Các tác nhân kích hoạt cơn viêm tụy cấp

Viêm tụy cấp là một tình trạng y tế nghiêm trọng đòi hỏi sự can thiệp kịp thời để tránh các biến chứng có thể đe dọa tính mạng. Các tác nhân kích hoạt viêm tụy cấp bao gồm nhiều yếu tố khác nhau, như thói quen sinh hoạt hoặc các yếu tố bệnh lý khác. Việc hiểu rõ về yếu tố gây bệnh không chỉ giúp phát hiện sớm bệnh mà còn có thể phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro tái phát.

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng BSCK I Đồng Xuân Hà - Phó trưởng khoa Khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

1. Tổng quan về viêm tụy cấp

Trong điều kiện bình thường, tuyến tụy của cơ thể sẽ tiết ra các enzyme tiêu hóa vào ruột non để phân giải thức ăn. Những enzyme này sẽ di chuyển tới tá tràng, nơi kích hoạt để thực hiện chức năng tiêu hóa. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các tế bào sản xuất enzyme trong tuyến tụy có thể trở nên quá nhạy cảm, dẫn đến việc các enzyme này hoạt động quá sớm ngay khi còn ở trong ống dẫn tụy. Điều này gây ra hiện tượng tự tiêu hóa tuyến tụy, làm tổn thương các mô và dẫn đến tình trạng viêm tụy cấp.

Viêm tụy cấp tính là một tình trạng y tế khẩn cấp, có thể biến chuyển từ nhẹ đến nghiêm trọng rất nhanh và có nguy cơ tử vong cao. Vì vậy, việc phát hiện sớm và can thiệp y tế kịp thời là cần thiết để tránh các biến chứng nghiêm trọng và đảm bảo an toàn cho người bệnh.

2. Các tác nhân gây viêm tuỵ cấp

Viêm tụy cấp là một tình trạng y tế nghiêm trọng, với các nguyên nhân phổ biến nhất bao gồm tác động của sỏi mật và tiêu thụ bia rượu quá mức. Nếu không chủ động xác định và ngăn chặn nguyên nhân gây bệnh, viêm tụy có thể lặp đi lặp lại nhiều lần, từ đó gây suy giảm sức khỏe đáng kể. Sau đây là một số tác nhân chính có thể gây ra tình trạng viêm tụy cấp.

2.1 Tắc nghẽn cơ học

Theo cấu trúc giải phẫu, ống mật và ống tụy có một điểm chung là cùng dẫn các men tiêu hóa và đổ vào tá tràng. Do đó, bất kỳ tắc nghẽn nào trên đường đi này có thể gây ra sự ứ đọng của dịch tụy và dẫn đến viêm tụy cấp.

Sỏi mật là nguyên nhân phổ biến nhất gây tắc nghẽn. Các viên sỏi này có thể hình thành trong ống dẫn mật hoặc trong túi mật và khi di chuyển xuống ống mật chủ, sỏi có thể chèn ép và gây ứ đọng dịch mật cùng dịch tụy. Điều này giải thích tại sao bệnh nhân đã cắt túi mật thường có nguy cơ thấp hơn trong việc phát triển viêm tụy cấp.

Ngoài ra, bùn mật, dù chỉ là lớp cặn nhớt và có thể bao gồm các viên sỏi nhỏ, cũng được xem là nguyên nhân gây ứ đọng mật và viêm tụy cấp, đặc biệt trong những trường hợp tăng men gan tạm thời.

Các tình trạng khác gây tắc nghẽn ống mật như viêm đường mật, túi thừa ống mật, hay khối u ở đầu tụy, dù lành tính hay ác tính cũng có thể là nguyên nhân của viêm tụy cấp.

2.2 Viêm tụy cấp do lạm dụng rượu  

Rượu là một trong những nguyên nhân chính gây viêm tụy cấp, chiếm khoảng một phần ba số ca bệnh. Việc lạm dụng rượu không chỉ dẫn đến viêm tụy cấp mà còn có thể tiến triển thành viêm tụy mạn tính hoặc các đợt viêm cấp tái phát. Điều này khiến cơ thể dễ bị suy dinh dưỡng do khả năng hấp thụ thức ăn kém, cuối cùng dẫn đến tình trạng kiệt sức. 

Hút thuốc lá có mối liên hệ mật thiết với viêm tụy cấp.
Hút thuốc lá có mối liên hệ mật thiết với viêm tụy cấp.

Viêm tụy cấp thường xuất hiện ở những người nghiện rượu lâu năm, thay vì những người chỉ uống rượu thỉnh thoảng, đã đặt ra nhiều câu hỏi cho giới khoa học. Một số giả thuyết cho rằng rượu có thể làm tăng độ nhạy cảm của các tế bào trong tuyến tụy, từ đó dễ kích hoạt phản ứng viêm và thúc đẩy sự hình thành của các độc tố, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho virus tiềm ẩn dễ xâm nhập và gây bệnh

2.3 Nghiện thuốc lá

Một nguyên nhân khác gây viêm tụy cấp, được phát hiện trong thời gian gần đây bên cạnh các nguyên nhân đã được biết đến từ lâu, là thói quen hút thuốc lá. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ nhân quả mạnh mẽ giữa hút thuốc và viêm tụy cấp, bổ sung thêm bằng chứng về tác động tiêu cực của thuốc lá đối với sức khỏe.

Tuy nhiên, giống như trường hợp của rượu, cơ chế cụ thể qua đó thuốc lá gây ra viêm tụy vẫn chưa được hiểu một cách rõ ràng.

2.4 Nội soi chụp mật tuỵ ngược dòng ERCP

ERCP, viết tắt của Endoscopic Retrograde Cholangiopancreatography, là một thủ thuật nội soi chụp mật tụy ngược dòng. Viêm tụy cấp tính là một trong những biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra sau khi thực hiện ERCP, với tỷ lệ phát triển biến chứng này dao động từ 3% đến 25%, tùy thuộc vào mục đích của thủ thuật, dù là chẩn đoán hay điều trị.

Sau khi thực hiện ERCP, việc chẩn đoán viêm tụy cấp nên được cân nhắc nếu như bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng như đau bụng trên dữ dội kéo dài, buồn nôn, nôn và kèm theo tăng glucose máu.

2.5 Tăng Triglyceride

Khi nồng độ triglyceride trong huyết thanh tăng cao đến mức đáng kể, phần dịch trên cùng của ống xét nghiệm, sau khi đã tách khỏi các tế bào máu, thường có màu trắng đục giống như sữa. Điều này đặc trưng cho một yếu tố nguy cơ gây ra các đợt viêm tụy cấp. Mặc dù chưa hoàn toàn hiểu rõ cơ chế bệnh sinh của việc viêm tụy xảy ra trong trường hợp tăng triglyceride, nhưng điều này đã được nhận diện là nguyên nhân gây ra từ 1 đến 4% các ca viêm tụy cấp.

Tăng triglyceride máu có thể gặp ở những trường hợp đặc biệt như trẻ em mắc phải rối loạn di truyền liên quan đến chuyển hóa lipoprotein, những người béo phì, mắc bệnh đái tháo đường, suy giáp, phụ nữ mang thai, người mắc hội chứng thận hư hoặc những người sử dụng hormone nhân tạo.  

Di truyền cũng là một yếu tố quan sát thấy trên các bệnh nhân viêm tụy cấp.
Di truyền cũng là một yếu tố quan sát thấy trên các bệnh nhân viêm tụy cấp.

2.6 Tăng calci máu

Mặc dù hiếm gặp, tăng calci máu không thể bị bỏ qua khi xem xét các nguyên nhân của viêm tụy cấp vì tình trạng này có thể dẫn đến những sai lệch trong điều trị. Bất kỳ tình trạng nào gây ra sự tăng calci máu đều có tiềm năng gây ra viêm tụy cấp. Điều này xảy ra do sự lắng đọng calci trong các ống dẫn của tụy, từ đó kích hoạt các enzyme tự tiêu hóa trong mô tụy, gây nên phản ứng viêm.  

2.7 Di truyền

Di truyền cũng được xác định là một yếu tố quan trọng trong việc phát triển viêm tụy cấp. Những thay đổi trong trình tự gen hoặc đột biến nhiễm sắc thể có thể làm tăng sự nhạy cảm hơn, dễ dàng kích hoạt phản ứng viêm trong tụy hơn so với người bình thường.

2.8 Thuốc

Viêm tụy cấp do thuốc là một tình trạng hiếm gặp nhưng đang ngày càng trở nên phổ biến hơn do việc sử dụng thuốc không kiểm soát. Các loại thuốc như thuốc lợi tiểu, sulfonamide, axit valproic, didanosine, pentamidine, tetracycline, 6-mercaptopurine, aminosalicylates, estrogen và steroid đã được nhận định có liên quan đến nguy cơ gây viêm tụy.

Các cơ chế gây viêm tụy từ những loại thuốc này bao gồm độc tính trực tiếp đến các tế bào của tuyến tụy, kích hoạt phản ứng miễn dịch, hình thành các cục máu đông trong các mạch máu nhỏ hoặc làm tăng độ nhớt của dịch tụy dẫn đến ứ đọng

2.9 Nhiễm trùng và độc chất

Sự hiện diện của các chủng vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm và độc chất trong cơ thể có thể di chuyển đến nhu mô tụy và gây ra viêm tụy khởi phát cấp tính. Dưới đây là danh sách một số tác nhân cụ thể:

  • Virus: Các virus như quai bị, coxsackievirus, viêm gan B, cytomegalovirus, varicella-zoster, herpes simplex và HIV.
  • Vi khuẩn: Một số vi khuẩn như Mycoplasma, Legionella, Leptospira và Salmonella.
  • Nấm: Aspergillus là một ví dụ của nấm có khả năng gây viêm tụy.
  • Ký sinh trùng: Các ký sinh trùng như Toxoplasma, Cryptosporidium và Ascaris
  • Độc chất: Nọc độc từ một số loài nhện và bò sát.

2.10 Chấn thương

Những sang chấn bên ngoài hoặc tổn thương trực tiếp đến tuyến tụy có thể phá vỡ cấu trúc tế bào và giải phóng dịch tụy ra ngoài, không chỉ gây viêm tụy cấp mà còn tổn thương các cơ quan lân cận và gây viêm phúc mạc. Do tụy nằm sau phúc mạc, mọi tổn thương ảnh hưởng đến tuyến tụy thường có mức độ nghiêm trọng và việc điều trị gặp nhiều khó khăn.

Trong những trường hợp nghiêm trọng như vậy, can thiệp phẫu thuật khẩn cấp thường được yêu cầu để cầm máu, bảo tồn chức năng của các cơ quan, làm sạch ổ bụng và bảo vệ tính mạng của bệnh nhân.

2.11 Tuỵ chia đôi

Đây là một dị tật giải phẫu hiếm gặp phát sinh trong thời kỳ bào thai, trong đó tuyến tụy không hợp nhất như bình thường mà phát triển thành hai tuyến độc lập. Tình trạng này chỉ được phát hiện trong quá trình khám nghiệm tử thi và cơ chế cụ thể vẫn chưa được biết rõ.

2.12 Bệnh lý mạch máu

Giống như các cơ quan khác trong cơ thể, tuyến tụy được cung cấp máu thông qua một hệ thống mạch máu riêng biệt. Do đó, bất kỳ bệnh lý nào ảnh hưởng đến mạch máu cũng có thể ảnh hưởng đến chức năng của tuyến tụy.

Một trong những nguyên nhân hiếm gặp gây viêm tụy cấp nhưng có ý nghĩa về mặt lâm sàng là thiếu máu cục bộ tụy. Tình trạng này thường xuất hiện trong các bối cảnh như viêm mạch máu do bệnh lupus ban đỏ hệ thống, hạ huyết áp nghiêm trọng sau phẫu thuật hoặc sốc do xuất huyết. 

Phòng ngừa nhiễm khuẩn là cách tốt nhất để giảm nguy cơ viêm tụy cấp.
Phòng ngừa nhiễm khuẩn là cách tốt nhất để giảm nguy cơ viêm tụy cấp.

2.13 Thai kỳ

Mang thai được coi là một nguyên nhân hiếm gặp gây viêm tụy cấp, nhưng không thể bỏ qua. Các thay đổi nội tiết và chuyển hóa trong thời kỳ mang thai có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi mật, tăng lipid máu và các yếu tố làm tăng sự nhạy cảm của nhu mô tụy khác.

Dù viêm tụy trong thời kỳ mang thai thường không gây ra biến chứng nặng nề và thường có hệ quả tốt cho thai nhi, nguy cơ sinh non vẫn được quan sát là cao hơn so với các sản phụ không mắc phải tình trạng này.  

2.14 Các nguyên nhân khác

Một số trường hợp hiếm gặp khác gây viêm tụy tái phát bao gồm bệnh celiac, trong đó tình trạng viêm tá trànghẹp ống nhú đường mật được cho là những cơ chế có thể gây viêm tụy. Ngoài ra, viêm tụy tự miễn cũng có thể dẫn đến viêm tụy cấp, với các triệu chứng như giảm cân, vàng da và giãn ống tụy.

Đáng chú ý, có một số báo cáo chỉ ra rằng viêm tụy cũng có thể xảy ra ở bệnh nhân mắc chứng chán ăn do nguyên nhân tâm thần.  

2.15 Vô căn

Khi đã tích cực tìm kiếm mà không xác định được nguyên nhân, tình trạng đó được gọi là viêm tụy cấp vô căn. Với sự tiến bộ của các phương tiện hình ảnh hiện đại như chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cộng hưởng từ đường mật (MRCP), siêu âm qua nội soi và siêu âm nội soi ngược dòng đường mật (ERCP), khoảng 15-25% trường hợp viêm tụy cấp được chẩn đoán là vô căn.

Tóm lại, viêm tụy cấp có nhiều nguyên nhân và tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy cơ. Việc nâng cao hiểu biết về bệnh này là cần thiết để có thể phòng tránh một cách chủ động và nhận biết sớm các dấu hiệu đầu tiên để chẩn đoán kịp thời. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe