Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Anh Tú - Bác sĩ Siêu âm sản – Chẩn đoán trước sinh – Khoa Sản - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Down là một trong những hội chứng bẩm sinh, có tính di truyền với sự bất thường trên nhiễm sắc thể (NST) số 21. Bệnh khiến bé sinh ra có gương mặt khác lạ, não bộ kém phát triển, gây đần độn và một loạt các bất thường khác ở trẻ. Do đó, các xét nghiệm phát hiện hội chứng này là rất cần thiết.
1. Nhóm đối tượng cần xét nghiệm hội chứng Down là ai?
- Trẻ em hoặc người lớn nghi ngờ bị Hội chứng Down.
- Thai nhi có nguy cơ cao bị hội chứng Down phát hiện bằng các xét nghiệm sàng lọc trước sinh.
- Thai kỳ có yếu tố gây tăng nguy cơ như: tuổi mẹ mang thai cao, mẹ đã có con bị Hội chứng Down, thai có các dấu hiệu bất thường phát hiện qua siêu âm.
2. Các xét nghiệm Hội chứng Down thường dùng
- Xét nghiệm NST đồ – Lập bộ nhiễm sắc thể.
- Xét nghiệm QF-PCR.
- Xét nghiệm FISH.
2.1 NST đồ
Bộ nhiễm sắc thể ở người bình thường bao gồm 46 nhiễm sắc thể, chia thành 22 cặp thường và 1 cặp giới tính. Mỗi sẽ có kích thước, mang hình dạng và cấu trúc đặc trưng.
Lập bộ nhiễm sắc thể - NST đồ là kỹ thuật dùng để khảo sát bộ nhiễm sắc thể trong tế bào. Sau khi lấy mẫu (máu, dịch ối, gai nhau, dây rốn, máu dây rốn), mẫu sẽ được nuôi cấy trong môi trường đặc biệt. Sau thời gian thích hợp, chúng sẽ được thu hoạch và nhuộm đặc trưng. Hiện nay, GTG (Giemsa trypsin G-banding) là kỹ thuật nhuộm thường được sử dụng.
Sau khi nhuộm, số lượng và cấu trúc của các cặp nhiễm sắc thể được khảo sát bằng kính hiển vi ở độ phóng đại 1000 lần và được phân tích, xếp thành bộ hoàn chỉnh bằng phần mềm chuyên dụng. Ngoài hội chứng Down, NST đồ còn được chỉ định cho tất cả các đối tượng nghi ngờ bị rối loạn di truyền, dị tật bẩm sinh, chậm phát triển tâm thần, vô sinh – hiếm muộn hoặc sẩy thai liên tiếp ...
2.2 Xét nghiệm QF-PCR
QF-PCR là viết tắt của Quantitative fluorescence PCR hay còn gọi là PCR huỳnh quang định lượng. Đây là một kỹ thuật dùng để khuếch đại các đoạn DNA ngắn đặc hiệu, sau đó đánh dấu bằng tín hiệu huỳnh quang và định lượng bằng điện di mao quản.
QF-PCR được dùng để kiểm tra số lượng gen. Các nhiễm sắc thể thường được khảo sát bằng QF-PCR là nhiễm sắc thể 13, 18, 21, X, Y. Hiện nay, QF-PCR thường được chỉ định trong sàng lọc nhanh trước sinh các rối loạn nhiễm sắc thể cho các trường hợp thai kỳ nguy cơ cao bị Hội chứng Down, Hội chứng Edwards, Hội chứng Turner, Hội chứng Klinefelter...
2.3 Kỹ thuật FISH
FISH là phương pháp lai tại chỗ phát huỳnh quang (fluorescence in situ hybridization). Đây là một kỹ thuật di truyền tế bào được sử dụng để xác định có hay không sự hiện diện của một trình tự ADN đặc hiệu trên các nhiễm sắc thể.
Các đoạn dò DNA được đánh dấu huỳnh quang, sau đó lai gắn lên các vị trí tương ứng trên nhiễm sắc thể muốn tìm hiểu. Sau đó, các NST lai được khảo sát dưới kính hiển vi để tìm tín hiệu huỳnh quang. Sự có hay không có tín hiệu huỳnh quang giúp suy ra có hay không có sự hiện diện của nhiễm sắc thể đặc hiệu tương ứng.
FISH thường được dùng để tìm kiếm các đặc điểm của DNA nhằm mục đích chẩn đoán, tư vấn di truyền, điều trị và xác định đột biến nhiễm sắc thể, xác định giống loài. Ngoài ra FISH còn được dùng để xác định mRNA trong đánh giá sự biểu hiện của gen trong tế bào và mô khảo sát.
Hiện nay FISH thường được chỉ định trong chẩn đoán nhanh trước sinh rối loạn nhiễm sắc thể cho các trường hợp thai nguy cơ cao bị Hội chứng Down, Hội chứng Edwards, Hội chứng Turner, Hội chứng Klinefelter...
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.