Các nhà nghiên cứu tại Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đã xem xét lợi ích lâu dài của bisphosphonates, một loại thuốc điều trị loãng xương được kê đơn rộng rãi. Theo đánh giá, một số bệnh nhân có thể ngừng sử dụng bisphosphonates sau 3 - 5 năm mà vẫn tiếp tục được hưởng lợi.
1. Loãng xương uống thuốc gì?
Xương trải qua một quá trình tu sửa liên tục, dưới hình thức tiêu xương và tạo xương. Mất xương liên quan đến loãng xương, xảy ra khi quá trình phân hủy xương lớn hơn quá trình hình thành xương. Theo thống kê, 44 triệu người Mỹ có nguy cơ bị loãng xương, một căn bệnh khiến xương trở nên yếu và dễ gãy.
Bisphosphonates có công dụng làm giảm tiêu xương, do đó làm chậm quá trình mất xương. Trong quá trình điều trị, bisphosphonate trở thành một phần của xương mới hình thành và có thể ở lại đó trong nhiều năm, qua nhiều chu kỳ phân hủy và hình thành.
Nhóm thuốc điều trị loãng xương bisphosphonates đã được sử dụng thành công từ năm 1995 để làm chậm hoặc ức chế mất khối lượng xương. Các bác sĩ thường kê đơn những loại thuốc có thương hiệu như Actonel, Atelvia, Boniva, Fosamax và một số sản phẩm khác để điều trị loãng xương. Từ năm 2005 - 2009, đã có hơn 150 triệu đơn thuốc điều trị loãng xương được cấp phát cho bệnh nhân.
Bệnh nhân có thể tiếp tục chịu tác dụng của thuốc sau khi ngừng sử dụng, thậm chí là trong khoảng thời gian rất lâu. FDA đã xem xét các nghiên cứu về mật độ khoáng của xương và gãy xương ở những bệnh nhân đã sử dụng bisphosphonates trong ít nhất 3 năm và nhiều nhất là 10 năm. Theo các thử nghiệm lâm sàng kéo dài từ 3 - 4 năm, bisphosphonates đã được chứng minh là rất hiệu quả trong việc chống lại gãy xương. Nhưng vẫn chưa rõ lợi ích kéo dài hơn trong việc giảm nguy cơ gãy xương.
2. Nên dùng thuốc điều trị loãng xương trong bao lâu?
Bisphosphonates rõ ràng có tác dụng tốt, nhưng chưa rõ khoảng thời gian tối ưu mà mỗi bệnh nhân nên dùng thuốc để vừa tối đa hóa hiệu quả, vừa giảm thiểu các rủi ro tiềm ẩn.
- Các nghiên cứu cho thấy những bệnh nhân có nguy cơ gãy xương thấp (ví dụ, người trẻ không có tiền sử gãy xương và có mật độ chất khoáng trong xương gần mức bình thường) có thể ngừng điều trị bisphosphonate sau 3 - 5 năm.
- Ngược lại, những bệnh nhân có nguy cơ gãy xương cao hơn (ví dụ, người lớn tuổi có tiền sử gãy xương và mật độ chất khoáng của xương nằm trong phạm vi cảnh báo) có thể được lợi khi tiếp tục điều trị bằng bisphosphonate.
Mặt khác, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe cũng nên xem xét lại thời gian bệnh nhân dùng thuốc điều trị loãng xương vì những lý do sau:
- Các nhãn Bisphosphonate đã đưa ra cảnh báo an toàn về tình trạng hoại tử xương hàm nghiêm trọng từ năm 2002.
- Vào tháng 10 năm 2010, FDA đã cảnh báo bệnh nhân và các chuyên gia chăm sóc sức khỏe về nguy cơ gãy xương đùi bất thường, đồng thời chỉ đạo các nhà sản xuất đưa cảnh báo vào nhãn thông tin và hướng dẫn đi kèm với thuốc theo toa.
- Ngoài ra, FDA cũng tiếp tục đánh giá mối liên quan có thể có của bisphosphonates với ung thư thực quản.
FDA cho biết cần phải điều tra thêm về rủi ro và lợi ích lâu dài của các nhóm thuốc điều trị loãng xương này.
3. Bệnh nhân nên làm gì?
Nhìn chung, quyết định tiếp tục điều trị phải dựa trên đánh giá về rủi ro và lợi ích của từng cá nhân riêng biệt, cũng như mong muốn và nguyện vọng của bệnh nhân.
Sau đây là một vài lời khuyên nếu bạn đang dùng bisphosphonates:
- Hỏi bác sĩ có nên tiếp tục liệu pháp này hay không. Định kỳ đánh giá lại quyết định.
- Khi quyết định không dùng thuốc điều trị loãng xương nữa, hãy nói chuyện với bác sĩ trước khi ngừng điều trị.
- Hãy cho bác sĩ biết nếu đột nhiên bạn bị đau hông hoặc đùi (thường là đau âm ỉ hoặc đau nhức) hoặc có bất kỳ thắc mắc nào về loại thuốc bạn đang sử dụng.
- Báo cáo các tác dụng phụ bất thường của thuốc điều trị loãng xương bisphosphonate cho cơ sở y tế có liên quan.
Ngoài những lợi ích và rủi ro như đã đề cập, cần có thêm nghiên cứu về nguy cơ gãy xương của bệnh nhân sau khi ngừng dùng bisphosphonates và liệu việc dùng lại thuốc điều trị loãng xương sau khi đã ngưng một thời gian có thể mang lại lợi ích như trước hay không. Tóm lại, bệnh nhân nên nói chuyện với bác sĩ về nhu cầu tiếp tục điều trị cá nhân.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: fda.gov