Canxi là một nguyên tố vi lượng rất cần thiết cho sự phát triển của cơ thể, đặc biệt là hệ cơ xương. Vậy nên bổ sung canxi cho những ai? Người bị bệnh tim mạch có uống canxi được không?
1. Nguyên tố Canxi có vai trò gì đối với cơ thể?
Canxi là một khoáng chất xuất hiện trong cơ thể với hàm lượng ít nhưng không thể thiếu. Ở người bình thường canxi được hấp thụ trong thức ăn hàng ngày ở ruột non, dự trữ ở xương.
Vai trò của canxi đối với cơ thể:
- Tham gia vào sự phát triển của hệ xương: trước 25 tuổi, cơ thể cần nhiều vitamin D và canxi cho sự phát triển thể chất, đặc biệt là chiều cao, hình thành khung xương chắc khỏe. Đến giai đoạn trung niên, do sự suy giảm các hormon làm hệ xương bắt đầu thoái hóa, canxi cần để duy trì sự ổn định của mật độ xương, phòng ngừa loãng xương.
- Điều hòa, giảm nguy cơ cao huyết áp: Canxi có tác dụng trong điều hòa hệ thống liên võng, điều hòa quá trình vận chuyển Natri và Kali qua màng, làm giãn mạch và giảm áp lực của động mạch.
- Ở phụ nữ mang thai, nhu cầu canxi tăng vọt để đáp ứng sự phát triển của bào thai. Bổ sung đầy đủ canxi trong giai đoạn này giúp trẻ phát triển đầy đủ, giảm nguy cơ tiền sản giật ở mẹ, phòng ngừa các biến chứng trong quá trình chuyển dạ và sinh con.
- Canxi và bệnh tim mạch: canxi có vai trò như chất dẫn truyền thần kinh, tham gia vào quá trình co bóp của tim, kết hợp với các acid mật và acid béo tạo thành hợp chất không tan thải ra ngoài cơ thể. Do đó, làm giảm lượng cholesterol có trong máu, phòng ngừa các bệnh lý tim mạch (xơ vữa động mạch, huyết khối lòng mạch,...). Bổ sung đủ canxi còn kích thích hệ tim mạch tiết hormon Calciotropic - làm giảm quá trình ngưng kết tiểu cầu, giảm nguy cơ hình thành cục máu đông.
Tùy theo lứa tuổi mà giới tính mà lượng canxi cần cung cấp hàng ngày sẽ khác nhau. Ở chế độ ăn cân bằng các nhóm chất dinh dưỡng thì không cần cung cấp canxi dưới dạng thuốc uống. Một số đối tượng cần bổ sung canxi dưới dạng thuốc uống:
- Phụ nữ mang thai và sau khi sinh xong.
- Trẻ em trong thời kỳ phát triển, đặc biệt độ tuổi dậy thì để tăng cường chiều cao.
- Phụ nữ mãn kinh do sự tụt giảm đột ngột các hormon sinh dục làm tăng nguy cơ thiếu hụt canxi.
- Người ăn chay trường có chế độ ăn không hợp lý cũng gây thiếu hụt canxi.
- Dự phòng nguy cơ loãng xương ở người cao tuổi, ở bệnh nhân sử dụng kéo corticoid kéo dài.
- Bệnh nhân có các bệnh lý ở hệ xương, có chế độ ăn ít muối thịt, bị các rối loạn ở hệ tiêu hóa gây giảm hoặc không thể hấp thu canxi.
2. Có nên uống canxi khi bị bệnh tim?
Như đã trình bày ở trên, canxi không thể thiếu trong hoạt động của hệ tim mạch, giúp giảm nguy cơ hình thành một số bệnh lý. Tuy nhiên, ở bệnh nhân có các bệnh lý tim mạch trước đó nếu bổ sung canxi quá mức có thể gây ra một số biến chứng.
Sử dụng canxi với liều thấp dưới 600mg/ngày có tác dụng bảo vệ tim, giảm áp lực cho mạch vành, giảm gánh nặng cho tim. Dùng liều cao 1000mg/ngày có thể gia tăng rủi ro biến cố tim mạch và thận.
Cơ chế canxi làm tăng nguy cơ tim mạch vẫn chưa được chứng minh rõ ràng. Các bằng chứng lâm sàng cho thấy các thuốc bổ sung canxi có thể làm tăng đột ngột nồng độ canxi trong máu, làm dày mảng xơ vữa động mạch, vôi hóa động mạch. Từ đó làm tăng nguy cơ bong tróc các mảng xơ vữa gây tắc nghẽn dẫn đến nhồi máu cơ tim, đột quỵ hoặc các biến chứng khác trên thành mạch máu.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng bổ sung Canxi cùng với vitamin D ở những người có bệnh lý tim mạch trước đó làm tăng nguy cơ tử vong lên 32% sao với người chỉ bổ sung Canxi riêng lẻ nguy cơ tử vong là 24%. Nhưng các nghiên cứu khác lai cho thấy sử dụng riêng vitamin D không làm gia tăng biến chứng tim mạch.
Chưa có một kết luận chính xác nào giữa canxi và bệnh tim mạch hay có nên uống canxi khi bị bệnh tim? Do đó những bệnh nhân có các bệnh lý trên hệ tim mạch tốt nhất nên bổ sung canxi từ chế độ ăn hàng ngày. Nếu bắt buộc phải điều trị bằng canxi thì phải có sự chỉ định của bác sĩ.
Bệnh nhân lớn tuổi, bệnh nhân được chẩn đoán loãng xương có bệnh lý tim mạch có thể sử dụng các biện pháp điều trị khác ngoài canxi như: liệu pháp hormone, Bisphosphonates,...
3. Một số lưu ý khi sử dụng các loại thuốc bổ sung canxi
- Cách bổ sung canxi tốt nhất cho cơ thể là qua thực phẩm, một số loại thức ăn chứa nhiều canxi: hải sản, cá mòi, các loại hạt, các loại rau lá xanh, sữa, phomai, các loại đậu,...
- Hiện nay, việc lạm dụng các loại thuốc uống bổ sung thành phần canxi làm tăng nguy cơ các bệnh lý đường tiêu hóa, sỏi thận, ung thư tuyến tiền liệt, tăng canxi máu và các biến chứng bệnh lý tim mạch.
- Bổ sung canxi phải phù hợp với độ tuổi, tình trạng sức khỏe và theo đúng chỉ định liều dùng của bác sĩ.
- Thời điểm hấp thu canxi tốt nhất của cơ thể là vào buổi sáng, uống và thực hiện các vận động nhẹ nhàng sẽ giúp canxi hấp thu tốt hơn. Nên uống canxi trước ăn sáng 30 phút và uống với nhiều nước. Sử dụng vào buổi tối muộn có thể tăng nguy cơ tích tụ canxi gây sỏi hay tăng canxi máu.
- Không dùng đồng thời canxi và sắt sẽ làm giảm quá trình hấp thu thuốc.
- Không dùng chung với các thực phẩm chứa oxalat (các loại đậu, rau bina,...) do chúng sẽ kết hợp với nhau tạo thành chất kết tủa đào thải ra ngoài hoặc tích tụ tạo thành sỏi.
- Không uống cùng lúc với trà xanh do thành phần tanin trong trà làm cản trở quá trình hấp thu canxi.
- Rượu bia, thuốc lá, caffein có thể làm giảm quá trình hấp thu canxi trong cơ thể. Do đó, nếu có nguy cơ thiếu canxi thì không nên bỏ thuốc lá, hạn chế cồn và cafein.
Tóm lại, uống canxi ở bệnh nhân bị bệnh tim có thể gây ra một số biến chứng bất lợi cho cơ thể. Do đó, nếu buộc phải bổ sung canxi ở người có bệnh lý tim mạch thì nên sử dụng với liều thấp dưới chỉ định và theo dõi của bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.