Các triệu chứng ung thư phổi giai đoạn 4

Ung thư phổi giai đoạn 4 không chỉ gồm những biểu hiện tại phổi và đường hô hấp mà còn xuất hiện các triệu chứng tại cơ quan mà tế bào ung thư di căn đến. Tại giai đoạn này, ngoài sức khoẻ, tinh thần của người bệnh cũng bị ảnh hưởng xấu. Các phương pháp điều trị nhằm mục tiêu kiểm soát triệu chứng bệnh.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của BSCK I Tô Kim Sang - Bác sĩ Nội Ung bướu tại Trung tâm Ung bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

1. Ung thư phổi giai đoạn 4 là gì?

Ung thư là tình trạng các tế bào ác tính trong một cơ quan phát triển sinh sản mất kiểm soát và di căn xa. Cũng tương tự như cách hiểu trên, ung thư phổi xảy ra khi các tế bào ác tính phát triển trong phổi, là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất hiện nay.  

Bệnh được chia thành 5 giai đoạn từ 0 đến 4, trong đó, giai đoạn 0 và 1 là hai giai đoạn sớm, bệnh nhân ở hai giai đoạn này thường có tiên lượng điều trị tốt hơn.

Các giai đoạn ung thư phổi được xác định dựa trên các yếu tố: kích thước khối u (T), mức độ di căn đến hạch bạch huyết (N), và mức độ di căn đến các bộ phận khác (M):

  • T (Tumor): Mô tả kích thước và mức độ xâm lấn của khối u đến các cơ quan lân cận, được đánh số từ 1 đến 4 tương ứng với mức độ nghiêm trọng tăng dần.
  • N (Node): Mô tả mức độ di căn của tế bào ung thư ác tính đến các hạch bạch huyết, được đánh số từ 0 đến 3 tương ứng với với mức độ nghiêm trọng tăng dần.
  • M (Metastasis): Mô tả mức độ di căn đến một hoặc nhiều cơ quan khác, được biểu thị bằng không có di căn (tương ứng với kí hiệu 0) hoặc có di căn (tương ứng với kí hiệu 1).

Khi ung thư phổi tiến triển, các tế bào ung thư có thể đi theo dòng máu hoặc đi vào hệ bạch huyết của cơ thể để đến các vị trí, cơ quan khác trong cơ thể, gọi là hiện tượng di căn. Ở giai đoạn đầu, các tế bào ung thư mới chỉ di căn đến các hạch bạch huyết lân cận như hạch nách, hạch thượng đòn, và hạch trung thất. Ở ung thư phổi giai đoạn 4, các tế bào ác tính đã di chuyển đến khắp cơ thể, dẫn đến ung thư di căn.

Tỷ lệ sống sót sau 5 năm của bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối chỉ khoảng 16%. Các yếu tố ảnh hưởng đến tiên lượng sống bao gồm loại ung thư phổi, số lượng khối u, các bệnh lý về phổi khác (như xẹp phổi), mức độ di căn của khối u, và khả năng đáp ứng liệu trình điều trị.

Hiện nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, nhiều phương pháp mới ra đời dành cho các bệnh nhân ung thư giai đoạn 4 với tỷ lệ đáp ứng cao hơn, hiệu quả hơn và giúp kéo dài tuổi thọ của người bệnh hơn so với trước đây như liệu pháp nhắm trúng đích, liệu pháp miễn dịch.  

2. Triệu chứng ung thư phổi giai đoạn cuối

Trước khi tìm hiểu về các triệu chứng ung thư phổi giai đoạn 4, chúng ta cần nhận biết các biểu hiện chung của bệnh này, bao gồm:

  • Ho: Ho có đờm hoặc chất nhầy, thậm chí ho ra máu.
  • Khó thở và đau ngực: Xảy ra khi các tế bào ung thư ác tính xâm lấn niêm mạc phổi hoặc các vùng xung quanh.
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân: Cơ thể người bệnh có dấu hiệu suy mòn, mất đi khối lượng cơ, xương nhất định. Tình trạng suy mòn không thể hồi phục hoàn toàn bằng hỗ trợ dinh dưỡng thông thường nên bệnh nhân ngày càng suy kiệt.
  • Khàn tiếng.

Nhiều bệnh lý khác cũng có triệu chứng tương đồng nên bệnh nhân dễ bị nhầm lẫn, chủ quan, lơ là những dấu hiệu trên. Vì vậy, nếu đang nghi ngờ bản thân bị ung thư phổi, mọi người nên kiểm tra bằng những phương pháp chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT scan).

Do không có triệu chứng đặc hiệu trong giai đoạn đầu, phần lớn các trường hợp ung thư phổi chỉ được phát hiện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn. Ở ung thư phổi giai đoạn 4, kích thước khối u đã lớn và có dấu hiệu chèn ép vào các cơ quan lân cận.  

Ngoài ra, bệnh nhân dễ gặp hiện tượng xẹp phổi do tế bào ung thư ác tính tiết ra chất lỏng đọng lại trong phổi hoặc do khối u đẩy khí ra khỏi phổi, làm cản trở quá trình trao đổi khí, ngăn cản hấp thụ oxy và đào thải CO2.

Ở giai đoạn muộn, tế bào ung thư phổi đã di căn đến nhiều bộ phận khác trong cơ thể. Các cơ quan dễ bị ảnh hưởng nhất bao gồm hạch bạch huyết lân cận và các cơ quan khác (như gan, não, xương và tuyến thượng thận).  

Do đó, ngoài những biểu hiện chung, triệu chứng ung thư phổi giai đoạn 4 còn bao gồm các biểu hiện tại vị trí tế bào di căn đến như: đau đầu, đau bụng, đau xương, đau lưng, khó thở, khó nói, và thậm chí là co giật. 

Ngoài biểu hiện chung, triệu chứng ung thư phổi giai đoạn 4 còn bao gồm các biểu hiện tại vị trí tế bào di căn đến, điển hình như đau đầu.
Ngoài biểu hiện chung, triệu chứng ung thư phổi giai đoạn 4 còn bao gồm các biểu hiện tại vị trí tế bào di căn đến, điển hình như đau đầu.

Ung thư phổi di căn đến não thường gây ra:

  • Đau đầu;
  • Suy giảm trí nhớ;
  • Tâm trạng thay đổi bất thường;
  • Người yếu đi;
  • Khó khăn khi di chuyển;
  • Có thể bị liệt nửa người;  
  • Các triệu chứng khác bao gồm rối loạn thị giác, suy nhược, buồn nôn, chóng mặt, gặp vấn đề về giọng nói.  

Khi ung thư phổi di căn đến xương, triệu chứng ung thư phổi giai đoạn cuối mà bệnh nhân có thể mắc phải bao gồm:

  • Đau nhức xương, xương giòn, dễ gãy;
  • Đau cột sống;
  • Mất kiểm soát chức năng ruột hoặc bàng quang.

Ung thư phổi di căn gan gây đau ở vùng hạ sườn phải, vàng da, tràn dịch màng bụng.

Khi các tế bào ác tính di căn đến màng tim và màng phổi có thể gây tràn dịch màng ngoài tim, tràn dịch màng phổi gây ra các biến chứng nghiêm trọng như suy hô hấp và chèn ép tim, có thể dẫn đến tử vong.  

3. Nguyên nhân gây bệnh ung thư phổi

Nguyên nhân cụ thể gây ra bệnh ung thư phổi hiện vẫn chưa được xác định rõ ràng, nhưng một số yếu tố dưới đây có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh:

  • Hút thuốc lá chủ động hoặc thụ động: Các chất độc hại có trong khói thuốc lá sẽ phá hủy các tế bào phổi và làm các khối u tăng sinh bất thường. Người hút thuốc lá chủ động hay hít phải khói thuốc thụ động đều có nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi.
  • Hít bụi amiăng: Tinh thể amiăng có trong nhiều loại đá, có hình dạng giống sợi tóc và được dùng để sản xuất các vật liệu cách nhiệt trong những tòa nhà. Khi ai đó vô tình hít phải amiăng, loại bụi này sẽ gây kích ứng phổi. Nếu kết hợp với thói quen hút thuốc lá thường xuyên, nguy cơ mắc ung thư phổi sẽ tăng lên đáng kể.
  • Khí radon: Đây là một loại khí không mùi, không màu, thường tồn tại trong các khe hở của tòa nhà, nền đất và được hình thành từ quá trình phân rã tự nhiên của đất đá. Khí radon sẽ làm cho những ai phơi nhiễm trong thời gian dài dễ mắc ung thư phổi.
  • Các chất hóa học độc hại khác.
  • Yếu tố di truyền: Gia đình có người thân (cha mẹ, anh chị em ruột) bị ung thư phổi thì nguy cơ con cái mắc bệnh này cũng cao hơn.

4. Ung thư phổi giai đoạn 4 có chữa được không?

Nhiều người bệnh đã nỗ lực vượt qua giai đoạn 4. Theo các chuyên gia, liệu trình điều trị trong các giai đoạn từ 0 đến 3 thường được chỉ định đơn lẻ hoặc kết hợp nhiều biện pháp như:

  • Phẫu thuật (ở giai đoạn 0);
  • Phẫu thuật kết hợp hóa trị (ở giai đoạn 1 - 2);
  • Phẫu thuật kết hợp với hóa trị, xạ trị, hoặc liệu pháp miễn dịch (ở giai đoạn 3).

Tuy nhiên, phẫu thuật hay xạ trị phần lớn không được áp dụng cho bệnh nhân mắc ung thư phổi giai đoạn 4, do lúc này, các tế bào ung thư đã di căn xa và tấn công các cơ quan khác trong cơ thể ngoài phổi.  

Một số ít trường hợp ung thư phổi di căn đến não hoặc tuyến thượng thận có thể áp dụng phẫu thuật loại bỏ khối u, nhưng điều kiện tiên quyết là tế bào ung thư chỉ di căn đến một hoặc một số vị trí nhất định (chỉ đến tuyến thượng thận hoặc não), chứ không phải đồng thời xuất hiện ở nhiều cơ quan khác nhau.

Do đó, hầu hết bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn 4 thường sẽ tập trung điều trị toàn thân với các biện pháp như hóa trị, liệu pháp miễn dịch hoặc liệu pháp nhắm trúng đích để kiểm soát tình trạng chuyển biến bệnh. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe