Các dấu hiệu cảnh báo trật khớp gối

Trật khớp gối là tình trạng chấn thương ở khớp gối không phổ biến nhưng lại rất nghiêm trọng. Tổn thương gây ra có nguy cơ đe dọa mất chi, vì vậy người bệnh cần nắm bắt các dấu hiệu cảnh báo trật khớp gối để có biện pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời khi bị chấn thương.

1. Nguyên nhân gây trật khớp gối

Khớp đầu gối nằm giữa xương cẳng chân và xương đùi, đây là nơi gặp nhau của ba hệ xương gồm xương bánh chè, xương đùi và xương chày. Bên cạnh đó, hệ dây chằng quanh khớp có vai trò như là phương tiện giữ khớp, bao hoạt dịch tiết ra dịch khớp giúp bôi trơn mặt khớp, nuôi dưỡng sụn khớp và ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng khớp.

Trật khớp gối xảy ra làm cho xương chày và xương đùi bị lệch khỏi vị trí ban đầu và không còn gặp nhau ở khớp gối. Tổn thương nghiêm trọng và có thể dẫn đến nguy cơ mất chi dưới, vì vậy người bệnh cần được xử lý và điều trị càng sớm càng tốt. Hiện tượng trật khớp gối có thể được gây ra bởi các chấn thương tiếp xúc mạnh vào vùng đầu gối như tai nạn giao thông, chấn thương thể thao... hoặc các hoạt động xoay, vặn người quá mạnh hay bất thường. Ngoài ra, cần phân biệt giữa trật khớp gối và sai khớp gối nhẹ - tình trạng xảy ra do dây chằng ngoài bị tổn thương nhưng vị trí các xương khớp không bị thay đổi.

2. Triệu chứng trật khớp gối

Triệu chứng trật khớp gối thường gặp ở người bệnh bao gồm:

  • Sưng đỏ, biến dạng khớp có thể nhìn thấy bằng mắt thường.
  • Cẳng chân bị tổn thương có triệu chứng ngắn hơn và bị lệch khỏi vị trí ban đầu so với chân còn lại.
  • Bất kỳ hoạt động nào liên quan đến vị trí khớp đầu gối đều gây triệu chứng đau dữ dội.
  • Xuất hiện âm thanh ở khớp gối khi di chuyển
  • Sưng, bầm tím đầu gối nghiêm trọng.

Dấu hiệu trật khớp gối bao gồm sưng đỏ, biến dạng khớp
Dấu hiệu trật khớp gối bao gồm sưng đỏ, biến dạng khớp

3. Phân loại trật khớp gối

Dựa vào dấu hiệu trật khớp gối và sự dịch chuyển của xương chày so với xương đùi, bệnh lý được chia thành các nhóm như sau:

  • Trật ra trước: Đây là loại trật khối có tỷ lệ gặp lớn nhất với 30 – 50% người bệnh bị trật khớp gối. Trong trường hợp này dây chằng chéo sau (PCL) thường bị đứt, 50% người bệnh bị đứt động mạch khoeo và nguy cơ tổn thương mạch máu lớn hơn 40%.
  • Trật ra sau: Nguy cơ tổn thương mạch máu lớn hơn 40%.
  • Trật ra ngoài
  • Trật vào trong
  • Trật khớp thể phối hợp: Trật vào trong hay ra ngoài kết hợp xoay khớp.

4. Chẩn đoán trật khớp gối

4.1. Chẩn đoán lâm sàng

Bác sĩ kiểm tra và đánh giá tình trạng lâm sàng của người bệnh theo nguyên tắc sau:

  • Đánh giá tình trạng khớp gối (sưng đỏ, biến dạng), xác định vị trí chấn thương và các cử động khớp gối thông thường.
  • Đánh giá các tổn thương dây chằng, dây thần kinh và gân ở đầu gối bởi rách dây chằng được xem là tổn thương phổ biến khi bị trật khớp gối.
  • Đánh giá sự thay đổi nhiệt độ và màu sắc da từ đầu gối đến bàn chân nhằm xác định tổn thương.

4.2. Chẩn đoán hình ảnh

Dựa vào các triệu chứng lâm sàng hay biểu hiện trật khớp gối bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng như sau:

  • Chụp X – quang: Kỹ thuật giúp bác sĩ quan sát được các xương tại khớp gối có bị bật ra khỏi vị trí bình thường hay không và xác định các vấn đề nứt xương, gãy xương.
  • Chụp cộng hưởng từ MRI: Kỹ thuật này cho phép bác sĩ xác định các mô hoặc dây chằng bị tổn thương ở đầu gối.
  • Chụp động mạch: Kỹ thuật sử dụng hình ảnh X – quang nhằm xác định lưu lượng máu trong tĩnh mạch người bệnh, thông qua đó bác sĩ có thể kiểm tra tình trạng tổn thương mạch máu do trật khớp gối.

Chụp X – quang để chẩn đoán trật khớp gối
Chụp X – quang để chẩn đoán trật khớp gối

5. Tổn thương do trật khớp gối

Người bệnh bị trật khớp gối có thể gặp các tổn thương như sau:

  • Tổn thương thần kinh mạch máu phối hợp: Đây là tổn thương cần được phát hiện sớm.
  • Đứt dây chằng chéo trước (ACL) và đứt dây chằng chéo sau (PCL) gặp trong hầu hết các trường hợp, tổn thương dây chằng chéo bên, sụn thêm và bao khớp.
  • Tổn thương gãy gai chày, lồi củ xương chày và chỏm xương mác.

6. Đánh giá lâm sàng trật khớp gối

Bác sĩ sau khi thực hiện nắn trật khớp cần đánh giá lại tổn thương dây chằng, nhất là các tổn thương mạch máu thần kinh như sau:

  • Tổn thương động mạch khoeo (xảy ra ở 20 – 60%): Tổn thương xảy ra do lực kéo căng ở hố khoeo khi trật khớp.
  • Đối với hiện tượng trật khớp gối ra trước: Tổn thương do duỗi khớp ở 30 độ dẫn đến rách bao khớp sau và rách động mạch khoeo khi duỗi ở mức 50 độ.
  • Động mạch khoeo bị đứt làm cho tuần hoàn phụ không đủ nuôi sống chi.
  • Theo dõi các tổn thương mạch máu, đặc biệt là tình trạng tắc mạch thứ phát.
  • Trước và sau khi nắn trật khớp cần kiểm tra thần kinh mạch máu vì huyết khối trong tổn thương nội mạch có thể gây thiếu máu cục bộ về sau.
  • Tổn thương thần kinh mác (10 – 35%): Thường gặp trong kiểu trật khớp ra sau, người bệnh có nguy cơ bị liệt chi nhẹ hoặc hoàn toàn.
  • Tắc nghẽn mạch máu, đây là biến chứng nghiêm trọng bởi vì trong khoảng 8h người bệnh không được điều trị thì nguy cơ phải cắt bỏ chi lên tới 86%, nguy cơ trên chỉ khoảng 11% trong trường hợp được điều trị kịp thời.

Tóm lại trật khớp gối là chấn thương hiếm gặp nhưng lại gây ảnh hưởng nhiều đối với sức khỏe, người bệnh trật khớp gối cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Vì vậy, trong trường hợp bị các chấn thương đầu gối với các triệu chứng như sưng đỏ đầu gối, đau dữ dội, chảy máu đầu gối... người bệnh cần được đưa đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe