Có rất nhiều loại chất béo. Cơ thể của bạn tự tạo ra chất béo từ việc hấp thụ calo dư thừa. Một số chất béo được tìm thấy trong thức ăn uống. Chất béo trong chế độ ăn uống là chất dinh dưỡng đa lượng cung cấp năng lượng cho cơ thể bạn. Chất béo cần thiết cho sức khỏe của bạn vì nó hỗ trợ một số chức năng của cơ thể. Tuy nhiên, một số loại chất béo trong chế độ ăn được cho là có vai trò trong một số bệnh tật như bệnh tim mạch chuyển hóa, thừa cân béo phì. Ngoài ra, chất béo có nhiều calo, vì vậy bạn cần cân bằng lượng chất béo của mình so với các loại thực phẩm khác mà bạn ăn để cơ thể không nạp nhiều calo hơn mức cần thiết. Trong bài viết này chúng tôi sẽ cung cấp những thông tin hữu ích để người sử dụng hiểu rõ hơn về mối liên quan giữa chất béo trong chế độ ăn uống và các loại bệnh tật.
1. Chất béo trong chế độ ăn uống
Chất béo rất quan trọng trong mỗi bữa ăn hàng ngày của chúng ta. Việc chọn lựa những loại thực phẩm chứa nhiều chất béo lành mạnh có thể giúp:
- Duy trì mức cholesterol trong máu ổn định, đặc biệt là tăng cường hàm lượng cholesterol có lợi
- Giảm thiểu các yếu tố nguy cơ tim mạch khác
- Tạo hương vị cho thức ăn, kích thích tiêu hóa.
Nhiều người thường quan tâm hơn đến lượng chất béo đưa vào cơ thể hàng ngày. Tuy nhiên điều đó lại không quan trọng bằng loại chất béo mà họ ăn. Mỗi người đều có thể cân bằng lượng chất béo cung cấp cho cơ thể hàng ngày bằng cách:
- Tăng lượng chất béo lành mạnh và giảm lượng chất béo không lành mạnh trong chế độ ăn uống của bản thân.
- Thường xuyên thưởng thức sự kết hợp của các loại thực phẩm tốt cho tim mạch.
- Thực hiện theo các hướng dẫn của chuyên gia về chế độ ăn uống để có một trái tim khỏe mạnh, giúp cung cấp cho cơ thể sự cân bằng chất béo phù hợp.
- Ăn nhiều chất béo lành mạnh hơn.
Chất béo bão hòa đơn được coi là chất béo lành mạnh và chúng chứa nhiều trong các loại thực phẩm như: bơ, các loại hạt như hạnh nhân, điều, đậu phộng, quả ô liu, dầu ăn nguồn gốc thực vật hoặc hạt cải, đậu phộng, hướng dương.... Bên cạnh đó cũng cần bổ sung một số loại thực phẩm chứa chất béo không bão hòa đa (omega-3 và omega-6) lành mạnh, bao gồm: cá, hạt lanh, đậu nành, hướng dương, dầu hạt cải, bơ thực vật.... Các nhà khoa học cũng khuyến cáo nên bổ sung chất béo omega-3 từ cả 3 nguồn: hải sản, thực vật và động vật.
Hiện nay, một phương pháp giúp giảm lượng cholesterol trong máu thông qua chế độ ăn uống là sử dụng sterol thực vật. Sterol thực vật là những chất giống như cholesterol có thể làm giảm mức cholesterol trong máu. Chúng được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên như: Trái cây, một số loại rau củ quả và ngũ cốc. Ngoài ra người ta cũng đã thêm sterol động vật vào một số loại thực phẩm đóng hộp như: bơ thực vật, sữa, sữa chua và các loại ngũ cốc đóng gói.
Chất béo chuyển hóa cũng là một trong những loại chất béo nên hạn chế sử dụng. Chất béo chuyển hóa có nhiều trong một số loại thực phẩm như bơ, sữa và một số sản phẩm thịt. Hầu hết chất béo chuyển hóa đến từ thực phẩm được chế biến sẵn. Một số loại thực phẩm chứa nhiều chất béo chuyển hóa nên ăn ít hơn bao gồm:
- Đồ chiên rán các loại
- Bánh quy và các loại bánh ngọt
- Bơ
- Các loại đồ ăn nhanh, chẳng hạn như bánh mì kẹp thịt, bánh pizza và khoai tây chiên nóng.
2. Chất béo và các loại bệnh tật
2.1. Bệnh đái tháo đường
Các loại chất béo trong chế độ ăn uống có thể ảnh hưởng đến sự hình thành phát triển của bệnh đái tháo đường. Các loại chất béo tốt, chẳng hạn như chất béo không bão hòa đa có trong dầu thực vật lỏng, quả hạch và hạt có thể giúp ngăn ngừa bệnh đái tháo đường tuýp 2, trong khi chất béo chuyển hóa thì ngược lại.
Nếu một bệnh đã được chẩn đoán là mắc bệnh đái tháo đường, ăn các loại hải sản như cá có thể giúp bảo vệ chống lại cơn đau tim hoặc tử vong vì bệnh tim. Ăn chất béo omega-3 từ cá không bảo vệ chống lại bệnh tiểu đường, mặc dù có nhiều bằng chứng cho thấy chất béo omega-3 nguồn gốc hải sản giúp giảm nguy cơ tử vong liên quan đến bệnh tim.
2.2. Bệnh tim mạch chuyển hóa
Trong một thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng, chế độ ăn của người dân Địa Trung Hải bổ sung dầu ô liu nguyên chất hoặc các loại hạt, cả hai nguồn chất béo không bão hòa phong phú, làm giảm tỷ lệ mắc các bệnh lý liên quan đến tim mạch ở bệnh nhân tiểu đường hoặc các yếu tố nguy cơ khác trong khoảng 5 năm được theo dõi. Nghiên cứu này nhấn mạnh rằng chế độ ăn ít chất béo chưa chắc đã mang lại hiệu quả mà việc kết hợp chất béo lành mạnh - chẳng hạn như những chất có trong chế độ ăn của người dân Địa Trung Hải - có thể cải thiện sức khỏe tim mạch.
Không có một thực đơn cố định cho chế độ ăn của người dân Địa Trung Hải, vì phong cách ăn uống này có thể kết hợp các loại thực phẩm, cách ăn uống và lối sống khác nhau ở nhiều quốc gia có biên giới với Biển Địa Trung Hải. Tuy nhiên, có những điểm tương đồng xác định mô hình ăn uống của người dân sống tại Địa Trung Hải bao gồm:
- Ăn nhiều dầu ô liu, các loại hạt, rau, trái cây và chủ yếu là ngũ cốc nguyên hạt
- Ăn cá và thịt gia cầm vừa phải
- Ăn ít các sản phẩm từ sữa, thịt đỏ, thịt chế biến sẵn và đồ ngọt
- Rượu uống vừa phải và nên uống trong bữa ăn
2.3. Ung thư
Các nhà nghiên cứu đã từng nghi ngờ mối liên quan giữa chất béo trong chế độ ăn và các bệnh ung thư phổ biến. Tuy nhiên, ở người lớn, tỷ lệ calo tiêu thụ từ tổng số chất béo dường như không có mối liên hệ đáng kể nào với nguy cơ ung thư và hiện không có bằng chứng rõ ràng liên kết bất kỳ loại chất béo cụ thể nào với tỷ lệ mắc bệnh ung thư.
Vào đầu những năm 1980, hầu hết các chuyên gia dinh dưỡng tin rằng chất béo trong chế độ ăn uống là nguyên nhân chính gây ung thư vú. Quan điểm này chủ yếu dựa trên các so sánh quốc tế cho thấy tỷ lệ ung thư vú cao hơn ở các quốc gia có lượng chất béo bình quân đầu người cao hơn. Nhưng khi nhiều nghiên cứu tiền cứu hơn và các thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên được thực hiện trong vài thập kỷ tiếp theo, mối liên hệ rõ ràng giữa tổng lượng chất béo ăn vào và ung thư vú đã đã giảm đi đáng kể.
Một thử nghiệm sửa đổi chế độ ăn uống được thiết kế đặc biệt để kiểm tra tác động của chế độ ăn ít chất béo đối với sự phát triển của bệnh ung thư vú, cho thấy tỷ lệ ung thư vú tương tự ở phụ nữ ăn chế độ ăn ít chất béo và ở những người ăn “bình thường "
Một nghiên cứu khác từ Viện Y tế Quốc gia - Nghiên cứu về Chế độ ăn uống và Sức khỏe AARP cho thấy mối liên quan rất yếu giữa chất béo và ung thư vú sau mãn kinh, nhưng khi kết hợp với nhiều nghiên cứu khác được nêu chi tiết ở trên, bằng chứng tổng thể cho thấy mối quan hệ giữa tổng lượng chất béo và ung thư vú một cách quá rõ ràng. Trong một nghiên cứu gần đây, chất béo bão hòa có liên quan yếu đến một dạng ung thư vú, nhưng điều này có thể là do sự khác biệt trong hoạt động thể chất và cần được xác nhận sau khi tiến hành các nghiên cứu khác.
Mặc dù các nghiên cứu về các loại chất béo khác nhau phần lớn không tìm thấy mối liên hệ với ung thư vú, nhưng một số bằng chứng cho thấy rằng việc ăn chất béo động vật ở phụ nữ trẻ có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú. Phụ nữ tiền mãn kinh ăn chế độ ăn nhiều mỡ động vật có nguy cơ ung thư vú cao hơn từ 40 đến 50% so với những phụ nữ ăn ít mỡ động vật hơn. Vì chất béo thực vật không liên quan đến nguy cơ ung thư vú, những phát hiện này cho thấy thịt đỏ và các sản phẩm từ sữa giàu chất béo có thể chứa các yếu tố khác, chẳng hạn như hormone, làm tăng nguy cơ ung thư vú.
Ung thư ruột kết
Đối với ung thư ruột kết, các so sánh quốc tế ban đầu cho thấy mối liên quan giữa tổng lượng chất béo trong khẩu phần ăn và nguy cơ ung thư ruột kết. Nhưng các nghiên cứu sau đó và tốt hơn đã chỉ ra nhiều điểm mâu thuẫn trong những phát hiện trước đó và không cho thấy mối liên hệ đáng kể nào.
Mặc dù hấp thụ chất béo dường như không làm tăng nguy cơ ung thư ruột kết, nhưng có bằng chứng chắc chắn rằng tiêu thụ nhiều thịt đỏ (thịt bò, thịt lợn và thịt cừu) và đặc biệt là thịt chế biến (xúc xích, thịt xông khói và thịt nguội) làm tăng nguy cơ ung thư ruột kết. Dựa trên bằng chứng này và các nghiên cứu khác liên quan đến bệnh tim và tiểu đường, các chuyên gia khuyến cáo tốt nhất bạn nên hạn chế tiêu thụ thịt đỏ không quá hai lần một tuần và tránh các loại thịt chế biến sẵn.
Mặc dù mối liên hệ chính xác giữa chất béo trong chế độ ăn uống và ung thư tuyến tiền liệt vẫn chưa rõ ràng, nhưng có một số bằng chứng cho thấy chế độ ăn nhiều chất béo động vật và chất béo bão hòa có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, các nghiên cứu khác lại không cho thấy bất kỳ mối liên hệ nào, trong khi những chất khác có liên quan đến chất béo không bão hòa. Do đó, để có thể làm sáng tỏ bất kỳ mối liên hệ nào có thể có giữa chất béo trong chế độ ăn uống và ung thư tuyến tiền liệt vẫn cần tiến hành thêm nhiều nghiên cứu nữa về vấn đề này.
Các loại ung thư khác
Nghiên cứu sơ bộ cũng cho thấy mối liên hệ giữa việc tiêu thụ một số loại chất béo với các bệnh ung thư khác, mặc dù vẫn cần nghiên cứu thêm để xác nhận những kết quả này. Trong Nghiên cứu Sức khỏe của Y tá, các nhà nghiên cứu thuộc trường đại học Harvard phát hiện ra rằng việc tiêu thụ nhiều chất béo chuyển hóa có liên quan đến nguy cơ ung thư hạch không Hodgkin.
2.4. Các tình trạng bệnh lý mạn tính khác
Hiện đang có nhiều nghiên cứu được triển khai về tác động của chất béo trong chế độ ăn uống đối với các tình trạng như trầm cảm, loãng xương, mất trí nhớ do tuổi tác, suy giảm nhận thức, thoái hóa điểm vàng, đa xơ cứng, vô sinh, lạc nội mạc tử cung, và các tình trạng bệnh lý mạn tính khác. Tuy nhiên các phát hiện sơ bộ này không cung cấp đủ bằng chứng để đề xuất sửa đổi các khuyến nghị về lượng chất béo trong chế độ ăn.
Những loại chất béo hàng ngày chúng ta ăn đóng một vai trò quan trọng đối với sức khỏe tim mạch nói riêng và sức khỏe tổng quát của cơ thể nói chung. Các chuyên gia khuyến cáo nên lựa chọn các loại chất béo lành mạnh, bao gồm các loại hạt, bơ, ô liu và dầu sản xuất từ chúng để nấu ăn. Và mặc dù những đồ ăn nhiều chất béo có vẻ mang đến nhiều tác hại nhưng một số chất béo lại đóng một vai trò thiết yếu trong việc bảo vệ sức khỏe chính bản thân mỗi chúng ta.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: hsph.harvard.edu, diabetes.org.uk, heartfoundation.org.au, aicr.org