Gãy xương đòn vai là tình trạng chấn thương phổ biến nhất trong các trường hợp gãy xương, chiếm tỉ lệ từ 35-43% trong số các chấn thương vùng vai và 4% trong tổng số các trường hợp gãy xương. Đây thường là kết quả của các cú va đập mạnh vào vùng vai.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Nguyên nhân dẫn đến gãy xương đòn vai
Xương đòn, là hai xương nằm giữa lồng ngực và bả vai, kết nối với cánh tay. Vị trí của xương đòn có nhiều dây thần kinh và mạch máu, tuy nhiên, đa số trường hợp gãy xương đòn ít khi ảnh hưởng đến các cấu trúc này. Thậm chí khi bệnh nhân gãy xương, xương đòn đi lệch đi khỏi vị trí ban đầu.
Nguyên nhân chính gây ra gãy xương đòn thường là do tai nạn giao thông, té ngã trong sinh hoạt hàng ngày và tai nạn lao động. Đến 80% các trường hợp gãy xương đòn thường do các cú va chạm gián tiếp như ngã, đập hoặc do bệnh nhân chống tay với tư thế dạng. Các chấn thương gãy xương đòn trực tiếp chỉ chiếm 20% và thường là các chấn thương hở.
2. Các phương pháp điều trị gãy xương đòn vai
Trước khi bắt đầu điều trị gãy xương đòn, bác sĩ sẽ thăm khám và chẩn đoán chi tiết để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Chẩn đoán lâm sàng sẽ dựa trên các triệu chứng như vai bị đau, sưng, biến dạng (nơi gãy gồ lên dưới da), ấn vào có cảm giác bập bềnh (giống như phím đàn Piano), tiếng lạo xạo khi bị gãy xương, và bệnh nhân bị sụt giảm hoặc mất khả năng vận động vai.
Bên cạnh khám lâm sàng, các bác sĩ còn chụp X-quang thẳng và nghiêng xương đòn để xác định đường gãy, vị trí, tính chất và di lệch của xương. Để đánh giá gãy xương đòn một cách chính xác hơn, có thể cần thực hiện cắt lớp vi tính (CT scan) để đánh giá kiểu gãy và mức di lệch. Nếu cần phẫu thuật, các xét nghiệm và đánh giá cận lâm sàng cũng sẽ được thực hiện trước khi tiến hành mổ.
Hiện nay, phương pháp điều trị gãy xương đòn vai thường được thực hiện theo hai phương pháp chính là điều trị bảo tồn và phẫu thuật.
2.1 Điều trị bảo tồn
Xương đòn thường dễ liền lại, nhưng việc nắn và cố định xương đòn ở yên 1 chỗ có thể gặp nhiều khó khăn. Trước đây, để cố định xương đòn, bác sĩ thường bó bột (như bó bột số 8 hoặc ngực vai cánh tay). Tuy nhiên, hiện nay, y học đã phát triển và bệnh nhân không cần phải bó bột nữa.
Thay vào đó, bác sĩ thường áp dụng phương pháp điều trị bảo tồn nhẹ nhàng hơn như sử dụng băng số 8 hoặc áo Desault để cố định xương gãy. Phương pháp này thường được ưu tiên áp dụng cho hầu hết các trường hợp gãy xương đòn. Mặc dù vùng bị gãy thường liền lệch, nhưng tình trạng này không ảnh hưởng đến chức năng của vai.
2.2 Điều trị phẫu thuật
Rất hiếm khi phải phẫu thuật để điều trị gãy xương đòn, do thời gian liền xương tự nhiên của xương đòn thường khá nhanh (khoảng 2-3 tháng). Tuy nhiên, các trường hợp dưới đây sẽ được bác sĩ chỉ định phẫu thuật:
- Gãy xương đòn gây tổn thương đến thần kinh hoặc mạch máu, làm thủng màng phổi, chọc thủng da, gãy xương đòn di lệch nhiều, gãy xương đòn kèm theo gãy xương ở cánh tay trên, gãy xương sườn.
- Gãy xương sườn hở.
- Phẫu thuật thường bao gồm hai kỹ thuật chính: kết hợp xương bằng nẹp vít (phổ biến nhất) và sử dụng đinh Kirschner.
Mặc dù phẫu thuật giúp liền xương nhanh chóng, nhưng cũng có những rủi ro nhất định như viêm xương, nhiễm trùng vết mổ, chồi đinh, gãy nẹp, và có thể gây ra sẹo mổ ở vùng trước xương đòn ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
2.3 Chế độ dinh dưỡng
Dù áp dụng bất kỳ phương pháp nào, bệnh nhân cần kết hợp chế độ ăn khoa học và lành mạnh để liền xương nhanh chóng. Dưới đây là danh sách các thực phẩm nên và không nên ăn để phục hồi sau gãy xương gòn vai:
Những thực phẩm nên ăn:
- Thực phẩm giàu khoáng chất: Cung cấp canxi, kẽm, magie giúp quá trình liền xương diễn ra nhanh chóng. Các nguồn giàu canxi như cá thu, cá hồi, phô mai, sữa; magiê có trong cá chép, cá trích, tôm, ngũ cốc, chuối, hạnh nhân; kẽm tìm thấy trong cá biển, ngũ cốc, hải sản.
- Thực phẩm giàu vitamin B: Giúp tế bào xương hoạt động tốt hơn và hình thành khung xương, hỗ trợ quá trình tái tạo xương. Các nguồn nhiều vitamin B có trong sữa, thịt bò, cá, thịt gà, ngũ cốc.
- Rau xanh và trái cây: Cung cấp vitamin và axit folic, giúp xương chắc khỏe và hỗ trợ phục hồi, đồng thời tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Những thực phẩm không nên ăn:
- Đồ ăn cay nóng và chứa nhiều dầu mỡ.
- Thực phẩm kích thích: Rượu, bia, cà phê và các loại thực phẩm có chứa chất kích thích cần tránh, vì chúng có thể làm giảm khả năng hấp thụ canxi và làm chậm quá trình liền xương.
3. Gãy xương đòn vai bao lâu thì lành lại?
Cả gãy xương nói chung và gãy xương đòn nói riêng đều cần một khoảng thời gian để liền lại, và khoảng thời gian này sẽ khác nhau tùy thuộc vào phương pháp điều trị được áp dụng.
- Phương pháp điều trị bảo tồn: Thời gian liền xương thường từ 4-8 tuần (xương vững sau khoảng 2-3 tháng). Trong thời gian này, người bệnh thường cần phải sử dụng đai cố định để giữ xương ổn định.
- Phương pháp phẫu thuật: Bệnh nhân có thể được phép hoạt động sớm hơn so với phương pháp bảo tồn nhờ vào việc sử dụng các phương tiện được đặt bên trong.
Để hỗ trợ quá trình liền xương nhanh chóng, người bệnh cần bổ sung canxi và vitamin D thông qua chế độ ăn uống. Việc tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ cũng rất quan trọng để theo dõi tiến trình liền xương và phát hiện sớm các vấn đề bất thường. Điều này cũng giúp bác sĩ đưa ra các biện pháp xử lý kịp thời nếu cần.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.