Dấu hiệu dị ứng nghiêm trọng là những phản ứng bất thường của cơ thể đối với các tác nhân gây dị ứng, có thể đe dọa đến sức khỏe và tính mạng nếu không được phát hiện, xử lý kịp thời. Dị ứng không chỉ gây ngứa, nổi mẩn đỏ trên da mà còn có thể gây ra các triệu chứng như sổ mũi, hắt hơi, khó thở, đau bụng, thậm chí là sốc phản vệ.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ chuyên ngành Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Tổng quan về dị ứng
Dị ứng là phản ứng quá mức của hệ miễn dịch khi nhận diện nhầm một chất bình thường là mối nguy hiểm. Khi gặp tác nhân gây dị ứng, cơ thể sản sinh kháng thể và giải phóng histamin, dẫn đến các triệu chứng như ngứa, sưng, nổi mẩn đỏ.
Một số nguyên nhân phổ biến gây dị ứng bao gồm:
- Chất gây dị ứng trong không khí: Phấn hoa, lông động vật, bụi mịn, nấm mốc.
- Thực phẩm: Các thực phẩm như trứng, sữa, đậu, hạt, hải sản.
- Côn trùng đốt: Vết chích của ong, kiến.
- Thuốc: Đặc biệt là nhóm kháng sinh như penicillin.
- Hóa chất tiếp xúc với da: Chất tẩy rửa, mủ cao su, nhựa cây.
- Những tác nhân này có thể gây phản ứng nghiêm trọng hơn ở những người có cơ địa nhạy cảm.
2. Dấu hiệu dị ứng nghiêm trọng
2.1 Chảy nước mũi hoặc nghẹt
Nước mũi chảy hoặc nghẹt mũi trong vài phút sau khi ra ngoài có thể là dấu hiệu của viêm mũi dị ứng. Đây là phản ứng với các hạt nhỏ li ti trong không khí mà cơ thể tiếp xúc khi hít thở. Những tác nhân phổ biến gây ra tình trạng này gồm khói bụi, bào tử nấm mốc, phấn hoa và các chất tẩy rửa.
Tuy nhiên, sổ mũi cũng là dấu hiệu thường gặp của dị ứng đường hô hấp. Nếu tình trạng này xuất hiện khoảng 1 giờ sau khi sử dụng một loại thuốc mới, người bệnh có thể đang phản ứng dị ứng với thuốc đó, điều này cần được chú ý và xử lý kịp thời.
2.2 Hắt xì hơi là dấu hiệu dị ứng nghiêm trọng
Hắt xì hơi là một vấn đề sức khỏe phổ biến, đặc biệt khi thời tiết chuyển lạnh sang mùa đông. Tuy nhiên, đây cũng có thể là dấu hiệu đầu tiên của một phản ứng dị ứng nghiêm trọng, bao gồm dị ứng thực phẩm.
Dù chỉ là triệu chứng nhẹ ban đầu, hắt hơi có thể dẫn đến các phản ứng dị ứng nghiêm trọng hơn trong những lần tiếp xúc sau. Điều này là do hệ miễn dịch có thể phản ứng mạnh hơn với cùng một tác nhân dị ứng và trong một số trường hợp, tình trạng này có thể cần đến sự can thiệp y tế khẩn cấp.
2.3 Ngứa mắt kèm chảy nước mắt
Mắt bị ngứa hoặc chảy nước có thể là do nhiều nguyên nhân khác nhau, từ phản ứng nhẹ với phấn hoa mùa xuân hay bụi trong không khí. Tuy nhiên, đây cũng có thể là dấu hiệu của dị ứng nghiêm trọng hơn như dị ứng với thuốc điều trị.
Khi bắt đầu sử dụng một loại thuốc mới, cần chú ý theo dõi kỹ các phản ứng của cơ thể. Dị ứng có thể xuất hiện ngay lập tức hoặc sau vài ngày, thậm chí kéo dài trong vài tuần sau đó.
2.4 Dấu hiệu ngứa tai hoặc miệng
Ngứa đột ngột ở những vị trí lạ như tai sau khi ăn một món ăn mới có thể là dấu hiệu của một phản ứng dị ứng. Mặc dù ngứa tai có vẻ không nguy hiểm, nhưng đây có thể là dấu hiệu dị ứng nghiêm trọng cần chú ý sau khi tiếp xúc với thực phẩm gây kích ứng.
2.5 Thay đổi nhịp thở
Những thay đổi bất thường trong hơi thở có thể là dấu hiệu dị ứng nghiêm trọng với thực phẩm hoặc thuốc. Cảm giác thở khò khè đột ngột hoặc khó thở có thể là triệu chứng cảnh báo. Nếu nhịp thở có sự thay đổi bất thường, cần tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức. Đây có thể là dấu hiệu của sốc phản vệ, một phản ứng dị ứng nặng có thể xảy ra sau khi tiếp xúc với dị nguyên.
2.6 Nổi mề đay trên bề mặt da
Khi cơ thể đột ngột xuất hiện những cục u đỏ kèm theo ngứa, đó có thể là dấu hiệu của mày đay - một phản ứng dị ứng thường gặp. Những nốt mẩn này thường nổi lên trên bề mặt da và có thể gây lo lắng. Nguyên nhân gây mày đay có thể là dị ứng với thuốc, hóa chất, thực phẩm hoặc các yếu tố khác. Mặc dù mày đay thường không nghiêm trọng, nhưng nếu đi kèm với các dấu hiệu như sưng môi hoặc thở khò khè, đó có thể là dấu hiệu cảnh báo rằng phản ứng dị ứng đang tiến triển nặng hơn và cần được điều trị kịp thời.
2.7 Phát ban trên da
Phát ban trên da có thể xuất hiện dưới nhiều dạng như ngứa, rát, đau, nóng, nổi mụn hoặc phồng rộp trên diện tích da rộng. Tình trạng này thường là kết quả của phản ứng dị ứng với lông thú, hóa chất, thực phẩm, thuốc hoặc mỹ phẩm. Phát ban nhẹ có thể tự biến mất nhanh chóng khi được điều trị hoặc tránh xa tác nhân gây dị ứng. Tuy nhiên, nếu phát ban đi kèm với các triệu chứng nghiêm trọng khác như khó thở hoặc sưng mặt, thì đó có thể là triệu chứng ban đầu của sốc phản vệ - một dấu hiệu dị ứng nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng và cần được cấp cứu ngay lập tức.
2.8 Rối loạn tiêu hóa
Các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón và nôn mửa có thể là dấu hiệu của dị ứng thực phẩm. Nếu bụng phản ứng mạnh và có sự thay đổi bất thường ngay sau khi ăn một số loại thực phẩm, đây có thể là cảnh báo của dị ứng. Những triệu chứng này có thể trở nên nghiêm trọng rất nhanh và có thể là dấu hiệu của sốc phản vệ.
2.9 Tức ngực là dấu hiệu bị dị ứng nặng
Các triệu chứng như đau thắt ngực, khó thở, cảm giác cổ họng căng hoặc thắt chặt có thể là dấu hiệu của phản ứng dị ứng nghiêm trọng (sốc phản vệ) sau khi tiếp xúc với thực phẩm gây kích ứng.
Tình trạng này đòi hỏi sự can thiệp y tế khẩn cấp để tránh các biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp hoặc tụt huyết áp, có thể đe dọa tính mạng. Người bệnh cần được điều trị ngay lập tức tại cơ sở y tế gần nhất.
2.10 Sưng lưỡi hoặc môi
Nếu đột nhiên cảm thấy môi, miệng hoặc lưỡi sưng lên mà không rõ nguyên nhân, đó có thể là hiện tượng phù mạch - một dấu hiệu của phản ứng dị ứng. Mặc dù hiện tượng này không phải lúc nào cũng nghiêm trọng, nhưng trong trường hợp người bệnh bị khó thở, đây là dấu hiệu cần chú ý vì có thể nguy hiểm đến tính mạng. Nếu tình trạng sưng lặp lại hoặc kéo dài, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ để xác định nguyên nhân và được điều trị kịp thời.
2.11 Dấu hiệu da ửng đỏ
Dị ứng với thực phẩm có thể gây ra những nốt mẩn đỏ quanh miệng và mắt. Nếu da nhanh chóng đỏ bừng hoặc ửng hồng ngay sau khi tiếp xúc với một tác nhân gây dị ứng, đó có thể là dấu hiệu dị ứng nghiêm trọng. Thay vì chờ đợi vết đỏ tự khỏi, người bệnh nên đến bác sĩ ngay để được kiểm tra và điều trị kịp thời.
2.12 Thay đổi tâm lý như lúng túng hay lo lắng
Mặc dù có vẻ khó tin, nhưng cảm giác lạ lẫm hoặc cảm giác gần như sắp chết có thể là dấu hiệu của một dấu hiệu dị ứng nghiêm trọng. Các chuyên gia y tế giải thích rằng những cảm giác này có thể xảy ra do huyết áp giảm đột ngột, một trong các triệu chứng của phản ứng dị ứng nặng. Nếu gặp phải tình trạng này, người bệnh cần tìm kiếm sự trợ giúp y tế ngay lập tức để được xử lý kịp thời.
2.13 Huyết áp thấp
Huyết áp giảm đột ngột có thể khiến người bệnh cảm thấy kiệt sức hoặc có cảm giác bối rối, yếu mệt. Đây là một tình trạng nghiêm trọng và có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe ngày càng trầm trọng hơn. Nếu huyết áp giảm quá mức, tình trạng này có thể đe dọa đến tính mạng, vì vậy cần được can thiệp y tế ngay lập tức.
2.14 Sốc phản vệ rất nguy hiểm
Sốc phản vệ là phản ứng dị ứng nghiêm trọng nhất, có thể dẫn đến tử vong trong thời gian ngắn nếu không được cấp cứu kịp thời. Thường thì, người bệnh không biết mình bị dị ứng với một chất nào đó cho đến khi xuất hiện phản ứng. Các dấu hiệu của sốc phản vệ bao gồm khó thở, da nhợt nhạt hoặc xanh xao, nổi mề đay, ngứa, nôn mửa và cảm giác lo lắng. Những biểu hiện của dị ứng này có thể bắt đầu ngay chỉ sau vài phút tiếp xúc với dị nguyên.
Nhiều tác nhân khác nhau có thể gây ra sốc phản vệ, chẳng hạn như một số loại thực phẩm, thuốc, vết đốt của côn trùng hoặc dị ứng với cao su trong găng tay. Sau khi đã được điều trị khẩn cấp, người bệnh cần gặp bác sĩ chuyên khoa dị ứng để xác định nguyên nhân cụ thể. Việc này giúp tránh tiếp xúc với dị nguyên trong tương lai và ngăn chặn các phản ứng dị ứng nghiêm trọng.
3. Biện pháp phòng ngừa dị ứng tại nhà
Để phòng ngừa dị ứng, cách hiệu quả nhất là tránh tiếp xúc với các tác nhân gây kích ứng. Sử dụng thuốc kháng histamine hoặc các loại thuốc khác theo chỉ định của bác sĩ cũng có thể giúp kiểm soát các triệu chứng dị ứng.
Để giảm thiểu các phản ứng dị ứng, người bị dị ứng động vật nên hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp như vuốt ve, ôm ấp hay hôn thú cưng. Ngoài ra, việc tránh để động vật vào phòng ngủ hoặc trên các đồ nội thất.
Việc thường xuyên hút bụi thảm, làm sạch các bề mặt trong nhà là rất quan trọng để loại bỏ bụi, lông thú, phấn hoa và các chất gây dị ứng khác. Thêm vào đó, việc sử dụng máy lọc không khí trong nhà cũng giúp giảm thiểu các chất gây dị ứng trong môi trường sống.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com