Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Huy Nhật - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Đo chức năng hô hấp là cách kiểm tra chức năng hô hấp nhằm đánh giá mức độ bạn hít không khí vào, thở không khí ra khỏi hai phổi và mức độ oxy đi vào cơ thể. Đo chức năng hô hấp thường gặp nhất là hô hấp ký, nghiên cứu khuếch tán và phế thân ký. Vậy ý nghĩa các chỉ số đo chức năng hô hấp là gì?
1. Đo chức năng hô hấp để làm gì?
Đo chức năng hô hấp là kỹ thuật thường được dùng trong chẩn đoán và theo dõi đánh giá mức độ nặng nhẹ của các bệnh lý hô hấp. Kỹ thuật giúp ghi lại những thông số hô hấp liên quan đến hoạt động của phổi, từ đó giúp đánh giá hai hội chứng rối loạn thông khí: Tắc nghẽn và hạn chế.
Ý nghĩa các chỉ số đo chức năng hô hấp cho ta biết thông tin chính xác về lưu lượng không khí lưu thông trong phế quản và phổi, đồng thời cho phép đánh giá mức độ tắc nghẽn phế quản và mức độ trầm trọng của giãn phế nang.
Kết quả đo chức năng hô hấp được thể hiện bằng số cụ thể và bằng phần trăm so với giá trị của một người bình thường. Các trị số đo được của chức năng hô hấp sau đó được biểu diễn dưới dạng một đường cong trong đó một trục thể hiện các số đo về lưu lượng khí lưu thông, trục còn lại thể hiện các số đo của các thể tích khí có trong phổi, do vậy đường cong này còn được gọi là đường cong lưu lượng thể tích.
Đo chức năng hô hấp là thăm dò khá đơn giản và không gây đau cho bệnh nhân, hầu như không gây khó chịu hay tai biến. Độ chính xác của kết quả đo chức năng hô hấp phụ thuộc vào sự hợp tác của bệnh nhân.
2. Ý nghĩa các chỉ số đo chức năng hô hấp
2.1. Các thể tích hô hấp
- TV: Thể tích khí lưu thông trong một lần hít vào hoặc thở ra bình thường, ở người trưởng thành thể tích khí lưu thông thường khoảng 500ml;
- IRV: Thể tích dự trữ hít vào là thể tích khí hít vào thêm sau hít vào bình thường. Thể tích này ở người bình thường khoảng 1500- 2000ml, chiếm 56% dung tích sống;
- ERV: Thể tích dự trữ thở ra là thể tích khí thở ra tối đa sau thở ra bình thường. Thể tích này ở người bình thường khoảng 1100- 1500 ml, chiếm 32% dung tích sống;
- RV: Thể tích khí cặn đo theo nguyên tắc pha loãng khí (nitơ hoặc heli). Bình thường thể tích khí cặn khoảng 1000- 1200 ml.
2.2. Các dung tích hô hấp
- VC (hay SVC): Dung tích sống là thể tích tối đa huy động được trong một lần hô hấp, thể hiện khả năng của cơ thể đáp ứng về mặt hô hấp với các hoạt động gắng sức. VC phụ thuộc vào tuổi, giới, chiều cao, nam cao hơn nữ, giảm ở người già và một số bệnh phổi hay ngực (tràn dịch màng phổi, u phổi, gù, vẹo lồng ngực...); tăng lên nhờ luyện tập;
- FVC: Dung tích sống thở mạnh là thể tích khí thu được do thở ra thật nhanh, thật mạnh và hết sức sau khi hít vào thật hết sức. Người bình thường FVC hơi thấp hơn VC một chút;
- IC: Dung tích hít vào thể hiện khả năng hô hấp thích ứng với nhu cầu cung cấp O2 tăng lên của cơ thể. Bình thường khoảng 2000 – 2500 ml;
- FRC: Dung tích cặn chức năng bình thường khoảng 2000 ml đến 3000 ml;
- TLC: Dung tích toàn phổi, khoảng 5 lít, thể hiện khả năng chứa đựng của phổi.
2.3. Các lưu lượng thở
\Lưu lượng thở là lượng thể tích khí được huy động trong một đơn vị thời gian (lít/phút hoặc lít/giây), nói lên khả năng hay tốc độ huy động khí đáp ứng nhu cầu cơ thể và sự thông thoáng của đường dẫn khí.
Đo dung tích sống thở mạnh và phân tích đồ thị FVC theo thời gian sẽ cho biết các thông số về lưu lượng khoảng, lưu lượng điểm.
Các lưu lượng thở gồm:
- Lưu lượng thể tích khí thở ra gắng sức trong 1 giây đầu tiên (FEV1):
Đây là thể tích không khí mà bạn có thể thổi ra trong vòng một giây đầu tiên của thì thở ra. Bình thường bạn thường có thể thổi ra hầu hết không khí ra khỏi phổi trong vòng một giây;
- Lưu lượng đỉnh (PEF):
Là lưu lượng ra khỏi phổi trong khi thở ra tối đa, ở phần đầu của thì thở ra nó phụ thuộc vào lực do cơ thở ra sản sinh và khẩu kính của đường thở, nghĩa là phụ thuộc vào gắng sức, tiếp theo đó không phụ thuộc vào gắng sức nữa;
Hiện nay, có nhiều loại dụng cụ để đo PEF khác nhau. Bệnh nhân hít vào sâu sau đó thở ra gắng sức vào dụng cụ, số ghi trên dụng cụ mà kim chỉ vào là lưu lượng thở ra cao nhất. Khó khăn có thể gặp là bệnh nhân không hít được vào sâu hoặc không thở ra được với sức tối đa hoặc khí thở lọt ra ngoài. PEF giảm khi đường thở bị hẹp (hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, có khối u ở đường thở trên) hoặc cơ thở ra yếu.
- Lưu lượng thông khí phế nang:
Là mức không khí trao đổi ở tất cả các phế nang trong một phút, mức thông khí có hiệu lực. Không khí thở ra là hỗn hợp của không khí đựng trong các phế nang có trao đổi khí với máu, và không khí đựng trong đường dẫn khí không trao đổi khí với máu (được gọi là "khoảng chết" của bộ máy hô hấp). Các khoảng chết gồm:
+ Khoảng chết giải phẫu: Là khoảng không gian trong bộ máy hô hấp không có diện trao đổi khí với máu, bao gồm toàn bộ các đường dẫn khí;
+ Khoảng chết sinh lý: Là khoảng chết giải phẫu cộng thêm các phế nang không trao đổi khí với máu được (như xơ hoá phế nang, co thắt mao mạch và phế nang...);
+ Thể tích không khí trong khoảng chết luôn luôn thay đổi vì các ống dẫn khí của bộ máy hô hấp không phải là những ống cứng rắn, trung bình khoảng 140 ml;
+ Thở sâu có lợi hơn thở nông vì thở chậm và sâu thì không khí khoảng chết giảm, thông khí phế nang tăng, tăng hiệu quả trao đổi khí (phương pháp dưỡng sinh).
3. Kết quả đo chức năng hô hấp
Một kết quả đo chức năng hô hấp sẽ thường được thể hiện như sau:
- Bình thường;
- Hội chứng tắc nghẽn;
- Hội chứng hạn chế;
- Sự kết hợp giữa hội chứng tắc nghẽn/ hạn chế.
Một kết quả đo chức năng hô hấp bình thường sẽ thay đổi phụ thuộc vào độ tuổi, thể trạng, chủng tộc và giới tính. Giới hạn bình thường được thể hiện trên biểu đồ và được bác sĩ sẽ tham khảo khi họ đánh giá kết quả đo của bạn.
Nếu có nhu cầu tư vấn và thăm khám tại các Bệnh viện Vinmec thuộc hệ thống Y tế trên toàn quốc, Quý khách vui lòng đặt lịch trên website để được phục vụ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.