Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa I Võ Khắc Khôi Nguyên - Bác sĩ chấn thương chỉnh hình, Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Đái tháo đường type 2 làm tăng mật độ chất khoáng của xương (BMD) nhưng nghịch lý là tăng nguy cơ gãy xương. Đái tháo đường type 1 làm giảm mật độ khoáng xương, gây loãng xương và tăng nguy cơ gãy xương. Cả hai type đái tháo đường đều làm giảm sức mạnh của bộ xương và khiến biến cố gãy xương dễ xảy ra hơn. Điều trị gãy xương ở người đái tháo đường gặp nhiều khó khăn hơn bệnh nhân gãy xương thông thường.
Quá trình điều trị bao gồm nhiều biện pháp tổng thể. Bên cạnh các phương pháp điều trị phẫu thuật kết hợp xương hay bó bột, thì các biện pháp điều trị nâng đỡ như phân tích dưới đây cũng rất quan trọng trong việc giúp xương lành tốt.
1.Thay đổi lối sống: Nền tảng của điều trị
Thay đổi lối sống luôn được khuyến cáo ở bệnh nhân đái tháo đường vì nó là nền tảng của mọi điều trị. Thay đổi lối sống bao gồm kiểm soát cân nặng lý tưởng, tăng cường các hoạt động thể chất, không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia. Thừa cân và béo phì làm tăng gánh nặng cho bộ xương và làm tăng nguy cơ loãng xương.
Tuy nhiên, giảm cân có liên quan đến mất cả khối lượng cơ và xương, có thể làm tăng nguy cơ xương dễ gãy và giảm mật độ xương. Vì vậy, cần duy trì cân nặng lý tưởng hơn là để nhẹ cân. Cả hai thái cực nhẹ cân và béo phì là những yếu tố nguy cơ dẫn đến té ngã, cần được ngăn ngừa bằng cách bổ sung đầy đủ protein và tập thể dục.
Hoạt động thể chất giúp ngăn ngừa mất xương trong quá trình giảm cân, tăng sức mạnh của cơ và cải thiện chất lượng cuộc sống, nhất là ở người cao tuổi. Các biện pháp khác như tránh hút thuốc và hạn chế uống rượu bia luôn luôn quan trọng.
2. Kiểm soát đường huyết- chìa khóa của vấn đề
Mối liên hệ chặt chẽ giữa các biến chứng của bệnh tiểu đường và nguy cơ gãy xương đã được ghi nhận. Bệnh thần kinh ngoại biên, bệnh võng mạc và bất kỳ suy giảm thị lực nào, tiền sử té ngã gần đây, tình trạng hạ đường huyết, hạ huyết áp, và bệnh thần kinh tự chủ cần được lưu ý và điều chỉnh.
Kiểm soát đường huyết chặt chẽ (HbA1c 6,5–6,9%) giúp giảm nguy cơ gãy xương đến thấp nhất. Tuy nhiên, cả hạ đường huyết và tăng đường huyết đều có liên quan đến tăng nguy cơ gãy xương và ngã, mặc dù có thể do các cơ chế khác nhau.
Do đó, ở người cao tuổi, các bác sĩ cho phép kiểm soát đường huyết ít nghiêm ngặt hơn để tránh nguy cơ xảy ra các biến cố hạ đường huyết và hậu quả là té ngã.
Nên tránh thuốc hạ đường huyết uống như thiazolidinedione ở bệnh nhân tiểu đường bị loãng xương. Canagliflozin, nhưng không nhất thiết là tất cả các chất ức chế SGLT2 cũng cần cân nhắc khi sử dụng. Thuốc có tác dụng trung tính hoặc có lợi trên chuyển hóa xương, chẳng hạn như metformin và các phương pháp điều trị dựa trên incretin, nên được ưu tiên lựa chọn.
3. Tăng cường bổ sung vitamin D
Tại thời điểm chẩn đoán, nồng độ Vitamin D huyết thanh ở bệnh nhân đái tháo đường type 1 thấp hơn so với người bình thường cùng nhóm tuổi. Người đái tháo đường type 2 cũng bị thiếu Vitamin D. Nguyên nhân là tình trạng béo phì và đề kháng insulin. Thiếu vitamin D có liên quan đến tình trạng loãng xương, thay đổi dáng đi lắc lư và tăng nguy cơ té ngã ở người cao tuổi.
Lượng vitamin D khuyến nghị hàng ngày 800 IU. Có thể sử dụng liều cao hơn để đạt được nồng độ huyết thanh vitamin D tối ưu. Bổ sung vitamin D cần song song với việc cung cấp đủ lượng canxi cho cơ thể (1200 mg/ngày).
4. Điều trị loãng xương
Bên cạnh vấn đề cố định xương gãy như phẫu thuật hay bó bột thì việc điều trị loãng xương cần tiến hành song song cho người bệnh. Thuốc chống loãng xương bisphosphonates vẫn là lựa chọn hàng đầu để điều trị loãng xương ở bệnh nhân đái tháo đường.
Denosumab có thể là lựa chọn ưu tiên ở bệnh nhân đái tháo đường lớn tuổi và/hoặc suy giảm chức năng thận. Cùng với việc sử dụng các thuốc chống loãng xương, cần bổ sung nguyên liệu cho việc tạo xương là Vitamin D và Calci.
Tóm lại, bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ gãy xương cao hơn. Khi có biến cố gãy xương xảy ra, cần thực hiện đo mật độ xương thường quy đối với người đái tháo đường. Các bác sĩ chấn thương chỉnh hình sẽ đảm bảo cho việc nắn chỉnh xương gãy hoàn hảo. Tuy nhiên các biện pháp điều trị hỗ trợ nêu trên sẽ giúp quá trình lành xương gãy diễn ra thuận lợi hơn.
Hiện nay, bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park có triển khai dịch vụ tầm soát loãng xương ở người đái tháo đường. Tại Vinmec đang ứng dụng phương pháp đánh giá mật độ xương trong chẩn đoán loãng xương hoặc nguy cơ gãy xương.
Với ngũ y bác sĩ thực hiện tại Vinmec có chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm; thiết bị y tế được trang bị đầy đủ, hiện đại, trong đó có máy đo độ loãng xương DEXA giúp phát hiện và đánh giá chính xác tình trạng bệnh, sử dụng liều tia X ít hơn so với chụp X quang, do đó an toàn hơn cho bệnh nhân.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.