế bào lành do vậy dù chúng có kích thước nhỏ không thể ghi nhận bằng hình ảnh CT, MRI nhưng chúng có thể bắt thuốc mạnh hơn và tỏ sáng hơn trên hình ảnh của PET. Ở những người bệnh ung thư đại-trực tràng đã điều trị, không có triệu chứng nhưng có tăng nồng độ CEA và không có hình ảnh học cấu trúc bất thường thì khả năng phát hiện khối u của PET/CT được báo cáo là 79-100%.
Tóm lại, việc tăng nồng độ CEA chỉ có giá trị gợi ý bệnh tái phát/ tiến triển và nó không làm thay đổi kế hoạch điều trị trên lâm sàng. Do vậy, bạn cần chờ thêm kết quả của CT, MRI hoặc PET/ CT để đánh giá bệnh chính xác hơn.
Nếu bạn còn thắc mắc về chỉ số CEA tăng khi điều trị ung thư ruột, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.
Trân trọng!
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.