Cách tăng cường hệ miễn dịch là thông tin mọi người cần nắm rõ để hạn chế nguy cơ suy giảm hệ miễn dịch dẫn tới khả năng mắc phải các căn bệnh nguy hiểm. Hệ miễn dịch là một hệ thống mạng lưới các tế bào đặc biệt cùng nhau bảo vệ cơ thể trước những loại vi khuẩn, vi sinh vật có hại khác nhau.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của bác sĩ Nguyễn Duy Bộ, chuyên ngành Hô hấp - Dị ứng - Miễn dịch tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
1. Những điều cần biết về hệ miễn dịch
Trong cơ thể mỗi con người luôn có một hệ thống cực kỳ phức tạp mang tên Hệ miễn dịch, hay tên tiếng anh là “Immune System”. Nó được tạo thành từ một mạng lưới xuyên suốt cơ thể, có thể được tìm thấy trong hệ thống tiêu hóa, tủy xương, lá lách, niêm mạc mỏng trong mũi, họng và bộ phận sinh dục, bên dưới lớp da cũng như ở Amidan cổ họng.
Nhờ vào sự phân bố rộng khắp này, hệ miễn dịch có thể hoạt động liên tục để giữ cho cơ thể khỏe mạnh. Một trong số những tế bào quan trọng của hệ miễn dịch có thể kể đến là tế bào bạch cầu - có nhiệm vụ tìm kiếm, tiêu diệt các loại vi khuẩn truyền nhiễm có hại, từ đó dẫn đến phản ứng miễn dịch.
Trong điều kiện bình thường và khỏe mạnh, hệ miễn dịch có thể tạo ra rào cản ngăn chặn các mầm bệnh hoặc kháng nguyên lạ xâm nhập vào cơ thể chúng ta. Nếu kháng nguyên xâm nhập vào bên trong cơ thể, phản ứng miễn dịch sẽ xảy ra, dấu hiệu cho thấy hệ miễn dịch đang tìm cách tiêu diệt kháng nguyên lạ. Hệ miễn dịch cũng có khả năng ghi nhớ các căn bệnh đã ngăn chặn, từ đó giảm nguy cơ tái phát bệnh. Chính vì vậy, mỗi chúng ta cần biết những cách tăng cường hệ miễn dịch để giữ cho cơ thể luôn khỏe mạnh.
2. Những dấu hiệu của suy giảm hệ miễn dịch
Nếu hệ miễn dịch tạo ra quá ít kháng thể dẫn đến nhiễm trùng, đó được gọi là suy giảm miễn dịch. Tình trạng này có thể gặp phải ở trẻ em lẫn người lớn, thường sẽ có hai loại chính là suy giảm miễn dịch nguyên phát hoặc thứ phát. Suy giảm miễn dịch nguyên phát xảy ra khi các bệnh di truyền gây ra những đợt nhiễm trùng tái phát, có thể do bẩm sinh bị thiếu một số chất miễn dịch bảo vệ cơ thể.
Trường hợp suy giảm miễn dịch thứ phát là do tác nhân bên ngoài, như việc phải thực hiện hóa trị, xạ trị hoặc bị các bệnh tiểu đường, suy dinh dưỡng, ... Tình trạng nhiễm trùng kéo dài và khó điều trị là dấu hiệu phổ biến nhất của việc bị suy giảm hệ miễn dịch, ngoài ra còn có một số dấu hiệu khác như thường xuyên bị viêm phổi, viêm và nhiễm trùng các cơ quan nội tạng, bị rối loạn máu, chán ăn, buồn nôn, chuột rút, tiêu chảy, ... nặng hơn có thể là viêm khớp dạng thấp hoặc rối loạn tự miễn.
3. Những cách tăng cường hệ miễn dịch hữu hiệu
3.1. Chế độ ăn uống hợp lý, giàu dinh dưỡng
Bằng cách có một chế độ ăn uống hàng ngày hợp lý, bổ sung thêm thực phẩm giàu chất xơ như cải xoăn, quả mâm xôi, bắp cải, ... chúng ta có thể “nuôi dưỡng” cho hệ thống miễn dịch thêm khỏe mạnh. Những khoáng chất như kẽm và selen cũng hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch, có thể được tìm thấy trong các loại hạt, động vật có vỏ và một số loại thịt.
3.2. Phơi nắng
Theo các nhà khoa học, trung bình mỗi ngày dành ra 10 - 15 phút phơi nắng sẽ giúp bổ sung thêm vitamin D cho cơ thể. Việc thiếu hụt Vitamin D là một yếu tố nguy cơ dẫn đến tình trạng suy giảm miễn dịch, tăng khả năng gây ra các bệnh tự miễn.
3.3. Ngủ đủ giấc
Quá trình ngủ cũng có tác động lớn đến khả năng phục hồi miễn dịch. Việc thiếu ngủ thường xuyên có thể dẫn đến nguy cơ bị viêm, nhiễm trùng cao hơn bình thường. Khi cơ thể chìm vào giấc ngủ, các tế bào của hệ thống miễn dịch có thể tập trung xử lý các vi khuẩn và virus gây bệnh. Ngoài ra, quá trình ngủ cũng tăng cường khả năng hình thành kháng thể ghi nhớ, giúp xây dựng hệ miễn dịch mạnh hơn sau này.
3.4. Ngừng hút thuốc
Ngoài việc không hút thuốc, hạn chế tối đa tiếp xúc với khói thuốc cũng là điều cần lưu ý để đảm bảo một hệ miễn dịch khỏe mạnh. Nếu thường xuyên hít phải khói thuốc có thể khiến chúng ta bị viêm và hệ miễn dịch rơi vào tình trạng phải liên tục phục hồi.
3.5. Hạn chế sử dụng rượu
Uống rượu thường xuyên sẽ gây ra tác động tiêu cực đến các tế bào miễn dịch, tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa. Nó còn ảnh hưởng đến các tế bào bảo vệ T và bạch cầu trong hệ thống miễn dịch. Từ đó, vi khuẩn sẽ có điều kiện xâm nhập vào tế bào máu gây ra viêm. Do đó, hạn chế bia rượu và các chất có cồn luôn được xem là cách tăng cường hệ miễn dịch hiệu quả.
3.6. Quản lý căng thẳng
Căng thẳng mãn tính có thể làm suy giảm hệ miễn dịch, do đó việc kiểm soát sự căng thẳng rất quan trọng. Điều này giúp hạn chế nguy cơ giải phóng Cytokine gây viêm, góp phần tăng cường hệ miễn dịch cơ thể. Một trong những cách hiệu quả nhất để quản lý căng thẳng là tham gia vào những hoạt động như thiền, tập thở và các bài tập thư giãn khác.
3.7. Tiêm văc-xin phòng bệnh đầy đủ
Tiêm vắc-xin là một biện pháp làm giảm nguy cơ nhiễm trùng, ngăn ngừa các bệnh lý nguy hiểm có thể dẫn tới tử vong hoặc để lại di chứng. Vắc-xin sẽ phối hợp với hệ miễn dịch tự nhiên trong cơ thể, tạo ra khả năng miễn dịch trước các tác nhân gây bệnh cụ thể cực kì an toàn, do đó luôn dược coi là một cách tăng cường hệ miễn dịch hữu hiệu nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.