Thuốc chữa đau thần kinh tọa là một trong những phương pháp điều trị được áp dụng cho bệnh nhân đang mắc phải căn bệnh này. Việc điều trị các cơn đau thần kinh tọa cần được thực hiện càng sớm càng tốt để tránh các biến chứng có thể xảy ra. Các phương pháp như phẫu thuật, vật lý trị liệu và thay đổi các thói quen sinh hoạt sẽ được kết hợp nhằm tăng cường hiệu quả điều trị.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Đau dây thần kinh tọa là gì?
Đau dây thần kinh tọa là tình trạng đau nhức, tê bì xuất hiện dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa: bắt đầu từ vùng thắt lưng, lan xuống mông, đùi, cẳng chân và đến ngón chân. Mức độ và tính chất của cơn đau có thể khác nhau tùy theo từng bệnh nhân, từ đau âm ỉ đến đau dữ dội và đột ngột. Tình trạng này có thể làm suy giảm khả năng vận động của người bệnh và trong một số trường hợp, người bệnh sẽ thấy tê nhức hoặc mất cảm giác ở chân. Vì vậy, người bệnh cần sử dụng thuốc chữa đau thần kinh tọa để cải thiện tình trạng bệnh.
2. Những nguyên nhân gây đau dây thần kinh tọa
Đau dây thần kinh tọa thường gặp ở những người trong độ tuổi lao động từ 30 đến 50 tuổi. Trước đây, tình trạng này phổ biến hơn ở nam giới nhưng các nghiên cứu gần đây lại cho thấy tỷ lệ này cao hơn ở nữ giới.
Nguyên nhân gây đau dây thần kinh tọa rất đa dạng. Các chuyên gia chia tình trạng này thành hai nhóm chính:
- Đau dây thần kinh tọa không phải do bệnh lý: Thường thì nguyên nhân xuất phát từ các tai nạn hoặc chấn thương trong công việc, sinh hoạt hàng ngày hoặc thói quen nghỉ ngơi không đúng cách. Những chấn thương này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến rễ dây thần kinh, hạn chế khả năng vận động và cử động của người bệnh.
- Đau dây thần kinh tọa do bệnh lý: Nhóm nguyên nhân này chiếm đến 80% các trường hợp mắc phải và là nhóm nguyên nhân phổ biến. Các bệnh gây ra cơn đau buốt, khó chịu kéo dài có thể kể đến như thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống, nhiễm trùng hoặc trượt đốt sống, viêm cột sống dính khớp, viêm đốt sống.
3. Dấu hiệu đau thần kinh tọa
Đau thần kinh tọa bao gồm các triệu chứng sau:
- Bệnh nhân có thể quan sát thấy biến dạng cột sống và mất đường cong sinh lý.
- Các điểm đau thường tập trung xung quanh cột sống và hạn chế vận động.
- Các dấu hiệu kích thích rễ thần kinh bao gồm điểm đau Valleix, dấu hiệu bấm chuông dương tính và nghiệm pháp Lasègue dương tính.
- Bệnh cũng có thể gây ra các dấu hiệu tổn thương rễ thần kinh như rối loạn cảm giác, rối loạn vận động, giảm hay mất phản xạ gân xương, teo cơ và các rối loạn cơ tròn như khó khăn trong việc kiểm soát bàng quang hay ruột.
- Bệnh cũng có thể gây bí tiểu hoặc bí đại tiện, mất tự chủ khi tiểu tiện/đại tiện cùng rối loạn chức năng sinh dục.
4. Các loại thuốc chữa đau thần kinh tọa hiệu quả
Sử dụng thuốc chữa đau thần kinh tọa trong quá trình điều trị đau dây thần kinh tọa không chỉ giúp giảm nhanh các triệu chứng đau nhức mà còn hỗ trợ điều trị các bệnh lý gây ra bởi tình trạng này như thoát vị đĩa đệm, chấn thương cột sống, thoái hóa đốt sống.
Dưới đây là một số loại thuốc hiệu quả trong điều trị đau dây thần kinh tọa mà người bệnh có thể tham khảo:
4.1. Thuốc giảm đau Paracetamol
Paracetamol hay còn được biết đến với tên gọi Acetaminophen, là loại thuốc giảm đau được sử dụng phổ biến trong giai đoạn đầu điều trị đau dây thần kinh tọa, đặc biệt khi người bệnh chỉ mới bắt đầu cảm thấy đau nhẹ đến vừa. Thuốc này tác động bằng cách ức chế quá trình tổng hợp các chất Cyclooxygenase và Prostaglandin trong hệ thần kinh trung ương, giúp giảm cảm giác đau, tê dây thần kinh, đồng thời làm giảm các cơn đau xương khớp.
4.2. Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
Thuốc chữa đau thần kinh tọa nhóm NSAID có hiệu quả mạnh hơn thuốc chữa đau thần kinh tọa Paracetamol. Thuốc được khuyến cáo cho bệnh nhân bị đau dây thần kinh tọa mức độ vừa, đặc biệt khi có thêm triệu chứng viêm và Paracetamol không mang lại hiệu quả. Sử dụng NSAID giúp giảm cảm giác đau và khó chịu cho người bệnh.
Các thuốc thuộc nhóm NSAID cũng có khả năng ngăn chặn hoạt động của các enzyme Cyclooxygenase 1 và 2, đồng thời ức chế quá trình tổng hợp các chất trung gian liên quan đến phản ứng viêm, giúp phòng ngừa, giảm viêm một cách hiệu quả. Ví dụ về các thuốc NSAID mà bệnh nhân có thể tham khảo là: Diclofenac, Aspirin, Naproxen, Ibuprofen,...
4.3. Thuốc giảm đau gây nghiện Opioids
Thuốc chữa đau thần kinh tọa nhóm Opioids có tác dụng bằng cách liên kết với các thụ thể Opioids trong hệ thần kinh trung ương và ngoại biên cũng như đường tiêu hóa, giúp giảm đau hiệu quả trong các trường hợp đau từ mức trung bình đến nặng. Tuy nhiên, do có yếu tố gây nghiện nên việc sử dụng sai cách có thể dẫn đến tình trạng lệ thuộc hoặc nghiện thuốc.
Người bệnh chỉ dùng thuốc này khi thật sự cần thiết, trong thời gian ngắn và theo đúng liều lượng. Thêm vào đó, nhóm thuốc Opioids thường được kết hợp với Paracetamol để cải thiện hiệu quả giảm đau nhanh và mạnh trong việc điều trị đau dây thần kinh tọa.
4.4. Thuốc giảm đau thần kinh
Thuốc giảm đau thần kinh như Gabapentin thường được sử dụng kết hợp với thuốc trị đau thần kinh tọa gây nghiện nhóm Opioids để tăng hiệu quả giảm đau khi dây thần kinh bị chèn ép. Ngoài tác dụng giảm đau, các thuốc trong nhóm này còn hiệu quả trong việc kiểm soát và phòng ngừa các bệnh lý như hội chứng chân không yên, động kinh.
4.5. Thuốc giãn cơ
Trong quá trình điều trị đau dây thần kinh tọa nói riêng và các bệnh lý liên quan đến xương khớp nói chung, thuốc giãn cơ thường được sử dụng phổ biến như thuốc trị đau thần kinh tọa để giảm các cơn đau nặng do co thắt cơ gây ra. Một ví dụ điển hình về thuốc giãn cơ được dùng trong điều trị đau thần kinh tọa là Tolperison.
4.6. Thuốc chữa đau dây thần kinh tọa từ vitamin nhóm B
Vitamin nhóm gồm B1, B6 và B12, được biết đến với hiệu quả trong việc điều trị các bệnh về xương khớp như thoái hóa cột sống, hội chứng chùm đuôi ngựa, thoát vị đĩa đệm, đau dây thần kinh tọa và đau vai gáy. Ngoài sử dụng thuốc trị đau thần kinh tọa, việc bổ sung các vitamin này giúp cải thiện chức năng cơ bắp và tăng tốc độ phục hồi các dây thần kinh bị tổn thương. Từ đó làm giảm các cảm giác tê và đau nhức liên quan đến đau thần kinh tọa.
5. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc chữa đau dây thần kinh tọa
- Khi điều trị đau dây thần kinh tọa, bệnh nhân không được tự ý mua sử dụng thuốc trị đau thần kinh tọa mà cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ sau khi đã được khám và kê đơn. Việc lựa chọn thuốc phải phù hợp với thể trạng và khả năng đáp ứng thuốc của từng người.
- Bệnh nhân cần cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác về các loại thuốc, thực phẩm chức năng đang dùng hoặc bệnh sử, tiền sử gia đình trước khi bác sĩ ra quyết định kê đơn thuốc. Khi sử dụng thuốc, bệnh nhân phải tuân theo đúng liều lượng được chỉ định, không tự ý thay đổi liều lượng, không lệ thuộc vào thuốc hay ngừng sử dụng thuốc vì điều này có thể gây ra rủi ro cho sức khỏe.
- Nên uống thuốc trị đau thần kinh tọa sau bữa ăn và uống nhiều nước để giảm thiểu sự kích ứng dạ dày do thuốc giảm đau gây ra. Nếu có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng bất thường nào xuất hiện trong quá trình sử dụng thuốc, người bệnh cần ngừng sử dụng thuốc ngay và thông báo cho bác sĩ để được xử trí kịp thời.
6. Một số phương pháp điều trị không cần phẫu thuật khác
Ngoài việc sử dụng thuốc trị đau thần kinh tọa, bệnh nhân còn có thể được chỉ định áp dụng các phương pháp điều trị không phẫu thuật khác, bao gồm:
- Thuốc bôi: Các loại thuốc mỡ, gel và kem cũng có thể giúp giảm đau bằng cách cải thiện lưu lượng máu, giảm viêm, đồng thời tạo cảm giác tê tại khu vực bôi. Bệnh nhân nên áp dụng thuốc bôi ở vùng xương chậu sau - nơi rễ thần kinh tọa bị ảnh hưởng, để kiểm soát đau và làm dịu các dây thần kinh gần đó.
- Miếng dán: Miếng dán chứa lidocaine - một loại thuốc gây tê cục bộ, thường được chỉ định để giảm đau thần kinh tọa cùng với các loại thuốc trị đau thần kinh tọa.
- Vật lý trị liệu: Nếu các triệu chứng không quá nghiêm trọng nhưng kéo dài, bác sĩ có thể đề nghị điều trị bằng vật lý trị liệu. Các bài tập phù hợp sẽ giúp giảm đau và ngăn ngừa tái phát hiệu quả.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.