Các bài tập tốt cho người bị trật khớp háng

Sau khi điều trị tình trạng bị trật khớp háng, người bệnh cần duy trì thực hiện các bài luyện tập nhằm tăng cường sức khỏe cho cơ vùng đùi và quanh khớp háng, tăng độ linh hoạt cho khớp. Vậy bị trật khớp háng tập môn thể dục gì?

1. Bị trật khớp háng có nên tập thể dục hay không?

Đối với người bệnh bị trật khớp háng, việc tập luyện sớm sẽ mang lại hiệu quả tích cực. Các bài tập thể dục góp phần làm giảm thiểu biến chứng, đồng thời giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi để trở lại sinh hoạt bình thường.

Những bài tập này không chỉ giúp lưu thông tuần hoàn của chi, phòng chống tắc mạch máu, thuyên tắc phổi... mà còn làm tăng sức cơ và cải thiện tầm vận động của khớp.

Tập thể dục còn giúp tăng cường sức khỏe cho quanh khớp háng, cơ vùng đùi, tăng độ linh hoạt cho khớp.

2. Một số bài tập trật khớp háng

Ngay sau khi điều trị trật khớp háng, người bệnh có thể dùng thuốc giảm đau và bắt đầu quá trình tập luyện để hồi phục chứng năng của khớp háng. Mục đích của việc này là nhằm phục hồi chức năng làm khỏe cơ và tăng dần biên độ vận động của khớp háng.

Trong suốt quá trình tập luyện, người bệnh không nên nóng vội, mà hãy khởi đầu với các bước đi bình thường. Tuy nhiên thời gian đầu bệnh nhân sẽ xuất hiện cảm giác đau và cứng khớp. Do đó bệnh nhân có thể dùng nạng hỗ trợ khi đi lại và tỳ chân mức độ hợp lý, dần dần người bệnh sẽ thích nghi và cảm giác đau giảm dần cho đến khi hết.

Dưới đây là một số bài tập trật khớp háng giúp người bệnh tăng cường sức khỏe cho cơ vùng đùi và khớp háng:

  • Tập khép và dạng háng: Đầu tiên người bệnh nằm ngửa, sau đó duỗi thẳng 2 chân, từ từ dạng chân ra rồi khép chân vào, đổi bên và lặp đi lặp lại 15-20 lần động tác này.
  • Bài tập trật khớp háng duỗi háng: Người bệnh nằm ngửa, 2 chân co. Sau đó từ từ nâng mông lên khỏi mặt thẳm, giường, giữ tư thế này trong vòng 5 giây. Lặp đi lặp lại động tác duỗi háng khoảng 15 lần để đặt hiệu quả cao nhất.
  • Tập gấp gối và háng: Người bệnh nằm ngửa, co chân mổ lên (gối gấp 40-60 độ) và giữ 10-15 giây rồi duỗi ra, lặp lại động tác này từ 15-20 lần.
  • Tập cơ mông: Người bệnh nằm ngửa, gồng cơ mông trong vòng 5-10 giây, lặp lại động tác tập cơ mông 10 lần.
  • Tập khớp cổ chân: Đầu tiên nằm ngửa, sử dụng một chiếc gối nhỏ kê dưới bắt chân để gót nâng khỏi mặt giường. Sau đó, duỗi bàn chân hết mức có thể, giữ trong 5 giây, rồi gấp tối đa bàn chân, giữ 5 giây. Lặp lại động tác này trong khoảng 15 lần.
  • Tập cơ tứ đầu: Nằm ngửa, 2 chân duỗi thẳng. Duỗi chân hết mức từng bên và giữ trong 5 giây, thả lỏng 5 giây rồi lặp lại. Tập trong động tác này khoảng 10 phút.

3. Một số điều cần lưu ý đối với người bị trật khớp háng

Trong quá trình tập luyện hồi phục chức năng, người bệnh cần lưu ý một số điểm sau:

  • Đi bộ cũng là một trong những bài tập giúp tốt cho người bị trật khớp háng, tuy nhiên đi bộ đơn thuần không thay thế được các bài tập khác. Do vậy ngoài việc đi bộ cần bổ trợ thêm các động tác khác.
  • Không ngồi ghế quá thấp hoặc quá mềm.
  • Không xoay người một cách đột ngột.
  • Không mang vác các đồ vật nặng.
  • Người bệnh không nên ngồi lái xe ô tô khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ.
  • Trong suốt quá trình điều trị và phục hồi chức năng khớp háng, người bệnh nên hạn chế quan hệ tình dục hoặc hỏi ý kiến bác sĩ về vấn đề này.
  • Bệnh nhân có thể sử dụng phương pháp chườm nóng và lạnh để giúp vết thương nhanh chóng lành lại và giảm đau, thời gian chườm là 20 phút. Chườm nóng sẽ giúp cho khớp giãn cơ, làm tăng độ linh hoạt của khớp. Chườm lạnh giúp làm giảm sưng nề và giảm đau.
  • Trong quá trình luyện tập để tránh nguy cơ trật khớp, người bệnh không nên gấp đùi nhiều về phía bụng hay xoay chân vào bên trong, không khom người khi đi tất và đi giầy; tuyệt đối không cúi cổ, không ngồi bắt chéo chân mổ; không ngồi xổm, khi ngủ nằm nghiêng về phía chân lành.
  • Người bệnh nên ngồi ghế cao, thường xuyên đặt gối giữa hai chân khi ngủ, kê một gối đủ dày giữa hai đầu gối khi nằm nghiêng.
  • Cần có chế độ ăn uống khoa học, tránh thừa cân béo phì làm tăng nguy cơ tái phát bệnh và ảnh hưởng đến thời gian phục hồi vết thương.

Nhìn chung, sau khi điều trị trật khớp háng, người bệnh cần duy trì thực hiện các bài luyện tập nhằm tăng cường sức khỏe cho cơ vùng đùi và quanh khớp háng, tăng độ linh hoạt cho khớp. Trong suốt quá trình tập luyện, người bệnh không nên nóng vội, mà hãy khởi đầu với các bước đi bình thường theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe