Các loại đau khớp bạn có thể gặp

Đau khớp và sưng khớp là các triệu chứng có thể xuất phát từ các bệnh lý liên quan đến xương khớp như viêm khớp dạng thấp, viêm xương khớp, viêm khớp vảy nến, bệnh gout và lupus ban đỏ. Việc tìm hiểu về các bệnh lý này có thể giúp bệnh nhân nắm rõ hơn về triệu chứng bệnh và có kiến thức để cải thiện hoặc phòng tránh bệnh hiệu quả.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS.BS Lê Dương Tiến - Bác sĩ Nội cơ xương khớp tại khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

1. Đau khớp là gì?

Đau khớp là một cảm giác không dễ chịu, bệnh nhân sẽ thấy đau nhức ở bất kỳ khớp nào trên cơ thể. Đau khớp thường là một tình trạng phổ biến trong nhóm bệnh lý liên quan đến cơ xương khớp. Nguyên nhân gây đau khớp rất đa dạng, đôi khi, đó có thể là dấu hiệu của một bệnh toàn thân hoặc một chấn thương nào đấy.

Đau khớp có thể ảnh hưởng chỉ một khớp duy nhất hoặc có thể lan rộng sang nhiều khớp khác nhau (gây đau nhức xương khớp toàn thân). Vị trí và mức độ đau có thể thay đổi tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể mà người bệnh đang gặp phải.

2. Vị trí đau khớp

2.1 Khớp gối

Các cơn đau khớp gối có thể do các bệnh lý tại chính khớp gối hoặc các cấu trúc mềm xung quanh khớp gối gây ra. Mức độ đau có thể khác nhau đối với mỗi người, từ cảm giác đau nhẹ đến đau dữ dội, làm bệnh nhân khó khăn trong việc di chuyển và thực hiện các hoạt động hàng ngày.

2.2 Khớp vai

Đau khớp vai là một tình trạng phổ biến, ước tính khoảng 20% dân số đã từng trải qua cảm giác này ít nhất một lần trong đời. Tỉ lệ này chỉ đứng sau các vấn đề liên quan đến đau cột sống thắt lưng.

Nguyên nhân gây đau khớp vai rất đa dạng, bao gồm thoái hóa khớp vai, viêm bao hoạt dịch, viêm gân do chấn thương, và các bệnh lý dây thần kinh như tổn thương dây thần kinh hoặc một số vấn đề khác như đau thắt ngực, viêm phổi, hay u phổi.

2.3 Khớp háng

Đau khớp háng có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm thoái hóa khớp háng, viêm cột sống dính khớp, hoại tử chỏm vô khuẩn và viêm màng hoạt dịch khớp háng. Ngoài ra, đau khớp háng cũng có thể xuất hiện trong quá trình mang thai hoặc sau chấn thương.

2.4 Khớp cổ chân / cổ tay

Khớp cổ chân và mắt cá chân là những vị trí dễ bị tổn thương. Đau khớp cổ chân có thể là dấu hiệu của viêm khớp, viêm điểm bám gân… Phương pháp điều trị thường bao gồm sử dụng thuốc chống viêm, nghỉ ngơi hoặc băng ép, phụ thuộc vào nguyên nhân và tình trạng của bệnh. 

Đau khớp cổ chân có thể là dấu hiệu của viêm khớp, viêm điểm bám gân…
Đau khớp cổ chân có thể là dấu hiệu của viêm khớp, viêm điểm bám gân…

Đau khớp cổ tay có thể xảy ra ở mọi đối tượng và không phụ thuộc vào độ tuổi hay giới tính. Cổ tay là một bộ phận thường xuyên hoạt động như khi tham gia vào các hoạt động thể thao. Đây cũng là một vị trí dễ bị tổn thương và dễ bị đau khớp.

Nguyên nhân gây đau khớp cổ tay có thể là do bệnh nhân vận động sai tư thế hoặc mắc các bệnh lý về khớp như hội chứng ống cổ tay, viêm điểm bám gân dạng dài duỗi ngắn ngón cái (de Quervain), hoặc do thoái hóa khớp. Ngoài ra, đau khớp cổ tay cũng có thể do viêm khớp dạng thấp.

2.5 Khớp khuỷu tay

Đau khớp khuỷu tay thường xảy ra khi một hoặc nhiều bộ phận cấu thành khuỷu tay bị kích ứng quá mức, dẫn đến tình trạng viêm và đau. Các triệu chứng thường bao gồm sưng đỏ và đau khớp, cùng với hạn chế khả năng di chuyển của khuỷu tay. Trong nhiều trường hợp, có thể xảy ra tình trạng co cứng hoặc biến dạng các khớp.

3. Đau khớp là biểu hiện của các bệnh về xương khớp gì?

3.1 Viêm xương khớp/ Thoái hoá khớp

Viêm xương khớp/ Thoái hoá khớp là một trong những bệnh lý xương khớp phổ biến nhất, xảy ra khi các khớp hoạt động quá mức, dẫn đến mòn lớp sụn xương. Các nguyên nhân chính gây viêm xương khớp/ Thoái hoá khớp là tuổi tác, chấn thương và béo phì. Các vị trí thường bị ảnh hưởng nhất là xương đầu gối, hông, bàn chân và cột sống.

Bệnh thường phát triển dần dần trong nhiều tháng hoặc nhiều năm, thường không gây ra cảm giác mệt mỏi như các loại viêm khớp khác. Tình trạng tổn thương lớp sụn làm bệnh nhân cảm thấy đau đớn khi cử động và bệnh nhân có thể nghe thấy âm thanh lục cục khi lớp sụn ma sát với bề mặt xương.  

Đau khớp hoặc sưng khớp có thể xảy ra khi các khớp ở ngón tay và chân bị viêm. Viêm niêm mạc khớp cũng có thể xảy ra, tuy nhiên, tình trạng này không phổ biến như viêm xương khớp/ Thoái hoá khớp

Triệu chứng viêm xương khớp có thể khác nhau tùy thuộc vào vị trí bị viêm, nhưng nhìn chung, chúng bao gồm:

  • Đau khớp, cảm giác nhức nhối tại vùng khớp bị tổn thương.
  • Bệnh nhân khó mặc quần áo, chải đầu, nắm chặt đồ, cúi người, ngồi xổm hoặc leo cầu thang, phụ thuộc vào vị trí và mức độ tổn thương của khớp.
  • Cảm giác cứng khớp vào buổi sáng, thường kéo dài dưới 30 phút.
  • Đau khi đi bộ.
  • Cứng khớp sau khi nghỉ ngơi.

Ngoài ra, trong trường hợp nặng hơn, có thể xuất hiện các triệu chứng bổ sung như:

  • Thấy ấm khi chạm vào vùng khớp bị tổn thương.
  • Sưng tấy và khó di chuyển ở vùng khớp bị viêm.
  • Hạn chế phạm vi chuyển động của khớp.

3.2 Viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn, xuất hiện khi hệ miễn dịch tấn công vào các khớp, gây ra tình trạng viêm. Nếu không được điều trị, viêm khớp có thể trở nên nghiêm trọng. Cứ 5 người mắc viêm khớp dạng thấp thì có 1 người có nốt thấp khớp trên da, thường xuất hiện ở các vùng khớp ngón tay, khuỷu tay hoặc gót chân.

Nguyên nhân gây viêm khớp dạng thấp vẫn chưa được xác định rõ, mặc dù một số nhà khoa học cho rằng hệ miễn dịch sau khi bị nhiễm khuẩn hoặc virus, trở nên "bối rối" và tấn công nhầm vào các khớp, gây viêm.  

Viêm khớp dạng thấp có thể lan sang các vùng khác trên cơ thể. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể ngăn ngừa bệnh thông qua việc sử dụng các loại thuốc ngăn chặn TNF, interleukin-1 và interleukin-6, những yếu tố được xem là gây kích hoạt cơn viêm khớp.

Các triệu chứng của viêm khớp dạng thấp có thể phát triển dần dần hoặc khởi phát đột ngột, thường nghiêm trọng hơn so với viêm xương khớp. Các triệu chứng phổ biến bao gồm:

  • Đau khớp, cứng và sưng ở một số vị trí như bàn tay, cổ tay, khuỷu tay, vai, đầu gối, mắt cá chân, bàn chân, hàm và cổ. Do viêm khớp dạng thấp thường ảnh hưởng đến nhiều khớp cùng một lúc.
  • Viêm khớp đối xứng: Khi một bên của cặp khớp, ví dụ như các khớp ngón tay ở tay trái, bị viêm, thì có khả năng cao rằng các khớp ngón tay ở tay phải cũng sẽ bị ảnh hưởng tương tự.
  • Tình trạng cứng khớp vào buổi sáng có thể kéo dài hàng giờ hoặc thậm chí cả ngày. Bệnh nhân cũng có thể cảm thấy mệt mỏi, chán ăn và sụt cân.

3.3 Viêm khớp vảy nến

Viêm khớp vảy nến là sự kết hợp giữa bệnh vảy nến và viêm khớp. Thông thường, bệnh vảy nến thường xuất hiện trước và chỉ khoảng 10 - 30% người mắc bệnh vảy nến mới bị viêm khớp. Bệnh vảy nến gây viêm loang lổ, xuất hiện các đốm màu đỏ hoặc trắng, có vảy trên da, thường xuất hiện ở khuỷu tay, đầu gối, da đầu, rốn và vùng da xung quanh bộ phận sinh dục hoặc hậu môn.

Bệnh viêm khớp vảy nến thường xuất hiện ở người từ 30 đến 50 tuổi, mặc dù một số trường hợp có từ khi còn nhỏ. Sự xuất hiện của bệnh ở nam và nữ là tương tự.  

Triệu chứng thường gặp là sưng, đau khớp ở ngón tay, ngón chân, và có thể là biến đổi màu và hình dạng của móng tay. Ở một số người, viêm khớp vảy nến chỉ ảnh hưởng đến một hoặc một vài khớp cụ thể, chẳng hạn như chỉ có một bên đầu gối, chỉ các ngón tay và ngón chân, hoặc chỉ vùng cột sống. 

Viêm khớp vảy nến là một trong các bệnh về khớp, gây đau khớp.
Viêm khớp vảy nến là một trong các bệnh về khớp, gây đau khớp.

3.4 Bệnh Gout

Bệnh Gout xảy ra do sự tích tụ của các tinh thể axit uric trong khớp, thường là ở ngón chân cái hoặc các phần khác của bàn chân. Bệnh thường bùng phát đột ngột sau khi sử dụng quá nhiều rượu bia. Ngoài ra, việc sử dụng thuốc, căng thẳng và một số tình trạng bệnh lý khác cũng có thể góp phần gây ra bệnh.

Cơn đau khớp do bệnh Gout gây ra thường kéo dài từ 3 đến 10 ngày, mỗi lần cách nhau từ vài tháng đến vài năm. Tuy nhiên, nếu bệnh kéo dài, các cơn đau khớp bùng phát có thể xảy ra thường xuyên và kéo dài hơn. Nếu không được điều trị kịp thời, đau khớp do bệnh Gout có thể ảnh hưởng đến khớp và chức năng của thận.

Nguyên nhân chính gây ra bệnh Gout là do thận không thể loại bỏ được axit uric trong cơ thể do cơ thể sản xuất quá mức hoặc do người bệnh tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chứa nhiều axit uric.

Các triệu chứng thường xuất hiện khi bệnh Gout tái phát bao gồm:

  • Đau khớp dữ dội: Thường xảy ra ở ngón chân cái, nhưng cũng có thể ở các vùng khác như mắt cá chân, đầu gối, khuỷu tay, cổ tay hoặc ngón tay.
  • Khó chịu: Ngay cả sau khi cơn đau nhói biến mất, bệnh nhân vẫn cảm thấy không thoải mái.
  • Viêm và đỏ: Khớp bị đỏ, sưng và mềm mại do viêm.
  • Khó cử động: Khớp có thể bị cứng lại.

3.5 Lupus ban đỏ

Lupus, hay còn gọi là lupus ban đỏ, là một bệnh tự miễn gây tổn thương xương khớp và nhiều cơ quan khác trong cơ thể. Nguyên nhân gây ra bệnh vẫn chưa được xác định rõ, nhưng thay vì tấn công vi rút hoặc vi khuẩn, hệ miễn dịch sẽ tấn công và gây viêm ở xương khớp và các cơ quan khác khác trong cơ thể.

Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản dễ mắc lupus ban đỏ hơn nam giới, và độ tuổi thường từ 15 đến 44. Một số triệu chứng thường gặp của lupus bao gồm:

  • Đau khớp và sưng khớp.
  • Mệt mỏi.
  • Nhức đầu.
  • Sưng ở bàn chân, cẳng chân, bàn tay hoặc quanh mắt.
  • Phát ban dạng "cánh bướm" trên má.
  • Lở miệng.
  • Nhạy cảm với ánh nắng mặt trời.
  • Rụng tóc.
  • Ngón tay hoặc ngón chân có thể chuyển sang màu xanh hoặc trắng khi tiếp xúc với hơi lạnh (hội chứng Raynaud).
  • Rối loạn máu gây ra thiếu máu và số lượng bạch cầu hoặc tiểu cầu thấp.
  • Đau ngực do viêm màng trong tim hoặc phổi.

3.6 Viêm cột sống dính khớp

Viêm cột sống dính khớp (AS) là một bệnh tự miễn, xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công vào nơi gân và dây chằng gắn vào xương cột sống. Các triệu chứng chính của AS bao gồm đau khớp và cứng khớp, đặc biệt là ở vùng lưng dưới.

Trong AS, quá trình hợp nhất xương có thể gây ra biến dạng cột sống, rối loạn chức năng ở vai và hông. Bệnh có yếu tố di truyền với phần lớn những người mắc bệnh đều có gen HLA-B27 và bệnh phổ biến hơn ở nam giới so với nữ giới.

Ngoài ra, gen HLA-B27 cũng liên quan đến các bệnh thoái hóa đốt sống khác, bao gồm:

  • Viêm khớp phản ứng, trước đây được biết đến với tên gọi hội chứng Reiter.
  • Viêm khớp vảy nến.
  • Viêm khớp Enteropathic (Viêm khớp do bệnh lý ruột).
  • Viêm màng bồ đào trước cấp tính.
  • Viêm cột sống dính khớp vị thành niên.

3.7 Viêm khớp phản ứng

Viêm khớp phản ứng là tình trạng nhiễm trùng ở một hoặc các khớp gây đau khớp và sưng khớp. Nhiễm trùng có thể do vi khuẩn, virus, ký sinh trùng hoặc nấm, và thường bắt đầu ở một bộ phận khác như tiêu hóa, bàng quang, hoặc cơ quan sinh dục trước khi lan đến các khớp. Bệnh thường đi kèm với triệu chứng sốt và ớn lạnh.

Để chẩn đoán viêm khớp phản ứng, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm như xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, và kiểm tra dịch khớp bị ảnh hưởng. 

Viêm khớp phản ứng là tình trạng nhiễm trùng ở một hoặc các khớp gây đau khớp và sưng khớp.
Viêm khớp phản ứng là tình trạng nhiễm trùng ở một hoặc các khớp gây đau khớp và sưng khớp.

3.8 Viêm khớp vị thành niên (JA)

Viêm khớp vị thành niên là một thuật ngữ tổng quát dùng để chỉ một số loại viêm khớp ảnh hưởng đến trẻ em, loại phổ biến nhất là viêm khớp tự miễn thiếu niên (JIA), trước đây được gọi là viêm khớp dạng thấp ở trẻ vị thành niên. Đây là một nhóm các rối loạn miễn dịch có thể ảnh hưởng đến khớp của trẻ em.

JIA thường bắt đầu ở trẻ em dưới 16 tuổi và có thể gây ra:

  • Co cơ và mô mềm.
  • Bào mòn xương.
  • Thay đổi tốc độ tăng trưởng bình thường của xương khớp.
  • Lệch khớp.
  • Đau khớp, sưng tấy, cứng khớp, mệt mỏi và sốt có thể xuất hiện trong nhiều tháng, đây có thể là dấu hiệu của viêm khớp vô căn ở trẻ vị thành niên.

Một số loại viêm khớp ở trẻ em ít phổ biến hơn, cũng gây đau khớp, bao gồm:

3.9 Đau cơ xơ hóa

Đau cơ xơ hóa là một tình trạng gây đau khớp khắp cơ thể, thường đi kèm với khó ngủ, mệt mỏi và tác động tiêu cực đến tinh thần và thể chất của người bệnh. Những người mắc bệnh này thường thấy đau khớp dữ dội hơn so với người thường và nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được xác định rõ ràng, mặc dù bệnh có thể được điều trị và kiểm soát hiệu quả.

Các triệu chứng phổ biến của đau cơ xơ hóa bao gồm:

  • Đau khớp và cảm giác căng cứng khắp cơ thể.
  • Sự mệt mỏi.
  • Tình trạng trầm cảm và lo lắng.
  • Rối loạn giấc ngủ.
  • Suy giảm trí não, khả năng tập trung và trí nhớ.
  • Cảm giác đau đầu, bao gồm cả chứng đau nửa đầu.

Các triệu chứng khác cũng có thể xuất hiện:

  • Cảm giác ngứa hoặc tê ở bàn tay và bàn chân.
  • Đau ở vùng mặt hoặc hàm, bao gồm các vấn đề về hàm được gọi là hội chứng khớp thái dương hàm.
  • Rối loạn tiêu hóa như đau bụng, đầy hơi, táo bón và thậm chí là hội chứng ruột kích thích.
  • Các bệnh lý về xương khớp, bao gồm cả đau khớp, rất đa dạng, và việc nắm rõ thông tin về chúng có thể giúp cải thiện hoặc ngăn ngừa bệnh hiệu quả.

4. Đối tượng dễ mắc bệnh đau khớp

Thoái hóa khớp là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra nhiều cơn đau khớp ở người cao tuổi.

  • Mặc dù phổ biến hơn ở những người trẻ tuổi (từ 30 – 40 tuổi) nhưng bệnh viêm khớp dạng thấp cũng có thể bắt đầu muộn hơn, ở đối tượng sau 60 tuổi.
  • Những người trên 55 tuổi bị cứng khớp vai và hông, cơn đau thường nặng hơn vào buổi sáng, có thể do đau đa cơ. Việc nhận biết các chứng đau đa cơ do thấp khớp rất quan trọng vì điều này có thể giúp ngăn ngừa các vấn đề khác về xương khớp.
  • Bệnh Gout ở người lớn tuổi có xu hướng ảnh hưởng đến các khớp gối, khớp cổ chân, khớp bàn ngón cái… gây đau khớp và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

5. Cách điều trị

5.1 Biện pháp tại nhà

Viêm khớp là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của triệu chứng đau khớp. Viêm khớp bao gồm viêm xương khớp (OA) và viêm khớp dạng thấp (RA). Cả hai đều được các bác sĩ xem là tình trạng mãn tính. Hiện tại, vẫn chưa có phương pháp điều trị nào nhằm loại bỏ hoàn toàn cơn đau khớp liên quan đến viêm khớp.

Do đó, cần phải thăm bác sĩ có kinh nghiệm trong lĩnh vực Cơ xương khớp để được khám kỹ lưỡng và có phương án điều trị kịp thời. Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh và đề xuất phương pháp điều trị tốt nhất cho người bệnh.

Ngoài ra, người bệnh có thể cố gắng thay đổi lối sống như sau:

  • Duy trì hoạt động thể chất và chế độ tập luyện vừa phải phù hợp với sức khỏe của người bệnh.
  • Khởi động kỹ trước khi tập thể dục để thực hiện các chuyển động tốt cho các khớp của người bệnh.
  • Giữ cân bằng trọng lượng cơ thể để giảm sức nặng lên các khớp.
  • Massage, tắm nước ấm, duỗi cơ thường xuyên và nghỉ ngơi đầy đủ trong trường hợp cơn đau không phải do viêm khớp.

5.2 Biện pháp y tế

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đề xuất hút dịch khớp để lấy mẫu dịch khớp và kiểm tra tình trạng nhiễm trùng hoặc bệnh lý khác, từ đó xác định nguyên nhân gây đau khớp.  

Thủ thuật hút dịch khớp cũng giúp giải phóng dịch viêm khỏi ổ khớp, làm giảm đau khớp và tăng hiệu quả của quá trình điều trị. Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ cũng có thể đề xuất phẫu thuật thay khớp.

Các phương pháp điều trị không phẫu thuật có thể bao gồm thay đổi lối sống hoặc sử dụng thuốc để giảm triệu chứng viêm. Khi triệu chứng viêm giảm đi, phương pháp điều trị sẽ tập trung vào việc kiểm soát chặt chẽ tình trạng bệnh để ngăn cơn đau khớp tái phát.

Nếu bệnh nhân bị đau khớp mà không rõ nguyên nhân, đặc biệt là nếu triệu chứng không tự biến mất sau một vài ngày, bệnh nhân nên thăm khám bác sĩ. Việc phát hiện sớm có thể giúp quá trình điều trị nguyên nhân cơ bản gây ra đau khớp hiệu quả hơn. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Nguồn tham khảo: webmd.com, mayoclinic.org, healthline.com, cdc.gov

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe