Cổ chân là vùng chuyển tiếp giữa trục thẳng đứng của đùi và cẳng chân với trục ngang của bàn chân. Cấu tạo của cổ chân gồm nhiều xương nhỏ nối với nhau bởi các khớp và dây chằng. Do đó khi chơi thể thao, tăng phạm vi chuyển động của chân thì rất dễ bị chấn thương.
1.Cấu tạo vùng cổ chân
Cổ chân được cấu tạo từ 3 xương, bao gồm:
- Xương ống chân (còn gọi là xương chày)
- Xương mác
- Xương bàn chân
Khối xương lồi ra ở cổ chân còn gọi là mắt cá chân, được cấu tạo từ nhiều xương nhỏ hơn, bao gồm:
- Xương mắt cá trong nằm ở bên trong mắt cá chân và là một phần của xương chày
- Xương mắt cá bên cạnh nằm ở mặt sau của mắt cá chân trong, đây cũng là một phần của xương chày
- Xương mắt cá ngoài sờ thấy ở mắt cá ngoài của chân và là một phần của xương mác
Các xương tiếp nối với nhau bằng các khớp. Các khớp cổ chân đóng vai trò trong các cử động lên xuống, trong khi các khớp nằm trong mắt cá trong và ngoài có nhiệm vụ trong các cử động từ bên này sang bên kia.
Các dây chằng vùng cổ chân rát chắc và khỏe, đặc biệt là dây chằng delta giúp cố định các xương vùng cổ chân lại với nhau và liên kết với xương bàn chân để tăng phạm vi chuyển động.
2. Chấn thương cổ chân khi chơi thể thao là gì?
Chấn thương thể thao là thuật ngữ dùng để chỉ các loại chấn thương hay gặp nhất trong khi chơi thể thao hoặc tập luyện. Mặc dù bộ phận nào trên cơ thể cũng có khả năng bị tổn thương khi vận động, nhưng thuật ngữ này chủ yếu đề cập đến những chấn thương hệ thống cơ, xương, khớp và các mô liên quan như sụn, dây chằng.
Các chấn thương trong thể thao thường xảy ra ở người trẻ tuổi. Theo ước tính của Stanford Children’s Health, mỗi năm có hơn 3,5 triệu trẻ em và thanh thiếu niên bị thương khi tham gia các hoạt động thể chất. 1/3 số ca chấn thương ở trẻ em cũng liên quan đến thể thao.
Trong đó, tổn thương mắt cá chân là một trong các chấn thương cổ chân hay gặp nhất khi chơi thể thao. Bong gân mắt cá chân là hiện tượng các dây chằng hỗ trợ khớp bị giãn ra quá mức. Chấn thương này xảy ra khi người chơi bị té ngã và lật bàn chân vào trong, gây trật mắt cá ngoài.
3. Các nguyên nhân gây chấn thương cổ chân trong chơi thể thao
Các chấn thương cổ chân trong hoạt động thể thao thường xảy ra khi:
- Vận động viên bóng chuyền, bóng rổ, bóng đá do tập luyện hay có xu hướng cử động cổ chân nhiều, dùng lực mạnh (bóng đá), nhảy lên khi thi đấu (bóng chuyền).
- Các môn đòi hỏi sức bền như điền kinh, chạy bộ, leo núi do cường độ và thời gian hoạt động khớp cổ chân nhiều.
- Sử dụng giày, dép không phù hợp khi thi đấu thể thao.
- Không khởi động kĩ hoặc vận động quá mạnh trước khi chơi thể thao.
- Những người đã từng bị chấn thương cổ chân.
- Bắt đầu tham gia một môn thể thao mới vào lần tập luyện, thi đấu đầu tiên.
- Môi trường xung quanh không thuận lợi như ẩm ướt, trơn trượt khiến bạn có nguy cơ bị dễ chấn thương hơn khi chạy, di chuyển.
Những đối tượng sau đây có nguy cơ cao bị chấn thương cổ chân khi chơi thể thao:
- Trẻ em hiếu động: Vì thích chạy nhảy, năng động và luôn trong tình trạng “thừa năng lượng” nên các trẻ hiếu động thường dễ bị chấn thương hơn. Trẻ em thường có xu hướng chơi hết mình và chưa nắm vững tất cả kỹ thuật của môn thể thao đó nên chấn thương là điều khó tránh được.
- Lớn tuổi: Càng lớn tuổi thì xương trở nên thoái hóa, dễ dẫn đến các chấn thương.
- Thừa cân, béo phì: Phần năng lượng dư thừa sẽ chuyển hóa thành chất béo (mỡ) và tạo áp lực lên các khớp. Khi có một lực tác động từ việc chơi thể thao thì sẽ dễ xảy ra chấn thương hơn.
4. Triệu chứng khi bị chấn thương cổ chân
Các triệu chứng thường xuất hiện ngay sau khi chấn thương hoặc muộn hơn vài giờ tùy theo mức độ và vị trí chấn thương. Có một vài triệu chứng thường gặp và rất đặc trưng cho chấn thương cổ chân đó là:
- Chân bên tổn thương của bệnh nhân sẽ đau: Đau toàn bộ vùng cổ chân hoặc nhói tại điểm chấn thương gây hạn chế vận động. Tuy nhiên, cảm giác đau của bệnh nhân là tại vị trí của dây chằng chứ không phải trên xương. Đau nhiều hơn khi cố gắng đứng dậy và đi lại, thuyên giảm khi nằm nghỉ.
- Sưng thường gặp ở vị trí dây chằng bị tổn thương, do đó có thể dựa vào vị trí sưng đau để suy luận ra vùng tổn thương. Sưng có kèm theo nóng vùng tổn thương và đôi khi thấy bầm tím.
- Chân bên tổn thương khó khăn trong cử động, phạm vi vận động bị hạn chế nhiều.
- Cảm giác khớp lỏng lẻo.
- Xuất hiện tiếng kêu nếu dây chằng bị đứt.
- Yếu cơ.
- Tê buốt có thể xuất hiện.
5. Xử trí sau khi bị chấn thương cổ chân trong thể thao:
Ngay sau khi chấn thương cần nhận biết sớm các triệu chứng của đứt dây chằng cổ chân, bong gân và loại trừ gãy xương. Quan trọng nhất cần có các cách xử trí phù hợp để hạn chế tăng độ chấn thương các dây chằng, giúp điều trị và thời gian hồi phục nhanh hơn, tránh để lại các biến chứng không mong muốn:
- Ngay khi chấn thương thì cần ngưng vận động, tránh tác động lực gây ra các di lệch và kéo giãn không mong muốn.
- Nếu đau sau chấn thương hãy chườm lạnh vào vùng đau, ngăn ngừa phù nề. Có thể sử dụng các bình xịt giảm đau trong thể thao, tuyệt đối không được chườm nóng vì sẽ làm sưng nề hơn.
- Tiếp theo, sử dụng băng thun thực hiện băng ép dây chằng khớp cổ chân. Nên thực hiện căng nhẹ băng thun, không nên quá chặt và quá lỏng. Điều này tránh những sự di lệch không mong muốn.
- Nằm kê chân cao giúp sự lưu thông máu tĩnh mạch dễ dàng hơn. Chú ý không nên kê quá cao, thường khoảng 10-20 cm là vừa. Cao quá sẽ làm tê chân do giảm lượng máu động mạch xuống bàn chân.
- Chuyển bệnh nhân đến bệnh viện hoặc phòng khám để kiểm tra cổ chân cũng như chụp phim X-quang đánh giá tổn thương. Cần đến các chuyên khoa xương khớp uy tín tại các bệnh viện lớn để tránh biến chứng và điều trị kéo dài.
Trong thời gian điều trị cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng với những thực phẩm giàu protein giúp thúc đẩy quá trình hồi phục dây chằng; chất kẽm, đồng, canxi... để giúp tăng cường sức khỏe xương khớp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.