Các triệu chứng viêm đại tràng co thắt

Một số triệu chứng viêm đại tràng co thắt bao gồm đau bụng quặn, đi ngoài không đều và phân có cấu trúc bất thường… Đây là bệnh lý không hiếm gặp và không nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng kéo dài lại gây ra nhiều phiền toái và ảnh hưởng xấu đến cả sinh hoạt hằng ngày lẫn tâm lý của người bệnh.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Viêm đại tràng co thắt là gì và các đặc điểm

Viêm đại tràng co thắt thường được biết đến với tên gọi hội chứng ruột kích thích, bệnh đại tràng chức năng hoặc rối loạn chức năng đại tràng… Tình trạng này thực chất là một rối loạn chức năng của ống tiêu hóa nhưng các dấu hiệu chủ yếu lại tập trung ở đại tràng.

Bệnh xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó bao gồm:

  • Tiêu thụ thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, chứa vi khuẩn gây bệnh như thương hàn, vi khuẩn lỵ hoặc lỵ amip.
  • Rối loạn nhu động ruột do lạm dụng kháng sinh đường ruột dẫn đến tình trạng loạn khuẩn (phân thay đổi giữa lỏng, đặc hoặc sền sệt).
  • Stress, sang chấn hoặc căng thẳng tinh thần.
  • Uống rượu bia, tiêu thụ nhiều thực phẩm chua và cay.
Thường xuyên đau quặn bụng là triệu chứng của đau đại tràng co thắt.
Thường xuyên đau quặn bụng là triệu chứng của đau đại tràng co thắt.

2. Triệu chứng của đại tràng co thắt

Đau tức bụng là triệu chứng viêm đại tràng co thắt điển hình nhất. Các cơn đau xảy ra ở nhiều thời điểm như sau khi ăn, khi ăn quá no và đặc biệt sau khi dùng một số loại thực phẩm như đồ ăn lạ, món chua cay, đồ lạnh, rau sống hoặc tiết canh…Bệnh còn biểu hiện qua các triệu chứng như đau quặn bụng, đau tức vùng bụng dưới rốn, chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu, dễ khiến người bệnh nhầm lẫn với đau dạ dày.

Ngoài ra, các triệu chứng viêm đại tràng co thắt khác bao gồm:

  • Số lần đi ngoài không ổn định.
  • Lúc đi đại tiện có khi phải chạy gấp vào nhà vệ sinh, rặn nhiều hoặc cảm giác cố đi nhưng phân vẫn chưa ra hết.
  • Cấu trúc phân bất thường như lỏng, cứng, nhão hoặc có lẫn nhầy và máu.
  • Tiêu chảy xen kẽ táo bón.
  • Xuất huyết trực tràng;
  • Tiêu chảy vào ban đêm;
  • Buồn nôn, khó khăn khi nuốt thức ăn.

Tùy thuộc vào từng người mà các triệu chứng sẽ biểu hiện khác nhau và cũng có sự biến đổi theo từng thời điểm đối với mỗi bệnh nhân. Một số bệnh nhân cho biết sau khi đi đại tiện cơn đau thường giảm. Nhưng cũng có trường hợp người bị viêm đại tràng co thắt mãn tính, dù vừa đi xong lại xuất hiện cơn đau khác và buồn đi đại tiện lần nữa.

Bệnh thường gây ra nhiều tác động tiêu cực đến cuộc sống cũng như sinh hoạt hàng ngày. Cơ thể người bệnh thường gầy gò, sút cân, ăn uống hạn chế quá mức, đôi khi còn suy kiệt vì thiếu hụt chất dinh dưỡng, nước và điện giải. Hơn nữa, đau đớn kéo dài cũng khiến người bệnh dễ nổi nóng, cáu gắt và gặp phải các vấn đề tâm lý như mất ngủ, lo âu hay sợ hãi về bệnh tật nghiêm trọng.

Vì vậy, người bệnh nên đến khám tại chuyên khoa tiêu hóa ngay khi phát hiện những triệu chứng viêm đại tràng co thắt này để được chẩn đoán và chữa trị sớm.

3. Cách chẩn đoán xác định viêm đại tràng co thắt

Người bệnh phải thực hiện các xét nghiệm sau để chẩn đoán viêm đại tràng co thắt:

  • Xét nghiệm máu;
  • Xét nghiệm phân và cấy phân để kiểm tra vi khuẩn bình thường.
  • Đánh giá mô bệnh học của đại tràng bình thường.
  • Chụp X-quang khung đại tràng bình thường hoặc khi có rối loạn co bóp nhu động.
  • Nội soi đại trực tràng bình thường.
Khi đi đại tiện có lúc phải chạy vội vào nhà vệ sinh là triệu chứng viêm đại tràng co thắt.
Khi đi đại tiện có lúc phải chạy vội vào nhà vệ sinh là triệu chứng viêm đại tràng co thắt.

4. Hướng điều trị và phòng bệnh

Viêm đại tràng co thắt là một bệnh lý lành tính, không làm tổn thương thực thể đường ruột và cũng không đe dọa đến tính mạng. Tuy nhiên, bệnh kéo dài sẽ có nguy cơ gây rối loạn chức năng đại tràng, tác động xấu đến hệ tiêu hóa, sức khỏe và sinh hoạt thường ngày của bệnh nhân.

Để tránh bệnh trở thành mãn tính, người bệnh nên điều trị sớm và hạn chế tối đa những tác nhân gây bệnh. Nếu không xử lý kịp thời, bệnh có khả năng dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng, điển hình là ung thư đại tràng.

Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần chú trọng đến vệ sinh an toàn thực phẩm trong tất cả các giai đoạn từ chuẩn bị, chế biến đến bảo quản. Những loại thực phẩm dễ gây viêm đại tràng co thắt nên được hạn chế hoặc tránh hoàn toàn. Trong đó, gia vị, đồ ăn cay chua cùng với rượu bia…không nên lạm dụng trong chế độ ăn hàng ngày. Các món ăn chế biến tươi sống như gỏi cá, rau sống, nem chua, nem chạo, lòng lợn, tiết canh cần phải tránh.

Ngoài ra, việc duy trì vệ sinh môi trường sống sẽ giúp giảm lo lắng về tình trạng bệnh và có tâm lý thoải mái. Tập thể dục thường xuyên với các môn thể thao phù hợp cũng là cách nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.

5. Thực đơn cho người viêm đại tràng co thắt

Đối với những người mắc bệnh viêm đại tràng co thắt, việc lựa chọn thực phẩm cũng cần lưu ý.

Người bệnh nên bổ sung các loại thực phẩm như cá để hạn chế triệu chứng viêm đại trang co thắt.
Người bệnh nên bổ sung các loại thực phẩm như cá để hạn chế triệu chứng viêm đại trang co thắt.

Trong đó, các loại thực phẩm như thịt nạc, cá là những lựa chọn phù hợp. Bên cạnh đó, việc ăn chậm, nhai kỹ sẽ giúp giảm thiểu tình trạng đầy hơi, chướng bụng và giảm kích thích co bóp của ruột, từ đó làm giảm tần suất đi đại tiện cũng như giảm đau.

Trên đây là tất cả các thông tin về tình trạng bệnh cũng như trả lời câu hỏi co thắt đại tràng đau ở đâu. Nhìn chung, viêm đại tràng co thắt không phải là căn bệnh quá phức tạp. Với chế độ ăn uống hợp lý, giàu chất xơ kết hợp với việc tập luyện thể dục đều đặn và giữ tinh thần thoải mái, người bệnh sẽ kiểm soát được các triệu chứng khó chịu.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe