Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Huy Nhật - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Chỉ số hô hấp là các tham số điển hình của quá trình kiểm tra chức năng hô hấp xem đường thở có tốt không. Ngoài ra, nó cũng được sử dụng là cơ sở để chẩn đoán các bệnh khổi chẳng hạn như: bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản, xơ phổi...
1. Tổng quan hô hấp
Hô hấp là hoạt động của các cơ hô hấp tạo nên các động tác hít vào và thở ra. Động tác hít vào là do các cơ tham gia co lại làm tăng kích thước lồng ngực theo các chiều như chiều thẳng đứng, chiều trước sau và chiều ngang. Các cơ đó là: cơ hoành, các cơ liên sườn. Động tác thở ra khi các cơ hít vào ngừng co, lồng ngực trở về vị trí cũ dưới tác dụng của sức đàn hồi ngực phổi, và sức chống lại của các tạng bụng.
Điều hoà chức năng hô hấp là hoạt động được duy trì tự động, nhịp nhàng được điều khiển bởi trung khu hô hấp ở não (nó đều đặn phát ra các xung động làm cho các cơ hô hấp co lại, và giãn ra theo tần số nhất định). Quá trình điều hòa hô hấp sẽ thỏa mãn nhu cầu oxy của cơ thể cũng như duy trì được mức độ hoạt động đều đặn, nhịp nhàng chức năng hô hấp.
2. Các chỉ số hô hấp theo từng lứa tuổi
Để thăm dò chức năng hô hấp các bác sĩ sẽ thực hiện đo chức năng thông khí (hô hấp ký)- gồm có hai loại là hô hấp ký thể tích và hô hấp ký lưu lượng. Đo chức năng thông khí là phương pháp cơ bản đánh giá chức năng thông khí của phổi thông qua thể tích, lưu lượng khí trong chu trình hô hấp (hít vào, thở ra).
Hô hấp ký thực hiện ghi lại sự thay đổi thể tích, dung tích, lưu lượng phổi trong các thì hô hấp bình thường và gắng sức. Nó có ưu điểm là được tính toán tự động, chính xác, nhanh chóng, không tích tụ khí, dễ làm sạch. Tuy nhiên, nó cũng có một số nhược điểm như phụ thuộc vào thác tác của kỹ thuật viên và người bệnh, không đặc hiệu cho từng bệnh lý hô hấp, đường cong cần phải đạt chuẩn mới có kết quả chính xác.
Các nhóm thông số của đo hô hấp ký:
- Nhóm thông số về thể tích là: thể tích khí lưu thông (thể tích khí hít vào và thở ra bình thường), thể tích khí dự trữ hít vào (thể tích khí hít vào hết sức sau khi hít vào bình thường), thể tích khí dự trữ thở ra (thể tích khí thở ra hết sức sau khi thở ra bình thường), thể tích khí cặn (thể tích khi còn lại trong phổi sau khi thở ra hết sức).
- Nhóm thông số về dung tích: dung tích hít vào ( thể tích khí hít vào hết sức), dung tích cặn chức năng (thể tích khí còn lại trong phổi sau khi thở ra bình thường), dung tích sống (thể tích khí hít vào hết sức và thở ra hết sức), dung tích toàn phổi (khả năng chứa khí tối đa của phổi.
Một số chỉ số hô hấp điển hình theo lứa tuổi:
Trẻ sơ sinh: Hô hấp là 40-60 lần/phút, thể tích khí lưu thông là 15ml, Dung tích cặn chức năng bình thường (FRC) là 25mL/kg, thông khí 1 L/phút, Hematocrit là 47-60%, pH động mạch, pH động mạch 7.3-7.4, PaCO2 là 30-35 mmHg và PaO2 là 60-90 mmHg.
Trẻ 1 tuổi: Hô hấp là 20-30 lần/phút, thể tích khí lưu thông là 80ml, thông khí 1.8 L/phút, Hematocrit là 33-42%, pH động mạch, pH động mạch 7.35-7.45, PaCO2 là 30-40mmHg và PaO2 là 80-100 mmHg.
Trẻ 3 tuổi: Hô hấp giảm dẫn tới 18-25 lần/phút, thể tích khí lưu thông là 110ml, Dung tích cặn chức năng bình thường (FRC) là 35mL/kg, thông khí 2.5 L/phút.
Trẻ 5 tuổi: Hô hấp là 18-25 lần/phút, thể tích khí lưu thông là 250ml, thông khí 5.5 L/phút.
Người lớn: Hô hấp là 12-20 lần/phút, thể tích khí lưu thông là 500ml, thông khí 6.5 L/phút, Hematocrit là 40-45%.
Các chỉ số hô hấp có tác dụng đánh giá đường thở và là cơ sở để chẩn đoán các bệnh về phổi như: bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản, xơ phổi... Tuy nhiên để đem lại kết quả chính xác cao thì bệnh nhân nên chọn các cơ sở y tế uy tín để thực hiện.