Bạn biết gì về viêm khớp phản ứng (viêm khớp vô khuẩn)?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Dương Tiến - Bác sĩ Nội tổng hợp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Viêm khớp phản ứng thường gặp ở người trẻ từ 20-40 tuổi, là độ tuổi cần lao động nhiều, do vậy nó ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sinh hoạt và làm việc. Những kiến thức cơ bản về viêm khớp phản ứng dưới đây sẽ giúp bạn chủ động hơn trong phòng ngừa và đối phó với bệnh.

1. Viêm khớp phản ứng là gì?

Viêm khớp phản ứng hay viêm khớp vô khuẩn là tình trạng viêm khớp xuất hiện thứ phát sau một nhiễm khuẩn ngoài khớp như hệ tiết niệu, sinh dục hoặc tiêu hóa. Bệnh mang tính hệ thống vì tổn thương xảy ra ở một số cơ quan ngoài khớp như kết mạc, đại tràng, niệu đạo hoặc cầu thận.

Triệu chứng viêm của bệnh nhân có thể đến từ một hay nhiều khớp nhưng thường gặp ở các khớp lớn ở hai chi dưới, cột sống, khớp cùng chậu. Bệnh thường xảy ra ở đối tượng 20-40 tuổi, viêm khớp phản ứng ở trẻ em và người cao tuổi thường hiếm gặp và đa số gặp ở nam.


Bệnh viêm khớp phản ứng thường xảy ra ở đối tượng 20-40 tuổi
Bệnh viêm khớp phản ứng thường xảy ra ở đối tượng 20-40 tuổi

Cơ chế bệnh sinh của viêm khớp phản ứng là do quá trình đáp ứng quá mẫn của hệ miễn dịch đối với nhiễm khuẩn của cơ thể. Trong 10-20% trường hợp thì viêm khớp phản ứng là báo hiệu của bệnh viêm cột sống dính khớp, viêm khớp vảy nến mạn tính gây ảnh hưởng đáng kể đến chức năng động khớp, cột sống.

2. Nguyên nhân của viêm khớp phản ứng

Nguyên nhân của viêm khớp phản ứng được xác định là do một số loại vi khuẩn gây nhiễm khuẩn đường tiết niệu - sinh dục hoặc được tiêu hóa. Nhưng cũng có tới 20% các trường hợp viêm khớp phản ứng không tìm được nguyên nhân.

Các loại vi khuẩn gây nhiễm khuẩn đường tiêu hóa có thể kể đến như: Salmonella, Shigella, Yersinia, Campylobacter, Borrelia... hay nhiễm khuẩn đường tiết niệu - sinh dục như Chlamydia, Trachomatis.

Một số ca viêm khớp phản ứng lại gặp ở bệnh nhân bị lao hệ thống hoặc virus cũng được cho là nguyên nhân gây viêm khớp phản ứng như: Rubella, virus viêm gan, Parvovirus, HIV,...

Một số trường hợp viêm khớp vô khuẩn cũng gặp sau các viêm đường ruột mạn tính như bệnh Crohn, viêm loét đại tràng.

3. Các biểu hiện của bệnh viêm khớp phản ứng


Mệt mỏi, sốt nhẹ, khó chịu, chán ăn là những biểu hiện của bệnh viêm khớp phản ứng
Mệt mỏi, sốt nhẹ, khó chịu, chán ăn là những biểu hiện của bệnh viêm khớp phản ứng

Triệu chứng lâm sàng của viêm khớp phản ứng rất đa dạng và có nhiều mức độ. được biểu hiện ở những cơ quan của cơ thể như sau:

  • Biểu hiện toàn thân: Mệt mỏi, sốt nhẹ, khó chịu, chán ăn và gầy sút;
  • Biểu hiện ở tại khớp: Viêm một khớp hoặc nhiều khớp, không đối xứng và thường gặp ở chi dưới như khớp gối, khớp cổ chân, ngón chân và một số bệnh nhân có triệu chứng ngón chân hình khúc dồi. Khớp cột sống, khớp vai, khớp chậu, khớp khuỷu cũng có thể phản ứng cùng với viêm gân cơ, viêm bao gân và mắt cá chân;
  • Biểu hiện tổn thương da và niêm mạc: Bệnh nhân có các tổn thương viêm niêm mạc như ở miệng, lưỡi, bao quy đầu, viêm bàng quang - niệu đạo hoặc viêm tuyến tiền liệt;
  • Biểu hiện tổn thương mắt: Triệu chứng điển hình là đỏ mắt, sợ ánh sáng, đau hốc mắt hoặc viêm loét kết mạc, viêm màng bồ đào trước hay viêm loét giác mạc;
  • Tiền sử bệnh nhân thường có viêm đường tiết niệu - sinh dục hoặc viêm đường tiêu hóa trong 1 tháng trước khi có biểu hiện viêm khớp phản ứng, nhưng trong các trường hợp viêm nhiễm nhẹ bệnh nhân thường dễ bỏ sót.

4. Cần phải làm gì khi mắc viêm khớp phản ứng?

Khám và tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa là điều bắt buộc đối với bệnh nhân viêm khớp vô khuẩn. Bên cạnh đó, tập vật lý trị liệu sớm cũng góp phần quan trọng trong việc ngăn ngừa các biến chứng.

Bệnh nhân cần được điều trị triệt để các tổn thương ngoài khớp, bằng cách sử dụng các chế phẩm có corticosteroid và/hoặc acid salicylic dùng đường tại chỗ nhưng cần được bác sĩ theo dõi sát.

Đa số bệnh nhân viêm khớp phản ứng thường có tiên lượng tốt, bệnh thường giảm nhanh sau vài tuần hoặc vài tháng nhưng vẫn có tỷ lệ bệnh nhân bị tái phát thành nhiều đợt, và nguyên nhân khởi phát như viêm đường tiết niệu - sinh dục, viêm đường tiêu hóa cũng có thể tái diễn.

Bệnh nhân có HLA-B27 (+) thường có tỉ lệ tái phát và tiến triển thành mạn tính cao hơn bình thường và có đến 15-30% tiến triển mạn tính thành viêm cột sống dính khớp.

Bên cạnh đó, xét nghiệm kháng nguyên HLA-B27 còn giúp đánh giá tổn thương của bệnh viêm cột sống dính khớp như lúc đầu là xơ teo, sau đó canxi hóa dây chằng, bao khớp kèm theo viêm nội mạc và mao mạch. Biểu hiện lâm sàng là đau hạn chế vận động cột sống, có thể kèm theo viêm các khớp chi dưới, thường nhanh chóng để lại di chứng dính khớp và đốt sống.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại. Bệnh viện cung cấp dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp, không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa. Khách hàng khi chọn thực hiện các xét nghiệm tại đây có thể hoàn toàn yên tâm về độ chính xác của kết quả xét nghiệm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe