Viêm được xem một phần của quá trình chữa bệnh tự nhiên của cơ thể. Trong thời gian bị thương hoặc nhiễm trùng, cơ thể tiết ra các hóa chất để giúp bảo vệ và chống lại mọi sinh vật có hại khiến cho các dấu hiệu đỏ, nóng và sưng tấy xuất hiện. Một số thực phẩm như đường cũng có thể góp phần gây viêm trong cơ thể. Tuy nhiên, ăn quá nhiều thực phẩm gây viêm có thể gây ra viêm cấp thấp mãn tính, dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, chẳng hạn như bệnh tim, tiểu đường, ung thư và dị ứng.
1. Mối liên quan giữa đường và viêm nhiễm
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chế độ ăn nhiều đường bổ sung dẫn đến béo phì, kháng insulin, tăng tính thấm của ruột và viêm mức độ thấp. Tuy nhiên, các nghiên cứu khác lại xác nhận mối liên hệ giữa lượng đường được thêm vào và các dấu hiệu phản ứng viêm của cơ thể ở mức cao hơn.
Một nghiên cứu trên 29 người khỏe mạnh được cho sử dụng nhiều đường cho thấy rằng, chỉ tiêu thụ 40 gam đường bổ sung từ một lon nước ngọt 375ml mỗi ngày đã dẫn đến sự gia tăng các dấu hiệu viêm, kháng insulin và cholesterol LDL, đồng thời còn có xu hướng tăng cân nhiều hơn .
Một nghiên cứu khác ở những người thừa cân và béo phì cho thấy, tiêu thụ một lon nước ngọt thông thường hàng ngày trong sáu tháng dẫn đến tăng nồng độ axit uric, một nguyên nhân gây viêm và kháng insulin. Những đối tượng uống soda ăn kiêng, sữa hoặc nước không bị tăng nồng độ axit uric.
Uống đồ uống có đường có thể làm tăng mức độ viêm của cơ thể. Hơn nữa, hiệu ứng này có thể kéo dài trong một khoảng thời gian đáng kể.
Tiêu thụ một liều lượng 50 gam fructose gây ra sự gia tăng đột biến các dấu hiệu viêm như protein phản ứng C (CRP) chỉ 30 phút sau đó. Hơn nữa, protein phản ứng C (CRP) vẫn ở mức cao trong hơn hai giờ tiếp theo.
Ngoài việc bổ sung đường, ăn quá nhiều carbohydrate tinh chế cũng có liên quan đến việc gia tăng chứng viêm, trong đó bao gồm cả viêm mạch máu.
Trong một nghiên cứu, đối tượng nghiên cứu chỉ ăn 50 gam carbs tinh chế dưới dạng bánh mì trắng đã dẫn đến lượng đường trong máu cao hơn và tăng chỉ số viêm Nf-kB.
2. Bổ sung đường ảnh hưởng đến cơ thể của bạn như thế nào?
Sử dụng quá nhiều đường bổ sung và carbohydrate tinh chế gây ra một số thay đổi trong cơ thể. Đây cũng là lý do giúp giải thích tại sao chế độ ăn có bổ sung nhiều đường dẫn đến viêm mãn tính hoặc viêm mức độ thấp.
- Sản xuất dư thừa AGEs: Sản phẩm cuối cùng của quá trình glycation nâng cao (AGEs) là những hợp chất có hại hình thành khi protein hoặc chất béo kết hợp với đường trong máu. Quá nhiều sản phẩm dư thừa AGE dẫn đến căng thẳng oxy hóa và viêm.
- Tăng tính thấm của ruột: Vi khuẩn, độc tố và các mảnh thức ăn không được tiêu hóa có thể dễ dàng di chuyển ra khỏi ruột và vào máu hơn, có khả năng dẫn đến viêm .
- Cholesterol LDL cao hơn: Cholesterol LDL dư thừa có liên quan đến mức độ cao hơn của protein phản ứng C (CRP), một dấu hiệu của chứng viêm.
- Tăng cân: Chế độ ăn có hàm lượng đường và carbohydrate tinh chế cao có thể dẫn đến tăng cân và tích tụ chất béo dư thừa.
3. Đường bổ sung có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe lâu dài
3.1. Bệnh tim
Nghiên cứu với hơn 75.000 phụ nữ đã phát hiện ra rằng, những người tiêu thụ một chế độ ăn nhiều carbohydrate tinh chế và đường có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn tới 98% so với những phụ nữ tiêu thụ lượng carb tinh chế thấp nhất.
Lý do có thể là tác động của việc tiêu thụ đường đối với các yếu tố nguy cơ của bệnh tim; chẳng hạn như tăng cholesterol LDL, tăng huyết áp, béo phì, kháng insulin và tăng các dấu hiệu viêm trong cơ thể.
3.2. Ung thư
Một số nghiên cứu cho thấy, những người tiêu thụ nhiều đường có thể có nguy cơ phát triển ung thư cao hơn.
Một nghiên cứu xem xét chế độ ăn của hơn 35.000 phụ nữ đã phát hiện ra rằng, những người tiêu thụ nhiều thức ăn và đồ uống có đường nhất có nguy cơ phát triển ung thư ruột kết cao gấp đôi so với những người ăn chế độ ăn ít đường nhất.
Trong khi các nghiên cứu vẫn cần tiến hành thêm, người ta cho rằng nguy cơ ung thư tăng lên có thể là do tác dụng gây viêm của đường. Về lâu dài, tình trạng viêm do đường có thể làm hỏng DNA và tế bào cơ thể. Một số chuyên gia tin rằng mức insulin cao mãn tính, có thể là do tiêu thụ quá nhiều đường, cũng có thể đóng một vai trò trong sự phát triển ung thư.
3.3. Bệnh tiểu đường
Một phân tích ở hơn 38.000 người đã phát hiện ra rằng, chỉ một khẩu phần đồ uống có đường hàng ngày có liên quan đến nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2 cao cao khoảng 18% .
Một nghiên cứu khác liên quan đến bệnh tiểu đường của đường cho thấy rằng, việc tăng lượng siro ngô có liên quan chặt chẽ đến bệnh tiểu đường. Ngược lại, lượng chất xơ trong loại siro này lại giúp bảo vệ chống lại sự phát triển của bệnh tiểu đường.
3.4. Béo phì
Béo phì thường được gọi là bệnh viêm cấp thấp. Sử dụng quá nhiều đường có liên quan đến tăng cân và béo phì. Các chuyên gia cho rằng, chế độ ăn hiện đại thường chứa nhiều tinh bột tinh chế và đường bổ sung, có thể dẫn đến mất cân bằng vi khuẩn đường ruột. Điều này có thể giải thích phần nào sự phát triển của bệnh béo phì.
Một đánh giá của 88 nghiên cứu liên quan đến tình trạng béo phì cho thấy rằng, việc tiêu thụ nhiều soda có đường hơn có liên quan đến việc tiêu thụ nhiều calo hơn, trọng lượng cơ thể cao hơn và hấp thụ các chất dinh dưỡng quan trọng khác thấp hơn.
3.5. Những căn bệnh khác
Việc hấp thụ nhiều đường bổ sung và tinh bột có liên quan đến sự phát triển của các bệnh khác, chẳng hạn như bệnh gan, bệnh viêm ruột, suy giảm tinh thần, viêm khớp hay một số bệnh khác.
Đặc biệt, sử dụng quá nhiều fructose có liên quan đến bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Cho đến nay, vẫn chưa có đầy đủ căn cứ để giải thích nhưng nguyên nhân được cho là do sự kết hợp của sự gia tăng tính thấm của ruột, cùng với sự phát triển quá mức của vi khuẩn trong ruột gây nên tình trạng viêm cấp độ thấp.
Tuy nhiên, bằng chứng mối liên quan giữa đường với các vấn đề sức khỏe chủ yếu dựa trên các nghiên cứu quan sát. Do đó, chưa thể chứng minh rằng đường là nguyên nhân duy nhất gây ra những vấn đề sức khỏe này.
4. Đường tự nhiên không liên quan đến chứng viêm
Bạn cần xác định rõ sự khác biệt giữa đường bổ sung và đường tự nhiên. Đường bổ sung đã qua xử lý, được thêm vào thực phẩm và đồ uống để làm chất tạo ngọt hoặc tăng thời hạn sử dụng. Đường bổ sung có ở hầu hết trong thực phẩm và đồ uống chế biến sẵn, đường ăn cũng được coi là đường bổ sung. Các dạng đường bổ sung phổ biến khác bao gồm: Si-rô ngô có hàm lượng fructose cao (HFCS), sucrose, fructose, glucose và đường ngô.
Khoảng 13% người trưởng thành ở Mỹ có tổng lượng calo đến từ đường bổ sung. Con số này ở mức cao vì các hướng dẫn của chính phủ khuyên rằng, không nên có quá 5% đến 15% lượng calo từ cả chất béo rắn và đường bổ sung.
Tuy nhiên, đường tự nhiên lại không liên quan đến chứng viêm. Trên thực tế, nhiều loại thực phẩm chứa đường tự nhiên, chẳng hạn như trái cây và rau quả, có thể chống viêm. Đường tự nhiên bao gồm những loại đường có trong thực phẩm, như fructose trong trái cây và lactose trong sữa và các sản phẩm từ sữa.
Đường tự nhiên hoạt hoạt động rất khác với đường bổ sung khi được tiêu thụ và tiêu hóa trong cơ thể. Đường tự nhiên thường được tiêu thụ trong thực phẩm tự nhiên. Do đó, chúng thường đi kèm với các chất dinh dưỡng khác, chẳng hạn như protein và chất xơ, khiến đường tự nhiên được hấp thụ chậm. Sự hấp thụ ổn định của đường tự nhiên ngăn ngừa sự tăng đột biến của lượng đường trong máu. Một chế độ ăn nhiều thực phẩm như trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt cũng có thể có những lợi ích sức khỏe khác.
5. Thay đổi lối sống có thể giảm tình trạng viêm
Thay đổi nhất định trong lối sống, chẳng hạn như giảm lượng thức ăn có đường và thực phẩm chế biến sẵn, có thể dẫn đến mức độ viêm trong cơ thể thấp hơn Chẳng hạn, mức độ tiêu thụ đường fructose có tác động đối với chứng viêm, có nghĩa là bạn càng ăn nhiều, tình trạng viêm trong cơ thể càng nghiêm trọng.
Ngoài ra, lối sống ít vận động, hút thuốc và mức độ căng thẳng cao cũng có liên quan đến chứng viêm mãn tính cấp độ thấp. Tuy nhiên, hoạt động thể chất thường xuyên đã được chứng minh là có thể làm giảm mỡ bụng và các dấu hiệu viêm nhiễm ở người. Do đó, bạn có thể giảm mức độ viêm bằng cách thay đổi chế độ ăn uống cũng như lối sống.
Một nghiên cứu áp dụng việc thay thế thực phẩm đã qua chế biến bằng thực phẩm nguyên hạt cho kết quả rằng, thực phẩm chưa qua chế biến giúp cải thiện kháng insulin, mức cholesterol và giảm huyết áp, tất cả đều liên quan đến triệu chứng viêm. Một nghiên cứu khác cho thấy rằng, việc giảm tiêu thụ đường fructose giúp cải thiện các dấu hiệu viêm trong máu tới gần 30%.
Một số mẹo đơn giản để giúp giảm viêm:
- Hạn chế thực phẩm và đồ uống đã qua chế biến: Bằng cách giảm hoặc loại bỏ các sản phẩm này, bạn sẽ tự nhiên loại trừ các nguồn bổ sung đường chính như soda, bánh ngọt, bánh quy và kẹo, cũng như bánh mì trắng, mì ống và gạo.
- Đọc nhãn thực phẩm: Nếu bạn không chắc chắn về một số sản phẩm nhất định, hãy tập thói quen đọc nhãn thực phẩm. Bạn nên để ý các thành phần như sucrose, glucose, Si-rô ngô có hàm lượng fructose cao, maltose và dextrose.
- Chọn carbs nguyên hạt: Chúng bao gồm yến mạch, mì ống nguyên hạt, gạo lứt, quinoa và lúa mạch. Carbs nguyên hạt có nhiều chất xơ và chất chống oxy hóa, có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu và bảo vệ chống lại chứng viêm.
- Ăn nhiều trái cây và rau quả: Trái cây và rau quả có chứa chất chống oxy hóa, vitamin và khoáng chất, có thể bảo vệ và giảm viêm trong cơ thể.
- Ăn nhiều thực phẩm giàu chất chống oxy hóa: Sử dụng nhiều các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa giúp chống lại chứng viêm một cách tự nhiên. Chúng bao gồm các loại hạt, quả bơ, cá nhiều dầu và dầu ô liu.
- Duy trì hoạt động: Hoạt động thể chất thường xuyên, bao gồm cả tập thể dục nhịp điệu và thể dục thể thao, có thể giúp bảo vệ khỏi tăng cân và viêm nhiễm.
- Quản lý căng thẳng: Học cách quản lý căng thẳng thông qua các kỹ thuật thư giãn và tập thể dục có thể giúp giảm viêm.
Bằng chứng cho thấy rằng, ăn quá nhiều đường và quá nhiều carbohydrate tinh chế sẽ gây ra tình trạng viêm trong cơ thể bạn. Theo thời gian, tình trạng viêm do thói quen ăn uống thiếu khoa học có thể dẫn đến một số vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như bệnh tim, tiểu đường, bệnh gan và ung thư.
Tuy nhiên, tình trạng viêm cũng có thể do nhiều yếu tố khác gây ra, bao gồm căng thẳng, thuốc, hút thuốc và hấp thụ chất béo dư thừa. Nhưng bạn có thể áp dụng nhiều phương pháp để giúp chống lại chứng viêm, bao gồm tập thể dục thường xuyên và kiểm soát mức độ căng thẳng của bạn một cách hiệu quả. Hơn nữa, bạn hãy cắt giảm thực phẩm và đồ uống đã qua chế biến, chọn thực phẩm nguyên hạt và hạn chế ăn thêm đường và carbohydrate tinh chế để có một sức khỏe tốt nhất.
Hãy theo dõi trang web: Vinmec.com thường xuyên để có thể cập nhật nhiều thông tin bổ ích khác.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com