Cắt thân và đuôi tuỵ: Những điều cần biết

Trong những phẫu thuật ở hệ tiêu hóa thì cắt thân và đuôi tụy là một phẫu thuật khó và phức tạp vì nó liên quan đến nhiều mạch máu lớn. Khi cắt nếu khâu không tốt sẽ có nguy cơ rò tụy, các enzyme bị mất kiểm soát dẫn đến làm phân hủy các mô lân cận.

1. Cắt thân và đuôi tụy được chỉ định, chống chỉ định trong trường hợp nào?

Sau khi theo dõi các kết quả xét nghiệm kiểm tra, bác sĩ sẽ thực hiện cắt thân và đuôi tụy đối với các bệnh nhân:

  • Ung thư của thân hoặc đuôi tụy.
  • U lành của thân hoặc đuôi tụy có nguy cơ hóa ác.
  • Nang thật vùng thân hoặc đuôi tụy.
  • Vỡ thân hoặc đuôi tụy do chấn thương.

Nếu người bệnh gặp phải một trong số những trường hợp sau thì phẫu thuật cắt thân và đuôi tụy sẽ không được tiến hành:

  • Khối ung thư ở giai đoạn T4 xâm lấn các cấu trúc mạch máu quan trọng như bó mạch mạc treo tràng trên hoặc động mạch gan, bó mạch lách hoặc đã di căn phúc mạc.
  • Người bệnh bị viêm phúc mạc do vỡ thân hoặc đuôi tụy đến muộn.
  • Viêm tụy cấp diễn tiến.
  • Người bệnh đang nằm trong phác đồ điều trị có chống chỉ định gây mê hoặc mắc bệnh lý tim mạch, hô hấp có chống chỉ định bơm hơi trong ổ bụng.

Bệnh nhân bị viêm tụy cấp sẽ không được phẫu thuật cắt thân và đuôi tụy
Bệnh nhân bị viêm tụy cấp sẽ không được phẫu thuật cắt thân và đuôi tụy

2. Phẫu thuật cắt thân và đuôi tụy cần chuẩn bị gì?

Vì là một trong những phẫu thuật khó nên người thực hiện phải là phẫu thuật viên chuyên khoa gan mật tụy có kinh nghiệm về phẫu thuật nội soi, bác sĩ gây mê hồi sức có kinh nghiệm.

2.1 Phương tiện sử dụng trong quá trình phẫu thuật

  • Hệ thống máy và dụng cụ phẫu thuật nội soi chuyên biệt cho vùng ổ bụng.
  • Các dụng cụ kiểm soát cầm máu bao gồm: Dao cắt siêu âm hoặc ligasure, dao đốt cầm máu lưỡng cực (bipolar), hemolock.
  • Sử dụng máy cắt nối thẳng hoặc có thể gập góc (Flex) sử dụng cartridge mạch máu màu trắng 60mm.

2.2 Đối với người bệnh

  • Khám lâm sàng trước mổ.
  • Xét nghiệm tiền phẫu thông thường.
  • Khám đánh giá nguy cơ phẫu thuật khi cần thiết.
  • CT Scan bụng có tiêm thuốc hoặc MRI bụng có tương phản từ.
  • Trong một số trường hợp để đánh giá giai đoạn ung thư, bệnh nhân được chỉ định thực hiện siêu âm qua nội soi dạ dày.
  • Trong một số trường hợp, bệnh nhân được chỉ định sinh thiết khối u dưới hướng dẫn của siêu âm hoặc CT Scan để xác định chẩn đoán trước mổ.
  • Chuẩn bị sẵn sàng đại tràng đường uống trong tình huống cần.

2.3 Hồ sơ bệnh án

Các thủ tục hành chính cần hoàn thành theo quy định: Bệnh án chi tiết, biên bản hội chẩn, biên bản khám trước khi gây mê, giấy cam đoan đồng ý phẫu thuật.


Bệnh nhân cần hoàn thành thủ tục hành chính trước khi phẫu thuật
Bệnh nhân cần hoàn thành thủ tục hành chính trước khi phẫu thuật

3. Những điều bác sĩ và người bệnh cần lưu ý trong và sau phẫu thuật

Trong quá trình phẫu thuật cắt thân và đuôi tụy, nếu:

  • U to không có khả năng mổ nội soi, chuyển mổ mở.
  • Bệnh nhân chảy máu nhiều không kiểm soát được qua phẫu thuật nội soi: chuyển mổ mở.
  • Đại tràng ngang bị tổn thương khi cắt mạc chằng vị đại tràng: tùy theo mức độ tổn thương và tình trạng đại tràng có thể khâu lại chỗ thủng hoặc mở đại tràng ra da.
  • Trường hợp thiếu máu một đoạn đại tràng ngang do tổn thương bó mạch viền của đại tràng: theo dõi tình trạng người bệnh để thực hiện cắt đoạn đại tràng thiếu máu nối lại hoặc đưa hai đầu ra da.

Sau khi bác sĩ thực hiện phẫu thuật cắt thân và đuôi tụy tuân theo quy trình y khoa, người bệnh cần được bù đủ nước-điện giải, năng lượng hàng ngày, truyền đủ protein, albumin và máu.

Bên cạnh đó có thể được chỉ định sử dụng giảm đau hoặc dùng kháng sinh dự phòng. Phụ thuộc vào mức độ nhiễm trùng mà thời gian sử dụng kháng sinh phối hợp cần kéo dài hơn. Người bệnh uống nước đường, sữa ngày đầu sau mổ, ăn sớm sau khi đã có trung tiện.

Bác sĩ cần theo dõi và xử lý các trường hợp sau:

  • Chảy máu: Chảy máu trong ổ bụng (theo dõi qua dẫn lưu, dấu sinh tồn và xét nghiệm công thức máu): Cần theo dõi sát tùy mức độ mà cần thiết phải phẫu thuật lại ngay qua nội soi hoặc mổ mở.
  • Xuất hiện rò tụy: Theo dõi qua dịch dẫn lưu (màu sắc, cung lượng, xét nghiệm amylase/dịch dẫn lưu), đa số các trường hợp điều trị bảo tồn, chỉ định mổ lại nếu tình trạng rò sau phẫu thuật cắt thân và đuôi tụy tạo áp xe trong ổ bụng hoặc viêm phúc mạc.
  • Tình trạng tắc ruột do dính sau mổ: Hiếm gặp , theo dõi và xử trí như tắc ruột cơ học.

XEM THÊM:

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe