Chế độ ăn và lối sống - Mối liên quan đến ung thư

Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thị Nhã Hiền - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang

Tùy theo mỗi loại ung thư mà có những nguyên nhân riêng biệt. Một tác nhân sinh ung thư có thể gây ra một số loại ung thư và ngược lại một loại ung thư có thể do một số tác nhân khác nhau. Có 3 nhóm tác nhân chính gây ung thư: vật lý, hoá học và sinh học.

1. Tình hình ung thư hiện nay

Ước tính vào năm 2018, thế giới có 18.1 triệu lượt mắc và 9.6 triệu lượt tử vong vì bệnh ung thư. Số người trên toàn cầu sống sót sau 5 năm kể từ khi phát hiện là 43.8 triệu (GLOBOCAN 2018 - dự án của Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế).

Việt Nam đứng top 2 thế giới về tỷ lệ mắc bệnh ung thư. Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới ( WHO) 2014, mỗi năm Việt Nam có 200.000 ca ung thư mắc mới và 70.000 người tử vong vì ung thư.

Tại sao lại như vậy? Làm thế nào để giảm được tỷ lệ mắc ung thư ? Đây là một vấn đề nan giải đối với ngành y tế. Để giải quyết được vấn đề đó, các nhà khoa học vẫn đang đi sâu vào việc nghiên cứu để tìm hiểu được các nguyên nhân gây ung thư. Hiện nay, chúng ta đã biết có rất nhiều nguyên nhân gây ung thư.


Bệnh nhân ung thư đang có dấu hiệu gia tăng
Bệnh nhân ung thư đang có dấu hiệu gia tăng

2. Chế độ ăn và lối sống có gây ung thư không?

Thói quen ăn uống và chế độ luyện tập hàng ngày có làm tăng nguy cơ mắc ung thư không? Có lẽ là nhiều hơn những gì chúng ta nghĩ đến. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng chế độ ăn không lành mạnh và không tập thể dục thường xuyên là yếu tố có thể làm tăng nguy cơ ung thư.

Tổ chức nghiên cứu Ung thư thế giới ( The World Cancer Research Fund) ước tính ít nhất 18% các ca chẩn đoán ung thư tại Mỹ có liên quan đến béo phì, ít tập thể dục, nghiện rượu và chế độ ăn không lành mạnh. Do đó, chúng ta có thể ngăn ngừa để giảm nguy cơ ung thư bằng cách:

Trắc nghiệm: Thử hiểu biết của bạn về bệnh ung thư

Ung thư là nguyên nhân gây tử vong hàng thứ 2 trên thế giới. Thử sức cùng bài trắc nghiệm sau đây sẽ giúp bạn có thêm kiến thức về yếu tố nguy cơ cũng như cách phòng ngừa bệnh ung thư.

Bài dịch từ: webmd.com

2.1 Ngưng hút thuốc lá

Thuốc lá là nguyên nhân gây bệnh và tử vong của rất nhiều bệnh. Hút 1 điếu thuốc lá giảm 5,5 phút tuổi thọ; Mỗi 6 giây có 1 người chết vì các bệnh liên quan đến thuốc lá; Số người tử vong do thuốc lá gây ra gấp 3 lần số người chết vì HIV và tai nạn giao thông.

Qua phân tích cho thấy, trong khói thuốc lá chứa trên 4000 hóa chất, trong đó có 43 hóa chất là nguyên nhân gây ung thư, nguy hiểm nhất là chất hắc ín, Nicotin, chất gây nghiện... Ngoài ra, trong khói thuốc lá còn có nhiều chất kích thích khối u, kích thích gây viêm nhiễm đường hô hấp, gây tổn thương trong lòng mạch máu.

Đối với ung thư thuốc lá là nguyên nhân gây ung thư phế quản phổi (chiếm 90%), ung thư vòm họng, miệng, thực quản (hút thuốc kèm theo uống rượu, nguy cơ ung thư vòm họng rất cao), ung thư ruột... Ở người hút thuốc, bệnh ung thư dễ phát triển hơn so với người không hút thuốc.


Hút thuốc lá tăng nguy cơ mắc ung thư phổi
Hút thuốc lá tăng nguy cơ mắc ung thư phổi

2.2 Tập thể dục thường xuyên và có hiệu quả, giữ cân nặng lý tưởng

Tập thể dục thường xuyên không chỉ giúp bạn kiểm soát cân nặng, cải thiện huyết áp, đường huyết mà còn ngăn chặn sự khởi đầu của một số bệnh. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng hoạt động thể chất có liên quan tới việc giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư vú và đại trực tràng.

Tập thể dục có hiệu quả là bài tập phải ra mồ hôi và nhịp tim tăng, như: đi bộ, bơi lội, đạp xe hoặc chạy bộ. Hoặc bất kỳ hoạt động nào tránh ngồi nhiều có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư:

  • Ung thư đại trực tràng: Nhiều nghiên cứu theo dõi một số nhóm lớn các đối tượng qua nhiều năm đã cho thấy người tập thể dục thường xuyên sẽ có nguy cơ bị ung thư đại trực tràng thấp hơn. Mặc dù, chưa biết chắc chắn tại sao tập thể dục thường xuyên có thể làm giảm nguy cơ ung thư, nhưng người thể dục thường xuyên sẽ giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng 40- 50% so với người không luyện tập.
  • Ung thư vú: Tương tự, phụ nữ tập thể dục hiệu quả hơn 3 giờ một tuần sẽ giảm 30- 40% nguy cơ ung thư vú.. kể cả nhóm phụ nữ có yếu tố nguy cơ di truyền về ung thư vú.
  • Ung thư nội mạc tử cung: Nhiều nghiên cứu chỉ ra mối liên quan giữa tập thể dục thường xuyên giảm nguy cơ ung thư nội mạc tử cung.
  • Ung thư phổi: Nhiều nghiên cứu cho thấy tập thể dục đều đặn sẽ giảm phát triển ung thư phổi.

Duy trì thói quen tập thể dục phòng ngừa nhiều bệnh ung thư
Duy trì thói quen tập thể dục phòng ngừa nhiều bệnh ung thư

2.3 Hạn chế chất chứa cồn ( rượu, bia)

Uống bia rượu nhiều đã được chứng minh làm tăng rõ rệt nguy cơ mắc các loại ung thư khoang miệng, ung thư hầu họng, ung thư thanh quản, ung thư thực quản. Đặc biệt nguy cơ tăng cao hơn ở những người vừa hút thuốc lá và uống rượu.

Điều này được giải thích rượu có thể giúp các chất độc hóa học trong thuốc lá thâm nhập dễ dàng hơn vào các tế bào niêm mạc miệng, họng và thực quản. Đồng thời, rượu cũng làm giảm khả năng sửa chữa tế bào (DNA) bị hư tổn do chất độc có trong thuốc lá.

Khuyến cáo của Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ

Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo chúng ta nên hạn chế lượng rượu tiêu thụ vào cơ thể: mỗi ngày nam giới không nên uống quá 2 đơn vị rượu (2 drinks) và nữ giới không uống quá 1 đơn vị rượu (1 drink) mỗi ngày. Khuyến cáo lượng rượu tiêu thụ ở nữ giới thấp hơn là bởi nhìn chung cơ thể nữ giới nhỏ hơn nam giới và sự đào thải rượu ở nữ giới thường diễn ra chậm hơn.


Hạn chế rượu bia làm giảm nguy cơ mắc ung thư thực quản
Hạn chế rượu bia làm giảm nguy cơ mắc ung thư thực quản

2.4 Chế độ ăn lành mạnh

Chế độ ăn lành mạnh góp phần bảo vệ sức khỏe và giảm nguy cơ ung thư. Hãy nghiêm khắc hơn với khẩu phần ăn hàng ngày và nên có chế độ ăn hợp lý phù hợp với gia đình và bản thân.

Chế độ ăn lành mạnh gồm:

  • Thức ăn giàu vitamin, khoáng chất
  • Thức ăn ít năng lượng
  • Thức ăn gồm loại rau nhiều màu sắc- xanh đậm, đỏ, cam
  • Thức ăn giàu chất xơ
  • Nhiều hoa quả
  • Ngũ cốc nguyên hạt

Chế độ ăn lành mạnh hạn chế hoặc không:

  • Thịt đỏ như thịt bò, thịt heo, thịt cừu
  • Thức ăn chế biến sẵn như xúc xích, thịt nguội, hot dog
  • Thức ăn nhiều đường như đồ ngọt, nước có ga, nước trái cây

Tất cả chúng ta nên có sự thay đổi trong chế độ ăn và lối sống để tạo nên một môi trường sức khỏe tốt cho bản thân chúng ta và xã hội.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe