Các triệu chứng cảnh báo trẻ gãy xương đòn

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Trương Thành Tâm - Bác sĩ Nhi khoa - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Xương quai xanh (hay xương đòn) là phần xương dài và hơi cong nối vai với ngực. Xương đòn hỗ trợ vai trong các động tác của của cơ thể. Xương đòn bị gãy có thể mất 6 tuần hoặc lâu hơn để chữa lành. Con bạn sẽ cần phải đeo địu cánh tay để giữ cho xương gãy không di chuyển trong khi bị chấn thương.

Do đó, chăm sóc theo dõi chấn thương xương đòn ở trẻ là một phần quan trọng trong việc điều trị và đảm bảo an toàn cho con bạn. Điều quan trọng hơn nữa, là những người chăm sóc trẻ cần phải nhận biết được các triệu chứng cảnh báo trẻ gãy xương đòn sớm. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp những thông tin hữu ích để giúp những người chăm sóc trẻ kịp thời nhận biết được triệu chứng gãy xương đòn ở trẻ để có biện pháp xử trí kịp thời.

1. Gãy xương đòn ảnh hưởng như thế nào tới trẻ?

Trẻ em thường rất hiếu động và dễ bị ngã, va đập trong quá trình hoạt động, vui chơi nên các tai nạn dẫn tới gãy xương có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Xương đòn là xương thường bị gãy nhất đối với trẻ nhỏ. Trẻ sơ sinh và trẻ em dễ bị gãy xương đòn vì loại xương này không cứng hoàn toàn cho tới khi tới tuổi trưởng thành. Xương đòn là xương dài ở vai, giúp kết nối xương bả vai với khung xương sườn. Chiều dài của xương khiến xương dễ bị gãy ở gần giữa nhưng một số vết gãy xảy ra khi xương gắn vào khung xương sườn hoặc xương mác. Gãy xương đòn có thể xảy ra khi trẻ ngã vào vai hoặc chống tay khi ngã. Không hiếm gặp trường hợp trẻ sơ sinh cũng có thể bị gãy xương đòn khi sinh khó hoặc sinh ngôi mông.


Gãy xương đòn có thể khiến trẻ đau đớn
Gãy xương đòn có thể khiến trẻ đau đớn

2. Nguyên nhân của gãy xương đòn

Trẻ mới biết đi thường bị gãy xương hoặc gãy xương đòn khi ngã với tư thế tay đẩy ra phía trước. Những cú ngã mà lực tác động trực tiếp lên vùng đầu vai cũng có nguy cơ khiến trẻ bị gãy xương đòn. Các dây thần kinh và mạch máu nằm ở dưới xương đòn cũng có thể bị tổn thương nếu xương đòn bị nứt hoặc gãy. Đôi khi xương sẽ phát ra những âm thanh lạo xạo khi gãy tuy nhiên các bậc cha mẹ thường sẽ không biết xương đòn của bé bị gãy cho đến khi trẻ xuất hiện một số triệu chứng khác.


Trẻ ngã khi chơi đùa có thể là nguyên nhân gây gãy xương
Trẻ ngã khi chơi đùa có thể là nguyên nhân gây gãy xương

3. Các triệu chứng của gãy xương đòn

gãy xương đòn thường gặp ở trẻ nhỏ, thậm chí là trẻ sơ sinh nên đôi khi trẻ không thể nói được với những người thân xung quanh mình rằng trẻ đang bị đau hoặc gãy xương, vậy nên quan sát sẽ là cách để nhận biết được trẻ có vấn đề sức khỏe nào không. Nếu trẻ bị gãy xương đòn, chức năng giữ cánh tay trên thân mình của trẻ sẽ bị suy giảm, có thể nhận biết qua dấu hiệu vai trẻ xệ, có lẽ trẻ sẽ không muốn cử động cánh tay của mình ở phía bên bị gãy vì điều đó làm cơn đau của trẻ nặng hơn. Trẻ có thể giữ, ép cánh tay về phía người mình để cố định và tránh những sự vật khác tác động vào.

Vị trí xương đòn gãy có thể sẽ sưng tấy, các bậc phụ huynh có thể sẽ nhận thấy được các vết bầm tím hoặc vết sưng nơi xương bị gãy. Vùng nghi ngờ bị gãy có thể thấy xương biến dạng, gồ lên dưới da, ấn thấy đau và có tiếng lạo xạo thì các bậc phụ huynh cũng có thể các định được xương đã bị gãy. Bên cạnh đó, trẻ sẽ cảm thấy khó chịu khi bị đau, khóc hoặc kêu la với mọi người.

Trong vòng một tuần sau khi bị gãy xương đòn, vị trí gãy sẽ phát triển một cục u gọi là mô sẹo tại nơi xương đang lành. Đôi khi, khối u này sẽ trở thành dấu hiệu duy nhất của gãy xương ở trẻ sơ sinh.


Khó cử động vai hoặc cánh tay là triệu chứng thường gặp ở trẻ gãy xương đòn
Khó cử động vai hoặc cánh tay là triệu chứng thường gặp ở trẻ gãy xương đòn

Sau đây là tổng hợp những dấu hiệu và triệu chứng điển hình của gãy xương đòn ở trẻ em mà người chăm sóc trẻ cần kịp thời nhận biết:

  • Đau ở xương đòn hoặc đỉnh vai, đặc biệt khi cử động vai
  • Khó cử động vai hoặc cánh tay
  • Sưng hoặc bầm tím
  • Yếu, tê hoặc ngứa ran ở vai và cánh tay
  • Khối u hoặc khối phồng ở vùng bị gãy
  • Xương đòn bị biến dạng hoặc xương đòn trông khác thường
  • Vai chùng xuống và hướng về phía trước
  • Tay kia đỡ cánh tay để giảm đau.

4. Điều trị gãy xương đòn như thế nào?

Gãy xương đòn ở trẻ em thường mau lành hơn người lớn nhưng vẫn cần cho trẻ đi khám để xác định tình trạng xương gãy và có các biện pháp điều trị hiệu quả.

Khi trẻ gãy xương đòn và được đưa tới cơ sở khám chữa bệnh sẽ được bác sĩ khám và đảm bảo rằng không có dây thần kinh hoặc mạch máu nào bị tổn thương khi xương bị gãy. Các bác sĩ chuyên khoa sẽ hỏi về tình trạng thương tích và các triệu chứng của con bạn. Họ cũng sẽ kiểm tra vai của con bạn và có thể ấn nhẹ vào xương đòn. Ngoài ra, bác sĩ sẽ kiểm tra cảm giác và sức mạnh ở cánh tay, bàn tay và ngón tay của con bạn. Chụp X-quang hoặc chụp CT có thể cho thấy vết gãy. Con bạn có thể được dùng chất lỏng cản quang để giúp vết gãy hiển thị rõ hơn trong hình ảnh. Nhiều xương đòn khi bị gãy chỉ lành mà không cần thiết có sự tham gia của phẫu thuật, đôi khi chỉ cần bất động cánh tay ở bên gãy để xương lành lại. Bác sẽ có thể đưa ra lời khuyên gia đình sử dụng một chiếc địu hoặc một vật dụng y tế như nẹp hình số tám trong vòng từ ba đến bốn tuần nếu ở thể nhẹ và vừa,nếu tình trạng xương nặng hơn so với tưởng tượng thì có thể phải tiến hành phẫu thuật cho trẻ, kéo vai của trẻ lại và giữ mọi thứ ở đúng vị trí của nó cho đến khi tình trạng xương trở lại bình thường.

Bác sĩ có thể sẽ hướng dẫn các bậc phụ huynh làm thế nào để nhấc và đặt trẻ thật nhẹ nhàng, để tránh làm tổn thương đến trẻ cho đến khi xương lành. Nếu cha mẹ muốn hạn chế sự khó chịu của trẻ thì có thể hỏi ý kiến bác sĩ khi sử dụng thuốc giảm đau như acetaminophen hoặc sử dụng túi chườm đá được lót bên ngoài bởi một chiếc khăn mềm trong 48 giờ đầu tiên. Mỗi lần chườm cách nhau 15-20 phút từ hai đến ba giờ để giảm sưng.

Hầu hết các xương đòn bị gãy sẽ tự lành. Điều rất quan trọng là phải giữ yên cánh tay của con bạn để xương đòn lành lại. Con bạn có thể cần đến những can thiệp y tế sau đây:

  • Acetaminophen làm giảm đau và sốt. Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc giảm đau này cho con bạn, cung cấp thông tin về liều lượng, thời gian uống và một số tác dụng phụ của acetaminophen.

Thuốc NSAID được sử dụng trong điều trị gãy xương đòn ở trẻ
Thuốc NSAID được sử dụng trong điều trị gãy xương đòn ở trẻ
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID), chẳng hạn như ibuprofen, giúp giảm sưng, đau và sốt. Tuy nhiên, NSAID có thể gây chảy máu dạ dày hoặc các vấn đề về thận ở một số người. Nếu con bạn dùng thuốc làm loãng máu, hãy hỏi xem NSAID có an toàn cho con bạn không. Luôn đọc nhãn thuốc và làm theo hướng dẫn. Không cho trẻ em dưới 6 tháng tuổi dùng những loại thuốc này mà không có chỉ dẫn của nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của con bạn.
  • Nên dùng địu hoặc nẹp để giữ cho xương đòn của con bạn không bị xê dịch và cũng sẽ giúp giảm đau.
  • Có thể cần phẫu thuật để xương trở lại vị trí bình thường. Có thể dùng ghim, đĩa và đinh vít để giữ xương lại với nhau.

5. Làm gì để giúp kiểm soát tình trạng gãy xương đòn của trẻ?

Nghỉ ngơi sẽ giúp xương đòn của trẻ mau lành lại. Hạn chế hoạt động của trẻ theo chỉ dẫn. Con bạn nên nghỉ ngơi nhiều nhất có thể và ngủ nhiều.

Chườm đá lạnh trên xương đòn của trẻ trong 15 đến 20 phút mỗi giờ hoặc theo chỉ dẫn. Dùng túi đá lạnh hoặc cho đá bào vào túi nhựa. Đậy túi bằng khăn trước khi chườm lên xương đòn. Nước đá làm giảm sưng và đau.

Vật lý trị liệu có thể được khuyến khích sau khi xương đòn của con bạn lành lại. Chuyên gia vật lý trị liệu dạy con bạn các bài tập để giúp cải thiện chuyển động và sức mạnh cơ, đồng thời giảm đau.

Xương đòn là phần xương mà trẻ mới biết đi thường bị gãy nhất trong cơ thể. Mặc dù gãy xương đòn có thể là dấu hiệu của những sự bạo hành đối với trẻ nhỏ nhưng nhìn chung, chúng thường là kết quả của các hoạt động trong chuỗi khám phá, trải nghiệm thế giới của những đứa trẻ mới biết đi. Vì trẻ nhỏ không thể biểu hiện các cơn đau của mình bằng lời nói nên các ông bố bà mẹ cũng cần nắm được các triệu chứng của gãy xương đòn để có thể nhận biết sớm nhất tình trạng này để có thể ngăn ngừa những dị tật không đáng có đối với trẻ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: babycenter.com; hellomotherhood.com; drugs.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe