Lưu ý trước và sau xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Thị Vượng - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Xét nghiệm máu ẩn trong phân là xét nghiệm có thể phát hiện ra một lượng nhỏ máu lẫn trong phân, không nhìn thấy bằng mắt thường. Xét nghiệm này thường dùng để giúp chẩn đoán các rối loạn chảy máu trong đường tiêu hóa (thường là dạ dày và ruột).

1. Khái niệm xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân

Xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân có mục đích tìm lượng máu rất ít trong phân mà mắt thường không nhìn thấy được. Khi xuất hiện lượng máu rất ít trong phân thì có thể hệ thống đường tiêu hóa của bạn đang gặp vấn đề, ví dụ như : có khối u hoặc polyp hoặc ung thư đại tràng - trực tràng. Nếu lượng máu rất ít mà phát hiện được thì đây là yếu tố rất quan trọng để bác sĩ tìm ra nguồn chảy máu và có thể chẩn đoán và điều trị chính xác.

2. Những lưu ý trước khi làm xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân

Việc bạn chuẩn bị tốt những hướng dẫn dưới thì xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân sẽ cho kết quả tốt và không nên thực hiện xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân khi bạn có một trong những vấn đề sau:

  • Bị tiêu chảy hoặc táo bón
  • Mắc bệnh viêm đại tràng (đã biết khi nội soi đại tràng)

Bạn không được thực hiện xét nghiệm máu ẩn trong phân khi được chẩn đoán mắc bệnh viêm loét đại tràng
Bạn không được thực hiện xét nghiệm máu ẩn trong phân khi được chẩn đoán mắc bệnh viêm loét đại tràng
  • Bị Viêm túi thừa
  • Loét đường tiêu hóa sau khi đã thực hiện nội soi
  • Bị trĩ đang chảy máu
  • Đang trong thời kỳ kinh nguyệt

Thức ăn cũng có thể là nguyên nhân ảnh hưởng đến kết quả của xét nghiệm, thường khuyến cáo nên nhịn ăn trước khi thực hiện xét nghiệm. Không nên ăn những thức ăn dưới đây trước khi thực hiện xét nghiệm 48 - 72 giờ :

  • Một số trái cây và rau quả như: bông cải xanh, củ cải, cà rốt, dưa chuột, bưởi, nấm...
  • Các loại thịt đỏ.
  • Rau cải ngựa.
  • Vitamin C bổ sung.

Trước khi thực hiện xét nghiệm cũng nên ngưng trước 48 giờ tất cả các loại thuốc bạn đang dùng đặc biệt là các loại thuốc giảm đau, chẳng hạn như aspirin, ibuprofen (Advil, Motrin, những loại khác).

3. Lưu ý sau khi nhận được kết quả xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân

Ở người bình thường thì mỗi ngày có khoảng 0.5 đến 1.5 ml máu mất qua phân, xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân được thiết kế nhằm phát hiện số lượng máu mất nhiều hơn số bình thường này.


Thăm hỏi ý kiến bác sĩ trước khi xét nghiệm để đạt được kết quả tốt nhất
Thăm hỏi ý kiến bác sĩ trước khi xét nghiệm để đạt được kết quả tốt nhất

Nếu kết quả tìm máu ẩn trong phân dương tính điều này có nghĩa đã phát hiện được lượng máu bất thường trong phân. Nhiệm vụ bác sĩ phải tìm cho ra được chỗ chảy máu, có thể thực hiện thêm một số cận lâm sàng khác nữa ví dụ như nội soi đại tràng hoặc dạ dày, siêu âm bụng, chụp CT Scanner bụng, xét nghiệm thêm một số marker ung thư...

Nếu kết quả tìm máu ẩn trong phân âm tính điều này có nghĩa rằng không phát hiện được lượng máu bất thường trong phân và bạn nên tiếp tục tầm soát ung thư theo khuyến cáo của Bác sĩ.

4. Xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân định kỳ

Theo khuyến cáo của các bác sĩ thì bắt đầu từ 50 tuổi trở đi nên thực hiện xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân một lần trong mỗi năm, để theo dõi và phát hiện sớm và phòng tránh được ung thư trực tràng. Nếu xét nghiệm này được làm hằng năm thì có thể khuyến cáo kéo dài thời gian lên mỗi 5 năm mới thực hiện nội soi đại tràng kiểm tra polyps hoặc ung thư trực tràng.

Thạc sĩ. Bác sĩ. Trần Thị Vượng sau khi tốt nghiệp bác sĩ đa khoa đã có thời gian 2 năm đào tạo chuyên ngành vi sinh tại Nhật Bản. Với kinh nghiệm giảng dạy 9 năm tại trường Đại Học Y Dược Hải Phòng, tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước, được đào tạo liên tục về An toàn sinh học phòng xét nghiệm và Đảm bảo chất lượng xét nghiệm tại Bệnh viện Nhiệt Đới Trung Ương, có kinh nghiệm xét nghiệm chẩn đoán các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn và virus. Hiện đang là bác sĩ tại Khoa Xét nghiệm Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Nếu có nhu cầu tư vấn và thăm khám tại các Bệnh viện Vinmec thuộc hệ thống Y tế trên toàn quốc, Quý khách vui lòng đặt lịch trên website để được phục vụ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe