Peel da nghĩa là tẩy da bằng các chất hóa học nhằm loại bỏ các tế bào da khô chết trên bề mặt và để lại làn da mềm mại, mịn màng hơn bên dưới. Trong khi nhiều liệu pháp peel da cần được thực hiện tại phòng khám thì vẫn có những phương pháp peel da tại nhà. Vậy khi làm tại nhà bạn cần chú ý những vấn đề gì?
1. Peel da bằng hóa chất là gì?
Peel da bằng hóa chất là lớp vỏ hóa học có bản chất là chất tẩy da chết với độ pH thường khoảng 2,0. Chính vì thế, khi tự tìm mua sản phẩm peel da, hãy đảm bảo rằng sản phẩm có độ pH như yêu cầu, đủ phần trăm axit cần để tẩy tế bào chết trên da. Nếu độ pH tăng lên, sản phẩm đó sẽ trở nên ít hoạt động hơn.
Hoạt động của lớp peel da bằng hóa chất là tẩy rửa các tế bào da chết trên cùng. Tuy nhiên, dưới góc độ điều trị và cả thẩm mỹ từ các chuyên gia da liễu, lớp peel da còn đóng nhiều vai trò hơn nữa, gồm có:
- Tẩy da chết ở lớp sâu
- Điều trị chứng nám da, tăng sắc tố da và các sự đổi màu da khác
- Trẻ hóa da mặt
- Làm thông thoáng lỗ chân lông
- Làm sạch mụn
- Giảm độ sâu của nếp nhăn hoặc sẹo mụn
- Làm sáng màu da
- Tăng cường hấp thụ các sản phẩm chăm sóc da khác
2. Các loại sản phẩm hóa chất dùng để peel da
Các loại vỏ hóa chất được khuyến nghị để peel da được phân loại theo hoạt độ, gồm có ba loại:
- Mức độ nhẹ: Các sản phẩm này có tính thâm nhập ít, tẩy tế bào chết nhẹ nhàng và phù hợp nhất cho các vấn đề về da nhẹ như đổi màu nhẹ hoặc kết cấu thô. Ví dụ axit mandelic, lactic và axit salicylic nồng độ thấp thường thuộc loại này.
- Mức độ vừa: Những chất này có tính thâm nhập sâu hơn vào được tới lớp giữa của da, nhắm mục tiêu đến các tế bào da bị tổn thương và phù hợp nhất cho các vấn đề về da vừa phải như sẹo bề mặt, đường nhăn hay nám da hoặc đồi mồi. Lớp vỏ hóa chất này thậm chí còn được sử dụng trong điều trị tăng trưởng da tiền ung thư. Ví dụ axit glycolic, Jessner và TCA có tỷ lệ phần trăm cao.
- Mức độ sâu: Như tên của nó, khả năng xâm nhập của chúng qua lớp giữa của da và còn vào rất sâu. Chúng nhắm mục tiêu vào các tế bào da bị tổn thương, sẹo từ trung bình đến nặng, nếp nhăn sâu và sự đổi màu da bền vững. Ví dụ TCA và phenol có tỷ lệ phần trăm cao. Lưu ý khi thực hiện peel da tại nhà tuyệt đối không được tự dùng các sản phẩm này mà cần phải được thực hiện bởi các chuyên gia về da liễu.
3. Những thức cần có để thực hiện peel da tại nhà
Để phục vụ việc peel da tại nhà trở nên đơn giản và hiệu quả hơn. Bạn cần chuẩn bị đầy đủ những thứ sau:
- Chổi quạt để bôi da, vừa giúp tiết kiệm sản phẩm và cho phép bôi lên da một cách dễ kiểm soát, có độ dày đồng nhất.
- Vaseline để bảo vệ những vùng da nhạy cảm mà lớp vỏ hóa học không được chạm vào, như hai bên mũi, môi và hốc mắt
- Đồng hồ bấm giờ hoặc bộ đếm thời gian để theo dõi thời điểm trung hòa vỏ
- Găng tay để bảo vệ da bàn tay khi tiếp xúc với vỏ hóa chất
- Súng bắn hay bộ phân phối nhỏ giọt để chia nhỏ sản phẩm đều theo vùng da cần thiết
4. Các bước thực hiện peel da tại nhà
Trước khi bắt đầu, xin lưu ý rằng việc peel da có thể gặp phải các tác dụng phụ nặng nề, nhất là với những người có làn da nhạy cảm. Đồng thời, dù cho hoạt độ nhẹ, các hóa chất sử dụng đều có tính tẩy rửa rất mạnh và không nên sử dụng tùy tiện hàng ngày hoặc nhiều hơn một lần một tuần.
Luôn chuẩn bị đầy đủ kiến thức cần thiết cho bản thân mình, bạn nên tham khảo ý kiến của chuyên gia chăm sóc sức khỏe, da liễu trước khi quyết định thực hiện peel da bằng hóa chất tại nhà. Các bác sĩ sẽ giúp định hướng loại hóa chất nên dùng và cách pha chế, liều lượng thích hợp cho từng làn da.
Khi bắt đầu với bất kỳ loại vỏ hóa chất nào, cần kiểm tra và đảm bảo tính an toàn cho da tối thiểu bằng cách:
- Bôi một lượng nhỏ sản phẩm lên da ở vùng kín đáo, chẳng hạn như mặt trong cổ tay hoặc cánh tay.
- Chờ 48 giờ để xem có phản ứng không.
- Kiểm tra khu vực này vào 96 giờ sau khi bôi để xem liệu cơ thể có bị phản ứng chậm hay không.
Nếu các bước kiểm tra trên đều an toàn, hãy làm theo các bước sau một cách chậm rãi và chính xác nhằm giúp peel da an toàn cũng như để giảm thiểu mọi nguy cơ tiềm ẩn. Trong lần thực hiện peel da đầu tiên, cần lưu lại lớp vỏ hóa chất trên da chỉ trong tối đa 30 giây bằng cách sử dụng đồng hồ bấm giờ hay bộ đếm thời gian. Những lần sau đó, có thể xem xét tăng thời gian lưu lại trên da mặt thêm 30 giây, cho đến khi đạt đến giới hạn tối đa là năm phút.
Ví dụ: giả sử bắt đầu với vỏ axit mandelic 15%. Tuần đầu tiên, chỉ bôi trong 30 giây. Tuần sau, tăng thành một phút. Tuần sau đó, 1 phút 30 giây, cứ tiếp tục như vậy cho đến khi đạt tối đa năm phút. Nếu đã đạt đến mốc năm phút và cảm thấy như lớp vỏ hóa học vẫn chưa hoạt động đủ, đây sẽ là thời điểm để tăng phần trăm nồng độ. Nói cách khác, sử dụng vỏ axit mandelic 25% thay cho 15% và lặp lại toàn bộ quy trình như trên.
Cuối cùng, sự thành công của peel da còn phụ thuộc rất lớn vào việc tuân thủ các cách chăm sóc sau khi thực hiện do chuyên gia thẩm mỹ khuyến nghị. Điều này ngoài việc đảm bảo có được kết quả peel da an toàn, hoàn hảo như mong đợi, peel da xong nên làm gì cũng giúp kiểm soát hiệu quả sau điều trị dễ dàng hơn và ngăn ngừa bất kỳ phản ứng phụ nào. Theo đó, người thực hiện cần tránh để vùng da mặt chịu sự tác động từ bất cứ vật thể nào, kể cả tóc hay thói quen sờ tay lên mặt, gãi lớp da bong tróc, tránh tiếp xúc với nước nóng, hạn chế để da bài tiết mồ hôi và lựa chọn sữa rửa mặt dịu nhẹ cho da. Khi rửa mặt cũng thao tác nhẹ nhàng, tránh cọ xát trên da...
5. Những rủi ro cần biết khi thực hiện peel da tại nhà
Các rủi ro hay tác dụng phụ khi peel da có thể gặp phải phần lớn phụ thuộc vào độ mạnh, cường độ và loại vỏ hóa chất sử dụng.
Đối với các loại vỏ hóa chất có mức độ nhẹ như axit salicylic 15% hoặc axit mandelic 25%, người thực hiện sẽ có ít hoặc không có nguy cơ mắc phải tác dụng phụ. Một chút mẩn đỏ sau khi lột da đôi khi sẽ xảy ra nhưng cũng giảm dần sau một hoặc hai giờ. Da có thể bị bong tróc trong vòng hai đến ba ngày. Tuy nhiên, điều này là khá phổ biến với các loại vỏ hóa chất có mức độ nhẹ này.
Lưu ý rằng nếu không thấy lớp da bóc ra, không có nghĩa là nó không hoạt động. Bạn không nên đánh giá thấp sức mạnh của lớp vỏ hóa học, ngay cả khi cảm thấy không có tác dụng gì nhiều. Đối với các sản phẩm có mức độ cao hơn, hiện tượng bong tróc da và mẩn đỏ là khó tránh khỏi. Quá trình này có thể kéo dài từ 7 đến 10 ngày. Các tác dụng phụ hiếm gặp khác bao gồm:
- Thay đổi màu da (nhiều khả năng xảy ra với những người da màu)
- Nhiễm trùng
- Sẹo, hiếm gặp nhưng vẫn có thể
- Tổn thương tim, thận hoặc gan, là điều đáng lo ngại với vỏ phenol nên không dùng để thực hiện peel da tại nhà.
Tóm lại, việc làm đẹp bằng cách peel da không nhất thiết chỉ được thực hiện trong các phòng khám da liễu hay spa mà vẫn có thể làm tại nhà. Bằng những kiến thức đúng đắn trong lựa chọn sản phẩm, các thao tác chuẩn xác khi peel da và chăm sóc da sau đó, mỗi người có thể tự trở thành chuyên da da liễu cho chính mình, tự tin đem lại làn da căng bóng và trắng hồng.
Nếu đang gặp thêm các vấn đề khác về da như mụn, sẹo, thâm, nám, da lão hóa.... bạn nên đến gặp bác sĩ da liễu để được thăm khám và có hướng can thiệp kịp thời. Hoặc có thể tham khảo thêm nhiều thông tin làm đẹp khác được đăng tải thường xuyên trên website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com