Ai dễ bị dị ứng với kim loại Niken?

Dị ứng kim loại Niken là loại dị ứng phổ biến và thường xảy ra ở nữ giới. Mặc dù bệnh không gây nguy hiểm nhưng sẽ khiến người bệnh khó chịu bởi triệu chứng ngứa hoặc mề đay. Hiện nay, không có thuốc điều trị dị ứng Niken. Cách tốt nhất là áp dụng tránh tiếp xúc với các vật dụng chứa Niken. Bài viết dưới đây sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về loại dị ứng này nhé. 

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ  chuyên ngành Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. 

1. Dị ứng kim loại niken là gì?

Niken là một kim loại có màu trắng bạc, bề mặt sáng bóng, cứng nhưng lại dễ dàng bị cán mỏng, uốn cong hoặc kéo thành sợi. Thường xuyên được trộn với các kim loại khác, Niken có nhiều ứng dụng đa dạng trong các lĩnh vực khác nhau như:

  • Trang sức: Dây chuyền, nhẫn, bông tai,...
  • Tiền xu
  • Chìa khóa
  • Điện thoại di động
  • Khung kính
  • Kẹp giấy
  • Bút
  • Niềng răng
  • Thiết bị nhà bếp không gỉ và đồ dùng cho ăn uống
  • Dây kéo, chụp các loại khuy và khóa dây lưng.
  • Hơn nữa, Niken cũng được tìm thấy trong một lượng nhỏ ở một số loại thực phẩm như hạt điều, cacao, coca cola, đậu đỏ, đậu xanh, rau chân vịt và các loại quả đóng hộp,...

Theo thống kê, dị ứng kim loại Niken chiếm tỷ lệ cao nhất trong các loại kim loại gây dị ứng với tỷ lệ khoảng 15-17% ở nữ giới và nam giới chiếm khoảng 3%.  

2. Nguyên nhân gây dị ứng với Niken

Dị ứng kim loại Niken là một phản ứng miễn dịch bất lợi xảy ra khi tiếp xúc với sản phẩm chứa Niken. Đối với những người mẫn cảm với Niken, hệ thống miễn dịch sẽ nhận nhầm Niken là một mối đe dọa và sản xuất các chất để chống lại tác nhân này, dẫn đến phản ứng dị ứng.

Ngoài việc tiếp xúc với Niken gây ra tình trạng dị ứng thì còn có một số yếu tố khác dẫn đến tình trạng này như:

  • Di truyền: Nếu trong gia đình có thành viên mắc dị ứng kim loại, những thành viên còn lại sẽ có nguy cơ cao mắc loại dị ứng này.
  • Ra nhiều mồ hôi: Điều này chủ yếu xảy ra ở những người thường xuyên đeo trang sức khi tập thể dục. Mồ hôi sẽ làm giải phóng ion Niken trong kim loại, dẫn đến tình trạng dị ứng.
  • Không thường xuyên vệ sinh trang sức: Bụi bẩn, nấm mốc hay bã nhờn tích tụ lâu ngày trên bề mặt trang sức sẽ tạo môi trường thuận lợi để phát triển dị ứng kim loại nghiêm trọng hơn. 
Niken là tác nhân gây ra phản ứng dị ứng kim loại.
Niken là tác nhân gây ra phản ứng dị ứng kim loại.

3. Triệu chứng của dị ứng kim loại Niken

Dấu hiệu của dị ứng Niken bao gồm các tổn thương da dạng chàm, thường xuất hiện trên các vùng da tiếp xúc với vật dụng kim loại hoặc hợp kim chứa Niken.

Các vị trí thường xuyên gặp phải dị ứng kim loại Niken bao gồm: vùng cổ tay đeo đồng hồ, trang sức và khu vực bụng hay quanh rốn tiếp xúc với khuy, cúc quần.

Tại các vùng da bị ảnh hưởng sẽ thấy có các triệu chứng:

  • Ngứa nhiều và dữ dội.
  • Xuất hiện các nốt mẩn đỏ hoặc mề đay trên da.
  • Vùng da bị dị ứng có thể đỏ hoặc thay đổi màu sắc. Trong giai đoạn cấp tính, da có thể xuất hiện các mụn nước hoặc bọng nước thành từng đám trên nền da đỏ. Khi các mụn nước này vỡ sẽ chảy dịch và sau đó để lại lớp vỏ, vảy.
  • Sau giai đoạn đầu, vùng da bị tiếp xúc sẽ trở nên dày lên, khô và bắt đầu bong vảy cũng như tăng sắc tố. Các vết xước hay trầy xước do gãi cũng có thể hình thành trên da.
  • Trong các trường hợp nghiêm trọng, có thể thấy phát ban lan rộng trên da. Nếu da bị nhiễm trùng, vùng da ảnh hưởng sẽ trở nên rát, đỏ và có thể chứa mủ. Các triệu chứng này thường giảm dần và biến mất khi ngừng tiếp xúc với các vật chứa Niken. Phát ban thường xuất hiện từ 12 đến 48 giờ sau khi tiếp xúc và có thể kéo dài từ 3 đến 4 tuần.

4. Ai dễ bị dị ứng với kim loại Niken?

Dị ứng Niken là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra viêm da dị ứng tiếp xúc. Tình trạng này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi nhóm người nhưng phổ biến hơn ở phụ nữ so với nam giới, có thể do phụ nữ thường xuyên đeo trang sức hơn.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc dị ứng kim loại Niken:

  • Đeo trang sức chứa niken: Niken là kim loại thường gặp trong các loại đồ trang sức, vì thế dị ứng Niken thường liên quan đến việc đeo khuyên tai và các loại trang sức khác có chứa Niken.
  • Tiếp xúc thường xuyên với kim loại.
  • Có thành viên trong gia đình bị dị ứng Niken.
  • Dị ứng với các kim loại khác: Những người dị ứng với các loại kim loại khác có nguy cơ cao bị dị ứng với Niken. 
Phụ nữ thường xuyên đeo đồ trang sức có nguy cơ dễ bị dị ứng với Niken.
Phụ nữ thường xuyên đeo đồ trang sức có nguy cơ dễ bị dị ứng với Niken.

5. Điều trị dị ứng niken như thế nào?

5.1. Điều trị của bác sĩ

Khi xuất hiện các triệu chứng tương tự như dị ứng Niken đã nêu trên, bệnh nhân nên lập tức tháo bỏ trang sức hoặc các vật dụng kim loại đang đeo trên người.

Nếu gặp các triệu chứng giống như dị ứng Niken, hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bác sĩ có thể yêu cầu làm thử nghiệm áp da (patch test) để xác định liệu bệnh nhân có dị ứng với Niken hay không. Sau khi áp miếng dán, bác sĩ sẽ theo dõi phản ứng da trong khoảng 48 giờ để kiểm tra dấu hiệu của phản ứng dị ứng.  

Sau khi kiểm tra bác sĩ có thể đề xuất một số loại thuốc để thuyên giảm các triệu chứng do dị ứng kim loại gây ra như thuốc kháng histamin, thuốc kháng viêm, kháng sinh và thuốc bôi ngoài da chứa hydrocortisone.

Ở những vùng da bị mụn nước hoặc phồng rộp, bệnh nhân không nên gãi để tránh làm vỡ mụn nước, gây bội nhiễm và làm cho việc điều trị trở nên phức tạp hơn. Ngoài ra, bệnh nhân không nên tự ý dùng thuốc bôi hoặc thuốc uống mà không có sự chỉ định từ bác sĩ.

5.2. Điều trị tại nhà

Ngoài những phương pháp điều trị trên, bệnh nhân có thể làm giảm triệu chứng dị ứng tại nhà bằng các mẹo dân gian bao gồm:

  • Sử dụng kem dưỡng, dầu làm mềm da hoặc dầu khoáng để duy trì độ ẩm cho da. Lưu ý không sử dụng một số loại kem mỡ hoặc kem kháng sinh chứa neomycin vì sẽ làm triệu chứng dị ứng trầm trọng hơn.
  • Áp dụng gạc thấm nước hoặc dung dịch Burrow để làm dịu triệu chứng sưng phồng và ngứa.
  • Sử dụng các nguyên liệu tự nhiên như nha đam, bột trà xanh, bột yến mạch, mật ong… để cung cấp dưỡng chất cho cơ thể cũng như tăng cường độ ẩm cho da. 
Sử dụng mật ong để duy trì độ ẩm da khi bị dị ứng kim loại.
Sử dụng mật ong để duy trì độ ẩm da khi bị dị ứng kim loại.

Dị ứng kim loại Niken là loại dị ứng phổ biến với các triệu chứng từ nhẹ đến nặng. Vì vậy, khi gặp tình trạng dị ứng nên đến bác sĩ ngay để được kiểm tra và điều trị phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

XEM THÊM

 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe