Hỏi
Tôi bị đường huyết cao trên 11 Mmol. Sau khi điều trị chỉ số buổi chiều (7PM) đo sau khi ăn trưa lúc 12PM khoảng từ 4.6-5.5 Mmol. Tuy nhiên ăn tối lúc 7.30PM thì sáng hôm sau 7AM đo lại cao hơn lúc chiều, chỉ số khoảng từ 6.0-7.6 Mmol. Theo như thông thường thì mọi người quan niệm lúc sáng trước ăn là lúc đói và chỉ số là thấp nhất. Vì sao chỉ số đường máu thử buổi sáng cao hơn buổi chiều? Bác sĩ giải thích giúp. Cảm ơn bác sĩ.
Câu hỏi khách hàng ẩn danh
Trả lời
Chào anh,
Theo thuật ngữ y học, đường máu lúc đói là chỉ số đường máu sau khi người bệnh nhịn ăn từ 8-12 giờ. Như vậy, chỉ số đường máu lúc đói thường được định lượng trước bữa ăn sáng. Do thời gian nhịn đói kéo dài nên chỉ số này thường thấp hơn chỉ số đường máu sau ăn.
Tuy nhiên, chỉ số đường máu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như chế động vận động thể lực nhiều hay ít, bữa ăn cho lượng carbohydrate nhiều hay ít...Chỉ số đường máu thử buổi sáng cao hơn buổi chiều lúc trước khi ăn có thể do thời gian trong ngày người bệnh thường vận động nhiều hơn. Ngoài ra, nếu người bệnh bị hạ đường huyết ban đêm thì cơ thể sẽ có phản ứng giải phóng glucose tại gan dẫn tới tăng đường máu vào buổi sáng.
Anh có thể đi khám tại các cơ sở Y tế uy tín tại các bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để được tư vấn thêm. Cảm ơn anh đã tin tưởng và chia sẻ lo lắng với Vinmec.
Được giải đáp bởi Bác sĩ khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.