Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Phi Yến - Trưởng Đơn nguyên chăm sóc giảm nhẹ - Khoa Nội ung bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Chăm sóc giảm nhẹ trong điều trị ung thư như là một biện pháp bổ sung để hỗ trợ bệnh nhân ở bất kỳ giai đoạn nào của ung thư. Vậy chăm sóc giảm nhẹ trong điều trị ung thư nên được bắt đầu từ khi nào thì tốt?
1. Khi nào nên áp dụng chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư
- Từ khi chẩn đoán bệnh : áp dụng Chăm sóc giảm nhẹ ngay từ đầu, giúp bệnh nhân tiếp cận và lên kế hoạch càng sớm càng tốt và rõ rang trong quá trình chữa trị ung thư và tiếp tục xuyên suốt tất cả các giai đoạn bệnh, không chỉ ở giai đoạn cuối của bệnh.
- Tiến hành Chăm sóc giảm nhẹ trong suốt quá trình trị điều trị đặc hiệu (phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, miễn dịch...) giúp giảm nhẹ triệu chứng và tác dụng phụ, thúc đẩy sự tuân thủ, nâng cao hiệu quả điều trị.
- Áp dụng đặc biệt cho những trường hợp điều trị đặc hiệu kém phù hợp, kém hiệu quả, và có các bệnh lý mãn tính đi kèm như: suy tim giai đoạn cuối, suy thận giai đoạn cuối, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn cuối...
- Khi cùng kết hợp các biện pháp điều trị ung thư với chăm sóc giảm nhẹ giúp làm tăng chất lượng cuộc sống cho cả người bệnh và người thân, người chăm sóc.
- Chăm sóc giảm nhẹ bệnh nhân ung thư có thể tiến hành tại bệnh viện, tại nhà và tại cộng đồng. Chăm sóc bệnh nhân ung thư tại nhà được theo dõi ngoại trú bởi đội bác sĩ - điều dưỡng gia đình chăm sóc giảm nhẹ theo định kỳ. Chính việc này nâng cao hiệu chất lượng cuộc sống và nâng cao tính tuân thủ trong điều trị.
- Chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư góp phần nâng tầm dịch vụ y tế lên cao hơn, mang tính nhân văn hơn. Việc chăm sóc giảm nhẹ được thực hiện trực tiếp và thường xuyên bởi đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng gia đình.
2. Ai cung cấp dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư
Các thành viên mới của đội ngũ chăm sóc giảm nhẹ có thể gồm:
2.1 Các bác sĩ điều dưỡng chăm sóc giảm nhẹ
Các bác sĩ điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân ung thư cung cấp chăm sóc tổng quát, giúp bạn kiểm soát đau và những triệu chứng khác. Họ thường là đầu mối chính giúp liên lạc với những thành viên khác trong nhóm chăm sóc giảm nhẹ và với các nhân viên y tế khác bao gồm cả bác sĩ chuyên khoa ung thư. Nếu bạn được chăm sóc giảm nhẹ tại nhà, các điều dưỡng sẽ đến thăm bạn thường xuyên để đảm bảo bạn nhận được những chăm sóc cần thiết.
2.2 Nhân viên công tác xã hội
Những nhân viên này tư vấn cho bệnh nhân và gia đình, giúp đỡ cách xử trí các vấn đề tài chính, tìm hiểu phương tiện đi lại, sắp xếp những cuộc họp gia đình, kết nối bệnh nhân và gia đình với những nguồn lực ở địa phương. Họ còn giúp bệnh nhân xuất viện về nhà và tìm các giúp đỡ tại nhà hay tìm nơi chăm sóc bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối khi cần.
2.3 Các bác sĩ chuyên gia can thiệp điều trị đau
Các chuyên gia điều trị đau là các bác sĩ giỏi trong việc tìm ra nguyên nhân gây đau và biết cách điều trị nó. Họ có thể thảo luận với bác sĩ chuyên khoa ung thư và nhóm chăm sóc giảm nhẹ để kê toa thuốc, đề xuất một chương trình phục hồi chức năng và/hoặc thực hiện các thủ thuật làm giảm đau. Trong nhiều trường hợp, bác sĩ chăm sóc giảm nhẹ cũng là một chuyên gia trong xử trí đau.
2.4 Người hỗ trợ tâm linh (Cha xứ/Thầy tu)
Cha xứ/Thầy tu có thể giúp lắng nghe và tiếp cận những băn khoăn của người thân và bệnh nhân ung thư về đức tin và tâm linh, đặc biệt ở trường hợp bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối sắp qua đời.
2.5 Chuyên gia dinh dưỡng
Chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp giải quyết những vấn đề về dinh dưỡng, như buồn nôn hoặc biếng ăn. Những chuyên gia này cho lời khuyên thiết thực về các chất bổ sung dinh dưỡng; và đề ra các chế độ ăn chuyên biệt.
2.6 Nhân viên vật lý trị liệu và hoạt động trị liệu
Nhân viên vật lý trị liệu sẽ giúp bệnh nhân duy trì vận động và cải thiện khả năng di chuyển. Nhân viên vật lý trị liệu cũng có thể đề ra chương trình tập thể dục để duy trì hoặc cải thiện thể chất trong và sau khi điều trị. Nhân viên hoạt động trị liệu tập trung chủ yếu vào các nhiệm vụ và hoạt động hàng ngày, đặc biệt là các động tác ở phần trên của cơ thể, giúp bệnh nhân tự lập mức tối đa có thể.
2.7 Những thành viên trong gia đình
Đôi khi chính những người nhà lại đóng vai trò quan trọng trong việc động viên, cải thiện tinh thần cho bệnh nhân ung thư, giúp họ quên đi những cơn đau vượt qua mọi khó khăn, tiếp thêm sức mạnh sống cho bệnh nhân ung thư.
3. Địa chỉ chăm sóc bệnh nhân ung thư
Đơn nguyên chăm sóc giảm nhẹ, Khoa Nội ung bướu, Trung tâm ung bướu – Xạ trị, bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times city là một trong những cơ sở tin cậy trong điều trị và chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư. Với đội ngũ các bác sĩ, điều dưỡng viên là chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong điều trị và chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư sẽ giúp cuộc sống bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối trở nên nhẹ nhàng và ý nghĩa hơn.
Để tìm hiểu thêm về Chương trình chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư, bạn có thể liên hệ: Bác sĩ Nguyễn Thị Phi Yến, Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City, ĐT: 0904164646 hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.