Ung thư phổi giai đoạn cuối (giai đoạn 4) là khi ung thư đã di căn từ phổi sang các bộ phận khác trong cơ thể. Khi bệnh đã di căn, tất cả các phương pháp điều trị đều nhằm mục đích làm chậm quá trình tiến triển của bệnh và không có khả năng chữa khỏi bệnh. Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp và lời giải đáp về giai đoạn cuối của bệnh ung thư phổi.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của Bác sĩ Lê Thị Nhã Hiền - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang
1. Ung thư phổi giai cuối (giai đoạn 4) là gì?
Sau khi được chẩn đoán mắc ung thư phổi giai đoạn cuối, cuộc sống của người bệnh có thể kéo dài từ vài tháng đến vài năm, hoặc chỉ vài tuần. Dựa trên kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ thông báo tình trạng sức khỏe của bệnh nhân và những gì dự kiến những điều có thể xảy ra trong tương lai.
Khi bác sĩ xác định đã đến giai đoạn cuối của bệnh, các biện pháp điều trị hướng tới việc giảm đau và làm giảm các triệu chứng khác để giúp người bệnh cảm thấy thoải mái hơn.
Sự hỗ trợ tinh thần cũng là một phần quan trọng trong quá trình điều trị. Mặc dù việc chấp nhận bị ung thư phổi giai đoạn 4 có thể gây khó khăn, nhưng các nhóm chăm sóc sức khỏe và những chuyên gia y tế sẽ giúp người bệnh và gia đình vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Việc hiểu rõ về tình trạng sức khỏe của mình hoặc của người thân, cũng như dự kiến những gì có thể sẽ xảy ra trong tương lai sẽ giúp mọi người có thể điều hướng quá trình điều trị và nhận được sự hỗ trợ cần thiết.
2. Các triệu chứng của giai đoạn cuối của bệnh ung thư phổi là gì?
Dưới đây là một số triệu chứng thường gặp ở những người đang ở ung thư phổi giai đoạn cuối:
- Khó thở
- Đau đớn ở vùng ngực
- Ho
- Khó tập trung
- Hoang mang
- Cực kỳ yếu và mệt mỏi
- Ít quan tâm đến việc ăn uống
- Bồn chồn
- Khi thở phát ra tiếng lục cục trong cổ họng và phần trên của ngực
- Hô hấp nhanh hoặc tạm ngừng giữa các nhịp thở.
Mặc dù một hoặc nhiều triệu chứng này không nhất thiết là dấu hiệu của giai đoạn cuối đời của bệnh nhân, nhưng chúng cũng là dấu hiệu của sự suy giảm sức khỏe nghiêm trọng. Bác sĩ hoặc nhân viên y tế có thể cung cấp các phương pháp điều trị để giảm nhẹ các triệu chứng này và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Ngoài các triệu chứng về thể chất, cảm xúc như lo lắng hoặc chán nản cũng thường xuyên xuất hiện trong giai đoạn này. Hỗ trợ trị liệu từ nhà hoặc bệnh viện, cộng đồng sẽ rất hữu ích trong thời gian này. Nếu bệnh nhân có tín ngưỡng, việc tìm đến sự hướng dẫn từ các thành viên trong tổ chức tôn giáo của mình cũng có thể giúp bệnh nhân ổn định tinh thần.
3. Bệnh nhân ung thư phổi tử vong do nguyên nhân gì?
Ung thư xảy ra khi tế bào trong cơ thể bắt đầu phát triển nhanh hơn bình thường, tạo thành các khối u. Những khối u này có thể lan rộng sang các bộ phận khác của cơ thể, gây tổn thương hoặc ngăn cản chúng hoạt động bình thường.
Khi mắc ung thư phổi, các khối u có thể gây tổn thương đến mức không đủ oxy được cung cấp cho cơ thể. Đồng thời, khối u lớn có thể gây tắc nghẽn trong phổi, cản trở quá trình hô hấp.
Trong một số trường hợp, vi khuẩn gây nhiễm trùng (như viêm phổi...) có thể phát triển khi xuất hiện tắc nghẽn trong phổi bệnh nhân. Cơ thể bệnh nhân lúc này sẽ quá yếu để có thể lại sự ảnh hưởng của nhiễm trùng.
Ngoài ra, các khối u cũng có thể gây tắc nghẽn trong các mạch máu. Sự tắc nghẽn này có thể làm giảm hoặc ngăn chặn máu lưu thông đến phổi và các bộ phận khác của cơ thể, gây ra các vấn đề về tuần hoàn máu.
Ung thư phổi cũng có khả năng di căn đến các cơ quan quan trọng khác như gan. Sự tổn thương đối với gan có thể ảnh hưởng đến khả năng loại bỏ độc tố khỏi máu, sản xuất cholesterol và protein.
Ung thư di căn đến não cũng là yếu tố đe dọa đến tính mạng nghiêm trọng. Bởi não là nơi điều khiển các chức năng quan trọng của cơ thể, bao gồm cả hơi thở.
4. Người bệnh ung thư phổi giai đoạn 4 phải sống được bao lâu?
Theo thông tin từ Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, những người mắc ung thư phổi giai đoạn 4 có khả năng sống trong 5 năm cao hơn khoảng 6%.
Tuy nhiên, phản ứng của mỗi người với ung thư phổi có thể khác nhau. Một số người có thể sống trong vài tuần, vài tháng, cũng có những trường hợp sống được nhiều năm sau khi được chẩn đoán. Thời gian sống của người bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi, tình trạng sức khỏe tổng thể và vị trí của khối u trong cơ thể.
5. Nếu không điều trị, bệnh nhân ung thư phổi sống được bao lâu?
Đối với bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn 4, việc chăm sóc và điều trị đòi hỏi một kế hoạch toàn diện. Điều trị bao gồm hóa trị, liệu pháp nhắm trúng đích, và liệu pháp miễn dịch để kiểm soát bệnh và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Các phương pháp điều trị toàn thân bằng thuốc (như hoá trị, liệu pháp nhắm trúng đích liệu pháp miễn dịch, xạ trị...) dù không thể điều trị khỏi bệnh hoàn toàn nhưng vẫn có tác dụng kéo dài thời gian sống của bệnh nhân.
Ngoài ra, chăm sóc giảm nhẹ đóng vai trò quan trọng trong việc giảm đau và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân, đặc biệt là khi bệnh nhân không đủ sức khoẻ hoặc không muốn tiếp tục thực hiện những liệu pháp điều trị đặc hiệu.
6. Nếu không điều trị, bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối sống được bao lâu?
Các phương pháp điều trị như hóa trị và liệu pháp miễn dịch có thể kéo dài tuổi thọ của những người bị ung thư phổi giai đoạn cuối. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể hoặc muốn tiếp tục điều trị.
Rất khó để kết luận chính xác bệnh nhân có thể sống bao lâu nếu không được điều trị. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng người bị ung thư phổi không tế bào nhỏ sống trung bình 7 tháng nếu họ không được điều trị. Tuy nhiên, có những trường hợp sống lâu hơn hoặc ngắn hơn 7 tháng.
Tóm lại, bác sĩ có thể đưa ra dự đoán về tiên lượng của bệnh nhân với ung thư phổi giai đoạn 4 dựa trên triệu chứng và mức độ di căn của bệnh.
Khi việc điều trị đặc hiệu không còn hiệu quả ở giai đoạn cuối, bệnh nhân có thể được đề xuất nhận dịch vụ chăm sóc bệnh nhân ung thư trong giai đoạn cuối đời. Bác sĩ sẽ cố gắng giúp giảm nhẹ các triệu chứng và hỗ trợ bệnh nhân trong phần còn lại của cuộc hành trình. Dịch vụ này có thể được cung cấp tại nhà hoặc tại trung tâm chăm sóc ung thư.
Dù là người bệnh hoặc người thân đang đối mặt với ung thư phổi giai đoạn cuối, đó là một giai đoạn vô cùng xúc động. Quan trọng là đảm bảo rằng bệnh nhân nhận được mọi hỗ trợ cần thiết từ bạn bè, gia đình, bác sĩ và các thành viên khác trong nhóm chăm sóc sức khỏe.
7. Ung thư phổi giai đoạn cuối có lây không?
Ung thư phổi giai đoạn 4 không có khả năng lây lan từ người này sang người khác, bởi đây không phải là một bệnh truyền nhiễm như vi khuẩn hoặc virus. Ung thư phổi là do sự tăng sinh không kiểm soát của các tế bào bất thường.
8. Chăm sóc người bệnh ở giai đoạn cuối của ung thư phổi ra sao?
Quá trình chăm sóc người bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối có thể diễn ra tại nhà, tại cơ sở y tế ngoại trú hoặc trong bệnh viện, tuỳ thuộc vào mong muốn và điều kiện của người bệnh.
Mục tiêu hàng đầu của chăm sóc là làm cho người bệnh cảm thấy thoải mái. Người chăm sóc và nhân viên y tế cần thảo luận với người bệnh để hiểu rõ các khó khăn mà họ đang gặp phải và đề xuất các phương án chăm sóc phù hợp nhất với tình trạng sức khỏe và mong muốn của người bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Tài liệu tham khảo
- Lung cancer prevention and early detection. (n.d.).
cancer.org/cancer/lungcancer-non-smallcell/moreinformation/lungcancerpreventionandearlydetection/lung-cancer-prevention-and-early-detection-signs-and-symptoms - Lung cancer. (2018).
lung.org/lung-health-and-diseases/lung-disease-lookup/lung-cancer/ - Malignant mesothelioma. (n.d.).
cancer.org/cancer/malignant-mesothelioma.html - Mayo Clinic Staff. (2018). Lung cancer.
mayoclinic.org/diseases-conditions/lung-cancer/basics/alternative-medicine/con-20025531