Cách chữa u nang bao hoạt dịch khớp gối rất đa dạng. Tuỳ thuộc vào mức độ nặng nhẹ và thời điểm điều trị sẽ có những phương pháp khác nhau. Vì vậy, tuy là bệnh phổ biến và không quá nguy hiểm nhưng người bệnh cần hiểu rõ về bệnh để giảm thiểu các biến chứng.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS.BS Lê Dương Tiến - Bác sĩ Nội cơ xương khớp tại khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
1. U nang bao hoạt dịch khớp gối là bệnh gì?
Tình trạng này là sự tăng tiết dịch của bao hoạt dịch vượt quá mức thông thường, xuất phát từ các nguyên nhân như chấn thương hoặc các bất thường bên trong khớp, dẫn đến tràn dịch khớp gối. Khi áp lực trong gối tăng lên sẽ gây ra tình trạng thoát vị ra phía sau gối, cũng chính là u nang bao hoạt dịch.
Thông thường, nang hoạt dịch ít nguy hiểm và không bị ung thư hóa, có thể tích nhỏ, không gây ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động của khớp gối. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bao hoạt dịch phát triển lớn, gây đau khi người bệnh thực hiện các hành động như di chuyển, gấp gối hoặc ngồi xổm.
Mặc dù kích thước của nang có thể biến đổi nhưng hiếm khi tình trạng này gây ra sự chèn ép lên các cơ quan lân cận như thần kinh hoặc mạch máu. Chỉ có một số ít trường hợp, nang bao hoạt dịch có thể vỡ, gây ra các triệu chứng như các cơn đau đột ngột, sưng và nóng đỏ ở vùng bắp chân, làm tắc tĩnh mạch hoặc gây tổn thương cơ.
2. Nguyên nhân gây u nang bao hoạt dịch khớp gối
Người bệnh cần lưu ý một số nguyên nhân dẫn đến các vấn đề sức khỏe phổ biến như sau:
2.1. Chấn thương
Trong các tình huống chấn thương thể thao hoặc tai nạn giao thông, người bệnh có thể bị một lực đột ngột mạnh mẽ tác động vào khớp gối gây bong hoặc vỡ sụn khớp. Khi điều này xảy ra, bao hoạt dịch có thể phản ứng bằng cách tăng tiết dịch, dẫn đến tình trạng thoát vị khớp, biểu hiện lâm sàng thường là sưng u.
2.2. Khớp hoạt động liên tục
Những công việc đòi hỏi vận động hoặc lao động liên tục như vận động viên có thể tạo ra áp lực lớn lên khớp. Tình trạng này có thể gây tổn thương cho bao hoạt dịch, dẫn đến các vấn đề sức khỏe.
Do đó, người bệnh cần tìm cách chữa u nang bao hoạt dịch khớp gối phù hợp với tình trạng bệnh để cải thiện bệnh hiệu quả.
2.3. Yếu tố nguy cơ
Các yếu tố như tuổi tác, thừa cân hoặc béo phì cũng như tiền sử chấn thương hoặc viêm khớp đều tăng nguy cơ xuất hiện các vấn đề liên quan đến bao hoạt dịch khớp.
3. Phương pháp chẩn đoán để tìm cách chữa u nang bao hoạt dịch khớp gối
Nhiều trường hợp u nang bao hoạt dịch không gây ra cảm giác đau hoặc triệu chứng rõ ràng, khiến việc nhận biết bệnh trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, bệnh nhân cần lưu ý đến những dấu hiệu sau:
- Tình trạng đau ở phía sau khớp gối, đặc biệt là khi người bệnh có cảm giác chạm vào một khối u nhỏ ở vùng sau gối. Kích thước của khối u này có thể thay đổi theo chiều hướng giảm hoặc biến mất hoàn toàn khi cẳng chân được gấp lại.
- Cảm giác cứng khớp và không thể uốn cong đầu gối là biểu hiện của giai đoạn sau khi khối u bao hoạt dịch đã phát triển quá lớn, gây ra sự cản trở trong việc di chuyển của khớp gối.
Để làm rõ chẩn đoán và tìm cách chữa u nang bao hoạt dịch khớp gối, bệnh nhân có thể thực hiện siêu âm tại các cơ sở y tế. Quá trình này có thể giúp bệnh nhân xác định được kích thước và vị trí của khối u bao hoạt dịch, cũng như các tổn thương có thể xuất hiện trên sụn khớp hoặc sụn chêm, từ đó làm rõ nguyên nhân gây ra bệnh.
4. Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc u nang bao hoạt dịch khớp gối?
Người bệnh có thể tăng nguy cơ mắc bệnh nếu có một số yếu tố sau:
- Trên 40 tuổi.
- Phụ nữ trưởng thành có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với nam giới.
- Người bị viêm khớp gối, rách sụn hoặc chấn thương khớp gối cũng dễ gặp nguy cơ mắc bệnh u nang bao hoạt dịch.
5. Cách chữa u nang bao hoạt dịch khớp gối
U nang hoạt dịch trong khớp gối thường phát triển tự nhiên và không đòi hỏi điều trị đặc biệt vì dịch tự thấm vào trong khớp. Ngoài ra, các u nang này thường lành tính, không biến chứng thành ung thư.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh có thể gây khó chịu và ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Bệnh nhân có thể áp dụng một số cách chữa u nang bao hoạt dịch khớp gối, bao gồm:
- Sử dụng thuốc: Bệnh nhân có thể được tiêm corticosteroid trực tiếp vào khớp gối để chống viêm. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ giúp giảm đau mà không ngăn chặn sự tái phát của u nang hoạt dịch.
- Chọc dịch: Quá trình này thường được thực hiện bằng biện pháp siêu âm.
- Vật lý trị liệu: Bệnh nhân có thể sử dụng các biện pháp bao gồm sử dụng nhiệt độ lạnh và nén bó để giảm sưng, đau ở khớp gối. Bên cạnh đó, các bài tập trị liệu nhẹ nhàng cũng có thể giúp giảm triệu chứng và duy trì sự linh hoạt của khớp gối.
- Điều trị nguyên nhân: Người bệnh cần phải tìm và điều trị nguyên nhân gốc rễ của bệnh vì đây là bước quan trọng nhất.
U nang hoạt dịch trong khớp gối không phải là một bệnh nghiêm trọng và hoàn toàn có thể điều trị dứt điểm nếu được phát hiện và điều trị kịp thời. Ngoài ra, bệnh nhân cần đến gặp bác sĩ ngay khi phát hiện có vấn đề ở khớp gối sau chấn thương hoặc tai nạn để tránh biến chứng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.