Các cách giảm đau nhức xương khớp là những phương pháp làm dịu đi các triệu chứng đau nhức ở những người đang mắc các bệnh xương khớp hoặc bị chấn thương. Tuy nhiên, việc áp dụng các cách giảm đau xương khớp cấp và mãn tính tại nhà chỉ mang tính chất tương đối, do đó người bệnh cần phải tìm đến các cơ sở y tế để được tư vấn cách điều trị phù hợp nhất cho tình trạng bệnh của bản thân.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Đau khớp bắt nguồn từ nguyên nhân nào?
Có nhiều nguyên nhân khác nhau có thể dẫn đến đau khớp, bao gồm viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp, viêm bao hoạt dịch, bệnh Gout (gút), căng cơ, gân bị căng và các chấn thương khác. Đau khớp là một tình trạng rất phổ biến. Theo cuộc khảo sát quốc gia, khoảng một phần ba người trưởng thành đã gặp phải tình trạng đau khớp trong vòng 30 ngày gần nhất.
Khi già đi, các cơn đau khớp sẽ xuất hiện với tần xuất ngày một nhiều hơn. Đặc biệt, đau ở đầu gối là tình trạng phổ biến nhất, tiếp theo là đau ở vai và hông. Tuy nhiên, đau khớp có thể ảnh hưởng đến bất kỳ phần nào của cơ thể, từ mắt cá chân, bàn chân đến vai và bàn tay.
2. Những cách giảm đau nhức xương khớp
Đau khớp có thể tiến triển từ cảm giác khó chịu nhẹ đến suy nhược nặng nề. Cơn đau có thể thoáng qua sau vài tuần (cấp tính) hay kéo dài trong vài tuần hoặc thậm chí vài tháng (mãn tính). Ngay cả những cơn đau và sưng khớp trong thời gian ngắn cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày. Dù nguyên nhân gây ra đau khớp là gì, người bệnh vẫn có thể kiểm soát tình trạng bệnh thông qua việc sử dụng thuốc, tham gia vật lý trị liệu hoặc áp dụng các phương pháp điều trị thay thế.
Đầu tiên, bác sĩ sẽ chẩn đoán và điều trị nguyên nhân gây đau khớp của bệnh nhân với mục tiêu giảm đau xương khớp và viêm khớp, cũng như bảo tồn chức năng của khớp. Các phương pháp điều trị thường sẽ là sử dụng các loại thuốc giảm đau xương khớp được liệt kê ra dưới đây.
2.1. Các loại thuốc giảm đau nhức xương khớp
Đối với các cơn đau khớp từ trung bình đến nặng kèm theo sưng, thuốc chống viêm không steroid (NSAID) không kê đơn hoặc thuốc không kê đơn như aspirin, ibuprofen (Advil, Motrin). Ngoài ra, naproxen sodium (Aleve) cũng có thể giúp giảm đau khớp tốt. Nếu đau nhẹ mà không có sưng tấy, thuốc giảm đau xương khớp Acetaminophen (Tylenol) có thể có hiệu quả.
Tuy nhiên,người bệnh cần cẩn thận khi sử dụng Acetaminophen, đặc biệt là khi có sử dụng rượu trong thời gian uống thuốc vì liều cao có thể gây tổn thương gan. Do rủi ro cao nên việc sử dụng các loại thuốc giảm đau xương khớp nhóm này cần đặc biệt thận trọng.
Nếu cơn đau quá nghiêm trọng đến mức NSAID và Cox-2 không đủ hiệu quả, bác sĩ có thể kê đơn thuốc opioid mạnh hơn để giảm đau nhức xương khớp. Do thuốc opioid có thể gây buồn ngủ, người bệnh chỉ nên sử dụng dưới sự chăm sóc của bác sĩ. Tác dụng phụ kèm theo thường bao gồm táo bón nhưng vẫn có thể điều trị giảm bớt bằng thuốc nhuận tràng.
Các loại thuốc khác có thể giúp giảm đau bao gồm:
- Thuốc giãn cơ để điều trị co thắt cơ (có thể kết hợp với NSAID để tăng hiệu quả).
- Một số loại thuốc chống trầm cảm và thuốc chống co giật (đều can thiệp vào tín hiệu đau).
- Capsaicin - một chất được tìm thấy trong ớt, có thể giảm đau nhức xương khớp do viêm khớp và các bệnh khác. Capsaicin ngăn chặn chất P, khuyến khích sự giải phóng của các chất hóa học trong cơ thể là endorphin, giúp ngăn chặn cơn đau. Tác dụng phụ của kem capsaicin bao gồm bỏng hoặc châm chích ở khu vực bôi kem. Một lựa chọn khác là kem trị viêm khớp có chứa thành phần methyl salicylate.
2.2. Tiêm thuốc giảm đau xương khớp
Đối với những bệnh nhân không cảm thấy giảm đau xương khớp từ việc sử dụng thuốc uống hoặc thuốc bôi, bác sĩ có thể quyết định tiêm thuốc steroid trực tiếp vào khớp, đồng thời sử dụng thuốc gây tê cục bộ, ba đến bốn tháng một lần.
Việc tiêm steroid trực tiếp vào khớp phổ biến nhất ở những bệnh nhân mắc viêm khớp hoặc viêm gân. Tuy quy trình này mang lại hiệu quả nhưng thường chỉ là tạm thời. Việc tiêm thuốc cũng có thể gây ra nhiều tác dụng phụ không mong muốn khác như khiến tình trạng tổn thương khớp trở nên nghiêm trọng hơn.
Các lựa chọn tiêm khác để giảm đau nhức xương khớp bao gồm:
- Loại bỏ chất lỏng khỏi khớp (thường được thực hiện chung với việc tiêm steroid)
- Tiêm hyaluronan, một dạng tổng hợp của dịch khớp tự nhiên, thường được sử dụng để điều trị viêm xương khớp.
2.3. Vật lý trị liệu
Bệnh nhân có thể hợp tác với chuyên gia về vật lý trị liệu để tăng cường sức mạnh của các cơ xung quanh khớp, ổn định khớp và cải thiện phạm vi chuyển động. Chuyên gia vật lý trị liệu sẽ sử dụng các kỹ thuật như siêu âm, liệu pháp nhiệt hoặc lạnh, kích thích dây thần kinh bằng điện và thực hiện các động tác điều chỉnh.
Nếu đang bị thừa cân, việc giảm cân có thể giúp giảm bớt áp lực lên các khớp đau của người bệnh. Tập thể dục là một cách hiệu quả để giảm cân (kết hợp với chế độ ăn kiêng) nhưng hãy cẩn thận với các bài tập nặng có tác động lớn để không làm tổn thương thêm các khớp.
Bơi lội và đạp xe là hai hoạt động rất tốt vì chúng giúp người bệnh vận động các khớp mà không tạo quá nhiều áp lực lên chúng. Nước giúp nâng đỡ cơ thể, nên khi bơi, áp lực lên các khớp cũng giảm đi đáng kể.
2.4. Chăm sóc tại nhà
Ngoài việc áp dụng các cách giảm đau nhức xương khớp nêu trên, người bệnh có thể thực hiện các kỹ thuật đơn giản tại nhà như sau:
- Bảo vệ khớp bằng việc sử dụng nẹp hoặc bọc bảo vệ.
- Cho khớp nghỉ ngơi, tránh mọi hoạt động có thể gây đau.
- Chườm đá vào khớp trong khoảng 15 phút, vài lần mỗi ngày.
- Khi nằm, người bệnh hãy kê khớp đau lên cao hơn so với vị trí mức tim của mình.
- Chườm đá vào các khớp đau có thể giúp giảm đau và viêm.
- Nếu có tình trạng co thắt cơ xung quanh khớp, bệnh nhân có thể thử sử dụng miếng đệm nóng hoặc quấn nhiều lần trong ngày.
Bác sĩ có thể đề nghị bệnh nhân dùng nẹp hoặc băng để hạn chế cử động và giảm đau xương khớp. Tuy nhiên, không nên giữ khớp cố định quá lâu vì điều này có thể gây cứng khớp và làm giảm khả năng vận động.
2.5. Điều trị khác
Một số nghiên cứu cho thấy chất bổ sung glucosamine và chondroitin có thể giúp giảm đau và cải thiện chức năng khớp. Đây là hai thành phần tự nhiên có trong sụn, giúp bảo vệ và giảm áp lực lên khớp.
Các chất bổ sung này có sẵn dưới dạng viên nang, viên nén, bột hoặc chất lỏng. Dù không hiệu quả với mọi bệnh nhân nhưng những loại thuốc này được coi là an toàn để thử vì không gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng.
Dù có khuyến nghị từ bác sĩ về phương pháp điều trị nào, người bị đau khớp vẫn nên tìm kiếm sự giúp đỡ y tế ngay lập tức nếu cơn đau trở nên nghiêm trọng, khớp bị viêm hoặc biến dạng hay gặp khó khăn khi sử dụng khớp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com