Chế độ ăn uống cho bệnh viêm dạ dày hợp lý không chỉ giúp giảm thiểu các triệu chứng mà còn hỗ trợ quá trình phục hồi. Việc lựa chọn thực phẩm phù hợp, tránh xa những món ăn có khả năng kích thích dạ dày và duy trì thói quen ăn uống khoa học sẽ giúp người bệnh cải thiện sức khỏe dạ dày, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ chuyên khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Tìm hiểu về bệnh viêm dạ dày
Viêm dạ dày là tình trạng niêm mạc của dạ dày bị viêm. Các dấu hiệu thường gặp bao gồm: khó tiêu, đau bụng, buồn nôn và ợ hơi thường xuyên. Đối với một số người, việc thay đổi chế độ ăn uống cho bệnh viêm dạ dày giúp giảm bớt triệu chứng bệnh.
Có nhiều nguyên nhân gây viêm dạ dày, trong đó phổ biến nhất là nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori). Một số thực phẩm có thể làm tăng nguy cơ nhiễm H. pylori và những thói quen ăn uống không đúng có thể làm tổn thương niêm mạc dạ dày hoặc làm triệu chứng viêm dạ dày trở nên nặng hơn.
Ngoài ra, các nguyên nhân khác bao gồm việc sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID), uống rượu nhiều và mắc một số bệnh viêm nhiễm như bệnh Crohn.
Người bị viêm dạ dày thường gặp khó khăn trong việc ăn uống, dẫn đến chán ăn và sụt cân không rõ nguyên nhân. Nếu không được điều trị kịp thời, viêm dạ dày có thể gây ra loét, đau mãn tính và chảy máu. Trong một số trường hợp, tình trạng này có thể nguy hiểm đến tính mạng và làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày.
2. Chế độ ăn uống cho bệnh viêm dạ dày - Thực phẩm nên ăn
Không có chế độ ăn uống cụ thể nào có thể chữa trị hoàn toàn, tuy nhiên, việc tiêu thụ một số loại thực phẩm giúp cải thiện triệu chứng hoặc ngăn bệnh tiến triển nghiêm trọng hơn.
2.1 Thực phẩm ngăn ngừa viêm dạ dày
Trà xanh, trái cây và rau quả tươi cung cấp chất chống oxy hóa, giúp ngăn chặn tổn thương bên trong dạ dày và hạn chế các gốc tự do trong cơ thể.
Các thực phẩm có khả năng ức chế sự phát triển của vi khuẩn H. pylori và giảm viêm dạ dày bao gồm:
- Súp lơ, củ cải Thụy Điển, bắp cải, củ cải và các loại rau họ cải khác.
- Quả mọng như việt quất, phúc bồn tử, mâm xôi và dâu tây.
- Nghệ - một loại gia vị nhẹ có tính chất chống viêm.
- Chất chống oxy hóa cũng giúp ngăn ngừa nhiều loại bệnh khác.
2.2 Thực phẩm hỗ trợ điều trị viêm dạ dày
Có hai loại thực phẩm được cho là hỗ trợ trong việc điều trị viêm dạ dày: bông cải xanh và sữa chua.
Bông cải xanh chứa một hợp chất hóa học được gọi là sulforaphane, có tính chất kháng khuẩn giúp cơ thể chống lại ung thư. Do đó, việc tiêu thụ mầm bông cải xanh có thể làm giảm hoặc ngăn ngừa tình trạng viêm dạ dày và giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày.
Một nghiên cứu được công bố vào năm 2009 đã chỉ ra rằng, người bị nhiễm vi khuẩn H. pylori tiêu thụ khoảng 70 gram mầm bông cải xanh mỗi ngày trong 8 tuần liên tục có tỷ lệ nhiễm trùng và viêm dạ dày thấp hơn so với nhóm không tiêu thụ bông cải xanh.
Năm 2006, một nhóm nghiên cứu khác đã thực hiện một nghiên cứu để xem liệu việc tiêu thụ khoảng 2 cốc sữa chua chứa men vi sinh mỗi ngày trước khi sử dụng kháng sinh có giúp tăng cường khả năng chống nhiễm trùng H. pylori hay không. Sau 4 tuần, nhóm nghiên cứu phát hiện rằng, những người tiêu thụ sữa chua trước khi dùng kháng sinh có xu hướng chống nhiễm trùng hiệu quả hơn so với nhóm chỉ sử dụng kháng sinh. Kết quả này cho thấy lợi khuẩn trong sữa chua có thể giúp cơ thể bệnh nhân chống nhiễm trùng.
3. Người bệnh nên kiêng ăn gì?
Không có một chế độ ăn uống cho bệnh viêm dạ dày nào được coi là tối ưu nhất. Tuy nhiên, bệnh nhân nên tránh ăn thực phẩm chế biến sẵn và thức ăn chứa chất béo, cũng như các loại thực phẩm có thêm muối hoặc đường.
Các loại thực phẩm gia tăng triệu chứng của viêm dạ dày bao gồm:
- Thực phẩm cay.
- Rượu, bia.
- Thực phẩm có tính axit.
- Thức ăn dầu mỡ.
Đôi khi, các chất gây dị ứng cũng có thể gây viêm dạ dày. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể đề xuất bệnh nhân ăn kiêng và loại bỏ một số nhóm thực phẩm cụ thể khỏi chế độ ăn uống cho bệnh viêm dạ dày để xem liệu chúng có làm gia tăng các triệu chứng hay không.
Ví dụ, một nhóm bác sĩ đã cho thấy sữa và trứng gây viêm dạ dày ở một số người. Họ cũng đã thực hiện nghiên cứu tương tự với lúa mì, các loại hạt, đậu nành, hải sản và gạo.
Ngoài ra, một số thực phẩm có thể tăng nguy cơ viêm dạ dày, bao gồm:
- Thịt đỏ và thịt đã qua chế biến.
- Thực phẩm ngâm, sấy khô, ướp muối hoặc hun khói.
- Rượu, bia.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thực phẩm nhiều muối và giàu chất béo có thể gây ra biến đổi bên trong niêm mạc dạ dày, làm cho dạ dày dễ bị nhiễm vi khuẩn H. pylori hơn. Uống nhiều rượu cũng góp phần gây nên viêm dạ dày và xói mòn niêm mạc dạ dày.
4. Lời khuyên về chế độ ăn uống cho bệnh viêm dạ dày
Dưới đây là những thay đổi trong chế độ ăn uống giúp phòng ngừa hoặc kiểm soát bệnh viêm dạ dày:
- Ăn ít nhưng thường xuyên: Thay vì ba bữa lớn, hãy chia nhỏ khẩu phần thành năm hoặc sáu bữa nhỏ trong ngày. Điều này giúp dạ dày bớt tiết axit.
- Kiểm soát cân nặng: Thừa cân và béo phì làm tăng nguy cơ gây viêm dạ dày. Hãy tham khảo kế hoạch giảm cân phù hợp để giảm nguy cơ viêm dạ dày và các vấn đề sức khỏe khác.
- Sử dụng thuốc kháng axit: Bác sĩ có thể đề xuất các loại thuốc giúp giảm triệu chứng bệnh.
- Tìm hiểu về các chất bổ sung: Các chất bổ sung như axit béo omega-3 và men vi sinh giúp giảm tác động của bệnh viêm dạ dày. Tuy nhiên, bệnh nhân hãy thảo luận với bác sĩ trước khi sử dụng vì các chất này có thể ảnh hưởng đến quá trình điều trị.
- Chú ý đến các chất bổ sung: Một số chất bổ sung như sắt có thể làm tăng nguy cơ viêm dạ dày.
5. Lời khuyên thay đổi lối sống
Để giúp ngăn ngừa hoặc kiểm soát bệnh viêm dạ dày, bệnh nhân có thể thử các biện pháp sau:
- Ngưng hút thuốc: Hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm nhiễm và ung thư miệng, thực quản và dạ dày.
- Giảm căng thẳng: Căng thẳng nhiều có thể kích thích dạ dày tiết axit, làm trầm trọng hóa các triệu chứng và tình trạng viêm.
- Kiểm tra các loại thuốc: Việc thường xuyên sử dụng các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) tăng nguy cơ tổn thương niêm mạc dạ dày, làm trầm trọng hóa các triệu chứng của viêm dạ dày. Aspirin, ibuprofen và naproxen là một số ví dụ về NSAID.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.