Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nội tim mạch - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc
Rối loạn nhịp tim chậm là một căn bệnh phổ biến nhất trong nhóm bệnh về tim mạch.
1. Bệnh rối loạn nhịp tim chậm là gì?
1.1. Tìm hiểu chung về bệnh rối loạn nhịp tim
Tim có hệ thống phát động, lan truyền các xung động điện tới tất cả các vùng cơ tim. Nút xoang làm chủ nhịp bình thường của tim, nằm ở tâm nhĩ phải. Nút xoang phát xung động điện lan tỏa đến toàn bộ quả tim từ đó chỉ huy hoạt động của tim. Khi nút xoang phát những xung động điện bất thường gây ra các bệnh lý rối loạn nhịp tim mà phổ biến nhất là rối loạn nhịp tim chậm.
1.2. Bệnh rối loạn nhịp tim chậm
Bệnh rối loạn nhịp tim chậm là bệnh liên quan đến quá trình hoạt động của tim. Khi xung động điện hoạt động bất thường dẫn đến rối loạn tần số, tim đập không đều lúc nhanh, lúc chậm. Nhip tim được xem là chậm khi tần số tim ít hơn 60 lần/phút. Theo nghiên cứu khoa y của trường cao đẳng Y tế Baroda thuộc bệnh viện đa khoa Sir Sayaji đất nước Ấn Độ thì tỷ lệ mắc bệnh này ở nam giới là 70%, ở nữ giới là 30%.
2. Chẩn đoán bệnh rối loạn nhịp tim chậm
Các bác sĩ dựa trên mô tả các triệu chứng, khám lâm sàng kết hợp với kết hợp với kết quả điện tâm đồ để kiểm tra hoạt động của tim đưa ra chẩn đoán sơ bộ. Sau đó dùng các phương pháp, thiết bị chuyên sâu hơn sau đây để chẩn đoán bệnh rối loạn nhịp tim chậm:
- Máy điện tim holter là thiết bị di động đeo trong một vài ngày để theo dõi hoạt động của tim.
- Máy ghi điện tâm đồ: Thiết bị này được cấy dưới da nhằm mục đích phát hiện bất thường của nhịp tim.
- Máy siêu âm tim: Thiết bị được sử dụng để cho hình ảnh về cấu trúc, kích thước các buồng tim-thành tim, các chuyển động của tim.
Ngoài ra các bác sĩ còn thực hiện các phương pháp chuyên sâu khác như làm một số xét nghiệm, test gắng sức...
3. Cách điều trị rối loạn nhịp tim chậm
Khi rối loạn nhịp tim chậm không tìm được nguyên nhân hoặc không thể sửa chữa nguyên nhân bằng thuốc thì bác sĩ điều trị bệnh bằng cách gắn máy tạo nhịp tim kết hợp với đơn thuốc theo chỉ định.
Máy tạo nhịp tim có hai loại: Máy tạo nhịp tim có dây và máy tạo nhịp tim không dây. Máy tạo nhịp tim có dây được cấy ở gần xương đòn còn máy tạo nhịp tim không dây được gắn trực tiếp vào tim. Máy tạo nhịp tim điều chỉnh nhịp tim bằng các xung điện theo một tần số đã được cài đặt phù hợp với tình trạng sức khỏe người bệnh.
Với các bệnh nhân có nguy cơ rối loạn nhịp tim phát triển theo chiều hướng nguy hiểm, có thể ngưng tim và tử vong, bác sĩ có thể khuyên dùng máy khử rung tim. Máy khử rung tim được cấy dưới da là các thiết bị nhỏ được đặt vào ngực để theo dõi nhịp tim, nhằm phát hiện ra nhịp đập bất thường và truyền sốc điện đến tim để giúp nó đập bình thường trở lại. Chúng có thể giảm nguy cơ đột tử cho bệnh suy tim hoặc những người bị đau tim và có phân suất tống máu dưới 35%. Điều trị bằng máy khử rung tim giảm cơ hội biến chứng gây tử vong. Sau khi làm các thủ tục cấy ghép, các bệnh nhân nằm viện từ một đến hai ngày để theo dõi các biến chứng sau khi cấy ghép thiết bị.
Ngoài các phương pháp điều trị trên, cần tạo lối sống lành mạnh, tích cực để luôn có một trái tim lành mạnh cần có lối sống lành mạnh như: ăn nhiều rau quả củ, uống đủ nước, hạn chế thức ăn chiên xào, nhiều mỡ, nhiều muối mặn... Không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu, bia; tập thể dục 30-45 phút mỗi ngày, 3-5 ngày mỗi tuần; ngủ 6-8 tiếng mỗi ngày.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.