Dị ứng nước hoa thường xảy ra do thành phần có trong nước hoa. Khi bị dị ứng sẽ có một số triệu chứng như ban đỏ ngứa, ngứa mũi, sổ mũi và có thể lên cơn hen phế quản cấp … Ngoài tra một số người sử dụng nước hoa có thể gặp biểu hiện kích ứng và ngộ độc nước hoa.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS. BS Vũ Thị Mai, chuyên ngành Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
1. Vì sao bị dị ứng nước hoa?
1.1. Dị ứng thành phần trong nước hoa
Nước hoa thường chứa các thành phần từ hương liệu thiên nhiên và hóa chất có mùi thơm, cũng như các thành phần không lành mạnh cho sức khỏe có thể không được tiết lộ trên nhãn sản phẩm. Do đó, tiếp xúc với các thành phần không rõ ràng này thường gây ra tình trạng dị ứng da, tăng độ nhạy cảm của da, dị ứng mũi, đường thở và có nguy cơ gây ra ngộ độc.
Các thành phần không được tiết lộ chính xác trong nước hoa mang theo nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe vì chưa được thử nghiệm đầy đủ để xác định tính độc hại đối với con người. Không chỉ có các hợp chất hóa học tổng hợp mới gây hại cho cơ thể, mà cả các thành phần tự nhiên cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và dẫn đến dị ứng. Một số chất tự nhiên đã được xác định là có hại cho sức khỏe, vì vậy cần chú ý nếu chúng xuất hiện trong thành phần của nước hoa, bao gồm:
- Rễ cây irit thơm
- Galbanum
- Xạ hương
- Dầu hoắc hương
- Bergamot
- Asafetida
Ngoài ra, hầu hết các loại nước hoa chứa một lượng cồn cao, thường là ethanol hoặc một loại cồn khác, được sử dụng để giữ và ổn định mùi hương trong nước hoa. Nếu vô tình nuốt phải một lượng cồn này sẽ có nguy cơ ngộ độc và cần được xử lý cấp cứu.
Với những thành phần không rõ ràng và nguy cơ gây hại, cùng với một số thành phần đã được chứng minh là có hại, tiếp xúc thường xuyên với nước hoa có thể gây ra các vấn đề sau:
- Dị ứng nước hoa: Khoảng 2% dân số thế giới được ước tính mắc phải dị ứng với các hương liệu, mà đó là thành phần chính trong nước hoa. Dị ứng nước hoa cũng giống như dị ứng thức ăn có thể gây ra các triệu chứng từ nhẹ đến nặng khi tiếp xúc với hương liệu, đặc biệt là đối với những người có tiền sử hen suyễn hoặc da nhạy cảm.
- Nguy cơ ngộ độc từ nước hoa: Các thành phần trong nước hoa có thể gây nguy cơ ngộ độc, ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, cũng như ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai.
1.2. Ảnh hưởng từ những bệnh lý đường hô hấp
Nếu đang mắc phải các bệnh về đường hô hấp như viêm mũi dị ứng hoặc hen suyễn, thì chỉ cần phải hít phải một mùi lạ nào đó, người bệnh cũng có thể cảm thấy khó thở, ngứa mũi và nghẹt mũi. Mùi của nước hoa cũng không là một ngoại lệ.
1.3. Làn da nhạy cảm
Dị ứng nước hoa không chỉ gây ra cảm giác khó thở, đau đầu, hoặc choáng váng, mà còn dẫn đến cảm giác ngứa ngáy, mẩn đỏ và nóng rát trên vùng da tiếp xúc với nước hoa, đặc biệt là ở các khu vực như dưới cánh tay, cổ, và mắt.
Thông thường, những người có làn da mẫn cảm, dễ kích ứng sẽ thường gặp phải tình trạng này nhiều hơn so với những người có da bình thường.
1.4. Lạm dụng nước hoa quá nhiều
Nước hoa được sử dụng để tăng thêm vẻ thanh lịch và quyến rũ cho phụ nữ, cũng như sự lịch lãm và phong độ cho nam giới. Tuy nhiên, việc sử dụng quá mức có thể gây ra tác động ngược. Nếu sử dụng nước hoa quá nhiều lần trong một ngày và mỗi lần xịt (hoặc thoa) quá nhiều, có thể gây ra kích ứng với mùi hương quá mạnh cho cả người dùng và những người xung quanh.
Khi một người sử dụng nước hoa thì không chỉ bản thân người đó bị tác động mà nó có nguy cơ khiến người khác trong cùng một không gian bị dị ứng nước hoa, nhất là những không gian kín. Cho nên có thể nhiều người không tìm được nguyên nhân vì sao lại thường xuyên bị viêm mũi dị ứng, mẩn ngứa trên da thì đây cũng có thể là tác nhân do tiếp xúc thụ động với nước hoa qua không khí.
2. Triệu chứng ngộ độc, dị ứng nước hoa
Khi sử dụng nước hoa quá thường xuyên hay một người có cơ địa dị ứng với thành phần nào đó trong nước hoa thì có thể gây ra các triệu chứng như:
2.1. Ngộ độc nước hoa
Có thể xuất hiện khi vô tình uống phải nước hoa hoặc sử dụng quá độ. Trong trường hợp này, cơ thể có thể phát hiện các dấu hiệu sau:
- Khó duy trì thăng bằng, cảm giác lảo đảo khi đi bộ.
- Nói lảm nhảm khó hiểu.
- Hơi thở có mùi rượu.
- Cảm giác buồn nôn hoặc nôn mửa.
- Trạng thái hôn mê nặng hơn.
2.2. Dị ứng do tiếp xúc với nước hoa
Các dấu hiệu có thể biến đổi từ nhẹ đến nặng, phụ thuộc vào mức độ dị ứng nước hoa của bạn đối với loại nước hoa bạn đang sử dụng.
- Đau đầu có thể từ nhẹ đến nặng.
- Ngứa da, kích ứng da và có thể gây ra phát ban trên da.
- Chảy nước mắt, đỏ và ngứa mắt.
- Hắt hơi, sổ mũi, hoặc hắt hơi khi tiếp xúc với nước hoa, có thể gây viêm mũi xoang dị ứng.
- Buồn nôn và nôn mửa.
- Khò khè khi thở, khó thở, và trong trường hợp nặng, có thể gây ra sốc phản vệ có nguy cơ tử vong.
2.3. Kích ứng với nước hoa
Biểu hiện kích ứng với nước hoa thường nhẹ và có thể tự khỏi khi ngừng tiếp xúc với nước hoa như: sổ mũi, hắt xì hơi nhiều lần, ban đỏ tại vùng da tiếp xúc.
2.3. Viêm da tiếp xúc do nước hoa
Là biểu hiện của phản ứng dị ứng của da đối với chất gây kích ứng, đặc biệt là ở những người có làn da nhạy cảm. Các dấu hiệu bao gồm:
- Ban đỏ hoặc xuất hiện mụn nước tại các vị trí tiếp xúc.
- Cảm giác ngứa hoặc bong tróc trên da, da đỏ hoặc như da bị bỏng nước ở những nơi tiếp xúc với nước hoa.
3. Cần làm gì khi xuất hiện các triệu chứng dị ứng nước hoa?
3.1. Làm sạch vùng da dị ứng
Nếu da ở vùng đã sử dụng nước hoa bắt đầu cảm thấy ngứa rát và xuất hiện dấu hiệu nổi mẩn đỏ, cần ngay lập tức rửa sạch vùng đó bằng nước sạch và lau khô nhẹ nhàng bằng khăn mềm. Tránh gãi và không nên sử dụng khăn ướt để lau vì điều này có thể làm tình trạng dị ứng nước hoa trở nên nghiêm trọng hơn.
3.2. Hít thở đều đặn và nhẹ nhàng
Khi cảm thấy đau đầu, buồn nôn, khi tiếp xúc với mùi nước hoa, đừng nên hoảng sợ hoặc căng thẳng. Thay vào đó, hãy thực hiện việc hít thật sâu và thở ra mạnh mẽ qua mũi để loại bỏ hương nước hoa. Đồng thời tìm nơi để rửa vùng da tiếp xúc với nước hoa sạch sẽ, mở thông thoáng cửa phòng
Trong trường hợp có khó thở, ngạt mũi hoặc biểu hiện da đỏ ngứa không giảm sau khi vệ sinh da, bạn cần ngay lập tức đến bệnh viện thăm khám để được tư vấn và điều trị kịp thời.
3.3. Chọn loại nước hoa phù hợp
Điều này rất quan trọng để tránh tình trạng dị ứng nước hoa. Hãy thực hiện nghiên cứu kỹ lưỡng về thành phần của nước hoa để đảm bảo rằng sản phẩm không chứa các chất có khả năng gây kích ứng.
Khi mua sản phẩm, hãy thử nghiệm bằng một lượng nhỏ trên vùng da mu bàn tay trước, và nếu cảm thấy không thoải mái hoặc xuất hiện dấu hiệu bất thường, hãy ngưng sử dụng ngay lập tức.
Ngoài ra, nên ưu tiên lựa chọn các loại nước hoa được làm từ nguyên liệu thiên nhiên thay vì các loại nước hoa tổng hợp để đồng thời tạo ra mùi thơm dễ chịu và đảm bảo an toàn cho cơ thể.
3.4. Đến gặp bác sĩ để được thăm khám
Nếu tình trạng dị ứng trở nên nghiêm trọng, ngay cả sau khi đã ngừng sử dụng nước hoa, người dị ứng cần đến gặp bác sĩ để được kiểm tra, chẩn đoán và được chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.
4. Làm sao để hạn chế nguy cơ ngộ độc, dị ứng nước hoa?
Dựa vào nhãn hiệu của nước hoa không phải lúc nào cũng là cách đáng tin cậy. Ngay cả các thành phần tự nhiên cũng có thể mang theo nguy cơ gây hại cho cơ thể. Do đó, có thể áp dụng một số biện pháp sau để giảm thiểu ảnh hưởng của nước hoa:
- Hạn chế sử dụng và tiếp xúc với nước hoa hoặc các chất tạo mùi thơm chứa các thành phần nhạy cảm.
- Kiểm tra kỹ các thành phần trên nhãn để tránh sử dụng những thành phần có thể gây nguy hiểm hoặc dị ứng.
- Thông báo với những người cùng làm việc hoặc sống cùng bạn về các vấn đề tiêu cực mà nước hoa có thể mang lại, giúp tránh nguy cơ tiếp xúc không cần thiết với nước hoa.
- Sử dụng quạt để loại bỏ và ngăn chặn mùi nước hoa trong không gian cá nhân của bạn.
- Bảo quản nước hoa xa tầm với của trẻ em để tránh nguy cơ ngộ độc do nuốt phải.
- Ngộ độc và dị ứng nước hoa không phổ biến nhưng vẫn mang theo nguy cơ nghiêm trọng cho sức khỏe. Trong khi đó, tình trạng kích ứng nước hoa lại khá phổ biến, vì vậy nếu bạn có nghi ngờ hoặc từng trải qua dị ứng với các chất tạo mùi thơm, hãy tránh tiếp xúc hoặc sử dụng nước hoa.
Khách hàng có thể tự ý tra cứu thêm thông tin về sức khỏe và lối sống lành mạnh trên website của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.