Hiểu biết các cách chữa dị ứng thuốc kháng sinh tại nhà là một điều cần thiết, giúp giảm bớt khó chịu và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng. Đồng thời, mọi người cần biết cách áp dụng các biện pháp dự phòng để tránh tái phát và bảo vệ sức khỏe khi cần sử dụng thuốc kháng sinh. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp chi tiết về dị ứng thuốc kháng sinh và cách xử lý hiệu quả.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ chuyên ngành Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Dị ứng thuốc kháng sinh là gì?
Dị ứng thuốc kháng sinh là một phản ứng có hại xảy ra do sử dụng kháng sinh. Phản ứng này có thể xuất hiện ngay sau khi dùng thuốc hoặc sau vài ngày, thậm chí vài tuần. Dị ứng kháng sinh không phụ thuộc vào liều lượng và các phản ứng nghiêm trọng có thể xảy ra ngay cả khi sử dụng đúng liều hoặc với liều lượng rất thấp.
Hầu hết nhân viên y tế không thể dự đoán trước liệu bệnh nhân có phản ứng dị ứng hay không, trừ khi bệnh nhân đã được ghi nhận có tiền sử dị ứng. Hệ thống miễn dịch có thể trở nên nhạy cảm với thuốc kháng sinh sau lần sử dụng đầu tiên, tăng nguy cơ phản ứng dị ứng ở lần sử dụng sau. Nhóm kháng sinh dễ gây phản ứng dị ứng nhất là Penicillin và Cephalosporin.
Phản ứng dị ứng xảy ra qua các chất trung gian miễn dịch, trong đó kháng thể IgE đóng vai trò trung gian cho phản ứng dị ứng cấp tính. Ngoài ra, tế bào T và các chất trung gian miễn dịch khác không phải IgE tham gia vào phản ứng quá mẫn dị ứng muộn.
2. Dấu hiệu của dị ứng thuốc kháng sinh
- Các biểu hiện nhẹ bao gồm da đỏ, ngứa, bong tróc hoặc sưng tấy, xuất hiện nốt mụn nhỏ và mề đay.
- Các triệu chứng nghiêm trọng bao gồm việc da phồng rộp hoặc bong tróc, hoại tử thượng bì nhiễm độc và hội chứng Stevens – Johnson...
- Các biểu hiện của sốc phản vệ bao gồm khó thở, mề đay, ngứa, chóng mặt, thở khò khè, tức ngực, co giật, buồn nôn, nôn mửa, sưng phồng lưỡi họng, mê sảng và ngất xỉu. Sốc phản vệ là một phản ứng cấp tính, nguy hiểm và đe dọa tính mạng, vì vậy cần phải được điều trị ngay lập tức.
3. Cách chữa dị ứng thuốc kháng sinh tại nhà
Các cách chữa dị ứng thuốc kháng sinh tại nhà thường chỉ phù hợp và có hiệu quả đối với các trường hợp phản ứng ở mức độ nhẹ hoặc trung bình.
- Điều đầu tiên khi phát hiện các dấu hiệu của dị ứng kháng sinh là ngừng sử dụng thuốc ngay lập tức và gọi cho cấp cứu y tế qua số 115.
- Việc sử dụng các loại thuốc kháng histamine như Astemizol, Cetirizin, Fexofenadine, Loratadin,... cần được kê đơn và hướng dẫn sử dụng bởi bác sĩ điều trị. Thuốc kháng histamine có khả năng ngăn chặn các chất trung gian miễn dịch được kích hoạt trong quá trình phản ứng dị ứng.
- Nếu có sẵn, bệnh nhân có thể sử dụng các loại thuốc kháng viêm corticoid như Methylprednisolon, Prednisolon... theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Trong một số trường hợp, bệnh nhân cần uống nhiều nước hoặc Oresol để bù đắp lượng nước và điện giải cho cơ thể.
- Đối với bệnh nhân gặp sốc phản vệ hoặc các phản ứng dị ứng nguy hiểm. Hãy đặt người bệnh nằm ngửa, đầu thấp hơn thân mình, kê chân cao để tránh hạ huyết áp đột ngột, bảo đảm đường thở được thông thoáng và có không khí để thở trong lúc chờ xe cấp cứu.
- Những bệnh nhân có tiền sử sốc phản vệ đặc biệt hoặc gặp sốc phản vệ nhiều lần, không rõ nguyên nhân, cần được trang bị dụng cụ tiêm Epinephrine tự động, là thuốc cần thiết trong tình huống khẩn cấp như sốc phản vệ do kháng sinh. Người thân hoặc bệnh nhân có thể tự tiêm Epinephrine ngay lập tức khi phát hiện các triệu chứng của sốc phản vệ.
- Bệnh nhân cần được đưa ngay đến các cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.
4. Những đối tượng dễ bị dị ứng thuốc kháng sinh
Những đối tượng thường dị ứng thuốc kháng sinh bao gồm:
- Dùng thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ.
- Tiền sử gia đình bị dị ứng thuốc kháng sinh.
- Thường xuyên dùng thuốc kháng sinh.
- Sử dụng thuốc đã hết hạn hoặc có dấu hiệu biến đổi về màu sắc, hình dạng.
- Bị dị ứng với các yếu tố khác như lông động vật, phấn hoa...
- Mắc các bệnh mãn tính kéo dài làm hệ miễn dịch trở nên nhạy cảm, chẳng hạn như bệnh viêm phổi, viêm phế quản, viêm họng, viêm tai, thấp khớp, hoặc bệnh thần kinh...
5. Dự phòng dị ứng thuốc kháng sinh
Các cách chữa dị ứng thuốc kháng sinh tại nhà chỉ là tạm thời, mà không thể khắc phục nguyên nhân gây ra dị ứng. Do đó, biện pháp phòng ngừa là phương pháp tốt nhất để ngăn ngừa dị ứng một cách hiệu quả.
- Không nên tự ý mua và sử dụng bất kỳ loại thuốc kháng sinh. Trong trường hợp có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế để được bác sĩ chẩn đoán và kê đơn điều trị phù hợp.
- Trước khi sử dụng, hãy kiểm tra thành phần, nguồn gốc và chất lượng của thuốc.
- Nếu đã từng xuất hiện phản ứng dị ứng thuốc kháng sinh, bệnh nhân hãy thảo luận với bác sĩ về tên loại thuốc và ghi nhớ để tránh sử dụng lại trong tương lai.
- Thông báo với bác sĩ điều trị về tiền sử dị ứng của bản thân, cũng như về tên loại thuốc thuốc kháng sinh hay các dị nguyên khác đã từng gây dị ứng.
- Mang theo giấy tờ tùy thân như thẻ cảnh báo dị ứng hoặc báo cáo y tế. Trên các loại giấy tờ này, bác sĩ thường ghi rõ tiền sử dị ứng, các nguyên nhân gây dị ứng, các loại thuốc có nguy cơ dị ứng chéo và những loại thuốc thay thế an toàn hơn.
- Những bệnh nhân có tiền sử sốc phản vệ cần luôn mang theo hai mũi tiêm Epinephrine. Trong trường hợp sốc phản vệ nặng, bệnh nhân có thể cần tiêm mũi thứ 2 do một liều Epinephrine không đủ để mang lại hiệu quả cấp cứu cho bệnh nhân, Người bệnh cần được hướng dẫn về cách sử dụng, bảo quản và hạn sử dụng thuốc Epinephrine từ bác sĩ dị ứng hoặc dược sĩ lâm sàng.
Tìm hiểu về cách chữa dị ứng thuốc kháng sinh tại nhà có thể giúp bệnh nhân và người thân biết cách xử lý ban đầu trước khi đến bệnh viện. Dị ứng kháng sinh là một tình trạng phổ biến, do đó hãy sử dụng kháng sinh đúng cách và theo chỉ định của bác sĩ để hạn chế rủi ro không mong muốn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.