Bị tiền đái tháo đường có cần phải uống thuốc không?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Thị Duyên - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Bệnh tiền đái tháo đường là một tình trạng sức khỏe có thể cải thiện tốt và trở lại trạng thái bình thường nhờ can thiệp sớm vào lối sống và chế độ sinh hoạt hàng ngày. Can thiệp thuốc điều trị bệnh tiền đái tháo đường có thể được chỉ định đối với một số điều kiện nhất định khi điều chỉnh chế độ ăn lối sống không hiệu quả hoặc ít hiệu quả. Vậy khi nào thì tiền đái tháo đường được chỉ định dùng thuốc và thuốc uống là thuốc gì?

1. Tổng quan về bệnh tiền đái tháo đường

Ở giai đoạn tiền đái tháo đường thì lượng đường trong máu cao hơn so với người bình thường nhưng vẫn không cao đến mức để chẩn đoán bệnh đái tháo đường thực sự. Tất cá các bệnh nhân đều phát triển từ giai đoạn bệnh tiền đái tháo đường trước sau đó mới trở thành bệnh đái tháo đường loại 2. Sự gia tăng lượng đường trong máu ở giai đoạn tiền đái tháo đường khởi phát khi cơ thể bắt đầu có hiện tượng "đề kháng insulin". Insulin là một hormone quan trọng giúp cho cơ thể kiểm soát glucose trong cơ thể. Nếu hormone insulin trong cơ thể không thể điều hòa gluocose trong máu và tế bào thì tình trạng kháng insulin sẽ xảy ra.

Tình trạng đề kháng insulin có thể nặng lên theo thời gian nếu như cơ thể không kiểm soát được. Khi bị tiền đái tháo đường thì cơ thể sẽ sản xuất insulin để kiểm soát lượng đường trong máu ở mức gần bình thường. Tình trạng đề kháng insulin có thể trở nên xấu hơn theo tuổi và tình trạng này càng trầm trọng hơn khi có nhiều yếu tố thuận lợi như tăng cân, rối loạn lipid máu. Nếu tình trạng kháng insulin của bạn tiến triển và cuối cùng không thể bù đắp đủ bằng cách tạo thêm insulin thì lượng đường trong máu sẽ tăng lên và lúc này sẽ trở thành bệnh tiền đái tháo đường.


Kết quả xét nghiệm dung nạp glucose (OGTT) giúp chẩn đoán rối loạn dung nạp glucose
Kết quả xét nghiệm dung nạp glucose (OGTT) giúp chẩn đoán rối loạn dung nạp glucose

Tùy theo kết quả xét nghiệm lượng đường trong máu bệnh tiền đái tháo đường có thể được gọi cụ thể hơn là "rối loạn dung nạp glucose (đường)" hoặc "rối loạn đường huyết lúc đói". Đường huyết lúc đói bị suy giảm có nghĩa là lượng đường trong máu tăng lên sau khi bạn không ăn trong một thời gian.

Khả năng dung nạp glucose bị suy giảm có nghĩa là lượng đường trong máu đạt mức cao đáng ngạc nhiên sau khi ăn đường. Để chẩn đoán rối loạn dung nạp glucose, bác sĩ nội tiết thường làm xét nghiệm: Nghiệm pháp dung nạp uống 75g glucose cho bệnh nhân. Đối với xét nghiệm này bệnh nhân sẽ uống một dung dịch có chứa 75g đường và sau đó được lấy máu sau 1 giờ và 2 giờ để làm chẩn đoán.

Không phải tất cả các trường hợp bị tiền đái tháo đường đều trở thành bệnh đái tháo đường 100% nhưng nó làm sẽ góp phần làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh thực sự. Bệnh tiền đái tháo đường cũng là một yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch. Giống như những người bị bệnh đái tháo đường type 2 thì bệnh nhân tiền đái tháo đường đều có xu hướng thừa cân, huyết áp cao và có mức cholesterol không có lợi cho sức khỏe.

2. Có thể dùng thuốc điều trị tiền đái tháo đường hay không?

Hiện nay có một số bệnh nhân tiền đái tháo đường uống thuốc kết hợp với thay đổi chế độ ăn và thay đổi lối sống luyện tập hàng ngày. Thuốc duy nhất hiện nay được bộ y tế công nhận tốt cho điều trị tiền đái tháo đường là Metformin. Kê thuốc điều trị cho bệnh nhân tiền đái tháo đường khi người bị tiền đái tháo đường có một số yếu tố nguy cơ như sau: thất bại với điều chỉnh chế độ ăn và lối sống sau một thời gian dài; xét nghiệm có mức cholesterol HDL thấp, chất béo trung tính cao; cha mẹ hoặc anh chị em ruột bị tiểu đường hoặc thừa cân. Thuốc này do bác sĩ nội tiết khám kê đơn và hướng dẫn sử dụng chứ bệnh nhân không được tự ý mua dùng.

3. Một số lưu ý khi dùng thuốc Metformin cho bệnh nhân tiền đái tháo đường.

Khi bệnh nhân tiền đái tháo đường có chỉ định uống thuốc Metformin thì liều lượng để phát huy tác dụng từ 1.000mg đến 2.000mg nhưng cần bắt đầu liều thấp, khởi đầu 500mg/ngày để cơ thể thích nghi dần dần.

Vậy tốt nhất là bắt đầu uống và làm quen với Metformin ở liều lượng 500/ngày trong một tuần, sau đó tăng liều thêm 500 mg khác vào tuần tiếp theo và nếu chưa kiểm soát được thì tăng 500 mg/ ngày vào tuần thứ ba. Metformin không chỉ có hiệu quả rõ rệt và tốt ở bệnh nhân tiền đái tháo đường mà còn có thể hiệu quả hơn các loại thuốc mới, chi phí vừa phải, an toàn hơn, không gây hạ đường máu- đây là biến chứng rất hay gặp ở bệnh nhân đái tháo đường.


Giảm cân và tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày là một cách điều trị tiền tiểu đường
Giảm cân và tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày là một cách điều trị tiền tiểu đường

Bệnh tiền đái tháo đường tình trạng có thể phục hồi tốt mà không cần dùng đến thuốc mà chỉ cần điều chỉnh lối sinh hoạt.

Mục đích của việc điều trị tiền đái tháo đường là ngăn ngừa bệnh tiền đái tháo đường tái phát và trở thành bệnh đái tháo đường thực sự. Các biện pháp phòng ngừa được khuyến nghị để ngăn ngừa tiền đái tháo đường cũng có tác dụng điều trị bệnh. Cách điều trị tiền đái tháo đường hiệu quả nhất là điều chỉnh lối sống hàng ngày như là: giảm cân và tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày. Giảm cân và tập thể dục có thể cải thiện tình trạng kháng insulin và có thể làm giảm lượng đường trong máu cao để bạn không tiến triển thành bệnh đái tháo đường. Ngoài ra thuốc metformin (Glucophage) có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường và nó có thể làm tăng thêm lợi ích của việc giảm cân và tập thể dục.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com, mayoclinic.org, healthline.com,drugs.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe