Cách làm giảm cơn đau do viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là căn bệnh chiếm tỷ lệ rất lớn trong các bệnh về cơ xương khớp và đau khớp do viêm luôn là nỗi ám ảnh của người bệnh. Vậy làm sao có thể làm giảm đi các cơn đau do viêm khớp dạng thấp?

1. Sử dụng Capsaicin

Đây là loại thuốc được sử dụng để điều trị các cơn đau nhẹ ở cơ xương khớp như đau trong viêm khớp, bong gân, đau lưng. Chúng hoạt động với vai trò làm giảm đi loại chất P tự nhiên trong cơ thể, loại chất này có vai trò như một chất dẫn truyền thần kinh để đưa các tín hiệu đau đến não bộ. Một nghiên cứu cho thấy những người sử dụng kem capsaicin hàng ngày trong một tháng cùng với các loại thuốc điều trị viêm khớp khác đã có hiệu quả giảm viêm lên đến 57%. Để tránh tình trạng dị ứng, bạn nên lấy ra một ít chấm vào tay trước để đảm bảo rằng mình không bị dị ứng.

2. Sử dụng sáp

Với bồn tắm bằng parafin, bạn hãy nhúng tay hoặc chân vào sáp nóng chảy đã được làm nóng đến nhiệt độ an toàn trong một chiếc máy đặc biệt. Sau khi cứng lại, tiến hành bọc vào vị trí này trong một tấm nhựa để bẫy nhiệt rồi bóc lớp sáp ra sau khoảng 20 phút. Nghiên cứu cho thấy điều này có thể làm dịu cơn đau và cứng khớp đối với một số bệnh nhân. Trước khi thực hiện cần hỏi ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu để xem liệu nó có thể giúp ích cho bạn hay không.

3. Sử dụng miếng dán giảm đau

Miếng dán giảm đau không kê đơn có các loại thuốc được sử dụng với mục đích khuếch tán thuốc qua da như tinh dầu bạc hà và long não. Những thành phần làm từ thực vật này có thể tạo ra cảm giác lạnh hoặc nóng, có thể ảnh hưởng đến tín hiệu đau giúp điều trị viêm khớp dạng thấp gây đau. Các miếng dán khác bao gồm lidocaine, gây cảm giác tê hoặc salicylat, có chất giảm đau tương tự như aspirin. Nghiên cứu cho thấy những miếng dán này có thể giúp ích cho đa số các bệnh nhân, nhưng chúng sẽ mất đi tác dụng nhanh chóng.


Đi lại vận động nhẹ nhàng giúp giảm đau do viêm khớp dạng thấp
Đi lại vận động nhẹ nhàng giúp giảm đau do viêm khớp dạng thấp

4. Đi lại vận động nhẹ nhàng

Trong thời gian các cơn đau diễn ra, bạn có thể phải ngồi yên cả dành cả ngày trên giường. Mặc dù nghỉ ngơi là tốt, nhưng bạn cũng nên cố gắng tiếp tục di chuyển để giữ cho các khớp của bạn không bị quá cứng bằng các động tác nhẹ nhàng như ngồi xuống, từ từ nâng và hạ chân. Hoặc nhẹ nhàng tách các ngón tay của bạn ra sau đó đưa chúng lại với nhau. Tuy nhiên không nên quá lạm dụng, nếu một cử động gây đau nhiều hơn thì hãy dừng lại ngay lập tức.

5. Kiểm soát cơn căng thẳng của bản thân

Nghiên cứu cho thấy rằng lo lắng có thể làm cho các triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp trở nên tồi tệ và khiến bạn mệt mỏi hơn. Để kiểm soát căng thẳng của bạn, hãy dành ra ít nhất 15 phút mỗi ngày để thư giãn. Thiền có thể giúp giảm bớt lo lắng và trầm cảm. Ngoài ra bạn có thể lựa chọn cách thư giãn cho riêng mình như hít thở sâu, ngồi ngoài trời nắng, hoặc đơn giản là ngắm hoàng hôn.

6. Mát xa nhẹ nhàng

Điều này không chỉ giúp bạn cảm thấy thư thái mà còn giúp giảm các triệu chứng đau và cứng khớp do viêm khớp. Đồng thời cũng có thể cải thiện sức mạnh cơ bắp của bạn. Tuy nhiên cần lưu ý thực hiện với áp lực nhẹ nhàng đến vừa phải là tốt nhất, không gây quá nhiều áp lực xung quanh bất kỳ khớp bị ảnh hưởng nào. Bạn có thể đến gặp chuyên gia vật lý trị liệu hoặc tự mát xa cho mình.

7. Mang nẹp

Dụng cụ này hỗ trợ các khớp bị sưng, đau và giúp chúng được nghỉ ngơi hoàn toàn. Chúng cũng có thể sắp xếp các khớp và giúp chúng hoạt động tốt hơn. Ngoài ra, sử dụng nẹp cũng có thể ngăn ngừa các biến dạng do viêm khớp dạng thấp gây ra, chẳng hạn như ngón tay bị vẹo. Nẹp có thể được sử dụng trên các khớp cổ tay, ngón tay, mắt cá chân hoặc bàn chân. Thời gian đeo có thể vào khi ngủ hoặc nghỉ ngơi và có một số loại giúp giảm đau suốt cả ngày.


Sử dụng miếng dán giảm đau do viêm khớp dạng thấp
Sử dụng miếng dán giảm đau do viêm khớp dạng thấp

8. Tưởng tượng ra hình ảnh thư giãn

Đây là một loại liệu pháp mà bạn tạo ra những tầm nhìn trong tâm trí của mình. Ví dụ, bạn có thể hình dung mình trên một bãi biển yên bình, hít thở sâu khi cơn đau của bạn biến mất. Việc luyện tập này giúp bạn thư giãn và xử lý cảm giác khó chịu tốt hơn. Nghiên cứu cho thấy rằng nó làm giảm đau, giảm căng thẳng và giảm lo lắng ở những người bị viêm khớp. Ngoài ra còn có các phương tiện khác như sách nói, CD và các tài nguyên trực tuyến.

9. Sử dụng trang phục chuyên dùng có tác dụng nén

Những loại quần áo có tác dụng nén chẳng hạn như tất, tay áo và găng tay được sử dụng lực ép nhẹ để tăng lưu lượng máu và giảm sưng do bùng phát. Bạn có thể mang vớ hoặc tất chân để giảm đau bàn chân và mắt cá chân, đồng thời găng tay (đôi khi được gọi là găng tay trị liệu hoặc viêm khớp) có thể làm dịu ngón tay và cổ tay bị đau. Khi bạn mặc những món đồ này, hãy kiểm tra da bên dưới thường xuyên để đảm bảo nó không bị mẩn đỏ hoặc kích ứng.

10. Tắm với nước ấm

Độ ấm của nước giúp thư giãn cơ, xoa dịu các khớp cứng, lưu thông máu và giảm áp lực cho các khớp của bạn. Bồn tắm không cần phải quá nóng với nhiệt độ từ 92 đến 100 F. Nếu có thể, bạn hãy thêm vào đó một ít muối Epsom, trong thành phần này có chứa khoáng chất magie giúp giảm sưng. Thời gian ngâm trong khoảng 20 phút.

11. Sử dụng tấm sưởi

Nhiệt làm giãn cơ và tăng cường lưu lượng máu, đưa chất dinh dưỡng đến các khớp và cơ của bạn. Để tăng nhiệt, hãy đắp một miếng đệm nóng lên vùng khớp bị đau nhức trong 20 phút mỗi lần. Đặt một chiếc khăn hoặc áo phông bên dưới tấm lót để bảo vệ làn da tránh khỏi tổn thương của nhiệt. Ngoài ra bạn có thể tự chế tạo bằng cách cho khăn ướt vào túi an toàn cho lò vi sóng. Đun nóng trong 1 phút và dùng khăn quấn lại.

12. Chườm lạnh

Nhiệt độ lạnh làm tê các đầu dây thần kinh và làm chậm quá trình lưu thông máu để giảm sưng. Thực hiện bằng cách bọc một túi đá hoặc rau đông lạnh trong một chiếc khăn và đặt lên khớp với thời gian không quá 20 phút mỗi lần. Ngoài ra, bạn cũng có thể tạo một túi đá lạnh bằng cách đóng băng 2 cốc nước và 1 cốc cồn tẩy rửa trong túi trữ lạnh.

13. Mặc quần áo nhẹ

Thời tiết lạnh có thể làm cho các triệu chứng viêm khớp trở nên nghiêm trọng hơn. Để đánh bay cái lạnh, hãy mặc quần áo nhiều lớp mỏng nhẹ nhưng có tác dụng giữ nhiệt cho cơ thể. Bắt đầu với quần áo làm từ vải mềm, chẳng hạn như lụa hoặc hỗn hợp nylon, và phủ lên trên nó một lớp ấm áp, chẳng hạn như lông cừu hoặc áo len. Bên ngoài có thể thêm áo khoác, khăn quàng cổ, mũ và găng tay chống thời tiết.

14. Duy trì giấc ngủ ngon

Một giấc ngủ từ 7 đến 8 tiếng có vai trò quan trọng trong thời gian các triệu chứng bùng phát. Khi có thể bị thiếu ngủ có thể dễ viêm nhiễm và giải phóng các hormone căng thẳng và có thể khiến việc đối phó với cơn đau trở nên khó khăn hơn. Để có một đêm ngon giấc, hãy tránh xa rượu, caffein và các bữa ăn lớn trước khi đi ngủ. Cố gắng đi ngủ và thức dậy vào cùng một giờ mỗi ngày.

15. Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh

Bổ sung đầy đủ trái cây, rau, ngũ cốc và đậu sẽ tốt cho các khớp xương. Ngoài ra, hãy bổ sung một số chất béo lành mạnh, chẳng hạn như các loại hạt và dầu ô liu, có thể làm dịu tình trạng viêm. Ăn theo cách này có thể giúp bạn giữ được cân nặng hợp lý và điều đó rất quan trọng vì cân nặng tăng thêm sẽ gây áp lực lên các khớp bị đau. Ngoài ra, hãy ăn các loại cá có chất béo omega-3, chất đã được chứng minh là giúp giảm đau khớp.

Bệnh viêm khớp dạng thấp luôn là nỗi ám ảnh của nhiều người. Vì thế, việc thực hiện các biện pháp giúp làm giảm cơn đau sẽ giúp bạn giảm thiểu nỗi lo về căn bệnh này.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe