Các bất thường cấu trúc xương khớp háng

Khớp háng là một trong những khớp có kích thước lớn nhất trong cơ thể, đóng vai quan trọng trong vận động và di chuyển của con người. Nếu có bất thường cấu trúc xương khớp háng sẽ gây ra nhiều khó khăn trong sinh hoạt của người bệnh.

1. Cấu trúc xương khớp háng

Cấu trúc xương khớp háng gồm có khối cầu (chỏm xương đùi - đầu trên của xương đùi) và ổ chảo (cấu tạo từ ổ cối - đây là một phần của xương chậu lớn).

Bề mặt xương của khối cầu và ổ chảo được bao phủ bởi một lớp lớp mô trơn, có nhiệm vụ làm đệm lót cho các đầu xương giúp việc cử động dễ dàng hơn, chúng được gọi là sụn khớp. Bao xung quanh khớp háng là lớp mô mỏng được gọi là màng hoạt dịch, lớp màng này sẽ tiết ra một lượng dịch nhỏ giúp bôi trơn sụn khớp, giảm thiểu ma sát trong quá trình cử động khớp háng. Các dây chằng nối khối cầu vào ổ chảo để tạo sự vững chắc cho khớp háng gồm có dây chằng trong và dây chằng ngoài.

Khớp háng có hình chỏm cầu, là nơi tiếp giáp giữa phần chỏm hình cầu của xương đùi với xương chậu thông qua ổ cối. Do đó phạm vi hoạt động khớp háng rộng trên cả 3 mặt phẳng, giữ vai trò gắn kết phần phía trên và dưới của cơ thể, giúp cử động phần dưới được linh hoạt và đóng vai trò tiên quyết trong khả năng vận động và di chuyển.

2. Các chức năng cụ thể của khớp háng

Khớp háng có cấu tạo phức tạp và giữ vai trò rất quan trọng đối với các hoạt động trong đời sống hàng ngày cụ thể như sau:

  • Hoạt động thể dục, thể thao liên quan đến chi dưới đều phụ thuộc vào độ linh hoạt của khớp háng;
  • Khớp háng có vai trò chịu lực tác động của toàn bộ cơ thể, trong đó quan trọng nhất là trọng lượng. Khớp háng được xem là một trụ đỡ cho toàn bộ cơ thể khi phối hợp với xương đùi và khớp gối;
  • Khớp háng là điểm trụ trung tâm cho các hoạt động gập - duỗi và đứng thẳng người.

Bất thường cấu trúc xương khớp háng có thể dẫn đến nhiều bệnh lý xương khớp
Bất thường cấu trúc xương khớp háng có thể dẫn đến nhiều bệnh lý xương khớp

3. Các bất thường cấu trúc xương khớp háng

Các bất thường cấu trúc xương khớp háng có thể dẫn đến nhiều bệnh lý xương khớp khác nhau như:

3.1. Thoái hóa khớp háng

Thoái hóa khớp háng là bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi do quá trình bào mòn tự nhiên của khớp theo tuổi tác, lúc này hệ cơ xương khớp sẽ suy yếu dần chức năng, dẫn đến quá trình thoái hóa.

Thoái hóa xương khớp ngày nay đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa do nhiều nguyên nhân như lối sống, đặc thù công việc, môi trường sống, giới tính... hoặc xuất phát từ những chấn thương hay các bệnh lý khác như gãy cổ xương đùi, trật khớp, viêm khớp, nứt xương... Những người phái ngồi hay đứng quá lâu ở một tư thế cố định thường xuyên hoặc những người mang vác vật nặng cũng là các đối tượng có nguy cơ cao bị thoái hóa khớp háng.

3.2. Viêm khớp

Viêm khớp là kết quả của quá trình thoái hóa khớp, dẫn đến tổn thương viêm nhiễm tại vị trí khớp háng. Viêm khớp gây đau đớn và khó chịu cho bệnh nhân, đau sẽ ngày càng nặng hơn, nếu không được thăm khám và điều trị đúng tình trạng viêm có thể lan rộng đến các vị trí khác như mông, thắt lưng, đùi và chân.

Khi viêm khớp diễn biến nặng, người bệnh có thể bị hạn chế trong quá trình đi lại hay vận động, có cảm giác tê mỏi ở 2 chân, khó khăn khi duỗi thẳng chân. Một số trường hợp bệnh người bệnh bị đau nên có tâm lý không dám vận động, lâu ngày có thể dẫn đến cứng khớp háng, biến dạng chỏm xương, gai xương thoái hóa có thể mọc dài hơn gây chèn ép và mất dần khả năng di chuyển.

Viêm xương khớp háng thường liên quan đến sự hao mòn khớp do tuổi tác, thường xảy ra ở người từ 50 tuổi trở lên và hay gặp ở người có tiền sử gia đình bị viêm khớp. Lúc này các sụn khớp làm đệm lót cho các xương ở vị trí khớp háng đã bị bào mòn, xương sẽ ma sát với nhau gây đau và cứng khớp háng.

Tương tự viêm khớp sau chấn thương xảy ra sau khi bệnh nhân bị gãy hoặc tổn thương khớp háng nặng, khiến sụn khớp bị hư tổn, gây đau và cứng khớp háng theo thời gian.

3.3. Viêm khớp dạng thấp

Đây là một loại bệnh tự miễn xảy ra khi màng hoạt dịch của khớp háng bị viêm và dày lên, từ đó làm tổn thương sụn khớp gây đau và cứng khớp háng.

3.4. Hoại tử vô mạch

Hoại tử vô mạch tình trạng chấn thương khớp háng (trật khớp, gãy khớp) làm hạn chế việc cung cấp máu đến chỏm xương đùi, dẫn đến bề mặt xương bị lún xuống, và gây viêm khớp.

Hoại tử chỏm xương đùi có thể xảy do tình trạng chấn thương khu vực này hoặc do người bệnh phải sử dụng phương pháp hóa trị, xạ trị ung thư, sử dụng thuốc corticosteroid liều cao trong thời gian dài.

Những đối tượng nghiện rượu, nghiện thuốc lá, thường xuyên sử dụng các loại nước ngọt có gas, các chất kích thích... rất dễ bị bệnh hoại tử chỏm xương đùi.

Việc điều trị hoại tử chỏm xương đùi chủ yếu để giảm đau và ngăn chặn bệnh diễn biến nặng hơn. Khi các phương pháp bảo tồn không có tác dụng, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật để điều trị hoại tử chỏm xương đùi.

3.5. Bệnh khớp háng thời thơ ấu

Một số trẻ gặp phải các vấn đề về khớp háng khi còn nhỏ, dù đã được điều trị thành công nhưng vẫn có thể gây viêm khớp về sau do khớp háng phát triển không bình thường, các bề mặt khớp đã bị ảnh hưởng.


Cứng khớp háng do canxi hóa khớp háng
Cứng khớp háng do canxi hóa khớp háng

3.6. Lao khớp háng

Lao khớp háng là tình trạng viêm và hoại tử khớp háng do vi khuẩn lao Tuberculosis gây ra dẫn đến biểu hiện đau, sưng và những biểu hiện thông thường khác.

3.7. Bong sụn viền ổ cối

Sụn viền ổ cối có vai trò ngăn ngừa sự phân tách của các diện khớp, bên cạnh đó sụn còn chứa dịch để bôi trơn khớp và phân tán lực. Khi tình trạng bong sụn khớp xảy ra (thường ở người trẻ do vận động quá mức) sẽ dẫn đến cảm giác đau khi đi lại hay vận động, giảm đau khi nghỉ ngơi. Hình ảnh MRI cho thấy các lớp sụn bị bong tróc cần phẫu thuật để loại bỏ phần sụn viền bị tổn thương.

3.8. Cứng khớp háng do canxi hóa khớp háng

Canxi hóa khớp háng là sự xuất hiện của cấu trúc xương ở mô mềm mà bình thường không có. Hiện tượng canxi hóa khớp háng có thể xuất hiện sau các chấn thương xương khớp mô mềm, chấn thương tuỷ sống, bỏng... làm hạn chế hoặc mất vận động khớp do sự hình thành các cầu xương kết nối 2 xương tạo nên khớp.

4. Phòng ngừa các bất thường cấu trúc xương khớp háng

Bên cạnh vấn đề tuổi tác, yếu tố di truyền thì để phòng ngừa các bất thường cấu trúc xương khớp háng chúng ta cần duy trì cân nặng ở mức hợp lý, lên kế hoạch giảm cân khoa học khi bị thừa cân, béo phì, tập luyện để làm mạnh cơ ở vùng mông đùi giúp hỗ trợ cho khớp háng, hạn chế các hoạt động quá sức...;

Bên cạnh đó, cần hết sức lưu ý việc sử dụng các loại thuốc giảm đau, kháng viêm trong điều trị bệnh lý xương khớp, không lạm dụng corticoid.

Nếu mắc bệnh các bệnh lý viêm khớp, chấn thương khớp hoặc các dị tật bẩm sinh khớp háng, bệnh nhân nên được điều trị sớm và tích cực để hạn chế tối đa hiện tượng thoái hóa khớp háng lúc về già;

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe