Cách nhận biết ung thư xương

Ung thư xương là một bệnh lý ác tính hiếm gặp và nếu không được phát hiện sớm có thể để lại hậu quả nghiêm trọng. Vậy làm thế nào phát hiện ung thư xương? Bài viết sẽ đưa ra cái nhìn tổng quát về ung thư xương và cách nhận biết bệnh lý này.

1. Bệnh ung thư xương là gì?

Ung thư xương là bệnh lý xuất hiện do tăng sinh và hủy xương bất thường các tế bào xương. Bệnh thường gặp ở bệnh nhân trẻ tuổi, khi mà xương và sụn đang phát triển và trưởng thành. Có hai loại ung thư xương: ung thư xương nguyên phát (xuất phát từ tế bào xương) và ung thư xương thứ phát (do ung thư cơ quan khác di căn tới xương).

Bất kỳ vị trí nào của xương cũng có khả năng xuất hiện ung thư, trong đó tế bào ác tính ở xương dài (xương cánh tay, xương cẳng chân,...) gặp ở trên 50% bệnh nhân mắc ung thư xương, số còn lại gặp ở đầu dưới xương đùi, đầu trên xương chày, quanh khớp gối. Ngoài ra, ung thư xương có thể xuất hiện ở đầu trên xương đùi, đầu trên xương cánh tay, hay các xương dẹt như xương chậu, xương bả vai.

2. Các loại ung thư xương

Một nghiên cứu đã chỉ ra tần suất xuất hiện của các loại ung thư xương, theo thứ tự thường gặp giảm dần như sau:

  • Bệnh sarcoma xương
  • Bệnh sarcoma sụn
  • Bệnh sarcoma Ewing
  • U nguyên sống
  • Bệnh sarcoma xơ
  • Bệnh sarcoma mạch máu

3. Nguyên nhân ung thư xương

Như đã đề cập ở trên, ung thư xương có thể là thứ phát do ung thư từ các cơ quan khác di căn tới. Còn đối với ung thư xương nguyên phát, nguyên nhân vẫn chưa được chứng minh một cách rõ ràng. Một số yếu tố nguy cơ được cho là có liên quan với bệnh lý ung thư xương.

3.1. Yếu tố di truyền

Ung thư xương thường gặp ở độ tuổi trẻ (khoảng 12-20 tuổi), lúc mà xương phát triển mạnh. Một số bệnh nhân ung thư xương liên quan với yếu tố di truyền như:

  • Hội chứng Li - Fraumeni: Người mắc hội chứng Li - Fraumeni tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư như ung thư vú, ung thư buồng trứng, ung thư xương,...
  • U nguyên bào võng mạc: Trẻ bị u nguyên bào võng mạc cũng tăng nguy cơ mắc ung thư xương. Có thể giải thích điều này là do sự rối loạn gen ức chế sinh ung (P53), khiến cho cơ thể không kiểm soát được sự tăng sinh bất thường của tế bào và hình thành bệnh ung thư.
  • Hội chứng Rothmund - Thomson: Hội chứng này rất hiếm gặp, đặc trưng bởi tầm vóc nhỏ, rụng tóc, phát ban và loạn sản xương, và tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư xương.

3.2. Bức xạ ion hóa

Phơi nhiễm với các tác nhân vật lý như bức xạ ion hóa với cường độ mạnh trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư xương. Xạ trị liều cao trong điều trị một số bệnh ung thư, nhất là ở những bệnh nhân trẻ, có thể là nguyên nhân gây bệnh ung thư xương sau này.

3.3. Bệnh lý ở xương

Một số bệnh lý lành tính ở xương có thể là nguy cơ ung thư xương, có thể kể đến như:

  • Bệnh Paget xương: Một số người lớn bị bệnh Paget xương một tổn thương có sự phát triển bất thường của những tế bào xương mới làm tăng nguy cơ mắc ung thư xương.
  • Loạn sản xương, cơ.

4. Ung thư xương biểu hiện thế nào?

Cách nhận biết ung thư xương đôi khi trở nên khó khăn vì các biểu hiện lâm sàng ban đầu thường mơ hồ, không rõ ràng.

  • Đau: Đau là triệu chứng thường gặp của ung thư xương. Tùy vào giai đoạn mà cơn đau có những đặc điểm, tính chất đau khác nhau. Bệnh nhân ung thư xương giai đoạn sớm có thể khởi phát đau nhức xương mơ hồ, nhiều khi đau thoáng qua khiến bệnh nhân chủ quan hoặc có thể nhầm lẫn với các bệnh lý xương khớp lành tính như thoái hóa xương khớp, viêm xương khớp,... Ở giai đoạn muộn, cơn đau trở nên trầm trọng hơn, bệnh nhân có thể đau liên tục và kém đáp ứng với thuốc giảm đau thông thường.
  • Sờ thấy khối u xương: Bệnh nhân có thể đi khám và phát hiện bệnh nhờ dấu hiệu sờ thấy khối u xương. Triệu chứng này có thể xuất hiện trước hoặc sau khi bệnh nhân đau xương. Khối u xương ác tính thường cứng chắc, bờ không đều, có thể xâm lấn các tổ chức xung quanh.
  • Hạn chế vận động: Khối u xương lớn dần làm ảnh hưởng vận động của xương, khớp.
  • Gãy xương bệnh lý: Gãy xương tự nhiên hoặc chỉ sau một chấn thương nhẹ có thể cảnh báo bệnh lý ở hệ thống xương của cơ thể. Bệnh nhân có thể phát hiện bệnh ung thư xương sau một chấn thương nhẹ khiến bệnh nhân gãy xương và phải nhập viện.
  • Mệt mỏi, sụt cân: Bệnh nhân ung thư xương có thể biểu hiện các triệu chứng toàn thân như thường xuyên mệt mỏi, chán ăn, sốt, sụt cân không rõ nguyên nhân.

5. Cách nhận biết ung thư xương bằng các xét nghiệm cận lâm sàng

5.1. X quang xương khớp

X quang là xét nghiệm cơ bản đầu tiên được chỉ định để chẩn đoán các bệnh lý xương khớp, trong đó có các trường hợp nghi ngờ u xương (trừ các đối tượng chống chỉ định với tia X).

X quang cho phép phát hiện khối u xương và đánh giá vị trí cũng như đặc điểm, tính chất khối u:

  • Bờ khối u: U xương ác tính thường có bờ mỏng, yếu, nham nhở, nhiều chỗ bị phá hủy, có thể có hiện tượng tiêu xương hoặc tạo can xương ở phần mềm.
  • Dấu hiệu hủy xương: Bệnh nhân ung thư xương có thể bị tiêu xương với hình ảnh nang xương, hình gặm nhấm trên X quang. Hủy xương, tiêu xương có thể là nguyên nhân của gãy xương bệnh lý do ung thư xương. Ngoài ra, X quang của bệnh nhân ung thư xương có thể có dấu hiệu tạo xương xen kẽ tiêu xương, nhưng không có dấu hiệu xương chết.
  • Phản ứng màng xương: Ung thư xương có thể phá vỡ màng xương, tuy nhiên triệu chứng này không đặc hiệu để chẩn đoán ung thư xương. Một số bệnh nhân không thấy hình ảnh của màng xương do các tế bào xương ác tính xâm lấn phần mềm.

5.2. Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hiện đại hơn

Nếu như X quang cho phép đánh giá sơ bộ u xương thì các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh sau cho phép khảo sát cụ thể và đánh giá chi tiết hơn các đặc điểm tổn thương xương:

  • Chụp cắt lớp vi tính (CT Scan)
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI)
  • Chụp PET/CT
  • Chụp xạ hình xương (Bone Scan)

5.3. Giải phẫu bệnh

Sinh thiết tổn thương xương và làm giải phẫu bệnh (mô bệnh học) cho phép chẩn đoán xác định ung thư xương. Bác sĩ có thể chỉ định thêm các xét nghiệm cần thiết khác đối với mẫu bệnh phẩm (như nhuộm hóa mô miễn dịch,...) để có chẩn đoán chính xác nhất và lựa chọn phương án điều trị thích hợp.

6. Chẩn đoán phân biệt

Bệnh ung thư xương cần được chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý tại xương, khớp, tủy khác:

  • Viêm xương khớp
  • Viêm xương tủy xương
  • Lao xương khớp
  • U lành của xương
  • U lympho ác tính

7. Điều trị ung thư xương

Tùy thuộc vào đặc điểm bệnh học, giai đoạn bệnh, thể trạng bệnh nhân,... mà các bác sĩ sẽ hội chẩn đa chuyên khoa để đưa ra quyết định điều trị.

7.1. Phẫu thuật

Phẫu thuật ở giai đoạn sớm có thể loại bỏ triệt để khối u, giảm nguy cơ tái phát bệnh.

  • Phẫu thuật bảo tồn chi: Phẫu thuật này cắt bỏ tổn thương ác tính vừa tránh tái phát, vừa hạn chế tác động vào các mô lành xung quanh để bảo tồn chi cho bệnh nhân. Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào cũng có thể áp dụng phương pháp này mà còn tùy thuộc vào vị trí tổn thương, mức độ xâm lấn thần kinh, mạch máu xung quanh, giai đoạn bệnh,... Bác sĩ có thể chỉ định ghép phục hồi đoạn xương đã cắt bỏ hoặc thay xương giả để phục hồi vận động cho bệnh nhân.
  • Phẫu thuật cắt cụt và tháo khớp: Phẫu thuật này được chỉ định khi không thể bảo tồn chi cho bệnh nhân. Điều này có thể cản trở hoạt động, sinh hoạt hàng ngày nhưng nếu không thực hiện phẫu thuật, bệnh sẽ tiến triển nhanh.

7.2. Hóa trị

Hóa trị có thể được chỉ định trước hoặc sau phẫu thuật để làm tăng hiệu quả điều trị. Ngoài ra hóa trị còn được chỉ định cho các trường hợp di căn xa quá chỉ định phẫu thuật.

7.3. Xạ trị

Xạ trị có thể được chỉ định cho các trường hợp ung thư xương để làm chậm tốc độ phát triển khối u. Ung thư xương giai đoạn muộn có thể có chỉ định xạ trị giảm đau.

Tóm lại, ung thư xương là một loại ung thư hiếm gặp và có thể để lại biến chứng nguy hiểm. Việc nhận biết các dấu hiệu ung thư xương có ý nghĩa quan trọng để phát hiện bệnh và có kế hoạch điều trị kịp thời. Với sự phát triển của y học hiện đại, ngày càng có nhiều phương pháp mới giúp ích cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư xương, tăng tỷ lệ lành bệnh và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe