Nguyên nhân gây viêm tụy cấp rất đa dạng, vì vậy bác sĩ cần xác định rõ để chẩn đoán và có phương pháp điều trị phù hợp. Tình trạng viêm tuỵ cấp tính là dạng rối loạn nghiêm trọng, có tỷ lệ tử vong khá cao. Do đó, bệnh nhân viêm tuỵ cấp nặng cần phát hiện và điều trị sớm để giảm tỷ lệ tử vong. Qua bài viết dưới đây sẽ cho chúng ta hiểu rõ hơn về những nguyên nhân gây ra bệnh này.
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ. Bác sĩ Huỳnh Duy Anh - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang
1. Viêm tụy cấp nặng là gì?
Viêm tuỵ cấp là quá trình viêm cấp tính của tụy có nhiều mức độ với biểu hiện khác nhau. Ở mức độ nhẹ, chỉ cần nhập viện điều trị ngắn ngày và hiếm khi có biến chứng xảy ra. Trái lại, viêm tụy ở mức độ nặng có diễn biến phức tạp, tỷ lệ tử vong do viêm tụy cấp tính nặng cao, chiếm khoảng 20 đến 50% số ca với bệnh cảnh suy đa tạng, nhiễm trùng.
Các nghiên cứu được tiến hành đối với các trường hợp viêm tuỵ cấp cho thấy, sự tăng cao nồng độ cytokine trong máu thúc đẩy phản ứng viêm - được xem như nguyên nhân chính dẫn đến quá trình suy đa tạng trong viêm tụy cấp hoại tử nặng.
Do đó, các bệnh nhân mắc viêm tụy cấp nặng cần được điều trị ngay bằng cơ chế bệnh sinh mà không cần chờ đợi biểu hiện lâm sàng nhằm giảm tỷ lệ tử vong từ khoảng 40-50% xuống còn khoảng 10-15%.
2. Nguyên nhân gây viêm tụy cấp nặng
2.1. Tăng triglyceride máu
Viêm tụy cấp nặng do tăng triglyceride hiếm khi xảy ra với nồng độ triglyceride dưới 20mmol/l, nhưng nồng độ này tăng nhẹ và đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn đầu của viêm tụy. Tuy nhiên, do triglyceride được coi là sản phẩm tăng nhanh sau bữa ăn chứa nhiều chất béo, khoảng 10% bệnh nhân nhập viện vì viêm tụy cấp có nồng độ triglyceride cao hơn 20mmol/l và chỉ số này có thể giảm nhanh chóng sau 72 giờ điều trị.
Cơ chế gây viêm tụy cấp nặng do nồng độ triglyceride tăng mặc dù chưa được làm rõ ràng nhưng các chuyên gia cho rằng, những hạt dưỡng chấp có thành phần của những phần tử lipoprotein giàu triglyceride là nguyên nhân chủ yếu gây viêm nhiễm tại tuỵ.
Những hạt dưỡng chấp ban đầu có thể xuất hiện trong máu khi nồng độ triglyceride tăng. Theo hệ tuần hoàn đến tuỵ, những hạt dưỡng chấp lớn dần gây nên tình trạng tắc mao mạch tụy và khiến cho acinar tụy ở những vùng bị thiếu máu bị vỡ, khi đó các hạt dưỡng chấp này sẽ tiếp xúc với lipase tuỵ.
Các yếu tố gây tiền viêm do các acid béo tự do chưa este hoá sẽ làm tổn thương các tế bào acinar và vi mạch của nhu mô tụy. Khi quá trình viêm tại tụy bắt đầu, hội chứng đáp ứng viêm hệ thống được khởi động với sự tham gia của cytokines và các chất trung gian hóa học khác. Đáp ứng viêm mạnh toàn cơ thể có thể được xem là yếu tố chủ yếu dẫn đến hội chứng suy đa tạng nặng trên lâm sàng ở những trường hợp viêm tụy cấp nặng.
2.2. Lạm dụng rượu bia gây tình trạng viêm tụy cấp nặng
Rượu bia có thể gây nên tình trạng hẹp các ống nhỏ dẫn lưu dịch trong tuyến tụy, dẫn đến tắc nghẽn và gây nên tình trạng viêm tuỵ cấp. Những người uống rượu nhiều và thường xuyên, kéo dài trong một khoảng thời gian có thể gây viêm tụy mãn tính. Tuy nhiên, đợt viêm tụy cấp nặng có thể xảy ra trong một lần uống quá nhiều rượu hoặc ăn một bữa ăn thịnh soạn.
2.3. Các nguyên nhân khác gây tình trạng viêm tụy cấp nặng
Một số nguyên nhân gây viêm tụy cấp nặng khác, bao gồm:
- Nguyên nhân do cơ học bao gồm sỏi mật, sỏi tuỵ.
- Tăng canxi máu gây ra các tình trạng u tuyến giáp, cường cận giáp.
- Sau phẫu thuật đặc biệt phẫu thuật bụng gần tụy hoặc quanh tuỵ.
- Sau nội soi mật tuỵ ngược dòng.
- Chấn thương hoặc bầm dập vùng bụng.
- Biến chứng sau quá trình ghép nội tạng như ghép gan và ghép thận.
- Tình trạng gan nhiễm mỡ cấp ở thời kỳ mang thai.
- Bị nhiễm trùng như một số bệnh liên quan như quai bị, viêm gan virus, giun đũa.
- Sử dụng thuốc, chẳng hạn như thuốc sulfonamide, 6MP, furosemide, ehtamol,...
- Tình trạng bệnh lý liên kết tổ chức như lupus ban đỏ hệ thống, viêm mao mạch hoại tử,...
- Có khoảng 10% trường hợp viêm tụy cấp nặng không rõ nguyên nhân.
3. Các phương pháp điều trị
Những phương pháp thường được sử dụng để điều trị viêm tụy cấp, như:
- Giảm đau, bù dịch: Là phương pháp sử dụng dung dịch Ringer với liều lượng ban đầu từ 15 - 20 mL/kg, sau đó là 3 mL/kg mỗi giờ. Thực hiện trong vòng 24 giờ đầu tiên tùy thuộc mức độ nặng cùng với các bệnh lý khác kèm theo. Cần theo dõi chặt chẽ lượng nước tiểu, sinh hiệu, nồng độ urea máu, và dung tích hồng cầu để xác định đúng lượng dịch truyền cần thiết cho từng bệnh nhân. Ngoài ra, để giảm đau bệnh nhân có thể sử dụng các loại thuốc như paracetamol, NSAIDs, Opioids hay thậm chí các thuốc giảm đau trung ương.
- Cho ăn sớm: Trong 12 giờ đầu trước khi nhập viện, bệnh nhân cần nhịn ăn đến khi đau bụng và buồn nôn được cải thiện. Sau 24-72 giờ người bệnh nhập viện có thể ăn lại thức ăn lỏng, mềm, ít cặn hoặc ít chất béo tùy thuộc vào tình trạng bệnh.
- Sử dụng kháng sinh: Trong trường hợp bệnh nhân xuất hiện dấu hiệu nhiễm trùng, cần được điều trị bằng kháng sinh để ngăn chặn tình trạng nhiễm trùng lan rộng.
4. Phòng viêm tụy cấp nặng
Viêm tụy thường do sỏi mật hoặc uống quá nhiều rượu. Vì vậy, những người có nguy cơ mắc bệnh này nên duy trì lối sống lành mạnh để giảm khả năng phát triển viêm tụy.
Sỏi mật có thể được ngăn ngừa một cách hiệu quả với việc thực hiện chế độ ăn nhiều rau mỗi ngày. Ăn nhiều bánh mì nguyên hạt, yến mạch và các sản phẩm ngũ cốc đồng thời giảm hàm lượng chất béo vào cơ thể và có thể giúp giảm lượng cholesterol trong cơ thể.
Thừa cân cũng được coi là một nguy cơ phát triển sỏi mật. Duy trì cân nặng bằng chế độ ăn hợp lý và cân đối, kết hợp với luyện tập thể thao có thể giúp giảm tình trạng này. Hạn chế sử dụng rượu và thuốc lá cũng có thể ngăn ngừa hư hại cho tuyến tụy.
Trên đây là một số nguyên nhân gây viêm tụy cấp nặng và một số biện pháp phòng ngừa. Hãy theo dõi trang website Vinmec.com thường xuyên để cập nhật nhiều thông tin hữu ích khác.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.