Mối liên hệ giữa đường và các bệnh tim mạch, mãn tính

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Nguyễn Văn Dương - Bác sĩ Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Các món ăn, đồ uống có vị ngọt luôn có sức hấp dẫn khiến chúng ta khó có thể từ chối. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát tốt, lượng đường nạp vào cơ thể nhiều quá mức trong thời gian dài sẽ gây nhiều hệ lụy đến sức khỏe, nhất là tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, mãn tính.

1. Ăn nhiều đường làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch

Thói quen ăn quá nhiều đường sẽ gây hại nghiêm trọng cho tim mạch. Thậm chí, đường còn có hại hơn rất nhiều lần chất béo gây tổn thương cho mạch máu, làm tăng nguy cơ đau tim và các bệnh tim mạch. Ngoài ra, đường cũng làm tăng mức insulin, kích hoạt hệ thống thần kinh giao cảm, tăng nhịp tim và huyết áp.

Huyết áp cao làm tim và động mạch của bạn phải làm việc nhiều hơn, tăng nguy cơ xảy ra các cơn đau tim, đột quỵ và một số vấn đề nghiêm trọng khác về động mạch như các bệnh lý mạch máu ngoại biên .

Càng ăn nhiều loại thức ăn có chưa hàm lượng đường cao thì nguy cơ béo phì, tiểu đường và bệnh tim mạch sẽ càng cao.

2. Đường dư thừa làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính


Lượng đường dư thừa sẽ làm ảnh hưởng đến gan
Lượng đường dư thừa sẽ làm ảnh hưởng đến gan

Lượng đường dư thừa trước hết sẽ làm ảnh hưởng đến gan – cơ quan giải độc lớn và quan trọng nhất của cơ thể. Ăn nhiều đường không chỉ khiến hoạt động thải độc tố mà còn cả việc xử lý lượng protein trong cơ thể cũng bị quá tải. Ngoài ra, gan đồng thời còn phải xử lý rất nhiều các quy trình chuyển hóa khác.

Các bệnh về gan xảy ra thường là do uống quá nhiều rượu, bia. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ngay cả khi không hề uống nhiều rượu, bia, người bệnh cũng có thể mắc bệnh gan khi ăn quá nhiều đường.

Khi tiêu thụ đường với số lượng lớn, gan có thể bị tổn thương cũng như khi uống nhiều rượu. Thói quen ăn quá nhiều đường sẽ gây nhiều áp lực cho gan, dẫn đến gan bị nhiễm mỡ và lâu dài gây ra các bệnh gan mạn tính khác.

Một chế độ ăn nhiều thực phẩm và đồ uống có đường ngoài việc làm tăng nguy cơ béo phì còn có thể làm tăng nguy cơ ung thư đáng kể.

Một nghiên cứu thực hiện trên hơn 430.000 người cho thấy việc ăn quá nhiều đường có liên hệ với tình trạng tăng nguy cơ ung thư thực quản, ung thư màng phổi và ung thư ruột non.

Một nghiên cứu khác cũng cho thấy những phụ nữ ăn bánh ngọt và bánh quy nhiều hơn 3 lần mỗi tuần cũng có nguy cơ mắc ung thư nội mạc tử cung cao gấp 1,42 lần so với những phụ nữ tiêu thụ những thực phẩm này ít hơn 1 lần mỗi tuần.

Thói quen ăn quá nhiều đường có thể dẫn đến nguy cơ béo phì, kháng insulin và viêm. Tất cả những điều này đều là yếu tố nguy cơ gây ung thư.

3. Ăn nhiều đường gây nhiều vấn đề về sức khỏe

Bên cạnh hệ lụy lâu dài, gây hại và tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch mạn tính, thì khi nạp quá nhiều đường cũng gây ra nhiều vấn đề với sức khỏe.

3.1 Tăng cân không kiểm soát

Thói quen ăn nhiều đường sẽ khiến tăng cân, nhưng sẽ không thể tăng phần cơ mà sẽ tăng lượng mỡ có hại mà thôi. Nhiều nghiên cứu đã xác định có mối liên hệ rõ ràng giữa nước ngọt có gas và bệnh béo phì. Các loại nước ngọt có gas chẳng những không mang lại giá trị dinh dưỡng nào mà còn khiến tăng cân và tăng nguy cơ béo phì nữa.

3.2 Răng dễ bị sâu hơn

Một trong những tác hại đáng sợ của việc ăn quá nhiều đường chính là nó sẽ khiến sức khỏe răng miệng của bạn trở nên tồi tệ hơn. Càng uống nhiều nước ngọt có gas, ăn nhiều kẹo thì răng sẽ bị sâu càng nhanh hơn.


Ăn quá nhiều đường khiến răng dễ bị sâu hơn
Ăn quá nhiều đường khiến răng dễ bị sâu hơn

3.3 Hấp thu dưỡng chất gặp khó khăn

Những đối tượng tiêu thụ nhiều đường nhất chính là trẻ em và thanh thiếu niên. Trong khi đây là nhóm đối tượng cần hấp thụ nhiều chất dinh dưỡng nhất thì việc ăn nhiều đường lại cản trở quá trình hấp thu các dinh dưỡng quan trọng cho cơ thể. Cơ thể có thể gặp khó khăn trong việc hấp thụ các dưỡng chất như vitamin A, vitamin C, vitamin B12, canxi, photpho, magie, sắt...

Nguyên nhân gây thiếu chất dinh dưỡng mà bạn có thể bỏ qua đó chính là ăn quá nhiều đường. Đường có khả năng làm chậm hoặc ngăn cản hoàn toàn quá trình hấp thu dưỡng chất cần thiết cho cơ thể.

3.4 Da trở nên xấu hơn

Các nhà khoa học đã phát hiện thấy việc tiêu thụ các thực phẩm chứa nhiều đường có liên quan đến các vấn đề về da. Các phân tử đường thường gây kết dính collagen, thành phần quyết định độ đẹp xấu của làn da bạn.

Lượng đường quá nhiều làm cho các tế bào collagen trong cơ thể hoạt động kém đi, khiến các mô da cứng lại, da mất độ đàn hồi cần thiết. Khi ấy, các nếp nhăn sẽ xuất hiện, khiến da sần sùi, nổi mụn trứng cá, thậm chí gây viêm da nghiêm trọng.

Càng ăn nhiều đường thì tình trạng da bạn sẽ càng trở nên tệ hại hơn. Đường sẽ khiến da bạn nổi nhiều mụn trứng cá hơn và nhanh lão hóa hơn.

Như vậy, mặc dù những thức ăn, đồ uống chứa nhiều đường có hấp dẫn đến đâu thì bạn cũng cần hạn chế ăn vừa đủ, tránh gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tăng nguy cơ mắc bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe