Rối loạn nhịp tim là bệnh lý tim mạch xảy ra gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh vì liên quan đến rất nhiều hệ cơ quan khác nhau. Rối loạn nhịp tim bao gồm rối loạn nhịp tim chậm và rối loạn nhịp tim nhanh, cần được phát hiện sớm để có thuốc điều trị phù hợp.
1. Rối loạn nhịp tim chậm là gì?
Rối loạn nhịp tim là bệnh lý liên quan đến sự rối loạn điện học trong tim, khiến nhịp tim đập bất thường, có thể nhanh hoặc chậm hơn so với mức bình thường, hoặc có thể cả hai trường hợp đều xảy ra. Khi nhịp tim bị rối loạn thì hệ tuần hoàn của cả cơ thể sẽ bị ảnh hưởng theo, lượng máu đến nuôi dưỡng các cơ quan như phổi, thận hay não cũng sẽ bị thiếu hụt, từ đó khiến tình trạng suy các cơ quan này diễn ra. Bên cạnh đó, rối loạn nhịp tim còn là khiến tốc độ máu lưu thông trong cơ thể chậm hơn chính là nguyên nhân hình thành nên những cục máu đông gây tắc lòng mạch, hậu quả có thể dẫn đến các bệnh lý nguy hiểm như đột quỵ, suy tim, nguy cơ tử vong cao.
Đối với người trưởng thành, nhịp tim ở cơ thể người bình thường là 60 – 100 lần/ phút. Nếu bệnh nhân gặp phải rối loạn nhịp tim nhanh thì nhịp tim tăng lên hơn 100 lần/phút, còn đối với người bị rối loạn nhịp tim chậm thì nhịp tim rất thấp khoảng dưới 40 lần/phút.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng rối loạn nhịp tim rất đa dạng, có thể là:
- Người có tiền sử mắc phải các bệnh lý tim mạch như nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, suy tim...
- Người có những dị dạng, khiếm khuyết bẩm sinh ở tim.
- Bệnh nhân đái tháo đường
- Người có thói quen hút nhiều thuốc lá, uống nhiều rượu.
- Các loại thuốc cũng dẫn đến rối loạn nhịp tim như thuốc chống trầm cảm.
Triệu chứng lâm sàng thường gặp của rối loạn nhịp tim đó là hồi hộp, đau ngực, đánh trống ngực, cơ thể hay mệt mỏi, chóng mặt, khó thở và có thể ngất xỉu. Khi người bệnh bị rối loạn nhịp tim chậm thì triệu chứng lâm sàng ít điển hình hơn, phổ biến nhất là các dấu hiệu của thiếu máu não ví dụ như co giật, chóng mặt...
Các thể lâm sàng của rối loạn nhịp tim chậm có thể kể đến là:
- Nhịp chậm xoang
- Ngưng xoang
- Block xoang nhĩ độ I
- Block xoang nhĩ độ II
- Block xoang nhĩ độ III
- Block nhĩ thất độ I
- Block nhĩ thất độ II
- Block nhĩ thất độ III
- Block nhĩ thất cao độ
- Block nhánh xen kẽ
- Rung nhĩ đáp ứng thất chậm
2. Thuốc điều trị rối loạn nhịp tim chậm
Điều trị rối loạn nhịp tim chậm bằng phương pháp nội khoa có thể sử dụng các loại thuốc như sau:
- Atropin: Đây là thuốc ức chế cạnh tranh Acetylcholin ở thụ thể M2 cơ tim, ức chế phó giao cảm. Thuốc chống chỉ định với những bệnh nhân được chẩn đoán Glaucoma góc đóng hoặc bệnh nhân bị u xơ tuyến tiền liệt.
- Isoproterenol: Đây là nhóm thuốc kích thích giao cảm không chọn lọc, thuốc không được sử dụng đối với những bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp hoặc có cơn đau thắt ngực tiến triển.
- Epinephrine: Đây là nhóm thuốc kích thích giao cảm.
- Dopamine: Đây là nhóm thuốc kích thích thụ thể Beta 1 cùng với Alpha của hệ giao cảm.
- Xanthine oxidase: Được chỉ định trong trường hợp bệnh nhân có nhịp chậm xoang, suy nút xoang mức độ nhẹ.
Ngoài những phương pháp điều trị nội khoa thì có thể đặt máy tạo nhịp tạm thời hay vĩnh viễn cho người bệnh nếu không tìm được nguyên nhân gây bệnh hoặc bệnh nhân không đáp ứng với điều trị nội khoa.
Rối loạn nhịp tim chậm là một thể của rối loạn nhịp tim, trên lâm sàng triệu chứng thường khá nghèo nàn và phải cần hỗ trợ của các phương tiện cận lâm sàng để chẩn đoán được chính xác hơn. Thuốc điều trị rối loạn nhịp tim chậm cần được bác sĩ chuyên khoa tim mạch chỉ định và bệnh nhân phải hợp tác sử dụng đúng liều và thời gian như bác sĩ chỉ định thì kết quả điều trị mới được cải thiện.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.