Để tránh bị ngã khi lên hoặc xuống cầu thang sau khi chấn thương, điều quan trọng đó là chúng ta cần học cách leo cầu thang đúng cách. Việc leo cầu thang an toàn sau khi phẫu thuật thay khớp háng hoặc khớp gối, người bị đau khớp hoặc có vấn đề về khớp là vấn đề cần phải hết sức lưu ý. Câu hỏi cần được đặt ra trong các trường hợp này là leo cầu thang có tốt không?
1. Leo cầu thang đúng cách như thế nào?
Nếu người bệnh xuất hiện các cơn đau nhức khớp hoặc vừa trải qua cuộc phẫu thuật gần đây khiến việc leo cầu thang bộ gặp nhiều khó khăn thì việc nắm được các kỹ thuật leo cầu thang an toàn khi không có trợ giúp của người khác hoặc khi phải sử dụng thêm gậy, nạng hoặc lan can sẽ giúp bệnh nhân cảm thấy dễ dàng hơn và giảm nguy cơ té ngã. Những điểm cơ bản cần lưu ý khi leo cầu thang:
- Leo cầu thang có tốt không? Không phải động tác leo cầu thang lên hay xuống đều như nhau, thực tế cho thấy động tác đi lên là tốt trong khi động tác đi xuống lại ảnh hưởng xấu hơn. Vì vậy, khi đi lên, cần lưu ý hãy đặt chân khỏe hơn lên trước, trong khi đó khi đi xuống hãy luôn bắt đầu với chân yếu hơn;
- Luôn hướng người về phía trước, vì cơ thể chúng ta có xu hướng kém ổn định hơn nhiều khi quay sang một bên, đặc biệt nếu cầu thang không có tay vịn;
- Đối với người dùng gậy và câu thang có tay vịn: Hãy đặt gậy ở phía đối diện với tay vịn của cầu thang. Khi đi lên, đặt chân khỏe hơn lên trước, tiếp theo là chống gậy rồi đến chân yếu hơn. Khi đi xuống, dẫn đầu bằng gậy, tiếp theo là chân yếu hơn và sau cùng là chân khỏe nhất;
- Đối với người dùng gậy và cầu thang không có tay vịn: Giữ gậy ở phía thường sử dụng và thực hiện theo quy trình tương tự như trên: đi lên theo thứ tự chân khỏe-gậy-chân yếu, đi xuống theo thứ tự gậy-chân yếu-chân khỏe;
- Đối với người sử dụng nạng leo cầu thang không có tay vịn: Dùng nạng bằng cả hai cánh tay và đi lên bằng chân khỏe hơn trước, sau đó đến nạng, tiếp theo đến chân yếu hơn. Khi đi xuống hãy dẫn đầu bằng nạng, sau đó đến chân yếu hơn và sau cùng là chân khỏe hơn.
- Đối với người sử dụng nạng leo cầu thang có tay vịn: Nắm chặt tay vịn lan can cầu thang bằng một tay và đặt cả 2 nạng dưới cánh tay đối diện. Thực hiện theo thứ tự tương tự như với gậy: đi lên theo thứ tự chân khỏe-chống nạng-chân yếu, đi xuống theo thứ tự chống nạng xuống trước-chân yếu-chân khỏe.
Tuy nhiên đối với bệnh nhân chống nạng nhưng không thể đặt bất kỳ trọng lượng nào lên chân yếu hơn thì hãy tránh tuyệt đối việc leo cầu thang.
2. Những lời khuyên về an toàn khi leo cầu thang
Có những lưu ý quan trọng mà chúng ta cần thực hiện khi học cách leo cầu thang an toàn, đặc biệt khi đang trong quá trình điều trị các bệnh xương khớp. Đặc biệt lưu ý mối quan tâm lớn nhất chính là hạn chế tối đa khả năng trượt ngã;
- Khi leo cầu thang, chúng ta nên kiểm tra độ cao thấp của các bậc thang, đặc biệt khi mới làm quen với cầu thang đó. Mặc dù chiều cao tiêu chuẩn của bậc thang là khoảng 18cm nhưng cá biệt vẫn có các trường hợp bậc thang cao hơn và gây ra các vấn đề nếu chúng ta không thể nâng chân lên đủ cao hoặc hạ chân xuống đủ ổn định;
- Bên cạnh đó, mức độ sâu rộng của các bậc thang cũng cần được quan tâm. Nếu trong quá trình leo cầu thang mà chúng ta không thể đặt toàn bộ bàn chân của mình trên một bậc thang với điều kiện còn một khoảng trống dự phòng thì việc điều hướng có thể bị ảnh hưởng. Điều này buộc chúng ta phải nghiêng bàn chân hoặc đi bằng mũi chân nhiều hơn và hệ quả của cả 2 cách đều làm tăng nguy cơ trượt ngã;
- Ngay cả khi người bệnh sau chấn thương và cảm thấy đủ sức khỏe để leo cầu thang, việc cần người hỗ trợ trong vài ngày đầu sẽ giúp cho họ đủ tự tin để tự mình di chuyển và leo cầu thang an toàn nhất.
Những lưu ý cho người hỗ trợ người khác leo cầu thang:
- Nếu chúng ta đang giúp một người bạn hoặc người thân trong gia định bị chấn thương và cần leo cầu thang, một lưu ý quan trọng là phải đảm bảo đứng đúng vị trí để vừa có thể hỗ trợ tối đa vừa hạn chế những động tác hỗ trợ không cần thiết;
- Nguyên tắc chung là không bao giờ được đi bên cạnh hoặc làm nạng cho người leo cầu thang. Làm như vậy không chỉ gây vướng víu mà còn tạo ra khó khăn khi cần can thiệp trong trường hợp người bệnh vấp ngã;
- Nếu người thân của chúng ta đang leo cầu thang hướng lên, hãy ở phía sau họ một hoặc hai bước. Đặt một tay lên phía sau xương chậu để hỗ trợ. Theo cách này, nếu họ ngã về phía sau thì chúng ta đang ở đúng vị trí để hỗ trợ;
- Nếu người thân đang đi xuống cầu thang, chúng ta hãy đứng dưới họ một hoặc hai bậc. Nên đối mặt với nhau khi xuống cầu thang, chúng ta giúp ổn định tư thế của họ bằng phần vai hoặc phần trước ngực.
3. Bài tập củng cố để leo cầu thang an toàn
Nếu đang gặp khó khăn với việc leo cầu thang an toàn, chuyên gia vật lý trị liệu có thể hướng dẫn các bài tập để tăng cường nhóm cơ "chống trọng lực", qua đó hỗ trợ khả năng đứng thẳng và tạo sự ổn định khi điều hướng nghiêng hoặc bước xuống. Các bài tập này có thể được thực hiện trong quá trình vật lý trị liệu và hãy xem đây là một phần của thói quen tập thể dục tại nhà mỗi ngày:
- Bài tập bắc cầu
- Bài tập nâng chân thẳng;
- Ngồi xổm (Squat) dựa lưng vào tường;
- Các bài tập tăng cường sức mạnh hông;
- Các bài tập cho bắp chân và cổ chân.
Trao đổi với các bác sĩ vật lý trị liệu về tần suất thực hiện các bài tập để tránh quá sức. Nếu để các cơ bắp chân làm việc quá sức, chúng ta nên dừng lại và để cơ bắp nghỉ ngơi.
Cuối cùng, những người bệnh vừa trải qua quá trình phẫu thuật hãy trao đổi với bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình trước khi bắt đầu bất kỳ kế hoạch tập thể dục nào. Mặc dù người bệnh mong muốn mau hồi phục, tuy nhiên việc thúc ép quá mức không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả tích cực.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: verywellhealth.com, arthritis.org