Ô nhiễm không khí có thể là tác nhân gây rối loạn nhịp tim

Bệnh rối loạn nhịp tim và vấn đề ô nhiễm không khí được cho là có mối quan hệ mật thiết. Có nhiều nghiên cứu chứng minh chất lượng không khí ngày càng đi xuống tại các thành phố lớn là một trong các tác nhân gây bệnh rối loạn nhịp tim khi con người ở mọi độ tuổi tiếp xúc với môi trường này trong thời gian dài.

Theo các nghiên cứu mới, nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim, hoặc nhịp tim không đều, dường như đều bắt nguồn sau khi tiếp xúc tương đối ngắn với ô nhiễm không khí nặng.

Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Canada đã đánh giá mức độ tiếp xúc hàng giờ với ô nhiễm không khí trên khắp Trung Quốc, một khu vực luôn có mức độ ô nhiễm không khí cao, có liên quan đến bệnh rối loạn nhịp tim.


Các nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí với bệnh rối loạn nhịp tim
Các nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí với bệnh rối loạn nhịp tim

1. Tiếp xúc với không khí ô nhiễm thời gian dài có liên quan đến nguy cơ rối loạn nhịp tim cao hơn

Để hiểu mối liên hệ giữa phơi nhiễm ô nhiễm không khí và bệnh rối loạn nhịp tim, các nhà nghiên cứu đã phân tích mức độ ô nhiễm không khí hàng giờ và sử dụng dữ liệu y tế có nguồn gốc từ 2.025 bệnh viện ở 322 thành phố tại Trung Quốc.

Nghiên cứu bao gồm 190.115 bệnh nhân nhập viện ở 322 thành phố của Trung Quốc, tập trung vào những người bị chứng rối loạn nhịp tim khởi phát đột ngột, bao gồm rung nhĩ, cuồng nhĩ, ngoại tâm thu và nhịp tim nhanh trên thất. Ô nhiễm không khí ở Trung Quốc cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới về chất lượng không khí, và các nhà nghiên cứu đã phân tích nồng độ của 6 chất gây ô nhiễm không khí từ các trạm giám sát gần bệnh viện báo cáo nhất.

Trong số này, nitơ dioxide (NO2) có mối liên hệ chặt chẽ nhất với cả bốn loại rối loạn nhịp tim. Tác động chính xác của ô nhiễm không khí vẫn chưa rõ ràng, nhưng có một số bằng chứng cho thấy nó gây ra stress oxy hóa và viêm nhiễm, có thể ảnh hưởng đến hoạt động điện của tim.

Nghiên cứu chỉ rõ ra rằng mặc dù các cơ chế chính xác vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ, nhưng mối liên quan giữa ô nhiễm không khí và sự khởi phát cấp tính của chứng rối loạn nhịp tim quan sát được là hợp lý về mặt sinh học.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy nguy cơ và triệu chứng rối loạn nhịp tim tăng đáng kể trong vài giờ đầu tiên tiếp xúc với ô nhiễm không khí, sau đó giảm dần sau 24 giờ.

Ô nhiễm không khí có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến rung nhĩ và nhịp tim nhanh trên thất, tiếp theo là cuồng nhĩ và ngoại tâm thu.

Nguy cơ liên quan đáng chú ý nhất nằm ở nam giới, và các nhà nghiên cứu nghi ngờ có thể là do tỷ lệ mắc các yếu tố nguy cơ rối loạn nhịp tim cao hơn như hút thuốc, uống rượu và tiếp xúc nhiều hơn với các hoạt động ngoài trời, bao gồm cả công việc ngoài trời.

Mối liên quan này cũng cao hơn hết trong mùa lạnh, có thể là do nhiệt độ mát hơn có thể làm tăng tác động của ô nhiễm không khí lên hệ tim mạch. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng nitơ dioxide (NO2) có mối liên hệ chặt chẽ nhất với tất cả các loại rối loạn nhịp tim - người càng tiếp xúc với NO2 nhiều thì nguy cơ mắc bệnh càng cao hơn.


Nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim có thể bắt nguồn từ việc hoạt động kéo dài trong môi trường không khí ô nhiễm nặng
Nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim có thể bắt nguồn từ việc hoạt động kéo dài trong môi trường không khí ô nhiễm nặng

Tiến sĩ Jon Samet, MD, MS, chuyên ngành phổi, nhà dịch tễ học và trưởng khoa Y tế Công cộng Colorado tại Cơ sở Y tế Anschutz của Đại học Colorado, cho biết những phát hiện này bổ sung vào nghiên cứu trước đây cho thấy ô nhiễm không khí được xác định rõ ràng là một nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim và tử vong do bệnh tim.

“Hiện nay, có rất nhiều bài nghiên cứu về mối liên hệ giữa rối loạn nhịp tim nặng và ô nhiễm không khí, ví dụ như ở nhóm bệnh nhân đã ghép máy khử rung tim. Ô nhiễm không khí ảnh hưởng rất lớn đến sự thay đổi nhịp tim và loạn nhịp tim”, Samet chia sẻ thêm.

2. Ảnh hưởng của ô nhiễm không khí được phát hiện ngay lập tức

Nguy cơ rối loạn nhịp tim dường như tăng đột biến trong vòng vài giờ sau khi tiếp xúc với không khí ô nhiễm nặng trước khi biến mất sau 24 giờ.

Mặc dù các nghiên cứu trước đây liên quan đến việc tiếp xúc với ô nhiễm không khí trong thời gian ngắn với chứng rối loạn nhịp tim vẫn chưa nhất quán, nhưng báo cáo mới này bổ sung thêm bằng chứng cho thấy ô nhiễm không khí có thể làm hỏng hệ thống tim mạch và có khả năng góp phần gây ra loạn nhịp tim.

Các nhà nghiên cứu hy vọng phát hiện của họ sẽ nêu bật sự cần thiết trong việc giảm ô nhiễm không khí và khuyến khích những người có nguy cơ và triệu chứng rối loạn nhịp tim tự bảo vệ mình trong thời kỳ ô nhiễm không khí dày đặc hiện tại, đặc biệt ở những thành phố lớn với chất lượng không khí không ổn định.

Theo Mary Prunicki, MD, Tiến sĩ, giám đốc nghiên cứu sức khỏe và ô nhiễm không khí tại Trung tâm Nghiên cứu Dị ứng & Hen suyễn Sean N. Parker tại Stanford Medicine, cho biết: “Chúng tôi biết rằng việc tiếp xúc với ô nhiễm không khí mãn tính sẽ ảnh hưởng đến tim”.

Ngoài ra, các nghiên cứu cũng tìm thấy có nhiều mối liên hệ rõ ràng giữa ô nhiễm không khí và chứng xơ vữa động mạch, sự tích tụ mảng bám trong động mạch vành có thể làm giảm sức khỏe của tim.


Chất lượng không khí thấp tại các thành phố lớn cũng dẫn đến các tình trạng rối loạn nhịp tim và bệnh tim mạch khác
Chất lượng không khí thấp tại các thành phố lớn cũng dẫn đến các tình trạng rối loạn nhịp tim và bệnh tim mạch khác

Prunicki nói với tờ Healthline: “Sự tích tụ canxi này có thể giảm lưu lượng máu đến tim và các mạch máu lớn khác - làm tăng khả năng xảy ra các biến cố tim mạch như đau tim và đột quỵ”.

3. Tại sao ô nhiễm không khí có thể ảnh hưởng đến nhịp tim

Ô nhiễm không khí cũng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng rối loạn nhịp tim đã có từ trước. Theo Prunicki, rối loạn nhịp tim có thể làm tăng nguy cơ đông máu và đột quỵ dẫn đến đột tử và suy tim.

Samet cho biết: “Đây là những chứng bệnh rối loạn nhịp tim cần được điều trị, ngay cả cần phải cấp cứu nếu tiếp xúc kéo dài trong môi trường ô nhiễm nặng”.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa biết mức độ ô nhiễm không khí bao nhiêu sẽ là quá nhiều. Prunicki cho biết chúng ta đã thấy những tác động lên tim, như tăng huyết áp, ở những khu vực có mức độ ô nhiễm không khí thấp hơn mức giới hạn tiêu chuẩn.

Cần nhiều nghiên cứu sâu hơn để xác định lý do tại sao ô nhiễm không khí lại ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch, nồng độ ô nhiễm không khí khác nhau ảnh hưởng đến chức năng tim như thế nào và liệu việc tiếp xúc ở độ tuổi trẻ có làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim trong tương lai hay không.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe