Bệnh mề đay ánh sáng mặt trời là gì?

Dị ứng ánh nắng mặt trời dẫn đến các phản ứng như phát ban ngứa hoặc mề đay trên bất kỳ vùng da nào tiếp xúc với ánh nắng. Tuy nhiên, không có phương pháp điều trị dứt điểm cho tình trạng này bởi đây là một bệnh mãn tính. Do đó, người bệnh cần hạn chế tối đa quá trình tiếp xúc với ánh nắng.  

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ  chuyên ngành Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Các triệu chứng của bệnh mề đay ánh sáng mặt trời là gì?

Một số triệu chứng dị ứng ánh sáng mặt trời bao gồm phát ban hoặc nổi mề đay xảy ra đột ngột sau khi da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Chỉ cần tiếp xúc trong một thời gian ngắn với ánh nắng cũng có thể gây ra phản ứng này. Tình trạng này thường chỉ xuất hiện trên vùng da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng.

Cụ thể, các triệu chứng dị ứng ánh nắng mặt trời bao gồm:

  • Phát ban hoặc nổi mụn nước
  • Xuất hiện nhiều vết sưng nhỏ có khả năng hợp nhất thành các mảng lớn hơn
  • Ngứa, đau
  • Đỏ da
  • Bong da
  • Đóng vảy hoặc chảy máu 
Phát ban là một trong những triệu chứng thường gặp của dị ứng ánh nắng mặt trời.
Phát ban là một trong những triệu chứng thường gặp của dị ứng ánh nắng mặt trời.

Ngoài các dấu hiệu ngoài da, một số người bị dị ứng ánh nắng mặt trời còn gặp các triệu chứng khác như đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn, thay đổi nhịp tim và nhịp thở. Tình trạng này có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu vùng da rộng lớn tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.

Trong những trường hợp ít gặp, phản ứng nổi mề đay do tác động của năng lượng mặt trời có khả năng gây ra sốc phản vệ, đe dọa đến tính mạng người bệnh.

Tuy nhiên, các triệu chứng nổi mề đay do dị ứng với ánh nắng mặt trời thường dần hết sau khi không tiếp tục tiếp xúc. Tình trạng thường thuyên giảm trong vòng 24 giờ, miễn là người bệnh tránh tiếp xúc ánh nắng mặt trời.  

2. Nguyên nhân dị ứng ánh nắng mặt trời là gì?

Mề đay ánh sáng mặt trời là một bệnh lý hiếm gặp, hiện nay các nguyên nhân gây ra bệnh vẫn chưa được xác định rõ ràng. Các chuyên gia cho rằng, đây có thể là kết quả của một phản ứng miễn dịch.  

Hệ thống miễn dịch nhận nhầm các tế bào bị ảnh hưởng bởi mặt trời là tế bào lạ, kích thích phản ứng Histamine gây ra mẩn đỏ, viêm, ngứa và các triệu chứng khác.

Bất kỳ ai, bất kể chủng tộc nào đều có thể mắc phải dị ứng ánh sáng mặt trời. Tuy nhiên, tình trạng này thường xảy ra phổ biến hơn ở những người có làn da sáng.

Dị ứng ánh nắng mặt trời thường xuất hiện ở người trưởng thành trên 30 tuổi, đặc biệt là ở phụ nữ. Bên cạnh đó, những người có tiền sử dị ứng hoặc da nhạy cảm dễ bị phản ứng với ánh sáng mặt trời hơn.

3. Cách điều trị bệnh mề đay do năng lượng mặt trời như thế nào?

Dị ứng ánh sáng mặt trời gây ra các vết thương trên da vĩnh viễn. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn chưa có phương pháp điều trị khỏi hoàn toàn ngoài việc tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, đồng thời kiểm soát các triệu chứng là phương pháp điều trị chính.

Cách tốt nhất để giảm tần suất dị ứng là người bệnh nên hạn chế tối đa quá trình tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Khi ra ngoài, người bệnh hãy mặc quần áo rộng để che chắn ngực, tay và chân. Đội mũ có vòm rộng và đeo kính râm để bảo vệ khuôn mặt. Người bệnh sẽ cảm thấy thoải mái nhất khi ở trong nhà hoặc dưới bóng râm trong những thời điểm nắng gắt trong ngày.

3.1. Kem chống nắng

Kem chống nắng giúp bảo vệ da khỏi tác động của ánh nắng mặt trời. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tia UVB có nguy cơ cao gây ra phản ứng hơn, do đó người bệnh nên chọn kem chống nắng có khả năng ngăn chặn tia UVB.

Ngoài ra, kem chống nắng vật lý có thể hiệu quả hơn kem chống nắng hóa học trong quá trình ngăn chặn hoặc phản xạ ánh nắng mặt trời, đặc biệt là tia UVA.

Các chất như titan và kẽm thường được sử dụng để làm chệch hướng tia UVB, ngăn sự xuất hiện nốt mề đay do ánh nắng mặt trời. Do đó, người bệnh nên đều đặn thoa lại kem chống nắng mỗi khi ra ngoài.

3.2. Thuốc kháng Histamin

Các loại thuốc trị dị ứng có thể giúp người bệnh kiểm soát và giảm thiểu các cơn phát ban vì tình trạng này là một loại dị ứng. Thuốc kháng histamin ngăn chặn tình trạng giải phóng histamin gây phát ban và viêm da tiếp xúc khi tiếp xúc với ánh mặt trời.

Bác sĩ sẽ đề xuất loại thuốc phù hợp nhất với người bệnh. Tuy nhiên, do cơ địa mỗi người khác nhau, người bệnh có thể cần dùng liều cao hơn so với thông thường. Do đó, hãy trao đổi kỹ càng với bác sĩ về liều lượng thích hợp để đảm bảo an toàn, hiệu quả trong quá trình điều trị.  

3.3. Liệu pháp ánh sáng

Bác sĩ có thể đề xuất áp dụng đèn chiếu để tạo ra lượng ánh sáng có kiểm soát trong thời gian ngắn, gia tăng khả năng chống lại tác động của ánh nắng mặt trời. Phương pháp này áp dụng nguyên lý tương tự như liệu pháp miễn dịch, trong đó người bệnh sẽ được tiếp xúc với các liều nhỏ của chất gây dị ứng để dần giảm bớt sự mẫn cảm.

Trong quá trình chiếu sáng, người bệnh cần thực hiện kiểm tra kỹ lưỡng để đánh giá tác động của các bước sóng ánh sáng khác nhau lên cơ thể. Dựa trên kết quả này, bác sĩ sẽ thiết lập một chế độ điều trị tăng dần nhằm cải thiện sức chịu đựng với ánh sáng mặt trời.

3.4. Liệu pháp khác

Nếu các phương pháp điều trị cơ bản đã đề cập không đem lại kết quả như mong đợi, người bệnh có thể cần sử dụng các loại thuốc ức chế miễn dịch như cyclosporin. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, quá trình truyền các globulin miễn dịch hoặc thực hiện trao đổi huyết tương cũng có tác dụng khi kiểm soát dị ứng ánh nắng mặt trời.

Trong một số trường hợp hiếm, tình trạng dị ứng ánh nắng mặt trời tự nhiên biến mất hoàn toàn. Theo các nhà nghiên cứu, khoảng 15% người mắc bệnh này có khả năng tự động phục hồi sau 5 năm từ khi được chẩn đoán. Ngoài ra, tỷ lệ tự động phục hồi tăng lên 25% sau 10 năm.

Tổng kết lại, mề đay ánh sáng mặt trời là một loại dị ứng ánh nắng mặt trời. Do quá trình điều trị rất phức tạp, tình trạng này ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Vì vậy, khi việc tránh ánh sáng ban ngày gây khó khăn cho các hoạt động thường ngày, người bệnh cần thảo luận với bác sĩ ngay lập tức nếu cảm thấy sức khỏe thể chất và tinh thần đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng để được hỗ trợ thích hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Nguồn tham khảo: dermnetnz.org, ncbi.nlm.nih.gov, healthline.com, webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe